CẢI CÁCH Ở CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA TỪ 1978
A A+
CẢI CÁCH Ở CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA TỪ 1978

CẢI CÁCH Ở CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA TỪ 1978

Văn Ngọc Thành, Khoa Sử, ĐHSP Hà Nội

 

 

Sau “Đại cách mạng văn hoá”, báo chí Trung Quốc cho biết, sản xuất lương thực tính theo đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 20  năm trước đó. Cả nước có khoảng 100 triệu người không đủ ăn. Hoa Quốc Phong đã nhận xét: “Từ 1966 đến nay, các kế hoạch hoàn toàn không tồn tại, mà chỉ có những dàn bài sơ lược của chúng”. Thực tế, trong 30 năm tồn tại của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chỉ có một kế hoạch được  lập đúng và thực hiện đúng, đó là kế hoạch 5 năm lần thứ I.

          Thực trạng của nền kinh tế đất nước sau “Đại cách mạng văn hoá” cùng với những thay đổi mạnh mẽ của tình hình thế giới do cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật mang lại đã được những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc phải nhanh chóng tiến hành cải cách kinh tế. Trên thực tế, cùng với quá trình Đặng Tiểu Bình vươn lên nắm quyền lãnh đạo ở Trung Quốc sau sự sụp đổ của “nhóm bốn người”, công cuộc cải cách kinh tế đất nước cũng đã chuyển động những bước đầu tiên. Tuy nhiên, quá trình này được chính thức phát động vào tháng 12 - 1978.

          Tháng 12 - 1978, Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ III, khoá XI, đã vạch ra đường lối mới, mở đầu cho công cuộc cải cách kinh tế - xã hội ở Trung Quốc. Hội nghị đã quyết định từ bỏ việc “lấy đấu tranh giai cấp làm then chốt”, chuyển trọng tâm sang xây dựng hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa với “Bốn hiện đại hoá” làm cơ sở (Hiện đại hoá công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng và khoa học kỹ thuật). Qua các Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XII (9 -1982), XIII (10 - 1987), XIV (10 - 1992), XV (1997), đường lối này không ngừng được bổ sung và hoàn chỉnh, trở thành đường lối chung của công cuộc cải cách kinh tế - xã hội ở Trung Quốc hiện nay. Đường lối đó là: “Trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, đường lối cơ bản của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc là lãnh đạo và đoàn kết các dân tộc cả nước, lấy xây dựng kinh tế làm trọng tâm, kiên trì bốn nguyên tắc cơ bản, kiên trì  cải cách mở cửa, tự lực cánh sinh, gian khổ lập nghiệp, phấn đấu xây dựng nước ta thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh”. Trong quá trình thực hiện đường lối này cần chú ý 3 nội dung:

Thứ nhất: Xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc tức là: “không thể làm theo sách, cũng không thể làm theo nước ngoài, phải xuất phát từ tình hình đất nước, kết hợp với nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác với thực tiễn Trung Quốc, mở ra con đường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc trong thực tiễn”; Thứ hai: đường lối cơ bản của  cải cách là “một khâu trọng tâm, hai điểm cơ bản”, tức là lấy  xây dựng kinh tế làm nhiệm vụ trọng tâm, cải cách và mở cửa  là hai biện pháp chính. Để thực hiện điều đó phải kiên trì 4 nguyên tắc cơ bản: Kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, kiên trì chuyên chính dân chủ nhân dân, kiên trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Mao Trạch Đông; Thứ ba: Xác định “giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội” có thể kéo dài hàng trăm năm.

          Với đường lối trên, sau 10 năm cải cách (từ 1978 - 1988) mức tăng bình quân hàng năm của tổng sản phẩm quốc dân là 9,6%, xuất nhập khẩu tăng gấp 4 lần, thu nhập bình quân hàng năm của nông dân tăng 11,8%, của cư dân thành thị tăng 6,5%. Năm 1988, tổng giá trị sản phẩm quốc dân tăng 1.401,5 tỷ nhân dân tệ, thu nhập quốc dân là 1.177 tỷ nhân dân tệ (tăng 20 lần so với năm 1949). Sản lượng công nghiệp từ 1978 đến 1990 tăng trung bình hàng năm là 12,6%.

          Về nông nghiệp, từ năm 1980 đến năm 1990, mức tăng bình quân hàng năm về lương thực đã đạt 10 triệu tấn, bông: 16 vạn tấn, các loại thịt: 1 triệu 18 vạn tấn. Nếu như trước năm 1978 Trung Quốc chỉ có thuốc là loại nông phẩm đứng hàng đầu thế giới thì ngày nay có nhiều loại nông phẩm của Trung Quốc có sản lượng xếp vào hàng đầu thế giới: gạo, bông, thịt, dầu ăn, trứng, thuốc lá.

          Từ sau Đại hội lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10 - 1992), công cuộc cải cách kinh tế càng được đẩy mạnh hơn nữa với những quan niệm mới. Từ trao đổi hàng hoá Trung Quốc đã chuyển sang chứng khoán và trái phiếu. Nhiều đặc khu kinh tế được mở ra cùng với hoạt động của thị trường chứng khoán như Thượng Hải, Thẩm Quyến... theo các khẩu hiệu: “Cải cách hơn nữa, mở cửa hơn nữa”, “Làm giàu là vinh quang”. Các nhà quan sát nước ngoài cho rằng “Đằng sau tất cả những điều này là sự thay đổi đáng chú ý về quan niệm, trước hết trong giới lãnh đạo Trung Quốc”(1).  Quan điểm của Trung Quốc về “một Nhà nước hai chế độ” trong quá trình tiếp nhận Hồng Kông (1997) và Makao (1999) đã thể hiện điều này.

          Để đẩy mạnh quá trình cải cách kinh tế, các biện pháp cải cách hành chính cũng được áp dụng. Trung Quốc đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo các cấp và phát huy năng lực của lớp cán bộ kế cận, giải thể uỷ ban cố vấn Trung ương, thay thế 26 trong số hơn 40 bộ trưởng các ngành... Đặc biệt, Đảng và Nhà nước Trung Quốc đã kiên quyết đấu tranh chống tệ tham nhũng trong bộ máy cao cấp của Đảng và Nhà nước. Vụ án Trần Hi Đồng  (Bí thư Thành uỷ Bắc Kinh) và Thành Khắc Kiệt (Phó chủ tịch Quốc hội) trong những năm qua đã thể hiện điều này.   Cùng với các biện pháp cải cách hành chính, các biện pháp cải cách kinh tế và mở cửa được đẩy mạnh. Trung Quốc quyết định mở cửa thêm 184 thành phố, huyện trong nội địa cho người nước ngoài vào kinh doanh; nới lỏng việc kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân trong nước, gần đây là cải cách khu vực kinh tế nhà nước (cổ phần hoá các xí nghiệp nhỏ, làm ăn thua lỗ...). Đồng thời, để chuẩn bị cơ chế kinh tế cho việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), từ năm 1993, Trung Quốc đã áp dụng nhiều chính sách cải cách ngoại thương quan trọng như: Giảm thuế nhập khẩu 200 mặt hàng từ các nước phương Tây, giảm 53,2% tổng số mặt hàng lâu nay bị đánh thuế xuất nhập khẩu. Gần đây Trung Quốc đã quyết định mở cửa các ngành sản xuất về nông nghiệp, năng lượng, giao thông, bưu điện, công nghiệp nhẹ v.v... nên Chính phủ Mĩ đã quyết định thông qua quy chế bình thường thương mại lâu dài với Trung Quốc (Ngày 19 - 9 - 2000) để dọn đường cho Trung Quốc gia nhập WTO vào cuối năm 2000.

          Với những biện pháp mạnh mẽ trên đây, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước phát triển mới. Từ năm 1993 đến 1997, tỷ lệ tăng trưởng GDP  của Trung Quốc là 10,9%, riêng năm 1997 đạt tới 17,8% với giá trị tuyệt đối 7400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 900 tỷ USD), đứng vị trí thứ 7 trên toàn cầu. Tổng ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc năm 1997 là 325 tỷ USD, xếp thứ 10 so với các nước. Hiện nay Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại tệ nhiều thứ hai của thế giới sau Nhật Bản, tính đến cuối năm 1997 là 143 tỷ USD. Với tiềm năng kinh tế đó, Trung Quốc đã vững vàng vượt qua cơn khủng hoảng tài chính, tiền tệ châu Á trong năm 1997 - 1998. Năm 1999  kinh tế Trung Quốc vẫn giữ mức tăng trưởng 7,1%, công nghiệp 9% và 6 tháng đầu năm 2000 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 7,5%(2).

          Với những thành tựu kinh tế đạt được, đời sống nhân dân Trung Quốc đã được cải thiện rõ rệt. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở thành phố tăng 12% (đạt 200300 nhân dân tệ/người), ở nông thôn tăng 2% (đạt 860% nhân dân tệ/người) so với năm 1992.

          Về khoa học kỹ thuật, sau ngày giải phóng (1949) Trung Quốc chỉ có 30 viện, sở nghiên cứu khoa học với 50.000 cán bộ, nhân viên, trong đó chỉ có 500 người đang tiến hành công tác nghiên cứu. Ngày nay, Trung Quốc có 11 triệu cán bộ khoa học - kỹ thuật với 5400 viện, sở  nghiên cứu khoa học kỹ thuật không ngừng đạt được những thành tựu to lớn. Từ năm 1964, Trung Quốc đã thành công trong cuộc thử nghiệm nổ bom nguyên tử đầu tiên và năm 1965 thành công trong  nghiên cứu  bom khinh khí, đưa Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân. Ngày 24-2-1970, Trung Quốc phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên, đến nay Trung Quốc đã phóng hàng chục vệ tinh các loại. Số lượng vệ tinh của Trung Quốc đứng hàng thứ 4 thế giới và phục vụ có hiệu qủa cho công tác nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế cũng như tăng cường sức mạnh quốc phòng.

Bảng 3: Tình hình đời sống và văn hoá của Trung Quốc từ 1970 đến 1988.

 

Đơn vị

1970

1980

1988

Tuổi thọ trung bình

Năm

63,2

67,8

69

Dân số thành thị

%

20,0

20,4

21,1

Mù chữ

%

 

34,5

30,7

Số thầy thuốc

%

0,26

0,45

0,91

Số học sinh phổ thông trung học

%

24

46

42

Số sinh viên đại học

%

0,1

1,3

1,7

Số sách xuất bản

Đầu sách

2450

3.600

2.300

 

          Về chính sách đối ngoại: Từ chính sách “đối ngoại theo kiểu Hồng vệ binh” của thời kỳ “Đại cách mạng văn hoá”, sau 1978 chính sách đối ngoại của Trung Quốc được sửa đổi, chuyển sang “hoà dịu” (1) và hướng về phương Tây. Thực tế, chính sách đối ngoại hướng về phương Tây của Trung Quốc đã bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX, tuy nhiên chính sách thời kỳ đó khác hẳn với hiện nay, nó chỉ phục vụ cho ý định tạo lập nên hệ thống “Tam giác chiến lược” chứ không phải phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước như hiện nay. Theo xu hướng “hoà dịu” này, từ những năm 80 Trung Quốc bắt đầu khởi động quá trình bình thường hoá quan hệ với Liên Xô, Mông Cổ,  Lào, Inđônêxia, Việt Nam... mở rộng quan hệ  hợp tác với các nước trên thế giới, góp sức giải quyết các vụ tranh chấp quốc tế, trong đó có vấn đề Cămpuchia và tìm mọi cách nâng cao địa vị của Trung Quốc trên trường quốc tế.

          Nhằm tạo dựng lòng tin ở các nước trên thế giới, Trung Quốc đã nhấn mạnh:

          - Trung Quốc chống chủ nghĩa bá quyền và bảo vệ hoà bình thế giới;

          - Trung Quốc không gắn với một nước nào và không khuất phục trước sức ép của bất kỳ nước lớn nào. Trung Quốc quyết định chính sách của mình theo từng trường hợp;

          - Không gia nhập liên minh về quan hệ chiến lược với bất kỳ nước lớn nào;

          - Mở  rộng đoàn kết và hợp tác với các nước trên thế giới thứ ba khác được xem là chính sách đối ngoại cơ bản của Trung Quốc;

          - Trung Quốc đã sẵn sàng phát triển sự hợp tác kinh tế, buôn bán và kỹ thuật với tất cả các nước đã hoặc đang phát triển, trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi;

          - Trung Quốc tuân thủ 5 nguyên tắc chung sống hoà bình và mong muốn phát triển sự hợp tác hữu nghị với tất cả các nước theo những nguyên tắc này.        

          Từ thập kỷ 90 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã tích cực tham gia nhiều diễn đàn quốc tế, hoạt động trong nhiều khu vực, nhiều tổ chức chính trị và kinh tế quốc tế như APEC, GATT, mở rộng quan hệ các nước như Nam Phi, Vatican, Ixraen... nhằm vươn lên trưởng thành một “cực” quan trọng trong xu thế đa cực của thế giới. Các mối quan hệ đối ngoại của Trung Quốc đều tuân theo tư tưởng chỉ đạo: đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu, “bỏ qua quá khứ, hướng về tương lai”. Hiện nay chính sách đối ngoại  của Trung Quốc tập trung vào Mĩ, Nhật, Tây Âu và Đông Nam á.

          Trong quan hệ với các nước láng giềng xung quanh, Trung Quốc  đặc biệt coi trọng và thúc đẩy quan hệ mọi mặt với các nước trong tổ chức ASEAN, năm 1993 được coi là “năm  ASEAN của Trung Quốc”. Hiện nay Trung Quốc là một đối tác quan trọng của ASEAN.

          Mặc dù đang còn không ít những khó khăn phải giải quyết trong quá trình cải cách như: cân đối giữa cung và cầu, lương thực - dân số, nợ nước ngoài, sự chênh lệch giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng ven biển với nội địa... Nhưng những thành quả của hơn 20 năm cải cách đã chứng minh hướng đi đúng đắn của Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Trung Quốc bước vào thế kỷ XXI với một tư thế hoàn toàn mới. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Trung Quốc sẽ là một siêu cường quốc của thế giới, sẽ vượt Mĩ ở thế kỷ XXI.

 

Bảng 4: Những chỉ số chính của kinh tế quốc dân Trung Quốc từ 1952 đến 1988

 

Đơn vị

1952

1965

1978

1980

1985

1988

Dân số

Nghìn

574820

725380

962590

987500

1050440

1096140

Tổng sản phẩm quốc dân

Triệu NDT

 

 

358800

447000

856800

1401500

Thu nhập quốc dân

Triệu NDT

58900

138700

301000

368800

704000

1177000

Tổng sản phẩm xã hội

Triệu NDT

101500

269500

684600

853400

1660300

2984700

Tổng giá trị sản lượng nông nghiệp

Triệu NDT

46100

83300

139700

192300

361900

586500

Tổng giá trị sản lượng công nghiệp

Triệu NDT

34900

140200

423700

515400

971600

1822400

Số giường bệnh

Nghìn

160

761

1856

1982

2229

2503

 

 

(1) The nation, 1 - 10 - 1992

(2) Những số liệu này dựa theo - Lương Tân, Mưu lược Chu Dung Cơ, nhà xuất bản trẻ 2000.

- Viện kinh tế thế giới, kinh tế thế giới 1999 - 2000, đặc điểm và trển vọng.

Nhà xuất bản chính trị quốc gia, H, 2000

(1) Một số nhà nghiên cứu cho rằng cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung tháng 2 -1979 là một ngoại lệ trong đường lối đối ngoại của Trung Quốc từ sau 1978.

Views: 8614 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top