NHẬN XÉT VỀ CẢI CÁCH Ở ẤN ĐỘ
A A+
NHẬN XÉT VỀ CẢI CÁCH Ở ẤN ĐỘ

3.1. Về thành tựu, hạn chế và thách thức của cuộc cải cách ở Ấn Độ

3.1.1. Những thành tựu và hạn chế của cuộc cải cách ở Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2010

          Có thể khẳng định rằng, kết quả của cải cách thời gian qua là khá toàn diện nhưng thành tựu lớn nhất trong công cuộc cải cách từ 1991 đến nay là đã đưa Ấn Độ thoát khỏi cuộc khủng hoảng; bước đầu điều chỉnh nền kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế.

Trong 20 năm qua, Ấn Độ đã luôn là nước có tốc độ phát triển đứng thứ hai thế giới – sau Trung Quốc – trung bình trên 6% mỗi năm. Năm 2005, tốc độ tăng trưởng của nước này được nâng lên 7,5%. Nhiều nhà quan sát tin rằng Ấn Độ có thể mở rộng hơn với tốc độ này trong thập kỷ tới.

Các công ty của Ấn Độ đang phát triển với một tốc độ phi thường, với lợi nhuận hàng năm tăng tới 15, 20 và 25%. Tập đoàn Tata, công ty lớn nhất Ấn Độ, là một tập đoàn lớn sản xuất đủ mọi thứ, từ xe hơi và thép cho đến phần mềm và cung cấp các dịch vụ tư vấn. Ở góc độ này, Tata là cánh cửa sổ hữu ích để nhìn vào nền kinh tế công nghiệp và hậu công nghiệp của Ấn Độ. Tổng thu nhập của tập đoàn này năm 2005 đã tăng từ 17 tỷ USD lên 24 tỷ USD. Ở góc độ khác, ngành sản xuất thiết bị ôtô lại bao gồm hàng trăm công ty nhỏ. Năm năm trước, tổng thu nhập của ngành này là 4 tỷ USD. Năm nay mức thu nhập này sẽ vượt 10 tỷ USD. Năm 2008, chỉ riêng General Motors cũng sẽ nhập khẩu một tỷ USD các bộ phận ôtô từ Ấn Độ.

Ngành công nghiệp thẻ tín dụng đang tăng trưởng 35% một năm. Tiêu dùng cá nhân ở Ấn Độ đạt tới con số đáng kinh ngạc là 67% GDP, cao hơn nhiều so với Trung Quốc (42%) hay bất kỳ một nước châu Á nào, chỉ thấp hơn Hoa Kỳ (70%).

Về chính trị: Có thể thấy rằng, cải cách chính trị của Ấn Độ chủ yếu tập trung trên 2 lĩnh vực chính là bộ máy hành chính và đối ngoại, trong đó lĩnh vực hành chính đang trì trệ, là lực cản chính của cải cách. Mặc dù đã thu hái được nhiều thành tựu nhưng nhìn chung, bộ máy hành chính Ấn Độ vẫn bị đánh giá là quan liêu, tham nhũng cao.

Một rào cản quan trọng của cải cách là vấn đề xã hội: Đất nước này có thể có một vài Thung lũng Silicon, nhưng cũng có 3 Nigeria với hơn 300 triệu người có mức sống dưới một đôla một ngày. Ấn Độ chiếm tới 40% người nghèo của cả thế giới và có số người nhiễm HIV lớn thứ hai thế giới. Đó là nước Ấn Độ quen thuộc, một Ấn Độ của nghèo đói và bệnh tật. Một Ấn Độ của tương lai chứa đựng tất cả những điều đó nhưng cũng có cả những nét tươi mới. Bạn có thể cảm thấy sự thay đổi thậm chí trong làn bụi mù của các khu ổ chuột... Vì thế, ngày 10 – 9 – 2006, trước khi rời Ấn Độ để khởi hành chuyến công du kéo dài tới 9 ngày đến khu vực Mỹ Latinh, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã phải gửi một bức thư dành riêng cho các vị bộ trưởng chủ chốt trong Chính phủ nước này, đề nghị họ phải chú trọng tới phúc lợi xã hội đối với dân tộc thiểu số. Trong thư, Manmohan Singh khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tình hình hòa bình và hòa hợp cộng đồng. Thủ tướng Singh nhấn mạnh cần phải tạo điều kiện để các nhóm dân tộc ít người có được cơ hội việc làm bình đẳng trong chính quyền Bang và chính quyền Liên bang, bao gồm cả lĩnh vực quản lý Nhà nước. Ông M. Singh cũng không quên nhắc nhở các vị bộ trưởng phải thực thi kế hoạch để nâng cao sức mạnh kinh tế cho nhiều nhóm dân tộc thiểu số ở Ấn Độ.

Trong khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thiết lập các cơ chế để giám sát những tiến triển của chương trình này, Thủ tướng Manmohan Singh cho biết Hội đồng các Bộ trưởng sẽ đảm đương trọng trách kiểm tra, giám sát việc thực thi chương trình gồm 15 điểm. Ông cũng tuyên bố Hội đồng kể trên sẽ phải đệ trình báo cáo cho nội các, đồng thời yêu cầu các bộ trưởng phải đề xuất một cơ chế để chương trình nhận được sự chú ý ở mức cao nhất(60).

Tiếp đó, ngày 18 – 10 – 2006, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã thừa nhận rằng nền nông nghiệp của quốc gia này đang phải vật lộn với khủng hoảng. Ông Singh kêu gọi cần phải có sự thay đổi thực sự trong chính sách nông nghiêp để có thể cải thiện thu nhập cho người nông dân. Ông Singh đánh giá thách thức hiện nay của Ấn Độ là phải kéo người nông dân ra khỏi cuộc sống bấp bênh và đưa họ tham gia vào diễn đàn toàn cầu: "Đã đến lúc chúng ta nên lựa chọn một lối suy nghĩ mới, một hướng tiếp cận mới đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cho đến nay hướng tiếp cận của Ấn Độ đối với nông nghiệp và phát triển nông thôn tuy đem lại lợi nhận, nhưng nếu tiếp tục theo lối mòn này, kết quả thu được ngày càng hạn chế. Thực tế, chúng ta không hề nỗ lực để thay đổi chính sách ruộng đất và phát triển nông nghiệp".

Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi cần phải nâng cao lợi nhuận cho người nông dân. Ông khẳng định: "Điều này có thể đụng chạm đến những người thuộc tầng lớp trung lưu nhưng nó đem lại lợi ích cho nông dân - những người hiện đang nắm giữ vai trò xương sống trong nền kinh tế Ấn Độ."

"Chúng ta cần có một hướng tiếp cận cân bằng mà nhờ cách tiếp cận đó chúng ta có thể đảm bảo được an ninh lương thực cho người nghèo mà vẫn đem lại lợi nhuận ổn định cho người nông dân… Chiến lược của chúng ta nhất thiết phải chú trọng đến việc nâng cao thu nhập thực tế song song với việc cải thiện cuộc sống cho người nông dân".

Theo ông Singh, những chướng ngại trong ngành nông nghiệp Ấn Độ nhiều và phức tạp. Vậy nên cần đến một hướng giải quyết tập trung và có sự liên kết giữa các lĩnh vực. Hướng giải quyết này bao gồm các chiến lược dành riêng cho những khu vực nông nghiệp lạc hậu, những vùng đất đai khô cằn và những vùng sản xuất nông nghiệp đặc thù.

Ông cho rằng, Chính phủ phải nỗ lực để lấp những khoảng trống do thiếu đầu tư cho khu vực quốc doanh, thiếu uy tín thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu kinh tế thị trường và thiếu kiến thức. Bởi ông quan niệm tất cả những thiếu sót trên đây đã dẫn đến trạng chậm phát triển trong ngành kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Tuy nhiên Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh đến tình trạng thiếu uy tín hơn cả, ông coi đó là nguyên nhân chính yếu dẫn đến tình trạng khủng hoảng trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ cần thiết lập một cơ quan cấp quốc gia để can thiệp phù hợp tới tất cả những lĩnh vực trong các khu vực nông nghiệp nước. Ông khẩn thiết kêu gọi cần có những biện pháp để cải thiện cách tiếp cận và tính hiệu quả trong ngành nông nghiệp: "Chúng ta cần phải áp dụng công nghệ hơn nữa để có thể cải thiện mùa màng, đặc biệt là ở những khu vực đất khô. Hệ thống tưới tiêu cần phải được đầu tư hơn nữa. Chúng ta cần phải thay đổi từ việc chúng trọng đến lợi tức trên từng mẫu đất, lợi ích của từng đơn vị nước đã được tiêu thụ đến việc cải thiện tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn nước. Giữa nhu cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất, các ngành kinh tế hiện đại và sự thịnh vượng của ngành nông nghiệp có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Vậy nên, cần phải tăng thu nhập cho người nông dân"(61).

Đặc biệt, ngày 27 – 12 – 2006, tại Hội nghị bàn về sự bất công trong xã hội cũng như trong chế độ đẳng cấp diễn ra tại thủ đô New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh đã trở thành vị lãnh đạo đầu tiên của Ấn Độ lên tiếng so sánh hệ thống đẳng cấp của người Hinđu với chế độ phân biệt chủng tộc với người da màu ở khu vực Nam Phi. Ông công nhận: "Ấn Độ ngày nay đã thực sự thất bại khi hàng triệu người Dalit(62) hiện đang phải chống chọi trước những định kiến về đẳng cấp". Thủ tướng Ấn Độ thẳng thắn đánh giá: "60 năm qua, mặc dù Hiến pháp và Pháp luật đã có những điều khoản quy định rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho những người thuộc đẳng cấp thấp. Tuy nhiên, đến nay xã hội Ấn Độ vẫn phân biệt đối xử đối với những người Dalit ở nhiều khu vực trên lãnh thổ. Đúng, họ đang phải đương đầu với sự phân biệt đến dị thường, quái đản trong xã hội Ấn Độ. Nhìn chung, sự phân biệt đối xử này khác hẳn với những khó khăn mà các nhóm dân tộc ít người ở Ấn Độ phải gánh chịu. Những định kiến mà tầng lớp Dalit phải nếm trải chỉ có thể so sánh với những gì người da màu đã phải hứng chịu ở chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid".

Những lời nhận xét, bình luận trên đây của Thủ tướng Ấn Độ được các nhà lãnh đạo cấp địa phương ủng hộ, tán thành. Ông Chander Bhan Prasad - nhà văn, nhà giáo đồng thời là một nhà hoạt động vì quyền lợi của người Dalit - bình luận: "Đây là lần đầu tiên ở Ấn Độ, một Thủ tướng đã dám so sánh chế độ phân biệt đối xử với người Dalit với chế Độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Chúng ta cần chúc mừng Thủ tướng Singh vì sự can đảm này".

Các nhà hoạt động xã hội đang vận động Chính quyền New Delhi đứng ra đảm bảo công ăn, việc làm cho những người Dalit trong các tập đoàn thương mại hiện đang làm ăn phát đạt. Một số người đề xuất Chính phủ Ấn Độ nên thông qua bộ luật quy định việc làm cho người Dalit tại các công ty, xí nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Singh dường như muốn sử dụng biện pháp thuyết phục hơn là áp dụng luật pháp.

Mặc dù, theo Hiến pháp và Pháp luật của Ấn Độ, các hành vi phân biệt đối xử với người đẳng cấp thấp, và những người tiện dân tại nước này bị coi là bất hợp pháp nhưng người Dalit vẫn bị bạc đãi, bần cùng hóa và luôn phải gánh chịu áp lực từ phía những người thuộc đẳng cấp cao. Người Dalit thường trở thành nạn nhân hành hung của những người thuộc đẳng cấp cao hơn.

Ngoài ra, những vấn đề như xung đột tôn giáo bên trong, tranh chấp với bên ngoài, nợ nước ngoài, thâm thủng ngân sách… cũng là những trở lực lớn của cuộc cải cách.

3.1.2. Những thách thức đối với cải cách ở Ấn Độ

Nhìn chung, cải cách kinh tế đã mang lại một số thành tựu bước đầu khá tốt đẹp, góp phần cải biến xã hội, tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm và ổn định nền kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, mức độ cải cách nhìn chung còn chậm và chưa đủ độ cần thiết. Nguyên nhân là do những lực lượng bảo thủ không muốn đẩy mạnh tự do hoá và do ảnh hưởng từ hoàn cảnh địa lí, văn hoá, lịch sử, xã hội Ấn Độ. Do đó, nó dẫn tới một số tồn tại như:

Thứ nhất, đầu tư vào Ấn Độ còn nhỏ bé, cho nên, phần nhiều các doanh nghiệp ở Ấn Độ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì thế, nó rất khó cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn hơn hoặc các tập đoàn kinh tế. Điều này có lẽ là do việc đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Luật lao động Ấn Độ và các cơ sở hạ tầng yếu kém cộng với các luật lệ của Án Độ khiến cho việc mua đất rất phức tạp đã làm cho các nhà đầu tư lo ngại và thoái chí. Đồng thời, nạn tham nhũng và quan liêu ở Ấn Độ đó làm cho các dựa án đầu tư tốn nhiều thời gian và chi phí.

Thứ hai, thâm hụt ngân sách nhà nước quá lớn. Trong nhiều năm liền thâm hụt ngân sách của Ấn Độ luôn ở mức cao khoảng 10% GDP. Điều này khiến Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế phải lo ngại. Thế nhưng, Chính phủ Ấn Độ không thực hiện biện pháp nào để giảm thâm hụt. Hơn một nửa số thâm hụt của ngân sách trung ương, gần một nửa còn lại là thâm hụt ngân sách các tiểu bang. Thâm hụt ngân sách đã cản trở đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế…

Thứ ba, cũng như tất cả các nền kinh tế phát triển khác, hiện nay Ấn Độ đang phải đối mặt với vấn đề năng lượng một cách đầy cam go. Đến nay, Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới thiết lập Bộ Năng lượng tái tạo và năng lượng mới (MNRE) trong cơ quan chính phủ(63). Điều này cho thấy Chính phủ Ấn Độ đang quyết tâm đẩy mạnh hướng phát triển năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là bước đi ban đầu chứ chưa thể giải quyết được bài toán năng lượng của Ấn Độ. Theo nhiều nhà phân tích, cơn khát điện của Ấn Độ, một quốc gia châu Á có mức tăng trưởng kinh tế thuộc hàng kỷ lục, ngày càng trầm trọng. Nhu cầu sử dụng điện tại nhiều cao ốc văn phòng và nhà ở đôi khi vượt quá 14% nguồn điện được cung cấp từ lưới điện quốc gia. Tính chung trên toàn lãnh thổ, khoảng 56% người dân tại đây không thể tiếp cận được nguồn điện. Riêng tại khu vực nông thôn, nơi có 2/3 trong số 1,1 tỷ người Ấn Độ sinh sống, chỉ có 44% hộ gia đình được sử dụng điện từ hệ thống cung cấp điện(64). Điều này góp phần lý giải việc Ấn Độ sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn đối với khu vực Tây Á nhưng lại không tuân thủ việc cấm mua bán dầu mỏ với Iran mà Mỹ và phương Tây đưa ra.

Thứ tư, nhiều vấn đề chính trị - xã hội ở Ấn Độ vừa đóng vai trò là nhân tố tích cực, đồng thời cũng là những thách thức đối với cuộc cải cách, cả về ngắn hạn và dài hạn. Chảng hạn như: vấn đề phân hóa giàu nghèo và cùng với nó là quan niệm về đẳng cấp đã làm giảm áp lực xã hội để tập trung vào mũi nhọn cải cách kinh tế. Tuy nhiên, mục tiêu của cải cách luôn là để nâng cao đời sống của người dân. Do đó, dù đã có những tiến bộ nhất định về lĩnh vực này(65) nhưng về dài hạn thì sự tồn tại của đẳng cấp Dalit cũng là vấn đề khó khăn mà chính phủ phải chuẩn bị… Vấn đề dân số của Ấn Độ cũng vừa là nhân tố thuận lợi vừa là thách thức. Một mặt, sự gia tăng dân số nhanh chóng đã tạo ra lực lượng lao động trẻ, đông đảo, đầy khát vọng nhưng nó cũng tạo ra nhiều áp lực xã hội mà chính phủ Ấn Độ không dễ dàng vượt qua(66).

Thứ năm, Ấn Độ vẫn luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh chính trị cả bẻn trong lẫn bên ngoài. Trước hết là những mâu thuẫn vốn tồn tại từ bên trong Ấn Độ, nhất là giữa cộng đồng người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo. Chẳng hạn như vụ đụng độ đổ máu giữa những người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong việc tranh chấp ngôi đền Babri Masjid ở thành phố Ayodhya, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ(67); các vụ bạo loạn đòi li khai ở các bang Punjab, Kashmir (ở miền Bắc), bang Assam (ở miền Đông Bắc), v.v… Tham nhũng cũng đang là vấn đề thách thức lớn đối với cải cách ở Ấn Độ. Theo đánh giá của nhiều tổ chức, tệ tham nhũng ở Ấn Độ đang xếp thứ 87/178 quốc gia. Thực tế này làm cho mâu thuẫn xã hội càng trở nên sâu sắc hơn và trở thành căn nguyên của phong trào đấu tranh chống tham nhũng do Kisan Baburao Hazare đóng vai trò lãnh tụ tinh thần(68)

Song song với những vấn đề đối nội, những thách thức từ bên ngoài cũng buộc Ấn Độ phải thường xuyên đối phó, ảnh hưởng nhiều đến tiến trình của cải cách. Ngoài vấn đề Kashmir và những mâu thuẫn với Pakishtan, sự trỗi dậy và những vấn đề lịch sử trong quan hệ với Trung Quốc đang là một thách thức lớn đối với Ấn Độ. Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn cải thiện quan hệ hai nước nhưng những "chấn thương của lịch sử" rất nặng nề, trong đó vấn đề biên giới là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất. Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài khoảng 3.550 km, được phân cách bởi dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Do những di sản của thời kì thực dân Anh thống trị Ấn Độ, tranh chấp về biên giới Trung - Ấn sau ngày hai nước độc lập hết sức phức tạp. Bắc Kinh và New Dehli đều tuyên bố chủ quyền ở những vùng biên giới tranh chấp. Ấn Độ đòi Trung Quốc trả lại vùng cao nguyên Aksai Chin với diện tích khoảng 38.000 km2 nằm ở phía Tây đường biên giới chung mà Trung Quốc hiện đang quản lí. Ngoài ra, New Dehli cũng cáo buộc Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp 5.180 km2 ở khu vực Kashmir được Pakistan nhượng lại từ năm 1963. Còn Trung Quốc cũng lên tiếng đòi chủ quyền ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ ở phía Đông đường biên giới chung với diện tích khoảng 90.000 km2 vì cho rằng bang này thuộc vùng Tây Tạng(69). Trung Quốc cũng phản đối việc tiểu bang Sik Kim được sáp nhập vào Ấn Độ năm 1975. Thêm nữa, cả hai hiện còn tranh chấp khoảng 2000 km2 ở đoạn giữa đường biên giới chung. Sau cuộc chiến tranh năm 1962, biên giới giữa hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng. Từ cuối những năm 1980 trở đi, cả hai bên đều tích cực tìm kiếm những biện pháp giải quyết những tranh chấp thông qua đàm phán hoà bình. Mặc dầu vậy, những bước tiến còn hết sức hạn chế.

3.2. Đặc điểm của cuộc cải cách ở Ấn Độ từ năm 1991 đến năm 2010

- Có thể khẳng định ngay rằng, công cuộc cải cách của Ấn Độ từ 1991 đến nay là tất yếu nhằm đáp ứng cho các yêu cầu nội tại của đất nước và trào lưu của thế giới. Cải cách kinh tế theo hướng tự do hoá mở cửa và cải cách hành chính theo hướng đơn giản hoá và tăng tính hiệu quả của bộ máy và các thủ tục hành chính là phù hợp với Ấn Độ.

Trước khi tiến hành cải cách, nền kinh tế Ấn Độ là nền kinh tế tự lực cánh sinh, thay thế nhập khẩu với cơ chế quá thiên về kế hoạch hoá, tập trung và nhà nước kiểm soát, can thiệp quá nhiều đã dẫn tới cuộc khủng hoảng năm 1990 – 1991. Do vậy, tự do hóa kinh tế là biện pháp thích hợp nhất cho nền kinh tế Ấn Độ, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Cuộc cải cách này đã tăng cường sức sống cho nền kinh tế Ấn Độ, đặc biệt là khả năng hội nhập và hợp tác khu vực, quốc tế. Với những thành quả đạt được, từ cuộc cải cách, Ấn Độ đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định được vị thế kinh tế của mình trên trường quốc tế với thứ hạng ngày càng tăng. Những gì đã đạt được cũng như những dự đoán tương lai của nền kinh tế Ấn Độ là những minh chứng hùng hồn nhất cho tính tất yếu, đúng đắn của cuộc cải cách này. Điều đó đồng nghĩa với việc cải cách kinh tế là giải pháp duy nhất và tối ưu cho cuộc khủng hoảng kinh tế Ấn Độ trước đó. Những thành công mà Ấn Độ đã đạt được ngày nay thể hiện tính đúng đắn của cuộc cải cách.

Cùng với cải cách kinh tế, cải cách hành chính được tiến hành ở Ấn Độ xuất phát từ nhu cầu của nền hành chính đất nước này. Đối với Ấn Độ, nền hành chính trước độc lập là nền hành chính thuộc địa. Sau đó, mặc dù đất nước được giải phóng, một nền hành chính mới được xây dựng, song không thể phủ nhận rằng ảnh hưởng của nền hành chính mà thực dân Anh đã thiết lập ở đây là rất lớn. Về cơ bản, hệ thống hành chính từ trung ương đến địa phương của Ấn Độ sau khi độc lập vẫn giống với hệ thống hành chính thời thuộc Anh. Các đơn vị hành chính ở Ấn Độ theo các cấp hầu như không thay đổi nhiều. Sự thay đổi chủ yếu của nền hành chính Cộng hoà Ấn Độ so với thời kỳ thuộc địa là ở bộ máy hành chính cao cấp. Tuy nhiên, bao trùm lên hệ thống hành chính đó lại là một bộ máy hành chính và các thủ tục hành chính khác, thậm chí rất khác biệt với thời thuộc Anh. Từ đó, tất yếu nền hành chính ấy sẽ chứa đựng nhiều mâu thuẫn.

Trước cải cách, Ấn Độ xây dựng một bộ máy hành chính quan liêu, cồng kềnh, cửa quyền và có phần hách dịch. Điều đó chính là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho đất nước khủng hoảng, chậm tiến và chậm hoà nhập với thế giới. Nhận thức rõ điều này, từ năm 1991, các nhà cải cách Ấn Độ đã mạnh dạn cải cách trong lĩnh vực hành chính. Các thủ tục hành chính cũng ngày càng được đổi mới và đơn giản, thuận lợi hơn cho việc phục vụ phát triển kinh tế. Vì thế, Ấn Độ trở thành nơi thu hút vốn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với một nền hành chính được cải cách, Ấn Độ đảm bảo có một kiến trúc thượng tầng phù hợp tương ứng với cơ sở hạ tầng.

- Cải cách ở Ấn Độ được tiến hành muộn hơn so với nhiều nước (1991), do đó nó có điều kiện tiếp nhận và học hỏi những kinh nghiệm của các cuộc cải cách trước đó. Tuy nhiên, cải cách Ấn Độ không hề rập khuôn các cuộc cải cách khác mà mang tính độc đáo, sáng tạo. Điều này có được do xuất phát từ hoàn cảnh địa lý, lịch sử, văn hoá, xã hội cũng như nhận thức và đường lối chính trị của những nhà lãnh đạo Ấn Độ. Vì vậy, cuộc cải cách ở Ấn Độ có thể coi là một mô hình Ấn Độ. Điều này được thể hiện rõ ràng qua một số đặc điểm sau:

Trước hết, cải cách ở Ấn Độ là cuộc cải cách hai chiều, cả “từ dưới lên” và “từ trên xuống”. Nếu cải cách ở các nước khác như: Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam… là cải cách một chiều, chủ yếu từ trên xuống, thì cải cách ở Ấn Độ cả “từ dưới lên” và “từ trên xuống”. Điều này xuất phát từ tình hình chính trị, xã hội Ấn Độ mà điển hình nhất là việc xây dựng nền dân chủ ổn định lâu dài.

Khi mới giành được độc lập, Ấn Độ là một trong những nước nghèo nhất thế giới nhưng vẫn duy trì được một chính phủ dân chủ trong suốt thời gian qua. Do ảnh hưởng của thời kỳ thống trị lâu dài của thực dân Anh, người dân Ấn Độ học hỏi được nhiều tinh hoa từ nền dân chủ phương Tây. Dù vậy, dân chủ ở Ấn Độ cũng thường không thuộc về ý chí của đa số mà thuộc về ý chí của các nhóm thiểu số có tổ chức – các chủ đất, các đẳng cấp được đặc quyền và có quyền lực, nông dân, các công đoàn của chính phủ. Những nhóm này thường giàu hơn đồng bào của mình, họ khao khát kinh doanh và muốn làm giàu. Bằng cách này hay cách khác, họ tìm được đường để làm giàu, vượt qua các trở ngại và chế độ quan liêu. Như ông Gurcharan Das, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Procter Gamble Ấn Độ đã mô tả: “Ban đêm, chính phủ đi ngủ còn nền kinh tế thì phát triển”(70). Đương nhiên, con đường đó là con đường tự do hóa, tư nhân hóa.

Như vậy, thay vì trỗi dậy với sự giúp đỡ của nhà nước, Ấn Độ đi theo cách thức trỗi dậy không cần đến nhà nước. Các nhà doanh nghiệp nằm ở vị trí trung tâm của cải cách ở Ấn Độ. Cho nên, sự phát triển của Ấn Độ khá lộn xộn, hỗn loạn và phần lớn là không được quy hoạch. Sự phát triển đó không phải từ trên xuống mà là từ dưới lên. Sự phát triển này đang diễn ra không phải vì chính phủ mà chủ yếu là bất chấp chính phủ.

Người tiêu dùng Ấn Độ cũng có vai trò quan trọng trong các hoạt động “từ dưới lên”. Hầu hết các trường hợp kinh tế phát triển thành công ở châu Á là do chính phủ bắt buộc người dân tiết kiệm, tạo ra tăng trưởng thông qua tích luỹ cơ bản và các chính sách thuận lợi cho thị trường. Trái lại, ở Ấn Độ, người dân không chờ đến cuối đời mới có thể mua sắm bằng tiền tiết kiệm, thay vào đó, họ vay tiền thế chấp để mua nhà. Vì thế ngành công nghiệp thẻ tín dụng tăng trưởng 35% một năm. Tiêu dùng cá nhân ở Ấn Độ đạt tới con số đáng kinh ngạc là 67% GDP (trong khi đó Trung Quốc là 42%, châu Âu là 58% và Nhật Bản là 55% GDP)(71). Như vậy, chính phong cách tiêu dùng của người dân Ấn Độ đã thúc đẩy và là biểu hiện của tính độc đáo trong cuộc cải cách ở Ấn Độ.

Song song với cuộc cải cách từ dưới lên, Chính phủ Ấn Độ cũng đáp lại yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tuyên bố cải cách vào tháng 7 năm 1991. Trong lịch sử, bất kỳ một cuộc cải cách nào, sự can thiệp, hoạch định và quản lý cải cách của nhà nước cũng là nhân tố quyết định sự thành công. Nếu nhà nước để cho các doanh nghiệp tư nhân tự ý phá bỏ những luật pháp cản trở tự do hóa thì sẽ gây ra sự rối loạn trong nền kinh tế. Do đó, nhà nước đã đích thân dỡ bỏ những rào cản đối với các doanh nghiệp này. Theo thời gian, nhà nước ban hành ngày càng nhiều biện pháp hướng tới sự tự do hóa nền kinh tế. Chẳng hạn nền công nghiệp viễn thông ở Ấn Độ đang bùng nổ được tạo nên nhờ sự tái quy định và bãi bỏ quy định một cách thông minh của chính phủ. Hơn nữa, nhà nước khẳng định vai trò quản lí, kiểm soát của mình đối với sự nghiệp cải cách. Nhờ đó, những công ty tư nhân ngày càng phát triển và đông đảo, những tập đoàn tư nhân lớn được hình thành và được luật pháp bảo vệ. Theo Yasheng Huang, giảng viên Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ), Ấn Độ có một khu vực kinh tế tư nhân thật sự và sâu sắc. Bên cạnh đó, nhà nước quản lí đảm bảo một hệ thống tài chính sạch sẽ, minh bạch được kiểm soát chặt chẽ cùng hệ thống công quyền hoạt động theo pháp luật.

Đặc điểm quan trọng thứ hai trong cải cách ở Ấn Độ là: Việc sử dụng vốn và qui mô doanh nghiệp có nhiều điểm đặc biệt.

Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các công ty của Ấn Độ sử dụng vốn hiệu quả hơn rất nhiều so với các công ty Trung Quốc. Các công ty Ấn Độ lấy tiêu chuẩn theo các chuẩn mực thế giới và được quản lí tốt hơn các xí nghiệp Trung Quốc. Mặc dù nghèo hơn nhiều so với Trung Quốc, Ấn Độ lại sinh sản ra rất nhiều các công ty tầm cỡ thế giới như Infosys, Ranbanxy và Reliance. Điều này xuất phát từ thực tế là Ấn Độ có một khu vực kinh tế tư nhân thật sự và sâu sắc (không như Trung Quốc, nơi có rất nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước và được nhà nước tài trợ). Bên cạnh đó, một hệ thống tài chính sạch sẽ và được kiểm soát chặt chẽ cùng hệ thống công quyền hoạt động theo pháp luật. Hàng năm, Nhật Bản thường trao giải thưởng Deming (Deming Prizes) đầy danh tiếng cho những thành tựu đổi mới về mặt quản lí và trong suốt bốn năm qua, những giải thưởng này được trao cho các công ty Ấn Độ nhiều hơn là cho các công ty của bất kỳ nước nào khác, thậm chí cả Nhật Bản.

So sánh giữa các doanh nghiệp của Ấn Độ và Trung Quốc có thể thấy rằng các công ty của Ấn Độ có quy mô nhỏ hơn nhưng hoạt động hiệu quả hơn. Điều này xuất phát từ Luật lao động của Ấn Độ, mà phương pháp này hầu như không thay đổi gì kể từ năm 1947. Luật này bảo vệ quyền lợi của người công nhân và có những quy định khá khó khăn trong việc sa thải họ. Vì việc sa thải nhân công là rất khó khăn, ngay cả trong trường hợp công ty gặp các vấn đề tài chính, nên các công ty không muốn thuê thêm nhân công. Ngoài ra, theo luật này, các công nhân trong ngành công nghiệp chế tạo được làm việc thêm 54 giờ trong mỗi ba tháng mà lương làm ngoài giờ phải cao gấp đôi và thời gian nghỉ bù phải tương đương với thời gian làm thêm. Do đó, các công ty phải cân nhắc rất nhiều trước khi thuê thêm nhân công. Vì thế, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nhiều hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn. Điều này khá khác biệt so với nước khác.

Cùng với sự chi phối của Luật lao động, một trong những nguyên nhân quan trọng quy định tới quy mô doanh nghiệp ở Ấn Độ là chính phủ. Ngay từ năm 1947, Chính phủ Ấn Độ đã chú ý tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Enterprises – gọi tắt là SME). Tổ chức phát triển công nghiệp nhỏ được thành lập từ năm 1954 có vai trò hỗ trợ và thúc đẩy SME. Khi tiến hành cải cách, năm 1999, Ấn Độ đã thành lập Bộ Công nghiệp vừa và nhỏ. Luật về SME có hiệu lực từ tháng 10 - 2006. Nhờ đó, nhiều chính sách ưu đãi trong tiêu thụ sản phẩm, chính sách mặt hàng dành riêng cho SME được ban hành. Gần 300 mặt hàng được chính phủ mua với giá cao hơn 15% so với giá thấp nhất mà doanh nghiệp chào hàng. Chính phủ cũng cam kết tạo nhiều cơ hội cho SME, đảm bảo xã hội cho lao động trong các SME, tăng gấp đôi lượng tín dụng cho các SME, từ 16 tỷ USD trong năm 2005 lên 32 tỷ trong năm 2009 – 2010(72).

Đồng thời, sự coi trọng SME của Chính phủ Ấn Độ cũng được thể hiện trong các kế hoạch 5 năm. Đó là việc chính phủ tiếp tục hỗ trợ SME thông qua việc thành lập những cơ sở công nghiệp, cung cấp dịch vụ, thành lập Quỹ đảm bảo tín dụng, đào tạo doanh nhân, nâng cao chất lượng SME. Chính phủ Ấn Độ cũng kí hiệp định với nhiều nước để hợp tác giữa các SME nhằm mở rộng phạm vi hoạt động, thu hút vốn và công nghệ hiện đại, tăng cường cạnh tranh…

Vì thế, kết quả là năm 2006 – 2007, Ấn Độ có 12.5 triệu SME, chiếm 95% số cơ sở công nghiệp. Các SME này đã sản xuất ra hơn 7500 mặt hàng, tạo ra 40% khối lượng giá trị gia tăng, đóng góp 70% GDP. Tốc độ tăng trưởng SME của Ấn Độ là nhanh nhất thế giới với hơn 8%/năm (trong thời kỳ cải cách). Trong năm 2006 – 2007, SME Ấn Độ đã tăng trưởng 13% với việc xuất khẩu 50 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu(73). Đóng góp chủ yếu của SME vào xuất khẩu là các ngành may mặc, cơ khí, hoá chất, dược phẩm, điện tử, máy tính và chế biến thực phẩm.

Tuy vậy, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa của Ấn Độ thường gặp khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Do đó, để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp chính phủ đã rút ngắn danh sách những ngành được bảo hộ xuống còn 326 từ con số 20.000 cũng như giảm thuế quan.

Đặc điểm thứ ba: Cải cách Ấn Độ theo phương pháp thân thị trường nội địa. Ngay từ thời chính quyền Indira Gandhi, Ấn Độ đã chú trọng tới tự do hóa và mở cửa nền kinh tế hơn là tới thu hút sự ủng hộ chính trị của các doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này khác hẳn với cải cách của các nước Đông Á và Mĩ Latinh, điển hình là Hàn Quốc, Trung Quốc – các nước này tiến hành phương pháp cải cách thân doanh nghiệp (nghĩa là tập trung vào nâng cao lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong các ngành được nhà nước lập nên và hỗ trợ. Chẳng hạn, Trung Quốc lấy lòng các công ty đa quốc gia và cấp cho họ giấy phép, cơ sở vật chất trong vòng vài ngày. Ấn Độ lại dựa vào thị trường trong nước của mình nhiều hơn là xuất khẩu, tiêu dùng nhiều hơn là đầu tư và dịch vụ nhiều hơn công nghiệp, công nghệ cao nhiều hơn sản xuất công nghiệp kĩ năng thấp. Vì vậy, nếu Trung Quốc hướng cải cách vào nhiệm vụ phát triển kinh tế toàn diện thì Ấn Độ lại chú trọng về công nghệ thông tin và dịch vụ. Nói cách khác, cải cách kinh tế Ấn Độ là cải cách có trọng điểm chứ không dàn đều trên các lĩnh vực. Tuy vậy, cải cách Ấn Độ cũng không bỏ qua việc phát triển ngành công nghiệp chế tạo. Dù vậy, sản xuất công nghiệp ở Ấn độ cũng chỉ chiếm 1/5 sản lượng kinh tế đất nước, trong khi đó con số này ở Trung Quốc là 2/5.

Cuối cùng: cải cách Ấn Độ tạo ra tỉ lệ tăng trưởng cao nhưng không đi kèm với một cuộc cách mạng công nghiệp cần nhiều lao động. Do tập trung vào các ngành mũi nhọn, đặc biệt là công nghệ thông tin, Ấn Độ chưa thu hút được nhiều lao động phổ thông với trình độ thấp trong khu vực sản xuất công nghiệp giống như ở Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tạo ra một dòng vô tận công ăn việc làm cho lao động trình độ thấp bằng việc xuất khẩu hàng hoá như đồ chơi, quần áo… thì Ấn Độ không làm được điều đó. Phần lớn các ngành công nghiệp ở Ấn Độ chỉ tuyển dụng lao động trình độ cao. Điều đó khiến cho tình trạng thất nghiệp nơi đây còn nhiều. Thông thường, theo quy luật, các nền kinh tế trên thế giới đều phát triển từ nông nghiệp sang công nghiệp rồi đến dịch vụ. Trong khi đó, Ấn Độ dường như có bước đi chuyển sang nền công nghiệp là yếu kém, còn dịch vụ lại biểu hiện rõ ràng hơn. Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi liệu rằng Ấn Độ có bỏ qua một cuộc cách mạng công nghiệp, tiến thẳng từ nền kinh tế nông nghiệp lên nền kinh tế dịch vụ không. Bởi vì dịch vụ chiếm hơn 50% GDP của Ấn Độ, nông nghiệp là 22% và công nghiệp chỉ 27% (so với 46% ở Trung Quốc)(74). Thậm chí, bên trong ngành công nghiệp, sức mạnh của Ấn Độ là chế tạo sản xuất công nghệ cao, cần lao động trình độ cao chứ không phải công nghiệp nhẹ hay công nghiệp chế tạo nắm vai trò chủ đạo.

Như vậy, phương pháp cải cách của Ấn Độ là rất độc đáo, bí ẩn đầy cuốn hút.

- Nếu nhiều cuộc cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc hay thậm chí những điều chỉnh của các nước tư bản chủ nghĩa đều hướng tới việc giải quyết các vấn đề xã hội thì cải cách ở Ấn Độ lại ít chú ý đến vấn đề này. Mặc dù, như ban đầu, các nhà lãnh đạo nước này tuyên bố cải cách mang bộ mặt nhân đạo với mục tiêu chủ yếu là từng bước giảm nghèo đói và tiến tới xoá đói nghèo. Đối tượng quan tâm chính là tầng lớp nghèo khổ và những vùng chậm phát triển. Tuy nhiên, quá trình cải cách cho thấy sự bất bình đẳng xã hội ngày càng sâu sắc. Người giàu ở Ấn độ ngày càng giàu mà người nghèo thì vẫn cứ nghèo. Ở Ấn Độ, vẫn còn tới 300 triệu người sống dưới mức nghèo khổ (chiếm tới 33% dân số) và nhiều người mù chữ. Ấn Độ cũng chiếm tới 40% người nghèo của cả thế giới và có số người nhiễm HIV lớn thứ hai thế giới. Những khu nhà ổ chuột vẫn còn phổ biến ở đất nước này. Mặc dù đảng chính trị nào của Ấn Độ lên cầm quyền cũng thường dùng khẩu hiệu “Chống đói nghèo” trong vòng 5 – 10 năm để tranh thủ cử tri, song họ chưa thay đổi được tình trạng nghèo khổ ở Ấn Độ. Do đó, nhiều người dân Ấn Độ ghét cải cách, đặc biệt là những người nghèo. Trong khi đó, trái lại, những người giàu, các chủ doanh nghiệp lớn lại ủng hộ nhiệt thành cho cải cách. Nói cách khác, thái độ của những người dân Ấn Độ đối với cuộc cải cách là không giống nhau. Vì thế, nó dẫn tới hậu quả là phong trào đấu tranh chống cải cách đã diễn ra. Lãnh đạo phong trào này lại là công đoàn của cánh tả và cảnh hữu. Họ lên tiếng chống lại việc tư nhân hoá. Sự phản đối cải cách cũng xuất phát từ những nhà hoạt động môi trường và những người lo ngại cho quyền của dân không nhà cửa ở đô thị, người bản địa và nhóm thiểu số. Thị trường và sự phát triển nói chung đã bị coi đồng nhất với việc người nghèo mất nguồn sống và môi trường bị ô nhiễm.

Nhìn chung, những phản đối cải cách không chỉ là sự hoài niệm (Fabian) tư tưởng bảo hộ dân tộc kiểu cũ mà nguyên nhân sâu xa là do cải cách Ấn Độ chưa giải quyết và quan tâm nhiều đến vấn đề xã hội.

- Trong lịch sử Ấn Độ, cuộc cải cách ở Ấn Độ từ năm 1991 đến nay được coi là cuộc cải cách sâu rộng, toàn diện và mạnh mẽ nhất. Tính sâu rộng và toàn diện được thể hiện ở các lĩnh vực cải cách. Cải cách Ấn Độ không chỉ tiến hành trên lĩnh vực kinh tế mà tiến hành cả trên lĩnh vực hành chính và đang phát triển sang lĩnh vực xã hội. Trong lĩnh vực kinh tế, cải cách diễn ra không chỉ trong công nghiệp mà cả trong nông nghiệp, ngoại thương, tài chính - ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư nước ngoài và chính sách đối ngoại. Trong lĩnh vực hành chính, chính phủ không chỉ cải cách bộ máy, thủ tục hành chính mà còn quan tâm tới các đơn vị hành chính, chất lượng cán bộ hành chính và tính dân chủ của nền hành chính. Như vậy, cuộc cải cách đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực.

Nếu những biện pháp cải cách ở giai đoạn đầu (1991 – 2001) còn thực hiện tự do hóa khá khiêm tốn, vai trò của khu vực kinh tế nhà nước còn rộng lớn thì những biện pháp cải cách về sau đã ngày càng giảm dần sự độc quyền của nhà nước trong các ngành kinh tế và tăng dần các biện pháp tư nhân hoá, tự do hoá. Đặc biệt, từ năm 2001 đến nay, bằng các biện pháp cải cách theo hướng tự do hoá, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế Ấn Độ. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước chỉ còn chiếm một địa vị khá nhỏ bé có liên quan đến an ninh, năng lượng quốc gia.

Tuy nhiên, Ấn Độ tiến hành cải cách một cách tuần tự, điều chỉnh từng bước, nghe ngóng phản ứng của các đảng, các tập đoàn kinh tế và đại diện của các tầng lớp nhân dân để điều chỉnh phù hợp với đặc thù chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Như vậy, việc cải cách tiến hành ngày càng mạnh mẽ là xuất phát từ nguyện vọng của dân chúng và tuỳ từng thời điểm. Tốc độ cải cách mạnh dần theo thời gian là yếu tố khiến cho cuộc cải cách thu được kết quả.

3.3. Một số kinh nghiệm cho công cuộc Đổi mới của Việt Nam

          Từ trong lịch sử, Ấn Độ là một cường quốc của khu vực châu Á, có mối quan hệ hữu nghị lâu đời với Việt Nam. Trong thời kỳ hiện đại, xuất phát từ lập trường chống chủ nghĩa thực dân, Ấn Độ luôn sát cánh cùng nhân dân tiến bộ trong cuộc đấu tranh ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam, cùng với Việt Nam tìm tòi con đường xây dựng đất nước. Gạt đi những khác biệt, sự nghiệp xây dựng đất nước của Ấn Độ và Việt Nam có những điểm tương đồng như: phải khắc phục những hậu quả của chủ nghĩa thực dân để lại, tính chất kém phát triển của một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tàn dư phong kiến nặng nề…

Năm 1991, Ấn Độ tiến hành cải cách. Cũng như Việt Nam, cuộc cải cách ở Ấn Độ thực chất là sự chuyển đổi từ nền kinh tế nhà nước chỉ huy do ảnh hưởng của mô hình Liên Xô sang nền kinh tế thị trường tự do. Quá trình cải cách ở Ấn Độ cũng bộc phát nhiều vấn đề của một nền kinh tế chuyển đổi, đó là: sự phân hóa trong xã hội gia tăng, tính tùy thuộc ngày càng tăng của một thế giới đã gắn kết chặt chẽ… Tuy nhiên, đến nay Ấn Độ đã và đang thu hái được những thành tựu lớn trên tất cả các lĩnh vực. Dự báo, trong tương lai gần, Ấn Độ sẽ cùng với Trung Quốc và Mỹ trở thành 3 cường quốc kinh tế hang đầu và là một trong sáu “Trung tâm quyền lực” của thế giới. Thực tế đó cho thấy, những cải cách mà Ấn Độ tiến hành là đúng hướng, đáng để học tập.

Trên cơ sở xem xét cuộc sự phát triển của Ấn Độ trong bước chuyển từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI, chúng ta có thể rút ra những bài học lớn cho con đường phát triển của Việt Nam như sau:

  1. Phát triển phải gắn liền với cải cách

          Năm 1991, Ấn Độ bước vào tiến hành cải cách và nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu to lớn, sâu sắc. Dù cuộc cải cách này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự bất cập của mô hình kinh tế, những biến động của thế giới và trong nước... nhưng thực tế cho thấy, Ấn Độ không thể có con đường phát triển nào khác ngoài cải cách.

Cần phải thấy rằng, từ những năm 70 của thế kỷ XX, xu thế cải cách trên thế giới đã phát triển mạnh mẽ: Đến cuối những năm 70 của thế kỉ XX, làn sóng cải cách đã tràn sang các nước xã hội chủ nghĩa và cho đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX, cải cách không còn là một hiện tượng lạ mà đó trở thành một xu thế phổ biến, khá sôi động. Điều này đó cuốn hút nhiều quốc gia đang trong cuộc khủng hoảng đường lối tìm ra một lối đi mới. Hay nói cách khác, xu thế cải cách trên thế giới đó thúc đẩy các nước này cùng tiến hành cải cách để theo kịp bước tiến của thời đại cũng như để phát triển đất nước, hoà nhập vào trào lưu chung của toàn nhân loại.

          Trong thời gian Chiến tranh lạnh, Ấn Độ có khá nhiều quan điểm tương đồng với Liên Xô như: Chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ sự nghiệp hòa bình trên thế giới… Nhờ vậy, quan hệ Xô - Ấn ngày càng trở nên gắn bó mật thiết mà bằng chứng điển hình là việc hai nước kí kết Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác Xô - Ấn năm 1971. Theo Hiệp ước này, Liên Xô có vai trò như một đồng minh chiến lược, là chỗ dựa kinh tế vững chắc của Ấn Độ. Mối quan hệ đó không chỉ là hình thức (Hiệp ước 1971) mà cả trong thực tế, Liên Xô đã chứng tỏ sự giúp đỡ tận tình của mình đối với Ấn Độ. Chẳng hạn như việc phần lớn các nhà máy chủ chốt trong nền công nghiệp của Ấn Độ được xây dựng với sự hợp tác, giúp đỡ của Liên Xô. Chính các nhà máy ấy đã sản xuất ra 80% tổng sản lượng thiết bị luyện kim, 60% thiết bị điện, 35% sản lượng thép, 70% sản lượng khai thác dầu, 30% sản lượng chế biến dầu, 20% sản lượng điện(75). Như vậy, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô mà Ấn Độ đã xây dựng được một nền kinh tế tự lực, tự cường. Không chỉ giúp đỡ về tiền của, Liên Xô còn đào tạo cho Ấn Độ nhiều chuyên gia. Theo thống kê, từ năm 1955 – 1977, Liên Xô giúp Ấn Độ đào tạo 96.000 chuyên gia. Trong đó, 19.000 người trình độ đại học và trung học, 77.000 công nhân lành nghề. Đó là nguồn nhân lực có chất xám, có kĩ thuật ban đầu của Ấn Độ, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước Ấn Độ.

          Mặt khác, Liên Xô không chỉ là bạn hàng lớn thứ hai trong số các bạn hàng của Ấn Độ mà còn là một bạn hàng “dễ tính” và Ấn Độ có thể xuất được mọi mặt hàng từ sản phẩm nông nghiệp tới các mặt hàng công nghiệp tiêu dung mà không bị đòi hỏi lắm về chất lượng. Hàng năm, Liên Xô đều dành một khoản tín dụng lớn, thậm chí bán chịu hàng cho Ấn Độ. Trong thương mại, hai nước cũng không cần dùng đồng ngoại tệ mạnh nào mà sử dụng ngay đồng rúp và đồng rupee để thanh toán. Chính những sự giúp đỡ đó đã kích thích kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh chóng sau khi độc lập và là điều kiện cần thiết, quan trọng để phát triển đất nước này.

          Như vậy, mặc dù đứng trung lập song Ấn Độ lại có phần thiện cảm với Liên Xô và các nước Đông Âu hơn là các nước tư bản chủ nghĩa. Cho nên, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một có sốc lớn đối với Ấn Độ, buộc Ấn Độ cần phải suy tính lại tìm ra những bạn hàng mới và khắc phục được hậu quả do mối quan hệ quá gắn bó với Liên Xô. Đương nhiên, đường lối cũ không thể đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Do đó, ngay khi chủ nghĩa xã hội Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Ấn Độ đã quyết định tiến hành cải cách.

          Như vậy, cuộc cải cách năm 1991 ở Ấn Độ là tất yếu, là sự chuyển đổi từ mô hình kinh tế gần gũi với Liên Xô sang một mô hình mới đang trở thành xu thế của toàn cầu. Dù có rất nhiều điểm khác với chúng ta nhưng đây là vấn đề mà Việt Nam cần chú ý để tham khảo trong công cuộc Đổi mới.

  1. Cải cách mô hình, lấy phát triển kinh tế là trọng tâm

3.4.3. Lựa chọn phát triển ngành mũi nhọn: Công nghệ thông tin, viễn thông và công nghiệp vũ trụ

          Một trong những ngành công nghiệp giành được nhiều thắng lợi nhất nhờ cải cách kinh tế ở Ấn Độ là ngành công nghệ thông tin. Chỉ mới hai thập kỉ trước đây thôi còn chưa hề tồn tại, giờ đây nó đã là nguồn lợi quốc gia và khiến thế giới phải ghen tị. Đó là ngành công nghiệp Ấn Độ mang tính toàn cầu cao nhất và tạo ra những dấu ấn quốc tế về chất lượng, chứng tỏ cho thế giới rằng các công ty Ấn Độ có thể cạnh tranh trên phạm vi thế giới và chiến thắng nhờ chất lượng. Nó cũng chỉ ra những gì có thể làm được bằng cách tận dụng sức mạnh của tầng lớp trung lưu, thế hệ chủ doanh nghiệp đầu tiên tại Ấn Độ. Tuyệt đại đa số các công ty trong lĩnh vực này được mở ra bởi các chủ doanh nghiệp có nền tảng xã hội ở mức trung bình và có rất ít khả năng về vốn. Theo nhiều cách, ngành này đã giúp tạo ra thương hiệu “Ấn Độ mới” và trở thành niềm cảm hứng cho tất cả các ngành khác.

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, đi cùng với chủ trương tự do hoá và mở cửa kinh tế, chính phủ Ấn Độ đã có những đầu tư chiến lược để đạt được mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một siêu cường về IT của thế giới. Đưa công nghệ thông tin lên làm ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung nhanh, mạnh vào lĩnh vực phần mềm, Ấn Độ đã nhanh chóng có được thành công vượt trội.

Ngành dịch vụ và phần mềm Ấn Độ đã tăng trưởng khá nhanh kể từ năm 2001 - 2002. Doanh thu của ngành công nghiệp này đã tăng từ mức 10,2 tỷ USD năm 2001 - 2002 lên 58,7 tỷ USD năm 2008 - 2009 với mức tăng hàng năm 26,9%. Mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới, mức tăng vẫn đạt 12,9% năm 2008 - 2009.

Bảng 3.1: Tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin (Đơn vị: %)

Nhóm hang

2003/04

2004/05

2005/06

2006/07

2007/08

2008/09

IT-ITES Xuất khẩu

12,9

17,7

23,6

31,1

40,4

46,3

IT-ITES Nội địa

3,8

4,8

6,7

8,2

11,7

12,4

Tổng số

16,7

22,5

30,3

39,3

52,0

58,7

Nguồn: Hiệp hội xuất khẩu phần mềm và tin học (NASSCOM)

Theo cách phân loại của NASSCOM, ngành công nghiệp tin học có 3 mảng chính: Dịch vụ IT (IT services), BPO và sản phẩm phần mềm (Business Process Outsourcing/BPO & software products) và Dịch vụ kỹ thuật (Engineering services), trong đó, dịch vụ IT là mảng chính. Ba nhánh của dịch vụ IT là phát triển áp dụng đặt hàng, hỗ trợ và quản lý áp dụng và đào tạo. Các phần quan trọng khác là tư vấn IT, tích hợp hệ thống, dịch vụ hạ tầng (IS), outsourcing, tích hợp và tư vấn hệ thống và kiểm tra phần mềm.

Trong số các dịch vụ ngành công nghệ thông tin cung cấp mang lại thu nhập chính cho ngành là ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BFSI-41%), công nghệ cao/viễn thông (20%), chế tạo (8%), bán lẻ (8%). Tiếp theo là thông tin đại chúng, xuất bản và giải trí, xây dựng y tế, hàng không vận tải.

Tổng số lao động làm việc trong ngành công nghệ thông tin là 2,2 triệu người năm 2008 - 2009, so với mức 0,52 triệu người năm 2001 - 2002. Như vậy, tạo thêm việc làm cho 1,68 triệu người trong giai đoạn trên. Lao động gián tiếp là khoảng 8 triệu người năm 2008 - 2009. Tổng số lao động năm 2008 - 2009 là 10,2 triệu người. Đáng chú ý lao động ngành này chủ yếu là lao động bậc cao và được đào tạo tốt. Cộng đồng Ấn kiều ở nước ngoài cũng có đóng góp rất lớn để Ấn Độ trở thành quốc gia lớn trong ngành công nghệ phần mềm. Hiện nay có tới 20 triệu người Ấn sống trên 110 quốc gia với thu nhập hàng năm lên tới 160 tỉ USD Mỹ, bằng khoảng một phần ba tổng thu nhập của Ấn Độ. Chính lớp người Ấn này tiếp thu được kinh nghiệm quản lý, kỹ năng kinh doanh, khoa học công nghệ tiên tiến ở bên ngoài đã trở về quê hương để lập nên những tập đoàn kinh doanh năng động mang nhãn hiệu Ấn Độ.

Đầu từ trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghệ thông tin Ấn Độ đạt khoảng 5 tỷ USD. Lượng vốn hoá thị trường của ngành đạt 225 tỷ USD năm 2008 - 2009.

Nhờ phát triển công nghiệp phần mềm Ấn Độ đã trở thành một quốc gia có năng lực công nghệ cao trên thế giới. Với khẩu hiệu “công nghiệp phần mềm Ấn Độ là kiểu mẫu của sức mạnh và sự thành công”, Chính phủ Ấn Độ đã thực thi kế hoạch phát triển toàn diện phần mềm máy tính - ngành có thể tận dụng và khai thác triệt để tài năng của đội ngũ khoa học và kỹ sư Ấn Độ. Chính sách mở cửa kinh tế năm 1991 đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng nhanh. Trong giai đoạn 1991-2000, xuất khẩu phần mềm máy tính tăng từ 164 triệu USD lên 6.2 tỷ USD. Năm 2001 đạt 9.3 tỉ USD, chiếm 35% xuất khẩu của Ấn Độ và 15% GDP. Năm 2002 đạt hơn 13.5 tỉ USD. Xuất khẩu phần mềm từ Bangalore - Trung tâm công nghệ hàng đầu của Ấn Độ - tăng tới 34%  trong 6 tháng đầu năm 2004 và vẫn giữ mức trung bình 32% năm 2006. Trong đó, 1400 công ty công nghệ tin học có mức thu nhập xuất khẩu trị giá 75 tỉ rupee (khoảng 1.6 tỉ USD). Xuất khẩu phần mềm đã trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước. Hiệp hội quốc gia các công ty dịch vụ và phần mềm NASSCOM (National Association of Software anh Service Companies) là một tổ chức thương mại lớn nhất, đại diện cho ngành công nghiệp dịch vụ và phần mềm công nghệ thông tin của Ấn Độ. Với đội ngũ 850 nhân viên, trong đó hơn 150 nhân viên đến từ Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, NASSCOM trở thành công ty công nghiệp phần mềm đứng đầu ở Ấn Độ. Theo đánh giá của NASSCOM tỷ trọng IT-ITES so với thu nhập của IT-ITES thuộc công nghiệp phần mềm và dịch vụ Ấn Độ tăng từ 74,5% năm 2001 - 2002 lên 78,9% năm 2008 - 2009. Tổng số doanh thu xuất khẩu tăng từ 7,6 tỷ USD lên 46,3 tỷ USD năm 2008 - 2009.

Tỷ trọng của ITES - BPO xuất khẩu tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2001 - 2002 đến 2008 - 2009. Tổng xuất khẩu tăng từ 1,5 tỷ USD năm 2001 - 2002 lên 12,7 tỷ USD năm 2008 - 2009. BPO hiện chiếm khoảng 27% tổng xuất khẩu. Tuy nhiên, mảng tăng nhanh nhất là sản phẩm phần mềm.

Bảng 32: Tăng trưởng xuất khẩu IT-ITES  (Đơn vị: %)

Nhóm hàng

2003/04

2004/05

2005/06

2006/07

2007/08

2008/09

Dịch vụ IT

7,3

10,0

13,3

17,8

23,1

26,5

ITE S-BPO, Sản phầm phần mềm

3,1

4,6

6,3

8,4

10,9

12,7

Dịch vụ kỹ thuật

2,5

3,1

4,0

4,9

6,4

7,1

Tổng số IT-ITES

12,9

17,7

23,6

31,1

40,4

46,3

 

                                                                                                Nguồn: NASSCOM

Mỹ và Vương quốc Anh là hai thị trường chính của xuất khẩu phần mềm IT và dịch vụ. Tuy nhiên, thị phần của Mỹ đã giảm từ 68,3% năm 2005 xuống còn 60% năm 2008-2009, trong khi thị phần của thị trường Châu Âu tăng từ 23,12% lên 31% cùng kỳ. Các thị trường châu Á, Thái Bình Dương cũng tăng trong những năm qua. Như vậy, ngành này ngày càng được mở rộng được các thị trường sẵn có và xâm nhập các thị trường mới.

Bảng 3.3: Tỷ trọng thị trường  xuất khẩu IT-ITES (Đơn vị: %)

Thị trường

2005/06

2006/07

2007/08

2008/09

Mỹ

68,30

67,18

61,4

60

Châu Âu (bao gồm Vương quốc Anh)

23,10

25,13

30,10

31

Các nước khác (bao gồm châu Á - TBD)

8,60

7,69

8,50

9

 

                             Nguồn: NASCOM

Mặc dù lĩnh vực IT - BPO hướng về xuất khẩu, tiềm năng thị trường nội địa cũng rất đáng kể. Doanh thu từ thị trường phần mềm và dịch vụ nội địa tăng từ 2,6 tỷ USD năm 2001 - 2002 lên 12,4 tỷ U SD năm 2008 - 2009.

Tại thị trường IT-ITES nội địa, mảng dịch vụ IT chiếm phần quan trọng nhất với tỷ trọng tăng từ 80,8% năm 2001 - 2002 lên 66,9% năm 2008 - 2009.

Mảng ITES - BPO có mức tăng đáng kể trong những năm qua với thị phần tăng từ 3,8% năm 2001 - 2002 lên 15,3% năm 2008 - 2009.

Bảng 3.4: Tăng trưởng thị trường nội địa  IT-ITES (Đơn vị: %)

Nhóm hang

2003/04

2004/05

2005/06

2006/07

2007/08

2008/09

Dịch vụ IT

3,1

3,5

4,5

5,5

7,6

8,3

ITE S-BPO, Sản phầm phần mềm

0,3

0,6

0,9

1,1

1,9

1,9

Dịch vụ kỹ thuật

0,4

0,7

1,3

1,6

2,2

2,2

Tổng số IT-ITES

3,8

4,8

6,7

8,2

11,7

12,4

 

                                                                                                 Nguồn: NASCOM

Một trong những trung tâm phát triển mạnh công nghiệp điện tử ở Ấn Độ là Bangalore, nơi được mệnh danh là “Thủ đô tin học mới”(94). Bangalore là thủ phủ của bang Karnataka, nằm trên cao nguyên miền Nam Ấn Độ. Bangalore is India’s future city” - Bangalore sẽ là thành phố tương lai của Ấn - Jawaharlal Nehru (1899 - 1964), Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã dự báo như thế cách đây hơn 50 năm. Và quả thật, Bangalore hiện là nơi chiếm hơn nửa sản lượng phần mềm xuất khẩu của Ấn Độ, đưa Ấn Độ lên vị thế là một siêu cường trên thế giới về phần mềm vi tính với mục tiêu đạt doanh thu vào năm 2010 là 150 tỉ USD. Bangalore, “thủ đô công nghệ”- một trung tâm công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm của Ấn Ðộ được cả thế giới nhắc đến với một cái tên "Thung lũng Silicon" thứ hai trên thế giới (sau Thung lũng Silicon ở Mỹ). Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã xếp Bangalore vào một trong bốn trung tâm công nghệ tốt nhất thế giới.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 250 công ty đa quốc gia công nghệ cao và 1.500 công ty phần mềm đóng đô ở Bangalore. Bởi thế, nhiều chuyên gia công nghệ ví von rằng: Nếu các kỹ sư Ấn Độ rút hết khỏi Silicon Valley ở Mỹ, khi đó Bangalore sẽ trở thành trung tâm công nghệ thông tin của thế giới.

Nhiều năm qua, hàng loạt tập đoàn công nghệ của Mỹ như IBM, Intel, Dell, Cisco, Sun Microsystems và Oracle tìm đến đây tạo cơ hội hợp tác nghiên cứu và phát triển kinh doanh. Hàng trăm nghìn kỹ sư người Ấn Ðộ đang làm việc cho những trung tâm nghiên cứu và phát triển của những tập đoàn toàn cầu lớn. Chỉ riêng Trung tâm Công nghệ của General Electric ở thành phố này quy tụ đến hơn 2.000 kỹ sư, một phần tư trong số đó có học vị tiến sĩ.

Từ những năm 1990, khi Chính phủ Ấn Ðộ tự do hóa nền kinh tế và khuyến khích phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin, chính quyền thành phố đã thành lập các khu vực đặc biệt như "Thành phố Ðiện tử" (Electronic City) là nơi tập trung các hãng công nghệ cao.

Với điều kiện làm việc và mức lương hấp dẫn đã thu hút một lượng lớn tài năng Ấn Ðộ về đây làm việc. Thành phố công nghệ này đóng góp khoảng 36% trong tổng xuất khẩu phần mềm của Ấn Ðộ. Đa số các kỹ sư tài năng của Ấn Ðộ chọn làm việc ở Bangalore thay vì phải sang làm thuê ở các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ như vào những thập niên trước. Ngày càng nhiều những tài năng của Ấn Ðộ ở khắp nơi trên thế giới trở về thành phố này làm việc.

Người nước ngoài cũng kéo đến đây đặt văn phòng. Theo các chuyên gia kinh tế, Bangalore là nơi có nguồn nhân lực rất dồi dào và có thu nhập bình quân cao nhất ở Ấn Ðộ hiện nay. Ðội ngũ lao động kỹ thuật cao ở thành phố này đóng góp khá nhiều cho sự khởi sắc của nền kinh tế đất nước.

Bangalore được giới chuyên gia phân tích thị trường ghi nhận là thành phố dẫn đầu thế giới về đổi mới công nghệ, vượt trên cả nhiều thành phố của Mỹ, Nhật Bản và Ðông Nam Á. Nơi đây trở thành ngôi nhà của nhiều công ty đa quốc gia và công ty Ấn Ðộ, hình thành nên một hình ảnh đất nước Ấn Ðộ với thị trường dịch vụ công nghệ thông tin tăng trưởng với tốc độ 30%/năm.

Đến Bangalore, người ta sẽ nói nhiều đến Infosys và Wipro Infotech - được xem như hai cơ sở công nghệ thông tin hàng đầu Ấn Độ và cũng đã trở thành những cái tên đứng đầu thế giới.

Tọa lạc trên một khu vực rộng lớn mang dáng vẻ như một công viên, Infosys thật sự là một thành phố công nghệ thông tin - truyền thông (ICT City). Gọi là ICT City là bởi trong khuôn viên của mình, Infosys thiết kế đầy đủ hệ thống hạ tầng như một thành phố với đầy đủ nhà hát, rạp phim, sân thể thao, nhà hàng... Để tạo môi trường làm việc tốt nhất, Infosys cho phép người nhà của các nhân viên có thể vào đây vui chơi thoải mái trong những giờ và ngày nghỉ.

Tự hào coi mình như một Thung lũng Silicon, Bangalore của Ấn Độ đang đặt một mục tiêu to lớn là trở thành trung tâm công nghệ thông tin của toàn thế giới. Theo các chuyên gia tại đây, bí quyết công nghệ duy nhất để Infosys hay Wipro thành công rực rỡ, đang trở thành đối thủ cạnh tranh đối với bất kỳ tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu nào chính là "người tài".

Riêng tại Infosys, số lượng "cư dân" của toàn thành phố lên đến hơn 20.000 người; làm việc tại 12 lĩnh vực liên quan đến ICT; trong đó nổi bật nhất là thiết kế, gia công phần mềm và tư vấn, thiết lập các giải pháp công nghệ thông tin. Khẩu hiệu của Infosys là “Powered by Intellect. Driven by values” (Sức mạnh bằng tri thức. Động lực là giá trị).

Tương tự, Wipro cũng có lượng nhân viên khổng lồ và ngay dưới tấm ảnh những cá nhân xuất sắc, Wipro chạy câu khẩu hiệu nổi tiếng "Spirit of Wipro" (Linh hồn của Wipro). Các chuyên gia tại đây cho biết, một nhân viên mới nhận việc cũng đã có mức lương khoảng 12.000 USD/năm; mức lương này sẽ tăng đều 15%/năm. Còn nếu có thành công vượt trội, số tiền lương này sẽ là đỉnh cao có thể lên đến hàng chục nghìn USD/tháng.

Có thể nói, công nghệ thông tin đang làm thay đổi từng ngày mọi hoạt động trong đời sống kinh tế - xã hội của người Ấn Độ. Sự bùng nổ nhu cầu sử dụng và áp dụng IT tại Ấn Độ những năm gần đây đã đưa đất nước này vào danh sách các thị trường IT phát triển nhanh nhất khu vực châu Á. Công nghệ thông tin đã đưa Ấn Độ lên hàng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng, và Ấn Độ trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu của cả hai lục địa Á - Âu. Ấn Độ dần trở thành một cường quốc công nghệ thông tin.

Ngành công nghiệp viễn thông cũng bùng nổ sau khi Ấn Độ cho phép các công ty tư nhân hoạt động. Đến tận năm 1985, khi Ấn Độ miễn cưỡng bắt đầu mở cửa thị trường viễn thông, dịch vụ điện thoại đặc trưng bởi giá cao và các cuộc gọi thường đứt sóng, tất cả đều được giải thích bằng lập luận rằng sở hữu của Chính phủ là cần thiết để phục vụ người nghèo. Trước đây, để lắp đặt một chiếc điện thoại phải mất một thập kỷ, vì vậy mọi người ghi tên con cái vào danh sách chờ, hy vọng rằng đến khi cưới chúng sẽ có điện thoại. Từ khi bãi bỏ quy định đó, số người dùng điện thoại cầm tay tăng lên. Tạp chí viễn thông “Voice and Data” của Ấn Độ công bố kết quả khảo sát hàng năm, trong đó cho biết doanh số bán của ngành viễn thông Ấn Độ lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ rupee trong tài khóa 2006 kết thúc vào cuối tháng 3/2007, nhờ số thuê bao điện thoại di động tiếp tục đà tăng mạnh. Cuộc khảo sát trên cho hay, ngành viễn thông Ấn Độ đã đạt doanh số bán 1.070 tỷ rupee (24.76 tỷ USD) trong tài khóa 2006, tăng 22% so với tài khóa trước đó. Doanh số của các công ty điện thoại di động trong tài khóa này tăng 56%, lên 561.8 tỷ rupee, trong khi doanh thu điện thoại cố định giảm 11%. Ấn Độ trở thành một trong những thị trường viễn thông có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhờ kinh tế ngày càng bùng nổ. Số thuê bao di động tăng mạnh do giá điện thoại di động và phí dịch vụ ngày càng rẻ hơn. Cước gọi đường dài giảm xuống 2/3 trong 5 năm, và chi phí gửi tin nhắn trên di động giảm 80%. Cả Ấn Độ chỉ có khoảng 300.000 điện thoại di động năm 1996, đến năm 2008 đã có 230 triệu và trung bình một tháng người Ấn Độ mua khoảng gần 8 triệu chiếc điện thoại cầm tay(95).

Theo thống kê mới nhất, số lượng thuê bao di động tại Ấn Độ đạt con số 563,73 triệu chiếc. Điều này có nghĩa là gần một nửa dân số Ấn Độ đang sử dụng điện thoại di động.

Trong gần hai thập kỉ qua, ngành công nghệ thông tin của Ấn Độ được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn có tác dụng rất lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Trong khi đó ngành viễn thông đang trên đà tăng trưởng chóng mặt. Điều đó chứng tỏ từ khi cải cách đến nay, ngành công nghệ thông tin và viễn thông đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trong nền kinh tế Ấn Độ.

Công nghệ vũ trụ

Ấn Độ cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng, một mặt khẳng định khả năng to lớn của nước này trong nghiên cứu vũ trụ, mặt khác cho thấy quyết tâm và khả năng phát triển tiềm lực quân sự. Năm 1996, Ấn Độ phóng thành công Tàu phóng Vệ tinh Địa cực tại Sriharikata, đánh dấu bước tiến lớn của ngành nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ, đưa Ấn Độ vào hàng ngũ 6 nước trên thế giới có khả năng phóng vệ tinh. Đến năm 2001, Ấn Độ tiếp tục thành công trong việc chế tạo tên lửa đẩy, đưa nước này thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào kỹ thuật tên lửa đẩy của Liên Xô cũ và nay là Nga. Ngoài khả năng chế tạo tên lửa đẩy, tàu phóng vệ tinh, Ấn Độ cũng cho thấy tiềm lực mạnh trong chế tạo vệ tinh.

Năm 1998, Chính phủ Ấn Độ tiến hành thử thành công vũ khí hạt nhân và gây ra dư luận lớn trên thế giới. Sự kiện này cho thấy nước này đã thực hiện hết sức thành công chính sách nhất quán phát triển hạt nhân ngay từ những năm 1948 sau khi được độc lập, và cho thấy nỗ lực của Ấn Độ trong việc khẳng định vị thế cường quốc của mình.

Vào lúc 0 giờ 50 phút (giờ GMT) ngày 22-10-2008, tàu vũ trụ Chandrayaan-1 của Ấn Độ được tên lửa mang PSLV-C11C cực mạnh phóng lên quỹ đạo, đánh dấu một giai đoạn mới rất quan trọng trong công cuộc chinh phục vũ trụ của Ấn Độ - một quốc gia có dân số đông, đứng hàng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc và trở thành nước thứ 5, sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản chinh phục quỹ đạo xung quanh Mặt Trăng. Dự kiến, tàu vũ trụ Chandrayaan-1 sẽ thả trạm tự động thăm dò Mặt Trăng mang tên “Moon Impactor” xuống bề mặt hành tinh này. Sự kiện này thành công sẽ đưa Ấn Độ lọt vào danh sách 4 quốc gia cắm quốc kỳ lên bề mặt Mặt Trăng (đến nay mới có Mỹ, Nga và Nhật Bản).

Ngày 12/7/2010, Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ đã đưa thành công 5 vệ tinh vào quỹ đạo. Trong số những vệ tinh này có 2 vệ tinh cảm ứng điều khiển từ xa hiện đại Cartosat-2B của Ấn Độ và những vệ tinh còn lại của Algeria, Canada và Thụy Sĩ. Ấn Độ bắt đầu chương trình không gian từ năm 1963 với tham vọng đưa vệ tinh có người lái vào vũ trụ vào năm 2016 và tham gia thị trường phóng vệ tinh thương mại trị giá nhiều tỉ USD.

Với những bước tiến lớn trong ngành công nghệ vũ trụ, Ấn Độ đang dần hiện thực hóa giấc mơ chinh phục khoảng không vũ trụ bao la.

Như vậy trong gần hai thập kỉ qua, Ấn Độ đã có những thành tích đáng tự hào trong phát triển công nghiệp dựa vào các ngành công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin… Theo đánh giá của Tạp chí tài chính Forbers, năm 2002, trong 200 công ty phát triển tốt nhất thế giới thì Ấn Độ có 13 công ty (trong đó Trung Quốc chỉ có 4 công ty)(96). Sự phát triển nhanh chóng trong các ngành công nghiệp đã góp phần làm cho kinh tế Ấn Độ có những bước chuyển biến to lớn, một quốc gia đang trỗi dậy ở châu Á và thế giới.

4.4. Hướng vào thị trường nội địa

Cuộc cải cách của Ấn Độ bắt đầu từ năm 1991 tuy muộn nhưng cũng giống như các cuộc cải cách của Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác là mở cửa nền kinh tế của đất nước ra với thế giới. Các rào cản về thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu và hạn ngạch đánh vào hàng xuất khẩu dần dần được dỡ bỏ. Thu hút đầu tư nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi. Ấn Độ đã chấm dứt việc tự xây thành bao bọc mình với thế giới.

Ấn Độ mở cửa niềm nở và thân thiện với một môi trường đầu tư thông thoáng nhưng trong các chính sách cải cách của nó vẫn thể hiện tính hướng nội nhất định. Đây là một trong những xu hướng lịch sử chủ yếu của đất nước Ấn Độ.

Ngay từ giữa thiên niên kỷ II TCN, khi người Arya (là một bộ tộc chăn nuôi du mục) xâm nhập vào Ấn Độ, theo lẽ tự nhiên, nó sẽ chinh phục cư dân bản địa là người Đraviđa. Nhưng ngược lại, người đi chinh phục đã bị chinh phục lại bởi những cư dân bản địa sống ở đồng bằng Bắc Ấn. Tuy bị nô dịch nhưng phương thức sản xuất và văn hoá của người Đraviđa vẫn được bảo lưu và phát triển trong cộng đồng mới của người Arya, tạo nên một dòng chảy liên tục về văn hoá gắn liền với Veđa, Mahabharata, Ramayana, đạo Bàlamôn (sau này được gọi là Hinđu giáo) v.v..

Trải qua nhiều thăng trầm với chia cắt và thống nhất, trong đó Ấn Độ nhiều lần bị ngoại tộc xâm nhập và thống trị: từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVI là các vương triều Hồi giáo của người Ápganixtan, thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX là vương triều Môgôn của người Hồi giáo Mông Cổ, đến năm 1849, Ấn Độ trở thành thuộc địa của thực dân Anh. Thế nhưng, dòng chảy văn hoá được định hình từ những thiên niên kỷ trước công nguyên đều thể hiện sự chinh phục của nó đối với văn hoá của ngoại tộc. Ấn Độ luôn có xu hướng hướng vào những giá trị bên trong được lưu giữ từ ngàn đời của nó.

Những giáo lý của Mahatma Gandhi trong cuộc đấu tranh chống thực dân Anh cho đến đường lối phát triển tự lực cánh sinh của Jawaharlal Nehru đều là những biểu hiện sâu sắc của tính hướng nội này. Gandhi từng chinh phục thế giới bởi hình ảnh ông hàng ngày vẫn dùng guồng quay tơ bằng gỗ, ủng hộ phương pháp sản xuất truyền thống để chống lại hàng nhập khẩu từ Anh. Hình ảnh này đi vào biểu tượng trung tâm của quốc kì Ấn Độ là một bánh xe quay như một bằng chứng mạnh mẽ về mối liên kết lịch sử giữa bản sắc dân tộc với định hướng đường lối phát triển độc lập của quốc gia.

Cuộc cải cách Ấn Độ bắt đầu từ năm 1991 là một cuộc cải cách mở cửa nhưng vẫn hướng vào bên trong, thể hiện tính độc lập nhất định trong định hướng phát triển của đất nước. Điều này thể hiện ở chỗ nền kinh tế Ấn Độ được mở cửa từng bước, từ từ, không vội vàng du nhập tất cả những mô hình mở cửa và phát triển thành công của các nước châu Á khác.

Ngay trong giai đoạn đầu, những cải cách của Ấn Độ chỉ tập trung vào giải quyết khủng hoảng kinh tế, tiếp đó là từng bước xoá bỏ những kiểm soát quan liêu kìm hãm các ngành công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu, bước đầu giảm bớt rào cản đối với đầu tư nước ngoài. Tất cả những biện pháp này vừa là sự giải thoát nền kinh tế khỏi một mô hình quản lý không còn phù hợp, vừa để tranh thủ nguồn lực phát triển từ bên ngoài.

Nhưng khác với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, Ấn Độ không lựa chọn mô hình tận dụng nguồn lực bên ngoài thông qua hàng loạt công xưởng sử dụng nhiều lực lượng lao động để sản xuất các sản phẩm nông-công nghiệp hướng vào xuất khẩu. Chính sách quy định các sản phẩm cho ngành công nghiệp quy mô nhỏ (SSI) đến nay vẫn tồn tại dù đã được cắt giảm còn 605 mục. Những cứng nhắc trong Luật lao động bị chỉ trích là hạn chế cơ hội việc làm đối với một đất nước có tỷ lệ thất nghiệp lớn vẫn chưa được cải cách. Nguyên nhân của điều này nằm ở những lo lắng sâu xa rằng nền kinh tế Ấn Độ sẽ bị mất tính độc lập nhất định và sẽ trở nên bị phụ thuộc vào các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia. Các công ty Ấn Độ không muốn việc làm của họ, thị trường của họ, lợi nhuận của họ bị chảy ra nước ngoài.

Mở cửa để tranh thủ nguồn vốn tư bản, nguồn vốn về quản lý và khoa học kỹ thuật để nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế độc lập là mục đích của Ấn Độ. Trên cơ sở đó, Ấn Độ lựa chọn cho mình một mô hình phát triển riêng, độc đáo. Tác giả Gurcharan Das của bài nghiên cứu “Mô hình Ấn Độ” đã khái quát mô hình này như sau: “Ấn Độ đã dựa vào thị trường trong nước nhiều hơn là xuất khẩu, tiêu dùng nhiều hơn đầu tư, dịch vụ nhiều hơn công nghiệp và công nghệ cao nhiều hơn sản xuất công nghiệp kỹ năng thấp”(97).

Quá trình thực hiện các biện pháp cải cách ở Ấn Độ đã khiến Ấn Độ có một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Tiêu dùng chiếm 64% GDP của Ấn Độ, trong khi châu Âu là 58%, Nhật Bản 55% và Trung Quốc là 42%(98). Dịch vụ chiếm hơn 50% GDP của Ấn Độ, nông nghiệp chỉ ở mức 22% và công nghiệp là 27%(99). Sự phát triển hướng vào bên trong này đã làm cho nền kinh tế Ấn Độ phần lớn được cách ly khỏi những sự suy thoái của kinh tế toàn cầu, cho thấy mức độ ổn định và mức độ phát triển của nó.

Ngành công nghiệp Ấn Độ tăng trưởng ấn tượng trong các lĩnh vực công nghệ cao như dịch vụ phần mềm, thiết kế và phụ trợ gián tiếp. Những công ty như Infosys, Tata Consulting Services, Wipro, Jet Airways, Bharat Forge đang hoạt động trên quy mô toàn cầu với những sản phẩm và dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao. Hầu hết các công ty xuyên quốc gia đều có chi nhánh tại Ấn Độ. Nhiều việc làm của Mỹ và châu Âu đang được chuyển về thực hiện ở Ấn Độ. Năm 2003, Ngân hàng Mỹ (Bank of America) đã giảm 3.700 trong số 25.000 chỗ làm kỹ thuật và dịch vụ gián tiếp. Một phần ba các việc làm này đã đi tới Ấn Độ. Tại trụ sở của Infosys Technologies ở Bangalore, Ấn Độ, 250 kỹ sư đang phát triển những trình ứng dụng công nghệ thông tin cho Bank of America. Những nhân viên khác của Infosys xử lý những khoản tiền vay mua nhà cho Greenpoint Mortgage ở Novato, California(100)(100). Ấn Độ đã và đang chinh phục thế giới theo cách riêng của mình.

Phía bên ngoài cánh cổng của những công ty như Infosys, xã hội Ấn Độ cũng đang có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại hoá nhưng dòng chảy của văn hoá Ấn Độ như đạo Hinđu, chế độ đẳng cấp vẫn còn tồn tại và phát triển bên cạnh những thành tố văn hoá mới.

 

 

KẾT LUẬN

          Trong bối cảnh đất nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, cuộc cải cách ở Ấn Độ từ năm 1991 cũng diễn ra với những bước thăng trầm khác nhau. Từ thực tiễn của cuộc cải cách ở Ấn Độ, chúng ta có thể rút ra một số kết luận sau đây:

          Thứ nhất: Cuộc cải cách ở Ấn Độ phản ánh xu thế cải cách của thế giới từ những năm 70 của thế kỷ XX. Cuộc khủng hoảng năm 1973 trước hết là khủng hoảng năng lượng nhưng sau đó nó đã phát triển thành cuộc khủng hoảng cơ cấu. Trong hoàn cảnh đó, các nước tư bản chủ nghĩa đã tiến hành cải cách trên cơ sở áp dụng những thành tựu mới nhất của cách mạng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, kinh doanh và quản lý sản xuất, kinh doanh. Những cải cách kinh tế đã buộc các nước tư bản chủ nghĩa tiến hành cải cách chính trị - xã hội. Các cuộc cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc (1978) Liên Xô và Đông Âu (1985), Việt Nam (1986), Ấn Độ (1991) Cuba (1993)... cũng theo xu thế đó.

          Thứ hai: Cải cách ở Ấn Độ được tiến hành muộn hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhờ những biện pháp đúng đắn, sáng tạo, cuộc cải cách đã và đang thu hái được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị - xã hội. Hiện thực sinh động của cải cách ở Ấn Độ cho phép chúng ta khẳng định rằng, dù muộn màng nhưng nếu có giải pháp đúng đắn, phù hợp thì cải cách vẫn đạt kết quả cao. Như vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu trong những năm 1989 – 1991 không phải là do cải cách muộn màng.

          Thứ ba: Ngay từ đầu, cuộc cải cách ở Ấn Độ có sự gắn bó chặt chẽ với vai trò của của Manmohan Singh. Chính ông là tác giả của công cuộc cải cách ở Ấn Độ từ khi là Bộ trưởng Tài chính trong Chính phủ của Thủ tướng N. Rao. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Amritsar của người Sikh, M. Singh vươn lên nhờ nỗ lực học tập và đã tốt nghiệp Đại học Oxford (Mỹ) và Cambridge (Anh). Năm 1991, khi Ấn Độ lâm vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất, ông được Thủ tướng Narasimha Rao chỉ định làm Bộ trưởng Tài chính. Với tư cách người đứng đầu Bộ Tài chính Ấn Độ, Manmohan Singh từ từ khởi động quá trình tổ chức, cơ cấu lại nền kinh tế Ấn Độ. Trên thực tế, Thủ tướng Rao đã hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Manmohan Singh. Tháng 7 - 1991 được coi là mốc đánh dấu việc triển khai cải cách kinh tế Ấn Độ. Đây là cuộc cải cách toàn diện với 4 hướng chính:

Lấy lại cân bằng vĩ mô, giảm mức thâm hụt ngân sách Chính phủ, kiểm soát lạm phát.

Tăng hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách cấu trúc lại khu vực này.

Giảm bớt hạn chế đối với các xí nghiệp tư nhân, đặc biệt khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Ấn Độ, từng bước tự do hoá thị trường tài chính – tiền tệ – ngân hàng, giảm thuế quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

          Ngay cả khi Chính phủ của Thủ tướng Vajpay cầm quyền trong những năm 1998 – 2004, những cải cách của Ấn Độ vẫn hướng theo nội dung mà chính phủ tiền nhiệm N. Rao đã vạch ra. Chính phủ của Vajpay đã đề ra chương trình ”cải cách vòng 2”, hay ”cải cách giai đoạn 2”, mà thực chất là cải cách trong các lĩnh vực nhà nước như: tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải... Như vậy, đây là sự tiếp nối của cải cách giai đoạn 1 mà tổng công trình sư của nó chính là M. Singh.

Manmohan Singh đã làm xoay chuyển tình hình Ấn Độ qua việc thay đổi hệ thống quản lý kinh tế độc quyền nhà nước. Ông cũng phá giá đồng rupee nhằm kích thích xuất khẩu, nới lỏng luật đầu tư nước ngoài, mở cửa lĩnh vực viễn thông, tinh luyện dầu và thị trường chứng khoán, giảm thuế và bài trừ quan liêu, xây dựng lại dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ. Ông chính là người làm cho Ấn Độ hồi sinh mạnh mẽ thời gian qua và đang ngày càng có vị thế cao trên trường quốc tế. Từ năm 2004 đến nay cuộc cải cách ở Ấn Độ càng phát triển mạnh mẽ khi tác giả của nó trực tiếp đứng ra chỉ đạo với cương vị Thủ tướng.

Vai trò của Manmohan Singh đối với cải cách ở Ấn Độ là điều không thể phủ nhận, cũng như cuộc cải cách ở Ấn Độ là không thể đảo ngược.

 

(62) Dalit là cụm từ dùng để chỉ riêng tầng lớp tiện dân, hạ đẳng ở Ấn Độ đang phải hứng chịu những định kiến, thiên kiến của chế độ phân biệt đẳng cấp.

(63) Thiên Như, Năng lượng xanh trong cơn khát điện của Ấn Độ, http://www. sggp.org.vn/Nang-luong-xanh-trong-con-khat-dien-cua-An-Do/2964570.epi

(64) Thiên Như, Năng lượng xanh trong cơn khát điện của Ấn Độ, http://www. sggp.org.vn/Nang-luong-xanh-trong-con-khat-dien-cua-An-Do/2964570.epi

(65) Vào năm 1997, Narayanan trở thành tổng thống đầu tiên xuất thân từ tầng lớp Dalit. Hoạt động của ông trên cương vị tổng thống vượt ra ngoài vai trò lễ nghi bình thường, tích cực phê phán hệ thống đẳng cấp. Trong một bài phát biểu nhân ngày quốc khánh, ông cho rằng sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ thuộc tầng lớp dưới là một tội ác và cần được loại bỏ, nếu không “nền dân chủ của chúng ta sẽ như một lâu đài được xây trên đống phân bò”. Nhưng không có bài hùng biện nào có thể loại bỏ cái ách đang đeo trên cổ những người tiện dân, nạn nhân của một tôn giáo phán xét họ như một thứ dân (subhuman) và của một xã hội nông nghiệp bóc lột họ như những nô lệ. Tuy nhiên, điều đó thể hiện những cố gắng ban đầu đảm bảo công bằng và cải thiện vấn đề nhân quyền vốn một điểm yếu của thể chế dân chủ Ấn Độ.

(66) Ấn Độ là nước đông dân thứ hai trên thế giới (ước tính khoảng 1,19 tỷ người năm 2006). Hầu hết 70% dân số sống tại các vùng nông thôn. Vùng thành thị đông dân nhất là Mumbai, Kolkata, Delhi, Chennai và Bangalore. Những nỗ lực nhằm loại trừ tình trạng mù chữ đã đạt được những thành công đầu tiên. Năm 1947 tỷ lệ biết chữ tại Ấn Độ là 11% (“The Colonial Legacy: Myths and Popular Beliefs”. Image-India. http://india_resource.tripod.com/colonial.html). Ngày nay, 65,1% dân số (53,4% phụ nữ, 75,3% nam giới) có thể đọc và viết. Tỷ lệ giới tính quốc gia là 933 phụ nữ trên 1000 nam giới. Độ tuổi trung bình là 24,66, và tỷ lệ tăng dân số là 22,32 trẻ trên 1.000 (“Census of India 2001, Data on Religion”. Census of India.). Dù 80,5% dân số theo Ấn Độ giáo, Ấn Độ cũng là đất nước có số lượng tín đồ Hồi giáo đứng thứ ba thế giới (13,4%). Các nhóm tôn giáo khác gồm Ki-tô giáo (2,3%), đạo Sikh (1,84%), Phật giáo (0,76%), Đạo Jaina (0,40%), Do Thái giáo, Hỏa giáo và Bahá'í[4]. Số lượng ngôn ngữ mẹ đẻ tại Ấn Độ được ước lượng lên tới 1.652 (Matthew, K.M. (2006). Manorama Yearbook 2006. Malaya Manorama. pg 507. ISBN 81-89004-07-7). Đa số những ngôn ngữ đó xuất phát từ hai nhóm ngôn ngữ chính: Ấn-Aryan (được sử dụng bởi 74% dân số) và Dravida (được 24% sử dụng); 2% còn lại dựa trên các nhóm Nam Á và Tạng-Miến. Tiếng Hindi và tiếng Anh được dùng làm ngôn ngữ chính thức của chính phủ, và trong giáo dục cao học. 21 ngôn ngữ khác cũng được coi là chính thức

(67) Năm 1528, một đền thờ Hồi giáo được xây tại nơi người Hindu xem là nơi sinh của Rama, nhân vật chính trong sử thi Ramayana, cũng là hóa thân thứ 7 của thần Vishnu - một trong những hình tượng tôn quý nhất của đạo này. Phía Hindu tuyên bố đền Babri Masjid được xây dựng trên tàn tích của một ngôi đền Hindu bị phá hủy dưới bàn tay “của những kẻ xâm lấn Hồi giáo”. Trong khi đó, người Hồi giáo nói họ đã cầu nguyện tại ngôi đền từ thế kỷ 16 cho đến tận tháng 12-1949, khi một số người đem các tượng của Rama vào trong đền thờ. Trong 4 thập niên tiếp theo, các nhóm Hindu và Hồi giáo đã nhiều lần kéo nhau ra tòa để giành quyền kiểm soát ngôi đền và quyền cầu nguyện tại đó. Bạo lực bùng phát vào năm 1992, khi một nhóm người Hindu cực đoan đánh sập ngôi đền, kích hoạt các vụ bạo động lan rộng khiến khoảng 2.000 người thiệt mạng trên toàn quốc.

(68) Kisan Baburao Hazare, còn được gọi là Anna Hazare, sinh ngày 15-6-1937 (Có người nói năm 1940), là nhà hoạt động xã hội Ấn Độ, lãnh đạo phong trào để thúc đẩy phát triển nông thôn, tăng tính minh bạch của chính phủ, và điều tra và trừng phạt quan chức tham nhũng. Ngoài việc tổ chức và khuyến khích phong trào từ cơ sở, ông thường sử dụng biện pháp tuyệt thực để gây sức ép với chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng. Điển hình là cuộc tuyệt thực 14 ngày, bắt đầu từ 15h ngày 18-8-2011, tại Quảng trường Ramlila Maidan, để phản đối dự luật Lok Pal chống tham nhũng do chính phủ soạn thảo, bị dư luận chỉ trích là mềm yếu và đòi Quốc hội Ấn Độ thông qua một đạo luật cứng rắn chống tham nhũng.

Năm 2011 tạp chí Foreign Policy xếp ông trong tốp 100 nhà tư tưởng toàn cầu của năm (“Foreign Policy top 100 global thinkers”, Foreign Policy, 30 November 2011, Retrieved 30 November 2011. Cũng trong năm 2011 ông đã được xếp hạng là người có ảnh hưởng nhất ở Mumbai của một tờ nhật báo quốc gia (The DNA power list: Top 50 influentials" . Mumbai: DNA. 29 July 2011 . Retrieved 30 July 2011).

(69) Madhur Singh, Can China and India be friend ? http://www.time.com/time/printout/0,8816,1697595,00.html

(70) Newsweek International, 6-3-2006.

(71) Thông tấn xã Việt Nam, Ấn Độ - những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại, Tài liệu tham khảo số 5 – 7,tr.15.

(72) Viện kinh tế và chính trị thế giới, (2008), Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số3 (141) tháng 3 năm 2008, tr. 42.

(73) Viện kinh tế và chính trị thế giới, (2008), Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số3 (141) tháng 3 năm 2008, tr. 42.

(74) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo, số 5/ 2007, Ấn Độ - những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại, tr. 15.

(75) Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ năm 1991 – 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 14.

(94) Đỗ Đức Định, 50 năm kinh tế Ấn Độ, NXB Thế giới, Hà Nội1999, trang 170.

(95) Robyn Meredith (2009), Voi và Rồng, Sự nổi lên của Ấn Độ, Trung Quốc và ý nghĩa của điều đó đối với tất cả chúng ta, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 89.

(96) Dẫn theo: Trần Văn Tùng, Con đường phát triển kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, số 13, tháng 7/2006.

(97) Gurcharan Das (2006), “Mô hình Ấn Độ”, Các vấn đề quốc tế, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Tháng 3 – 2007, Thông tấn xã Việt Nam, trang 41.

(98) Gurcharan Das (2006), “Mô hình Ấn Độ”, Các vấn đề quốc tế, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Tháng 3 – 2007, Thông tấn xã Việt Nam, trang 42.

(99) Gurcharan Das (2006), “Mô hình Ấn Độ”, Các vấn đề quốc tế, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Tháng 3 – 2007, Thông tấn xã Việt Nam, trang 46.

(100) Pete Engardio (2009), Rồng Hoa Hổ Ấn, Nhà xuất bản Thời đại, trang 60.

Views: 11967 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top