TIẾN TRÌNH CẢI CÁCH VÀ NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC Ở ẤN ĐỘ (1991 - 2010)
A A+
TIẾN TRÌNH CẢI CÁCH VÀ NHỮNG THÀNH TỰU ĐẠT ĐƯỢC Ở ẤN ĐỘ (1991 - 2010)

2.1. Bước đầu của công cuộc cải cách ở Ấn Độ (1991 – 2001)

2.1.1 Đường lối cải cách của Narasimha Rao và Atal Behari Vajpayee

Nếu như các cuộc cải cách kinh tế trước 1991 đều có một hướng chung là xây dựng kinh tế thị trường, chú ý đề cao khu vực tư nhân trong nền kinh tế thì rõ ràng Ấn Độ khá có lợi thế khi bước vào cải cách năm 1991. Bởi lẽ, nền kinh tế của Ấn Độ ngay từ sau khi giành được độc lập là một nền kinh tế hỗn hợp, tồn tại song hành cả hai khu vực nhà nước và tư nhân.

Sau khi giành được độc lập, J. Nehru đã đưa ra đề án về việc xây dựng ở Ấn Độ “một xã hội theo mẫu hình xã hội chủ nghĩa”. Đồng thời, ông cũng muốn làm một cuộc “cách mạng không ồn ào” phù hợp với đặc điểm tình hình của Ấn Độ. Về bản chất, chủ nghĩa xã hội kiểu Nehru có thể khái quát bằng nền kinh tế kế hoạch hóa cộng với chế độ quản lí dân chủ thông qua Hiến pháp, như A. Azad - một thành viên Đảng Quốc – giải thích: “Chúng ta không tin rằng trên thế giới chỉ tồn tại hai con đường chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Chúng ta nói rằng có thể có con đường thứ ba – con đường bổ sung – con đường mà chúng ta chọn là xã hội xã hội chủ nghĩa”(8).

Nối tiếp tư tưởng của J. Nehru, con gái ông, I. Gandhi tiếp tục xây dựng một nền kinh tế hỗn hợp, kết hợp cả những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Mô hình kinh tế Ấn Độ trong thời kỳ đó là hướng nội và thay thế nhập khẩu. Cho nên, khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò nòng cốt trong các chương trình phát triển quốc gia và là một chỗ dựa quan trọng cho khu vực kinh tế tư nhân, là công cụ cơ bản để hướng khu vực tư nhân vào phục vụ các mục tiêu, kế hoạch của nhà nước.

Việc đề ra mô hình kinh tế Ấn Độ trong thời kỳ đó là hướng nội và thay thế nhập khẩu trong hoàn cảnh bấy giờ là hợp lí. Nó đã có tác dụng rất lớn trong một thời gian dài sau khi Ấn Độ được độc lập. Tuy nhiên, đến những năm 80 của thế kỉ XX, mô hình đó đã bộc lộ sự hạn chế rõ rệt. Do khu vực công quá rộng, độc quyền lại ngày càng kém hiệu quả, khu vực tư nhân bị quy định quá nghiêm ngặt do sự kiểm soát về giá cả và sản xuất chặt chẽ đã làm cho Ấn Độ không tận dụng được những công nghệ nước ngoài. Cho nên, khả năng cạnh tranh của Ấn Độ là rất kém. Đồng thời, bộ máy hành chính cồng kềnh, quan liêu, cửa quyền, hách dịch đã làm giảm niềm tin của dân chúng vào chính quyền. Kết quả là cuộc khủng hoảng đã diễn ra. Vì thế, thậm chí có ý kiến còn cho rằng Nehru và India Gandhi đã “trói buộc sức lực của người dân Ấn Độ dưới một nền kinh tế hỗn hợp kết hợp những đặc điểm tồi tệ nhất của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội”(9)(9).

Thực tế, ngay từ trước năm 1991, Ấn Độ đã ban hành một số biện pháp nhằm mở rộng tự do hóa cho tư nhân và giảm dần vai trò của nhà nước mà nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là những biện pháp mang tính cải cách. Mặc dù những biện pháp này được ban hành không nhiều và khả năng ứng dụng thực tế còn khiêm tốn nhưng đó là cơ sở để Ấn Độ tiếp tục ban hành các biện pháp cải cách sau 1991. Nói cách khác, những biện pháp mang tính cải cách trước năm 1991 được coi là những thử nghiệm ban đầu nhằm chuẩn bị cho một cuộc cải cách toàn diện và có hiệu quả hơn từ 1991 đến nay.

Về mô hình phát triển xã hội, mặc dù Hiến pháp 1950, văn bản luận tối cao của Ấn Độ, kể từ lần sửa đổi thứ 42 vào năm 1976(10) cho đến nay vẫn khẳng định “quyết tâm xây dựng Ấn Độ trở thành một nước Cộng hòa dân chủ thế tục xã hội chủ nghĩa có chủ quyền”(11)… nhưng Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 (1992-1997) đã không còn định hướng con đường phát triển Ấn Độ theo chế độ xã hội chủ nghĩa, mô hình được khẳng định gần như trong suốt các kế hoạch phát triển 5 năm kể từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1956-1961) sau khi Thủ tướng Jawaharlal Nehru và con gái Indira Gandhi có chuyến thăm dài ngày tới Liên Xô vào năm 1955.

Cuộc cải cách toàn diện đất nước vào tháng 7/1991 do Thủ tướng Narasimha Rao phát động đã mang lại những thay đổi lớn cho Ấn Độ. Tuy nhiên trước đó, tư tưởng cải cách đã xuất hiện trong Kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ 7 (1985-1990) và Cương lĩnh tranh cử của Đảng Quốc đại vào năm 1991.

Cải cách đất đai (trong nông nghiệp) đã được Thủ tướng Indira Gandhi đưa ra trong Chương trình phát triển kinh tế xã hội năng động (gọi tắt là Chương trình 20 điểm) vào năm 1974(12), nó tiếp tục được đề cập trong Kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1974-1979) và nhấn mạnh trong Kế hoạch 5 năm lần thứ sáu(13). Ngoài ra, đào tạo nhân lực cho ngành y tế(14) cũng đã được đặt ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 6 (1980-1985) và cải cách giáo dục trong bậc học trung học cơ sở và trung học phổ thông đã được đặt ra trong Chính sách giáo dục quốc gia (1968). Tuy nhiên trên thực tế, các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch 5 năm lần thứ sáu ở Ấn Độ vẫn tiếp tục tư tưởng tự lực cánh sinh khi Kế hoạch này nhóm các mục tiêu “vào 4 mũi chính: tăng trưởng, hiện đại hóa, tự lực cánh sinh và công bằng xã hội”(15).

Chính phủ Ấn Độ dưới sự cầm quyền của Thủ tướng Rajiv Gandhi đã đưa ra nhiều nội dung cải cách, được thể hệ khá cụ thể trong Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy (1985-1990). Ngoài cải cách đất đai (trong nông nghiệp) được nêu rõ như “phân phối đất và trao quyền sở hữu cho lĩnh canh, tá điền với các chương trình như Chương trình việc làm nông thôn quốc gia (NREP) và Chương trình đảm bảo việc làm cho những người không có đất ở nông thôn (RLEGP)”(16), Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy còn hướng đến các cải cách trên nhiều lĩnh vực khác như cải cách cơ cấu thuế, cải cách hành chính để giảm chi tiêu ngân sách, cải cách hệ thống các công ty/xí nghiệp (enterprises) nhà nước và cải cách thị trường chứng khoán. Về dài hạn, năng lực của chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ công cần thiết và thực hiện đầu tư công phụ thuộc nhiều vào cơ cấu thuế và các chính sách chi tiêu công nhưng trên thực tế chi tiêu ngân sách chiếm từ 10,9% GDP năm tài khóa 1960-1961 lên 19,9% vào năm tài khóa 1984-1985, mức thuế cũng tăng từ 9% năm tài khóa 1960-61 lên 15,1% năm tài khóa 1975-76 và tỉ lệ lạm phát lớn. Trong bối cảnh đó, một chiến lược lâu dài phải được thực hiện để khôi phục sự cân bằng giữa dự trữ ngân sách và chi tiêu để giúp nhà nước trong chi tiêu phát triển tài chính mà không gây ra lạm phát cũng như theo đuổi chính sách tài chính liên quan đến thành phần tư nhân. Để thực hiện điều này, trước hết phải cải cách và tăng cường cơ cấu thuế và tính hiệu lực của nó để đáp ứng được mức tăng trong thu nhập. Kế hoạch cũng định ra mức chi tiêu của chính phủ trung ương và các chính quyền bang với ở mức 5% GDP. Để đạt được nỗ lực này cần có thêm các nỗ lực kiểm soát chi tiêu. Đặc biệt, các thủ tục hiện hành quy định việc kiểm soát các đề xuất chi tiêu cho lĩnh vực phi phát triển cần được tăng cường và cần được phân tích kỹ trên khía cạnh tác động giá cả. Cải cách hành chính như cắt giảm các công việc không cần thiết, giảm chồng chéo và đơn giản hóa thủ tục cũng được đòi hỏi phải được đẩy mạnh.

Trong bối cảnh “gánh nặng chi phí trợ cấp và cung cấp tài chính cho các công ty nhà nước quá lớn đối với sức mạnh của nền kinh tế công”, Kế hoạch xác định “cải cách hệ thống công ty nhà nước với quan điểm làm cho thành phần này hiệu quả hơn và có khả năng tạo thặng dư tương xứng với mức chúng được đầu tư, và đây là một trong những ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự cải cách tài chính”.

Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy cũng chỉ rõ “trong những năm gần đây, xuất hiện xu hướng ngày càng tăng trong việc huy động tài chính trực tiếp thông qua thị trường vốn. Xu hướng này được tăng cường nhờ những thay đổi trong chính sách liên quan đến tỉ lệ lãi suất và các lĩnh vực khác. Mức độ huy động mà thành phần tư nhân thực hiện thông qua thị trường vốn đã tăng lên đáng kể. Một thị trường cấp 2 tốt trong các công cụ tài chính đang được xây dựng để thu hút người gửi tiết kiệm. Hơn nữa, cải cách thị trường chứng khoán và chức năng của thị trường này sẽ làm tăng thêm sự phát triển của thị trường cấp 1 và cấp 2. Thị trường vốn cũng sẽ được làm sâu sắc hơn khi công cụ tài chính và các thể chế tài chính mới ra đời”.

Đồng thời, Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 cũng đã đặt ra việc xây dựng các Khu vực thương mại tự do (FTZ). Ý tưởng này được thực hiện với kỳ vọng “việc phân biệt đối xử đối với hàng xuất khẩu sẽ được loại trừ” bởi các FTZ “còn vượt qua cả việc 100% các Đơn vị hướng vào nhập khẩu (EOUs) mà các chính sách xuất khẩu trước đó đã đặt ra”.

Trên đây là những nội dung cải cách chủ yếu được vạch ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy của Ấn Độ.

Và, trước khi cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế diễn ra vào tháng 7/1991, Cương lĩnh tranh cử phục vụ cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào giữa tháng 5 và đầu tháng 6 năm 1991 của Đảng Quốc đại gần đây được Subroto Roy tiết lộ trên website cá nhân, đã cho thấy rõ tư tưởng cải cách của Rajiv Gandhi. Quan trọng hơn, theo đánh giá của Digvijay Singh, một chính trị gia lão luyện của Ấn Độ thì “cuộc cải cách (năm 1991) là trí tuệ của Rajiv Gandhi và rằng sự kết hợp Rao-Singh đã đưa tiến trình này tiến lên phía trước”(17). Những nội dung cải cách trong Cương lĩnh tranh cử này tiếp tục được Subroto Roy đăng trên website của Nhóm tự do Ấn Độ dưới tiêu đề “On the Origins of the 1991 Economic Reform Encounter with Rajiv Gandhi”(18). Cụ thể, ở Chương V (Chương trình nghị sự cho hành động kinh tế), Đảng Quốc đại đã đưa ra những nội dung cải cách quan trọng trên các lĩnh vực như Khung chính sách kinh tế vĩ mô, Chính quyền địa phương ở cấp làng (Panchayati Raj), Giáo dục và y tế, Hiệu quả của ngành công nghiệp, Đầu tư và thương mại.

Về Khung chính sách kinh tế vĩ mô, ngoài việc định ra các chính sách mang tính lâu dài để tránh thay đổi đột ngột, Đảng Quốc đại còn chủ trương “hợp lý hóa và giảm trợ cấp”, “chính phủ nhường một số lĩnh vực hoạt động cho tư nhân, hợp tác xã và các thành phần phi nhà nước khác”, “giảm thuế ở những lĩnh vực có thể để tăng khuyến khích và tạo động lực cho tăng trưởng”. Đảng Quốc đại cũng chủ trương phi tập trung hóa việc ra quyết định khi đề ra cải cách trong lĩnh vực quản lý hành chính ở cấp thấp nhất - cấp làng. Đảng này chủ trương xây dựng lại các chính quyền làng (Panchayat Raj) và giao thêm quyền cho cấp quản lý này. Về giáo dục, Đảng Quốc đại đã đưa ra một chương trình 10 năm nhằm giới thiệu một nền giáo dục tiểu học miễn phí và bắt buộc đối với tất cả các trẻ em trong độ tuổi đi học. Về công nghiệp, mặc dù vẫn thực hiện chính sách “các lĩnh vực không thuộc ngành then chốt (core sector) sẽ dần được tư nhân hóa” nhưng Đảng Quốc Đại cũng đã mạnh dạn chủ trương rằng “thậm chí trong một số ngành then chốt như viễn thông, năng lượng, thép và than, rất cần quan tâm đến thành phần tư nhân” và tin rằng “tư nhân hóa phải mang lại những lợi ích công bằng đối với người dân Ấn Độ”. Về đầu tư và thương mại, Đảng này đã đưa ra quan điểm “Chính phủ và các nhà quản lý chuyên nghiệp đã đủ kinh nghiệm để đàm phán với các công ty nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và thiết lập kênh đầu tư nước ngoài theo những định hướng như mong muốn”. Đồng thời, “Chính phủ của Đảng Quốc đại sẽ tự do hóa và bãi bỏ quy định trong ngành công nghiệp để ngành này có khả năng cạnh tranh và hướng vào xuất khẩu”. Đảng này cũng chủ trương xây dựng một Cộng đồng Nam Á mà một trong những bước đi đầu mà Ấn Độ thực hiện là hợp tác kinh tế và thương mại giữa các nước Nam Á phải được tăng cường và đơn giản hóa.

Thực tế, sau khi giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1991, liên minh cầm quyền do Đảng Quốc Đại lãnh đạo đã bắt tay thực hiện những cải cách lớn bắt nguồn tư những tư tưởng cải cách từ giữa những năm 1980. Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, Thủ tướng Narasimha Rao và Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh là những người nằm trong Ủy ban kế hoạch soạn thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 7 (1985-1990), trong đó Manmohan Singh là Phó Chủ tịch Ủy ban và Narasimha Rao là một trong 8 Ủy viên. Narasimha Rao và Manmohan Singh cũng là hai trong những lãnh đạo cao cấp thuộc Ủy ban soạn thảo cương lĩnh chính trị của Đảng Quốc đại chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 1991.

Năm 1984, sau cái chết bi thảm của I. Gandhi, con trai bà là Rajiv Gandhi lên làm thủ tướng. Từ đây, nhiều biện pháp mang tính cải cách khiêm tốn bắt đầu được chính phủ và những nhà lãnh đạo đề ra và thông qua, Cho nên, thái độ của chính phủ đối với khu vực tư nhân đã bắt đầu thay đổi. Nhìn chung, do bước đầu thay đổi tư duy, cho nên, thủ tướng Rajiv Gandhi chưa thể sắp xếp và thông qua các biện pháp cải cách một cách có hệ thống. Điều đó dẫn đến tình trạng lộn xộn của các chính sách trong những năm 80 của thế kỉ XX.

Tháng 7 - 1991, Narasimha Rao lên làm thủ tướng, Manmohan Singh trở thành Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ. Đó cũng là thời điểm chính sách “tập trung quan liêu, bao cấp và tự lực cánh sinh theo kiểu đóng cửa, tự cấp tự túc” đang đẩy kinh tế Ấn Độ đến “bên bờ vực thẳm”: hơn 30 triệu người thất nghiệp; nợ nước ngoài lên tới 70 tỷ USD; dự trữ ngoại tệ đến tháng 5 - 1991 chỉ còn lại 1 tỷ - đủ cho nhập khẩu trong 2 tuần; đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ đạt trung bình khoảng 100 triệu USD/năm; khu vực thuộc sở hữu nhà nước phình to mà hoạt động kém hiệu quả, kèm theo đó là chế độ bao cấp nặng; xí nghiệp tư nhân không những chẳng có bao cấp mà còn phải chịu những khoản cống nạp khổng lồ cho thói quan liêu, bệnh giấy tờ, mà vẫn phải chờ đợi 2 – 3 năm mới hoàn tất được các thủ tục kinh doanh; mức thâm hụt tài chính hàng năm chiếm gần 8,5% GDP; cán cân thanh toán thâm hụt nặng tới 3,5% GDP - không có ngân hàng nước ngoài nào sẵn lòng cung cấp tài chính cho Ấn Độ …

Với tư cách là người đứng đầu Bộ Tài chính Ấn Độ, Manmohan Singh đã tác động mạnh mẽ tới thủ tướng Narasimha Rao. Ông đã khởi động quá trình tổ chức, cơ cấu lại nền kinh tế Ấn Độ bằng việc tìm đến thủ tướng N. Rao và khẳng định rằng Ấn Độ cần một tầm nhìn chiến lược để có thể đưa đất nước tiến lên phía trước. Ông cũng từng nói với N. Rao rằng “Rất có thể chúng ta sẽ quỵ ngã, chúng ta sẽ thất bại. Nhưng vẫn còn một cơ hội nếu chúng ta tiến hành những biện pháp táo bạo - biện pháp có thể tạo ra sự chuyển biến cho nền kinh tế Ấn Độ. Chúng ta phải biến cuộc khủng hoảng này trở thành cơ hội để xây dựng một Ấn Độ mới, để thực hiện những việc mà nhiều người trước đây đã nghĩ tới, đã nói nhưng chưa ai làm được cả”(19). Phát biểu trước Quốc hội, với tư cách là người đại diện cho Bộ Tài chính, M. Singh đã trích câu nói nổi tiếng của đại văn hào Pháp Victor Hugo để nhấn mạnh rằng đã đến lúc Ấn Độ phải tiến hành cải cách, đổi mới nền kinh tế, hành chính: “Không có sức mạnh nào trên trái đất này có thể ngăn cản một ý tưởng khi thời khắc của nó đã điểm”(20). Đồng thời, M. Singh liên tục hối thúc những nhà lãnh đạo chính phủ. Ông cho rằng nếu cứ tiếp tục lối mòn cũ, chúng ta sẽ nghèo khổ hơn, sẽ có nhiều người thất nghiệp hơn. Và cải cách chính là con đường để lựa chọn. Theo M. Singh, cải cách là tự do hoá nền kinh tế, thêm vào đó là kế hoạch điều chỉnh cơ cấu tổ chức. Đồng thời, “tự do hoá phải được tiến hành trên sự khéo léo, nhạy bén và đổi mới. Làm được như vậy, nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn, chẳng mấy chốc mọi người sẽ tin điều này. Chắc chắn điều đó sẽ xảy ra”(21).

Tháng 7 - 1991 được coi là mốc đánh dấu việc triển khai cải cách kinh tế Ấn Độ. Đây là cuộc cải cách toàn diện với 4 hướng chính:

Thứ nhất: Lấy lại cân bằng vĩ mô, giảm mức thâm hụt ngân sách Chính phủ, kiểm soát lạm phát.

Thứ hai: Tăng hiệu quả của khu vực kinh tế quốc doanh bằng cách cấu trúc lại khu vực này.

Thứ ba: Giảm bớt hạn chế đối với các xí nghiệp tư nhân, đặc biệt khuyến khích đầu tư nước ngoài.

Thứ tư: Nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Ấn Độ, từng bước tự do hoá thị trường tài chính – tiền tệ – ngân hàng, giảm thuế quan, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

M. Singh kỳ vọng rằng trong khủng hoảng, Ấn Độ sẽ vượt qua và thực hiện được những biến đổi cơ cấu căn bản, từ đó xây dựng nền tảng để Ấn Độ trỗi dậy trong thế kỷ mới với tư cách là một nền kinh tế chính yếu của thế giới.

Thủ tướng Ấn Độ là Narasimha Rao đã hoàn toàn ủng hộ những đề xuất của Manmohan Singh. Như vậy, mặc dù chưa đề xuất được những biện pháp cải cách nhưng thủ tướng N. Rao có đầu óc khá cởi mở, có tư tưởng tiến bộ. Có thể nói, M. Singh chính là “Người giải phóng nền kinh tế Ấn Độ”. Nhờ sự đổi mới tư duy của những nhà lãnh đạo Chính phủ Ấn Độ, đặc biệt là Thủ tướng N. Rao và Bộ trưởng Tài chính M. Singh mà Ấn Độ quyết định cải cách toàn diện từ năm 1991. Đương nhiên, sự đổi mới tư duy ấy là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó sự thay đổi của tình hình thế giới cũng như trong lòng đất nước Ấn Độ.

  • Kế hoạch 5 năm lần thứ tám (1992-1997)

Do khủng hoảng toàn diện kinh tế-xã hội nổ ra vào cuối những năm 1980 và sự bất ổn chính trị từ cuối năm 1989 đến giữa năm 1991 (sau khi Rajiv Gandhi hết nhiệm kỳ Thủ tướng vào đầu tháng 12/1989, kể từ 2/12/1989 đến 21/6/1991, Ấn Độ đã phải hai lần thay thủ tướng là V.P. Singh (2/12/1989-10/11/1990) và Chandra Shekhar Singh (10/11/1990-21/6/1991), Ấn Độ đã không xây dựng được Kế hoạch 5 năm lần thứ tám sau khi Kế hoạch 5 năm lần thứ bảy kết thúc vào năm 1990. Vì vậy, mặc dù vào năm 1990 Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ tám (1990-1995) nhưng phải tới cuối năm 1991 và đầu năm 1992, Ấn Độ mới xây dựng được Kế hoạc 5 năm này. Trong Báo cáo thường niên 1990-1991 của Ủy ban kế hoạch thuộc Chính phủ Ấn Độ, hướng tiếp cận xây dựng Kế hoạch 5 năm lần thứ tám mang tính đột phá lớn là “vạch kế hoạch phi tập trung hóa tiến trình xây dựng kế hoạch với sự tham gia tăng lên của người dân”(22).

Tư tưởng cải cách chủ đạo trong Kế hoạch 5 năm lần thứ tám(23) là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang một nền kinh tế do thị trường dẫn dắt (nền kinh tế thị trường): “Đây là kế hoạch thực hiện những thay đổi, thực hiện sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế do thị trường dẫn dắt mà không phá vỡ cơ cấu xã hội-văn hóa” và “đây là một kế hoạch linh hoạt với các mục tiêu thay đổi, cải cách và điều chỉnh. Trong mức chi tiêu mà chúng ta đã đề xuất cho các bang và cho các Bộ trung ương, các bang và các Bộ trung ương cũng phải tự tạo kinh phí cho mình. Chúng ta chỉ có đủ tài chính để thực hiện kế hoạch khi chung ta có đủ các nguồn lực này. Tuy nhiên, một số ngành khác như năng lượng, giao thông và thông tin cần có thêm kinh phí để thực hiện các ưu tiên. Sự thiếu hụt này sẽ được đầu tư của thành phần tư nhân đáp ứng”.

Nhìn chung, cải cách chính sách kinh tế vĩ mô chính là tư tưởng chủ đạo của Kế hoạch này. Các lĩnh vực được nhấn mạnh cụ thể bao gồm:

  1. Chế độ chính sách quản lý thương mại, công nghệ và dòng vốn xuyên biên giới:

Về cơ bản, chính sách này tiếp nối những đề xuất cải cách đưa ra kể từ tháng 7/1991 như điều chỉnh giảm giá trị đồng rupee xuống khoảng 20%, tự do hóa chế độ ngoại thương thông qua giảm hạn chế về số lượng, giảm dần mức thuế (ngân sách Liên bang đã đề xuất giảm mức thuế tối đa từ 300% xuống còn 150%). Về chính sách thương mại, Kế hoạch 5 năm lần thứ tám tiếp tục các cải cách với hai nhóm mục tiêu là: (i) tiếp tục cắt giảm danh mục nhạy cảm các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu; (ii) giảm dần cấp độ và mức phân tán các mức thuế. Kế hoạch cũng chủ trương xóa bỏ hệ thống thị trường hối đoái kép, thống nhất tỉ giá hối đoái và đưa đồng rupee thay đổi theo đúng quy luật. Ngoài ra, cơ cấu thuế cũng được đề xuất theo hướng hợp lý hóa. Về lưu thông nguồn vốn, Kế hoạch tiếp tục theo đuổi chính sách tự do hóa nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

  1. Bãi bỏ quy định trong ngành công nghiệp và chính sách quản lý giá

Ngoài chính sách công nghiệp mới được chính phủ khởi động năm 1991 về bãi bỏ việc kiểm soát quan liêu trong ngành này và mở cửa một số ngành công nghiệp cho lĩnh vực tư nhân, Kế hoạch 5 năm lần thứ tám tiếp tục hướng tới việc duy trì các biện pháp bãi bỏ các quy định: (i) bãi bỏ các quy định trong công nghiệp (cụ thể là cắt giảm danh sách các ngành công nghiệp buộc phải có giấy phép) và (ii) chính sách quản lý giá (đề xuất bãi bỏ sự kiểm soát của chính phủ về giá).

  1. Cải cách ngành tài chính

Ngoài việc theo đuổi các cải cách đã được định ra từ tháng 7/1991 như các Thể chế tài chính phát triển (DFI) được phép đưa ra mức lãi suất dựa trên điều kiện thị trường với mức sàn là 15% hay tỉ lệ lãi suất đối với giấy nợ tập đoàn mà chính phủ định ra trước đó cũng đã được bãi bỏ, Kế hoạch lần này cũng đưa ra đề xuất “Chính phủ cho phép thành phần tư nhân tiếp cận các lĩnh vực chỉ dành cho thành phần công, bao gồm cả hệ thống ngân hàng”. Kế hoạch cũng chủ trương “hệ thống tài chính phải hoàn toàn chuyển sang chế độ tỉ lệ lãi suất hoàn toàn không có sự kiểm soát trực tiếp”. Tương tự, Kế hoạch cũng đưa ra đề xuất “từ một cơ cấu tỉ lệ lãi suất bị quản lý, chúng ta nên hướng tới một chế độ đơn giản hơn với chỉ một tỉ lệ nhỏ của hệ thống được ban ra bởi các mệnh lệnh tiền tệ”.

Kế tiếp Narasimha Rao, năm 1998, Vajpayee lên giữ chức Thủ tướng. Đây là một phần tử cấp tiến muốn tiến hành cải cách nhanh chóng mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông lại gặp phải sự chống đối của phái đối lập, cho rằng phải thận trọng, chậm chạp và chắc chắn đối với cuộc cải cách. Hơn nữa, Vajpayee không phải là một con người mềm mỏng và khéo léo. Ông sẵn sàng thử bom nguyên tử trước sự chống đối của Mĩ và các nước khác. Vì thế, ngay sau đó, Ấn Độ đó phải chịu hậu quả nghiêm trọng, bị Mĩ cấm vận kinh tế suốt 3 năm (1998 - 2001). Điều này đã ảnh hưởng lớn tới công cuộc cải cách của Ấn Độ, đặc biệt là việc làm giảm tốc độ cải cách.

- Kế hoạch 5 năm lần thứ chín (1997-2002)

Đến những năm cuối của giai đoạn thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ tám, Ấn Độ rơi vào giai đoạn khủng hoảng. Cuộc tổng tuyển cử vào năm 1996 đã đưa Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lên nắm quyền nhưng đảng này cũng chỉ cầm quyền được 13 ngày. Từ tháng 6/1996 đến tháng 3/1998, Ấn Độ đã phải trải qua thêm hai đời thủ tướng với các liên minh của Đảng Janata Dal. Về kinh tế, cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á 1997-1998 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới Ấn Độ. Kế hoạch 5 năm lần thứ chín (1997-2002) ra đời trong bối cảnh bất ổn về chính trị trong nước và những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á.

Nếu như Kế hoạch 5 năm lần thứ tám nhấn mạnh rằng “Chính phủ đã đưa ra những cải cách lớn để mang lại động lực cạnh tranh lớn hơn cho ngành công nghiệp Ấn Độ và Kế hoạch thứ tám nỗ lực đưa tiến trình này tiến xa hơn và nhấn mạnh nhiều hơn đến sáng kiến tư nhân trong phát triển công nghiệp”(24) thì Kế hoạch 5 năm lần thứ chín lại chủ trương “nhất trí ưu tiên cho nông nghiệp và phát triển nông thôn”(25) với mục tiêu được chú trọng là “tăng trưởng với công bằng xã hội”.

Kế hoạch 5 năm lần này vẫn tiếp tục chủ trương cải cách khi nhấn mạnh: “tiến trình cải cách ra đời từ mấy năm trước đây đã mang lại nhiều kết quả tốt, nó phải được tiếp tục và đẩy mạnh”. Vai trò của Nhà nước và tư nhân tiếp tục được nhìn nhận cụ thể: “Cuộc cải cách bao gồm việc tái định hướng lớn về vai trò của Nhà nước. Thay vì đóng vai trò là một người kiểm soát toàn bộ các hoạt động của thành phần tư nhân và là nhà sản xuất trực tiếp trên nhiều lĩnh vực thông qua nhiều công ty nhà nước lớn, Nhà nước phải đóng một vai trò khác trong tương lai. Một trong những sức mạnh của nền kinh tế Ấn Độ là chúng ta có thành phần tư nhân mạnh và được biết đến nhiều, bao gồm các công ty lớn, vừa và nhỏ. Nền nông nghiệp của Ấn Độ luôn dựa vào những cá thể nông dân với sự vượt trội của những người nông dân nhỏ bé và nằm bên lề (xã hội). Chiến lược phát triển của Ấn Độ phải hướng vào việc làm cho nhiều bộ phận khác nhau của thành phần tư nhân đạt được đầy đủ những tiềm năng cho sản xuất, tạo việc làm và nâng mức thu nhập trong xã hội. Một thành phần tư nhân mạnh hoạt động trong môi trường cạnh tranh và các thị trường tự do sẽ khuyến khích được việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khan hiếm và đảm bảo sự tăng trưởng nhanh với chi phí thấp nhất. Các chính sách của Ấn Độ do vậy phải tạo được môi trường khuyến khích các nguồn lực đó”.

Mặc dù cải cách hướng tới việc tạo nhiều thuận lợi cho thành phần tư nhân hoạt động nhưng vai trò của Nhà nước trong Kế hoạch này vẫn được đề cao: “Khuyến khích thành phần tư nhân và dựa trên sự cạnh tranh và các nguồn lực thị trường không có nghĩa rằng Nhà nước không có vai trò gì hay thậm chí vai trò của Nhà nước trong phát triển bị suy giảm…Nhà nước phải từ bỏ vai trò là người kiểm soát và người cấp phép cho các công ty tư nhân trong các lĩnh vực mà cạnh tranh thị trường và ngành tài chính có hiệu quả đảm bảo được các quyết định phù hợp về đầu tư và công nghệ. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực khác mà Nhà nước phải thực sự tăng cường tham gia. Một trong số đó là trong lĩnh vực phát triển xã hội, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Việc mang lại cơ sở hạ tầng kinh tế như năng lượng, đường sá, cảng, đường sắt, viễn thông, dịch vụ đô thị… là lĩnh vực khác mà Nhà nước cần phải tiếp tục vai trò của mình. Một trong số những dịch vụ mà thành phần tư nhân có thể cung cấp… nhưng thậm chí nỗ lực khả dĩ để thu hút đầu tư của thành phần tư nhân trong cơ sở hạ tầng thì Nhà nước vẫn phải cung cấp phần lớn đầu tư mà cơ sở hạ tầng kinh tế ưu cầu. Đầu tư công trong cơ sở hạ tầng phải tiếp cụ là ưu tiên cao đặc biệt trong những lĩnh vực cơ sở hạ tầng sự tham gia của thành phần tư nhân có thể bị hạ chế”.

Nói tóm lại, mặc dù tiếp tục xu hướng cải cách đã được định ra trước đó, chủ trương hạn chế sự kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của thành phần tư nhân nhưng vai trò của Nhà nước được chủ trương trong Kế hoạch 5 năm lần thứ chín vẫn tiếp tục được duy trì và thậm chí củng cố trong phát triển xã hội, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn.

Chủ trương cải cách ở từng ngành kinh tế được đưa ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ chín cụ thể như sau:

Trong nông nghiệp, Kế hoạch chủ trương một “chiến lược phát triển với sự kết hợp của các nỗ lực của thành phần tư nhân và sự hỗ trợ của nhà nước” và những hạn chế trong tiếp cận thị trường của nông dân hay những khó khăn trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vẫn phải nhờ đến vai trò của Nhà nước. Trong bối cảnh “ngành nông nghiệp kể từ trong lịch sử đã và đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tạo việc làm ở Ấn Độ và tình hình này vẫn sẽ tiếp tục ít nhất trong một hoặc hơn một thập kỷ tới”, Kế hoạch xác định “nguồn lực lao động ngày càng lớn này sẽ phải tiếp tục có được các cơ hội việc làm”. Kế hoạch xác định “để tạo được những cơ hội việc làm đó, cải cách đất đai và đất lĩnh canh đóng vai trò cốt yếu”. Tuy chủ trương cải cách nhưng Kế hoạch cũng khẳng định: “Sự can thiệp tích cực của Nhà nước, kể cả trong việc thực hiện các luật hiện hành và xây dựng những luật mới để đảm bảo các quyền của nông dân, trong những lĩnh vực này sẽ phải được tiếp tục một cách nghiêm túc để tạo điều kiện cho việc thu hút lao động với tăng sản xuất tương xứng”.

Trong công nghiệp, tự do hóa là xu hướng tiếp tục được theo đuổi nhưng Kế hoạch lần này hướng nhiều hơn đến tự do hóa ở cấp độ Chính phủ trung ương: “Những kiểm soát hiện có ở cấp Chính phủ trung ương cần phải được xem xét lại để hướng tới sự tự do hóa cao hơn. Ngành công nghiệp của Ấn Độ phải được giải phóng khỏi sự can thiệp của chính phủ và quan liêu không cần thiết. Tuy nhiên, những nỗ lực lớn trong tương lai phải hướng tới việc tự do hóa ở cấp các chính quyền bang”. Không kém phần quan trọng “ngành công nghiệp Ấn Độ vẫn chịu tác động tiêu cực từ việc kiểm soát quá mức cần thiết và các quy định liên quan tới các vấn đề trong tầm ảnh hưởng của chính quyền bang, nhân tố tạo ra gánh nặng làm trì hoãn và thậm chí làm phiền nhiễu các doanh nghiệp. Việc sửa đổi toàn diện những kiểm soát và những thủ tục ở mức chính quyền bang sẽ giúp tạo nên môi trường thuận lợi cho ngành công nghiệp Ấn Độ”.

Chính sách ngoại thương trong Kế hoạch 5 năm lần thứ chín được xác định là phải đáp ứng được mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng trong bối cảnh thế giới đang ngày càng hội nhập và toàn cầu hóa. Kế hoạch chủ trương rằng “việc tiếp tục bảo hộ ở mức cao không còn phù hợp nếu Ấn Độ muốn ngành công nghiệp của mình có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới và do đó cần phải tiếp tục tiến trình giảm có lộ trình các mực thuế nhập khẩu để đưa mức thuế của Ấn Độ phù hợp với mức thuế của các nước đang phát triển khác”. Với chủ trương đó, Kế hoạch nhấn mạnh rằng “ưu tiên trong cải cách cơ cấu thuế nên đi theo hướng giảm thuế ở những khu vực bất bình thường về thuế như mức thuế đánh vào đầu vào cao hơn mức thuế đánh vào đầu ra”. Đồng thời, kế hoạch cũng đề xuất “thực hiện các bước đi nhằm tăng cường cơ chế chống bán phá giá để đảm bảo rằng ngành công nghiệp trong nước không trở thành đối tượng của các cuộc cạnh tranh không công bằng”.

Về đầu tư nước ngoài, do xác định “với tư cách là nền kinh tế đang phát triển lớn thứ hai châu Á, Ấn Độ có thể trở thành điểm đến quan trọng của đầu từ nước ngoài nên các chính sách trong Kế hoạch lần thứ chín phải được soạn thảo để tận dụng lợi thế có thể này”. Vì lẽ đó, Kế hoạch lần này tiếp tục chủ trương của Kế hoạch lần thứ tám trong khuyến khích dòng chảy đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Ấn Độ, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng.

Về nhịp độ tự do hóa tài khoản vốn, Kế hoạch đưa ra những chủ trương dựa vào bài học của các nền kinh tế Đông Á trong bối cảnh khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á 1997-1998: “Cách tiếp cận đối với tự do tài khoản vốn ở Ấn Độ là thận trọng, và chính sách của chính phủ là đặc biệt quan tâm đến việc tránh xây dựng những khoản nợ nước ngoài ngắn hạn”. Kế hoạch chủ trương “các chính sách nên tiếp tục quá trình tự do hóa cẩn trọng trong lĩnh vực tài chính với việc đặc biệt cẩn trọng trong việc tạo ra những khoản nợ ngắn hạn”.

Về các lĩnh vực cơ sở hạ tầng như năng lượng điện, viễn thông, đường sắt, đường bộ và cảng, mặc dù Kế hoạch chủ trương vai trò lớn của Nhà nước nhưng đã chủ trương “kêu gọi cải cách”. Cụ thể, “cải cách ngành năng lượng ở các bang, bao gồm cải cách thuế năng lương, có tầm quan trọng đặc biệt để các Sở điện lực bang có được nguồn tài chính. Điều này là cần thiết  để mở rộng đầu tư công và cũng tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân trong việc bán điện cho các Sở điện lực các bang (SEB).

Về cải cách tài chính, Kế hoạch xác định “cải cách nền kinh tế cần phải được hỗ trợ bởi một ngành tài chính có hiệu quả có khả năng huy động tiết kiệm từ cộng đồng và phân phối chúng cho những người sử dụng hiệu quả nhất. Trong bối cảnh này rất quan trọng khi nhấn mạnh đến vai trò của cải cách ngành tài chính trong những năm sắp tới”. Kế hoạch 5 năm lần thứ tám đã khởi động cải cách trong ngành ngân hàng và “tiến trình này cần phải được tiếp tục trong Kế hoạch 5 năm lần thứ chín”.

“Một lĩnh vực quan trọng trong cải cách tài chính có liên quan là bảo hiểm và quỹ trợ cấp. Những thể chế này dưới hình thức tiết kiệm dài hạn bằng hợp đồng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc tăng mức tiết kiệm toàn bộ của nền kinh tế”. Với nhìn nhận đó, Kế hoạch nhấn mạnh rằng “các đề xuất cải cách trong lĩnh vực bảo hiểm thông qua việc chấm dứt sự độc quyền của thành phần nhà nước trong lĩnh vực này và mở cửa cho thành phần tư nhân cần phải được thực hiện ngay nhằm tạo ra một ngành tài chính có thể cung cấp dịch vụ chất lượng tốt tới người tiêu dùng và cũng đáp ứng được nhu cầu tài chính cho ngành công nghiệp”.

Kế hoạch này cũng đã đặt vấn đề về cải cách hệ thống giáo dục và đào tạo. “Các hệ thống giáo dục và đào tạo ở Ấn Độ nếu không được cải cách sẽ bắt đầu trở nên cứng nhắc và ngày càng ra rời với yêu cầu của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng xã hội. Xu hướng này cần phải được thay đổi và phải có những nỗ lực để đưa ra một hệ thống mới mà những yêu cầu về kỹ năng ngày càng cao của nền kinh tế phải được chuẩn bị trước, các hệ thống giáo dục và đào tạo cũng phải được định hướng lại cho phù hợp”. Trong bối cảnh đó, vai trò chủ đạo của Nhà nước tiếp tục được đề cao khi Kế hoạch khẳng định “mặc dù tư nhân, thành phần sẽ trở thành nguồn cung cấp các cơ hội việc làm chính trong tương lai, sẽ đóng vai trò quan trọng nhưng Chính phủ sẽ phải đưa ra các sáng kiến vì hệ thống giáo dục ở Ấn Độ thuộc phạm vi Nhà nước là chính”.

2.1.2. Những thành tựu bước đầu của công cuộc cải cách.

Sau 10 năm cải cách, kết quả mà nền kinh tế Ấn Độ đã đạt được là hết sức to lớn: Nhờ thực hiện công cuộc cải cách kinh tế được khởi xướng từ tháng 7 năm 1991, nền kinh tế Ấn Độ đã thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng và trì trệ năm 1991 – 1992 và đạt mức tăng trưởng tương đối cao trong những năm 1992 – 1993 đến hết giai đoạn 1 của cuộc cải cách (năm 1998 – 2001). Bằng chứng là nếu năm 1991 – 1992, kinh tế Ấn Độ khủng hoảng mạnh, tăng trưởng kinh tế là 0,8% (trong đó, tăng trưởng nông nghiệp là -2,3%, công nghiệp là -1,3%, dịch vụ là 2,2%) thì bước sang năm 1992 – 1993, chỉ một năm sau khi Ấn Độ tiến hành cải cách, con số đó đã tăng lên đáng kể. Tăng trưởng kinh tế Ấn Độ năm 1992 – 1993 là 5,1% (trong đó, tăng trưởng nông nghiệp là 6,1%, công nghiệp là 4,1% và dịch vụ là 5,1%)(26).

Nhìn chung, nhờ có cuộc cải cách, kinh tế Ấn Độ có sự khởi sắc nhanh chóng. Đúng như những nhận xét của Ngân hàng Thế giới khi nghiên cứu về Ấn Độ năm 1997: “Những phát triển tích cực cơ bản trong nền kinh tế Ấn độ là những biến đổi cơ cấu quan trọng. Việc giảm bớt vai trò của các ngành công cộng sau khi thực hiện chương trình cải cách năm 1991 là một trong những thay đổi cơ cấu cơ bản nhất kể từ khi độc lập. Tự do hoá nền kinh tế đó mở ra cho khu vực tư nhân những lĩnh vực mà trước đây khu vực công nắm giữ như những ngành công nghệp nặng, ngân hàng, hàng không dân dụng, viễn thông, năng lượng, cầu cảng và đường sá. Quan trọng hơn là tự do hoá kinh tế đó giảm bớt những méo mó, lệch lạc và tăng tính cạnh tranh trong và ngoài nước”(27).

Mặt khác, theo thống kê, nhờ có cuộc cải cách, thu hút đầu tư nước ngoài của Ấn độ tăng lên nhanh chóng. Nếu trong giai đoạn 1980 – 1996, tổng FDI vào Ấn độ là 4,1 tỉ USD thì giai đoạn từ 1997 – 2001, con số đó là 14,1 tỉ USD(28). Như vậy, chỉ trong vòng 4 năm, thu hút FDI của Ấn Độ đã tăng gấp khoảng 3,5 lần so với cả một giai đoạn dài 16 năm trước đó. Tính trung bình, tỷ trọng của FDI vào Ấn Độ trong tổng FDI vào Nam Á và Đông Nam Á tăng từ 1,29% (thời kỳ 1980 – 1990) Lên 2,07% (thời kỳ 1991 – 2001)(29). Ấn Độ ngày càng trở thành điểm hấp dẫn đối với các hoạt động kinh doanh. Đương nhiên, động lực giúp Ấn Độ thu được kết quả đó chính là công cuộc cải cách.

Tuy nhiên, có một thời gian (1998 – 2001), Ấn độ phải chịu sự cấm vận của Mĩ. Điều này làm giảm đáng kể sức thu hút FDI ở Ấn Độ. Quan sát dòng FDI vào và ra ở Ấn Độ trong thời gian 1997 – 2000 (đơn vị % trong tổng vốn đầu tư cố định) theo bảng 2.1 sau đây chúng ta sẽ thấy điều này:

 

Bảng 2.1. Dòng FDI vào và ra ở Ấn Độ trong thời gian 1997 – 2000

(Đơn vị % trong tổng vốn đầu tư cố định)

                    Năm

Dòng FDI

1997

1998

1999

2000

Vào

4,0

2,9

2,2

2,3

Ra

0,1

0,1

0,1

0,3

 Nguồn: Viện kinh tế và chính trị thế giới, Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới, số 1 (129) năm 2007, tr. 36.

Cũng trong thời kỳ này, nhờ những nỗ lực cải cách, tổng thâm hụt tài chính của Ấn Độ đã giảm từ trên 8% GDP (năm 1990 – 1991) xuống còn khoảng 6% (năm 1996 – 1997), dự trữ ngoại tệ đã tăng từ 2.2 tỷ USD lên 21.7 tỉ USD trong cùng thời gian trên(30).

Ấn Độ đã ra khỏi khủng hoảng và từng bước phát triển vững chắc. Chính phủ của Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng cuộc cải cách theo hướng này. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 1992 đến 1998 đạt 6,5%, đặc biệt nếu tính từ 1994 đến 1997 đạt 7,5%. Từ sau vụ thử hạt nhân tháng 5 -1998, kinh tế Ấn Độ có gặp khó khăn bởi lệnh “cấm vận kinh tế”. Theo báo cáo tại Quốc hội tháng 2 - 1999, tốc độ tăng GDP của Ấn Độ năm 1998- 1999 đạt 5,8% (1997 - 1998: 5%). Ngũ cốc đạt 195,3 triệu tấn, đứng thứ ba thế giới, sản xuất 72 triệu tấn sữa, đứng thứ tư trên thế giới. Dự trữ ngoại hối là 27,9 tỷ USD. Tuy nhiên, Ấn Độ đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình phát triển đất nước, đó là vấn đề dân số, mâu thuẫn tôn giáo giữa Ấn - Hồi, xu hướng li khai ở Pengiáp, Giamu,  Kashmir...

          Cùng với các chiến lược phát triển kinh tế, Ấn Độ rất chú trọng phát triển khoa học kỹ thuật của đất nước. Các nhà khoa học Ấn Độ đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ấn Độ cũng đã xây dựng được một hệ thống lò phản ứng hạt nhân. Ngày 18-5-1974, Ấn Độ đã thử quả bom nguyên tử đầu tiên và tháng 5 - 1998 tiếp tục thử thành công vũ khí hạt nhân của mình. Hiện nay Ấn Độ đã tham gia “Câu lạc bộ các nước chinh phục vũ trụ”. Từ tên lửa tự chế được phóng lên vũ trụ năm 1969, đến năm 1975 Ấn Độ đã có vệ tinh Ariabata. Chương trình vũ trụ đang tiếp tục phát triển với việc phóng các vệ tinh IRS - P4 và Insat - 2E, tên lửa đẩy phóng vệ tinh Kitsat của Triều Tiên và Tubsat của Đức...

Sự tăng trưởng của các ngành kinh tế đã nâng dần mức thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ từ 50 USD (năm 1950) đến 382 USD (năm 1993)(31).

Về hành chính, với những biện pháp cải cách trên, Ấn Độ đã xây dựng cho mình được một bộ máy hành chính khá gọn gàng và hiệu quả. Nó đó thu hút được nhiều nhân tài tham gia vào sự nghiệp quản lí đất nước. Thậm chí, có nhiều nhà nghiên cứu đã ca ngợi bộ máy hành chính của Ấn Độ là thiên đường của sức mạnh trí óc. Bộ máy này thu hút nhiều sinh viên thông minh nhất nước này, những người được thừa nhận trên cơ sở một cuộc kiểm tra khó khăn.

Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cũng được đơn giản hoá nhằm hướng tới sự tự do hoá nền kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những gì đã làm được, nền hành chính Ấn Độ vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bộ máy hành chính còn mắc những sai lầm bởi công tác đào tạo yếu kém trong lĩnh vực thực hành. Nhiều sinh viên vốn rất giỏi kiến thức, có chỉ số thông minh cao nhưng khi làm quản lí lại không thành công và bỡ ngỡ trước thực tiễn quá phức tạp của đất nước mình. Nhiều người đổ lỗi cho hệ tư tưởng hay nền dân chủ là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của họ, nhưng thực tế thì nhiều cán bộ còn đánh giá ý tưởng cao hơn kết quả. Nhiều chính trị gia và công chức Ấn Độ không biết cách lập kế hoạch rõ ràng các dự án của họ, giám sát dự án này hay theo suốt các dự án đó. Cho nên, những thất bại, sai lầm của họ phần lớn có liên quan đến việc thực hiện yếu kém.

Như vậy, qua việc tìm hiểu cải cách ở Ấn Độ giai đoạn 1991 - 2001, có thể thấy: Đây là cuộc cải cách mang tính tất yếu, chủ động. Tính tất yếu do cuộc khủng hoảng quy định và tính chủ động do cơ sở kinh tế - xã hội đất nước tạo ra. Một phần, nó xuất phát từ tính chủ động quyết định tiến hành cải cách của các nhà lãnh đạo Ấn Độ và sự hưởng ứng của người dân. Cuộc cải cách đã thu được những kết quả ban đầu nhưng nhìn chung, tốc độ cải cách còn chậm, thành tựu của cải cách chưa tương xứng với những gì Ấn Độ thực hiện. Ở Ấn Độ, cải cách kinh tế diễn ra sớm hơn và thu được những thành tựu nhanh chóng hơn cải cách các lĩnh vực khác. Cải cách kinh tế và hành chính đều được tiến hành toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Do đó, thành tựu thu được cũng xuất hiện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, nhiều cải cách còn khá rụt rè và ngần ngại, các biện pháp cải cách vẫn tiếp tục được ban hành trên cơ sở thăm dò ý kiến.

2.2. Công cuộc cải cách ở Ấn Độ từ năm 2001 đến năm 2010

2.2.1. Bối cảnh mới của cuộc cải cách ở Ấn Độ

Về hoàn cảnh thế giới: Sự kiện 11 – 9 – 2001 và sự trỗi dậy mạnh mẽ của Ấn Độ lẫn Trung Quốc đã đặt ra nhiều vấn đề mà Mĩ buộc phải quan tâm. Trên cơ sở đó, những “gợi ý” cho chính phủ Mĩ là:

Thứ nhất, cả Ấn Độ và Trung Quốc nên được xem như những cường quốc đang lên, mỗi bên có một chuẩn mực và khả năng riêng để áp đặt ảnh hưởng đối với một khu vực và thậm chí ở mức độ toàn cầu. Nền kinh tế của họ đang gia tăng ưu thế, và các thị trường nội địa của họ sẽ gia tăng sự hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Cả hai quốc gia đang dần giành được uy tín, và Mỹ cần nhận ra điều đó. Về mặt lịch sử, Mỹ có xu hướng đánh giá cao (nếu không nói là đánh giá quá cao) Trung Quốc và đánh giá thấp Ấn Độ, coi Ấn Độ ngang tầm với Pakistan. Quan điểm này không còn tiến bộ - hai đất nước nên được xem xét như nhau với tư cách là hai cường quốc đang lên.

          Thứ hai, bản đồ chính trị châu Á đang được kéo lại về phía Ấn Độ cũng như Trung Quốc. Trong lịch sử, những nhà hoạch định chính sách Mỹ đã nhìn châu Á như ba khu vực biệt lập – Đông Á, Đông Nam Á, và Nam Á - nhưng thực tế lại đang đang xuất hiện chiều hướng mới, mỗi đất nước trong các khu vực đó đều có tác động đến các nước khác. Điều này có nghĩa là mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc sẽ trở thành mối quan hệ chính yếu ở châu Á. Ấn Độ đang mở rộng quan hệ với Đông Nam Á cũng như Nhật Bản, trong khi Trung Quốc còn đang mở rộng những lợi ích của mình tại Đông Nam Á (bằng chứng là đề xuất về hiệp ước thương mại tự do của Trung Quốc với ASEAN) và Nam Á. Sự phát triển này sẽ có một tác động đối với những vấn đề liên quan đến quan hệ Ấn – Trung, kể cả sự tăng cường vũ khí hạt nhân. Ở một mức độ, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ phải cạnh tranh ảnh hưởng ở hàng loạt nước khác, như Myanmar, Việt Nam, Nepan, v.v…

          Thứ ba, quan hệ Trung - Ấn sẽ bị làm cho phức tạp. Khả năng xảy ra những cuộc xung đột trực tiếp vẫn tồn tại. Có một khả năng về hợp tác - họ có chung viễn cảnh đối với các vấn đề kinh tế và chính trị - mặc dù sự gần gũi về mặt địa lý và những mô hình tăng trưởng tương đồng chứng tỏ họ sẽ không có nhiều hợp tác về kinh tế và tăng cường theo dõi nhau như những đối thủ cạnh tranh. Gợi ý cho Mỹ là cần đánh giá đúng tính phức tạp của quan hệ Trung - Ấn. Mỹ phải thấy rằng tương lai chắc chắn nhất trong quan hệ Ấn – Trung là một mối quan hệ mang tính cạnh tranh, với rất ít khả năng có một sự giảm xóc trong hình thức hợp tác kinh tế, nhưng cũng rất ít khả năng xảy ra xung đột vũ trang.

          Thứ tư, quan điểm của Mỹ là nên phát triển quan hệ của Mỹ với mỗi nước dựa vào lợi thế của chính nó, không sa vào những thời kỳ vô nghĩa, và không coi bộ ba Ấn – Trung – Pakistan như nhân tố quyết định.

          Mỹ không nên có mối quan hệ thù địch với Trung Quốc mà giữa hai nước đang tồn tại rất nhiều lợi ích chung, chẳng hạn tầm quan trọng của WTO, việc chỉ trích sự kiện 11-9.

          Cuối cùng, Mỹ nên khuyến khích Ấn Độ và Trung Quốc tăng cường các mối quan hệ thân mật hơn với những nước khác, để duy trì và mở rộng những ràng buộc. Những may rủi trong quan hệ Trung - Ấn đang tạo nên một lực lượng phản đối chống lại Mỹ ở khu vực xa xôi, bởi quan hệ của Mĩ với mỗi bên vẫn sẽ tốt hơn quan hệ của nước này với nước kia(32).

Sau sự kiện 11 – 9 – 2001, theo nhận thức trên, để tập trung lực lượng trong cuộc chiến chống khủng bố, Mĩ từ bỏ lệnh cấm vận đối với Ấn Độ và chấp nhận kí kết hiệp ước hạt nhân với đất nước này. Không những thế, Hiệp ước hạt nhân đã được kí kết giữa Tổng thống Mĩ Bush và Thủ tướng Ấn Độ Singh tháng 7 - 2005 và được củng cố vào tháng 3 - 2006. Điều đó có nghĩa là Mĩ đã thừa nhận sự tồn tại vũ khí hạt nhân ở Ấn Độ. Hiệp ước này góp phần nâng cao vị thế của Ấn Độ trên toàn thế giới.

Hơn nữa, xu thế toàn cầu hoá đã trở nên tất yếu và phổ biến đối với tất cả các quốc gia. Xu thế này là môi trường thuận lợi cho công cuộc cải cách của Ấn Độ diễn ra dễ dàng. Bên cạnh việc mở rộng quan hệ kinh tế và thu hút nguồn vốn để phát triển đất nước, Ấn Độ cũng học hỏi được những kinh nghiệm và những thành tựu từ nền hành chính của các nước để tiến hành cải cách nền kinh tế, hành chính đất nước mình.

Đồng thời, xu thế hoà bình trên thế giới đã góp phần làm cho các khu vực xung quanh Ấn Độ được ổn định hơn, đặc biệt, nó làm cho mối quan hệ giữa Ấn Độ với Pakishtan và Bangladesh được doà dịu, bắt đầu quá trình hợp tác.

Tuy vậy, việc Mĩ nhân danh lực lượng chống khủng bố gây chiến tranh ở Apganistan năm 2001, ở Iraq năm 2003 cũng như việc Mĩ hỗ trợ và thân thiết với Isarel đã làm cho khu vực Trung Đông luôn tiềm ẩn nhiều biến động. Do đó, Ấn Độ vẫn không thể không lo ngại trước tình hình an ninh trong khu vực mình. Điều này làm cho Ấn Độ phải quan tâm và có những điều chỉnh cuộc cải cách cho thích hợp.

Trong nước: Sau quá trình tiến hành cải cách giai đoạn 1991 – 2001, Ấn Độ đã thu được nhiều thành tựu lớn trên tất cả mọi mặt. Cho nên, về cơ bản, giai đoạn từ năm 2001 đến nay cuộc cải cách ở Ấn Độ diễn ra trên cơ sở nền móng vững chắc của cải cách giai đoạn 1991 - 2001. Do đó, nhìn chung, tầng lớp lãnh đạo đã có sự thống nhất về tư tưởng cải cách. Hầu như tất cả những nhà lãnh đạo đều thừa nhận tầm quan trọng và tất yếu của cuộc cải cách kinh tế. Cho nên, đường lối cải cách không còn bị tranh luận như ở thời kỳ đầu giai đoạn 1991 - 2001. Hơn nữa, từ năm 2004, “cha đẻ của cuộc cải cách” là Manmohan Singh lên làm thủ tướng đã đưa cuộc cải cách tiến lên và mạnh mẽ. Trong khi đó, nhiều tầng lớp dân chúng cũng đã ý thức được vai trò của cải cách ở đất nước mình. Không chỉ các tầng lớp thương nhân, những người giàu có muốn cải cách để có cơ hội làm giàu nhanh chóng mà từng người dân cũng nhận thấy lợi ích của bản thân mình khi đất nước tiến hành cải cách. Đó là cơ hội học hỏi, cơ hội việc làm và cơ hội đổi đời. Hơn nữa, chế độ phân biệt đẳng cấp và sự bài xích tôn giáo ở Ấn Độ cũng không còn nặng nề như trước. Tư tưởng người dân về những vấn đề văn hoá, xã hội này có phần thông thoáng và cởi mở hơn so với giai đoạn trước. Đồng thời, với vốn tiếng Anh sẵn có, người dân Ấn Độ có khả năng đóng góp sức mình vào sự nghiệp cải cách của đất nước mình.

Tháng 5 - 2004, Chủ tịch Đảng Quốc đại - bà Sonia Gandhi đã quyết định bổ nhiệm Tiến sĩ Manmohan Singh vào chức vụ Thủ tướng Ấn Độ. Ông vốn là Bộ trưởng Tài chính, là cha đẻ các cuộc cải cách kinh tế Ấn Độ. Việc bổ nhiệm Manmohan Singh – một tín đồ đạo Sikh, một nhà cải cách kinh tế - giữ chức vụ Thủ tướng là một quyết định khôn ngoan và sáng suốt của bà Sonia Gandhi nói riêng và của Đảng Quốc đại nói chung. Bởi vì, ở một chừng mực nào đó, Manmohan Singh đã trở thành biểu tượng trong chiến dịch giảm căng thẳng, xoa dịu xung đột giữa Đảng Quốc đại và cộng đồng người Sikh, đồng thời giành sự ủng hộ từ các cộng đồng tôn giáo khác như Hồi giáo và Thiên chúa giáo. Singh là Thủ tướng thứ 14 của Ấn Độ, đồng thời là tín đồ đạo Sikh đầu tiên đạt đến chức vị cao nhất trong cơ quan lập pháp Ấn Độ. Ông là vị Thủ tướng có xuất xứ bình dân. Tuy nhiên không thể phủ nhận là cho đến nay, Manmohan Singh là người duy nhất trở thành Thủ tướng Ấn Độ mà không hề qua vòng bầu cử, tuyển lựa từ các thành viên trong Hạ viện Ấn Độ (Lok Sabha).

Như vậy, Manmohan Singh đã được chỉ định làm Thủ tướng sau 20 năm Ấn Độ chứng kiến tình trạng căng thẳng, đối đầu giữa Chính phủ trung ương (chính quyền liên bang) và cộng đồng người Sikh ở bang Punjab.

20 năm trước đó, Thủ tướng Ấn Độ - bà Indira Gandhi - mẹ chồng của Sonia Gandhi - đã ra lệnh cho quân đội chính phủ trung ương tấn công vào Đền Vàng (địa điểm linh thiêng nhất của các tín đồ đạo Sikh) ở Amiritsar (nơi gia đình Manmohan Singh đã có thời gian sinh sống). Mục đích của lần tấn công này là dập tắt phong trào ly khai. Kết cục, Thủ tướng Indira Gandhi đã chết dưới tay một nhân viên và là một tín đồ đạo Sikh trong đoàn hộ tống. Điều này đã từng làm dấy lên nhiều nỗi hận thù giữa người Sikh và Đảng Quốc Đại.

Vì được chỉ định vào cương vị trọng yếu này, nhiều người cho rằng M. Singh không phải là một chính trị gia có thực quyền mà phải dựa vào bà Sonia Gandhi. Một vài hãng tin còn loan báo nhiều bộ trưởng trong Nội các của Singh được chỉ định từ yêu cầu của bà Sonia Gandhi. Nhưng trên thực tế, không ai có thể phủ nhận những gì Manmohan Singh đã cống hiến cho nền kinh tế Ấn Độ và cho cả đất nước khi nỗ lực đặt Ấn Độ vào quỹ đạo toàn cầu hoá.

Manmohan Singh nghiên cứu Tiến sĩ Triết học về Kinh tế tại trường Nuffield, thuộc Đại học Oxford từ năm 1960 - 1962, là nghiên cứu sinh danh dự từ năm 1994. Ông từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Giám đốc Ngân hàng Phát triển công nghiệp Ấn Độ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, Phó Chủ tịch Uỷ ban đầu tư Ấn Độ, Cố vấn Kinh tế cho Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, lãnh đạo đảng đối lập tại Thượng Nghị viện Ấn Độ...

Manmohan Singh được nhiều người tin tưởng về vai trò lãnh đạo cuộc cải cách đất nước mình. Bà Sonia Gandhi cho rằng: “Ấn Độ sẽ an toàn dưới sự lãnh đạo của Manmohan Singh”(33). Theo Hilary Clinton, “Nền kinh tế Ấn Độ nhất định sẽ thịnh vượng hơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn dưới sự lãnh đạo tài năng của thủ tướng Manmohan Singh”. Nhiều nhà kinh tế Ấn Độ cũng đánh giá khá cao về ông. Đối với đa số các chuyên gia, M. Singh là sự lựa chọn tốt nhất cho cương vị thủ tướng. Như Uday Kotak, Giám đốc Ngân hàng Kotak Mahindra bình luận: “Ông ấy là một khuôn mặt được cả thị trường lẫn hầu hết các đảng phái chính trị chấp nhận”. Marti Hutchisnon, một cựu Giám đốc ngân hàng ở Washington chuyên về đầu tư tại các thị trường mới nổi thì nhận xét: “Một nhà cải cách như Singh có thể thúc đẩy tiến bộ, còn một nhân vật thiếu trình độ về kinh tế như Gandhi sẽ tác động xấu đến tâm lí đầu tư nước ngoài”. Hay như cựu Trưởng ban cố vấn kinh tế cho Chính phủ Ấn Độ khẳng định: “Singh là một nhà kinh tế đẳng cấp quốc tế. Ông có khả năng kết hợp một cách hiệu quả khả năng xét đoán chính trị với đầu óc hiểu biết về kinh tế”(34).

Như vậy, nhìn chung, các lực lượng tiến bộ đều tán đồng và ủng hộ tích cực đối với vị thủ tướng đầu tiên theo đạo Sikh này. Đó là thuận lợi rất căn bản. Tuy nhiên, Thủ tướng mới cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức như:

- Lộ trình hoà bình Ấn Độ – Pakistan tiếp tục với nhiều biện pháp bao gồm việc nối lại tuyến đường xe buýt xuyên đường kiểm soát ở khu vực tranh chấp Kashmir. Tuy nhiên, những vấn đề nội tại trong quan hệ hai nước vẫn chưa được giải quyết.

- Một chương trình quy mô trừ diệt nạn đói nghèo – Kế hoạch quốc gia về đảm bảo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn - đã được triển khai. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nghi vấn xung quanh chi phí cũng như hiệu quả của chương trình này.

- Manmohan Singh quan tâm cải thiện quan hệ với người láng giềng Afghanistan, trở thành Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đến thăm Afghanistan trong vòng 29 năm. Quan hệ hai nước khá căng thẳng trong những năm Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan.

- Mỹ và Ấn Độ đã ký một hiệp định hợp tác hạt nhân quan trọng mặc dù Ấn Độ không phải là thành viên của Hiệp định cấm phổ biến vũ khí hạt nhân NPT.

- Thủ tướng Manmohan Singh dường như đã chọc tức cơn giận dữ của đảng đối lập cũng như nhiều đồng minh khác khi ông tỏ ra xa lánh đồng minh trước đây của Ấn Độ – Iran trong suốt thời kỳ đối đầu giữa Mỹ – Iran xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

- Trái với những điều khoản được quy định trong Hiến pháp, Toà án tối cao Ấn Độ đã tuyên bố giải tán Quốc hội bang Bihar ở miền Bắc Ấn Độ. Điều này đã khiến Thủ tướng Manmohan Singh phải lúng túng vì Thống đốc bang Bihar lại là người từng ủng hộ nhiệt tình cho Đảng Quốc đại.

- Trong Quốc hội, Thủ tướng Manmohan Singh đã phải đứng ra xin lỗi cộng đồng người Sikh vì những gì đã diễn ra trong cuộc bạo động năm 1984 khiến 3.000 tín đồ đạo Sikh thiệt mạng.

Tuy nhiên, việc Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh được giữ cương vị Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ là một điều kiện thuận lợi lớn đối với công cuộc cải cách. Vốn là người đề xuất đường lối cải cách, việc M. Singh lên nắm quyền điều hành đất nước sẽ thúc đẩy cải cách diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.

Nhìn chung, trong khi tiến hành cải cách giai đoạn từ năm 2001 đến nay, Ấn Độ có nhiều thuận lợi hơn khó khăn. Điều đó quy định tính chất và tốc độ cải cách của Ấn Độ trong giai đoạn này khác hẳn so với giai đoạn 1991 - 2001.

2.2.2. Bước phát triển mới của cải cách ở Ấn Độ

Để thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ của công cuộc cải cách, từ cuối năm 1999, Ấn Độ đã quyết định đẩy mạnh cải cách kinh tế giai đoạn từ năm 2001 đến nay (hay còn gọi là cải cách thế hệ 2 hoặc làn sóng cải cách thứ 2). Tuy nhiên, do phải chịu lệnh trừng phạt - cấm vận của Mĩ (từ năm 1998) nên tiến trình cải cách giai đoạn này bị kìm hãm chậm lại. Nói cách khác, cải cách của Ấn Độ bước vào giai đoạn mới thực sự từ năm 2001 đến nay, sau khi Mĩ từ bỏ lệnh cấm vận đối với đất nước này. Cũng như giai đoạn trước, cuộc cải cách ở Ấn Độ được phản ánh qua việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn.

- Kế hoạch 5 năm lần thứ mười (2002-2007)

Kế hoạch này thể hiện rõ những tư tưởng cải cách của Đảng Nhân dân Ấn Độ và Liên minh minh dân chủ dân tộc (NDA) do Đảng này lãnh đạo.

Nông nghiệp là lĩnh vực được hứa hẹn sẽ có những cải cách mạnh khi Kế hoạch nhấn mạnh: “Phát triển nông nghiệp phải được coi là một nhân tố nòng cốt của Kế hoạch bởi tăng trưởng trong ngành này có thể sẽ làm tăng nhiều nhất lợi ích, đặc biệt là cho những người nghèo nông thôn. Giai đoạn đầu của cải cách tập trung vào kinh tế công nghiệp và cải cách trong ngành nông nghiệp đã bị sao nhãng. Điều này phải được thay đổi trong Kế hoạch lần thứ mười”(35).

Tuy nhiên, trên thực tế Kế hoạch cũng mới chỉ đưa ra các sáng kiến để phát triển nông nghiệp như xem xét lại mức trợ cấp không có hiệu quả cho nông nghiệp hiện nay, tìm kiếm thị trường phù hợp, nâng cao năng lực của các viện nghiên cứu phục vụ nông nghiệp và đa dạng hóa giống. Về cải cách cụ thể, Kế hoạch cũng chỉ mới đề xuất tiếp tục cải cách ruộng đất, cải cách thị trường trong nước để tạo tăng trưởng bền vững cho nông thôn và sáng kiến cụ thể nhất là xây dựng Luật về bảo vệ đa dạng sinh học và các quyền của người nông dân và xây dựng Chính sách hạt giống quốc gia và coi đây như là một nỗ lực cải cách trong lĩnh vực hạt giống (vào năm 2002)(36).

Để đạt được những mục tiêu đặt ra, Kế hoạch đã đặt ra những mệnh lệnh về chính sách và các sáng kiến. Trong đó, các Mệnh lệnh chính sách thể hiện tư tưởng cải cách trên nhiều lĩnh vực khác nhau như: các biện pháp chính sách kinh tế vĩ mô, tài chính công, cải thiện phương thức quản lý, xây dựng năng lực sản xuất, công bằng xã hội, tạo động lực cho ngành công nghiệp và dịch vụ.

Trong các biện pháp chính sách vĩ mô, chủ trương cải cách được tập trung vào các nội dung như: đơn giản hóa các luật và các thủ tục đầu tư; xóa bỏ hàng rào liên bang đối với thương mại và ngoại thương; cải cách các thể chế tài chính phát triển để có nguồn tài chính dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; dỡ bỏ các hạn chế của Chính phủ và Ngân hàng trung ương về cung cấp tài chính cho thị trường chứng khoán và hoạt động thương mại; hủy bỏ Đạo luật các công ty công nghiệp yếu kém đồng thời giới thiệu và tăng cường các luật về phá sản và tịch thu tài sản để thế nợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tài sản; xác định giá các khoản quỹ vay vì mục đích gia tăng tính cạnh tranh; và cải cách các luật về lao động.

Trong lĩnh vực tài chính công, các nội dung cải cách được đề xuất ở ba cấp là cấp Trung ương, cấp các bang và cấp liên Trung ương và bang. Ở cấp Trung ương, tư tưởng cải cách nhấn mạnh đến việc đưa mức thuế hải quan của Ấn Độ tiến gần với mức thuế bình quân của các nước châu Á, xem xét việc giảm trợ cấp phân bón cũng như xóa bỏ trợ cấp dầu mỏ. Ở cấp các bang, hướng tới việc giảm quyền lực của nhân viên (hành chính công), giảm chi tiêu hành chính công và tư nhân hóa các đơn vị trong lĩnh vực công (những đơn vị hoạt động yếu kém) và hạn chế các khoản vay tạo các khoản nợ lớn đối với GDP là những định hướng chủ đạo. Ở cấp liên Trung ương và bang, Ấn Độ chủ trương cải thiện tỉ lệ thuế/GDP của chính quyền Trung ương và bang thông qua việc kết hợp các dịch vụ vào cơ sở thuế, dỡ bỏ chính sách miến và giảm thuế, làm hài hòa tỉ lệ thuế, thắt chặt quản lý thuế, thực hiện chế độ VAT chung.

Cải cách quản trị (governance) là một trong những nền tảng của Kế hoạch 5 năm lần thứ mười. Để có được hệ thống quản trị tốt, Ấn Độ chủ trương: phi tập trung hóa quyền lực của chính quyền trung ương và bang hướng tới mục tiêu tự quản (self-governance); đưa Đạo luật về quyền tiếp cận thông tin vào cuộc sống; cải các hệ thống ngân khố theo hướng quan tâm nhiều đến quản lý thuế, nhấn mạnh cơ chế thưởng phạt theo quyền hạn và trách nhiệm; cải cách dịch vụ dân sự hướng vào việc cải thiện tính minh bạch, năng lực giải trình, tính hiệu quả và sự nhạy bén trong quản trị công ở tất cả các cấp; cải cách thủ tục và cải cách tòa án.

Để cải thiện năng lực sản xuất cho toàn nền kinh tế, cải cách trong lĩnh vực năng lượng cũng được chú trọng. Theo đó, Ấn Độ đã công bố Chương trình cải cách và phát triển năng lượng tăng cường mới để thay thế cho Chương trình phát triển năng lượng tăng cường đã được đưa ra trước đó nhằm đạt được sự đóng góp công bằng giữa các vùng trong nước cũng như giảm thất thoát. Để thực hiện chương trình này, khuyến khích cạnh tranh và sự tham gia của thành phần tư nhân được chú trọng.

Hướng tới một xã hội công bằng hơn, Kế hoạch 5 năm lần thứ mười đề xuất xây dựng Hiến chương quốc gia về công bằng xã hội dựa trên các nguyên tắc hài hòa xã hội nhằm đảm bảo công bằng xã hội cho các nhóm thiệt thòi như các đẳng cấp và sắc tộc mạt hạng, các sắc tộc ít người theo quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm này. Đồng thời, một Chính sách quốc gia nhằm tăng cường sức mạnh cho các bộ lạc cũng sẽ được đưa ra cùng với một Kế hoạch hành động quốc gia. Mục tiêu của chính sách này là giải quyết các vấn đề chưa giải quyết xong liên quan đến các bộ lạc và đưa họ bắt kịp với xu hướng của xã hội.

Tăng cường sức mạnh cho nông thôn Ấn Độ cũng là một chủ trương với những tư tưởng cải cách được đưa ra. Theo đó Đạo luật tiếp thị sản phẩm nông nghiệp sẽ được sửa đổi theo hướng giảm “thuế chợ” (mandi taxes)(37) và chấm dứt sự độc quyền của chính phủ. Tất cả những hạn chế về thương mại nông nghiệp, nông-công nghiệp và xuất khẩu cũng được đề xuất dỡ bỏ. Đồng thời, Kế hoạch cũng đề xuất loại bỏ hạn chế về các hợp đồng hàng hóa bán giao sau (futures contracts) trên các sản phẩm nông nghiệp. Kế hoạch cũng đề xuất khuyến khích cải cách trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp để đa dạng hóa nền sản xuất nông nghiệp.

Để tạo động lực cho ngành công nghiệp và dịch vụ, Kế hoạch coi cải cách chính sách cho các làng (đơn vị hành chính) và các ngành công nghiệp quy mô nhỏ phải được coi là một trong những ưu tiên. Theo đó, cần sửa đổi Đạo luật kiểm soát thuê mướn để loại bỏ các quyền hà khắc của những người kiểm soát thuê mướn đối với việc phân bổ các tài sản cho thuê. Đồng thời, Đạo luật tem Ấn Độ 1989 và Đạo luật đăng ký Ấn Độ 1980 cũng được đề xuất sửa đổi theo hướng loại bỏ sự liên kết của quá trình đăng ký từ trả thuế tem và để nhằm tự do hóa quá trình đăng ký từ yêu cầu các chứng chỉ không thể phản đối… Kế hoạch cũng đề xuất sửa đổi Đạo luật sở hữu đất đai 1984 nhằm đẩy nhanh thời gian làm thủ tục sở hữu.

Nhìn chung, Kế hoạch 5 năm lần thứ mười có thể được coi là Kế hoạch mang tư tưởng cải cách ở nhiều lĩnh vực nhất so với các Kế hoạch trước đó và đây cũng có thể coi là một điểm nhấn của chính phủ cầm quyền dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Vajpayee thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP).

  • Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2007-2012)

Ấn Độ coi Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về một nước Ấn Độ thịnh vượng, hạnh phúc và quan tâm nơi tất cả các công dân được hưởng các lợi ích từ sự phát triển kinh tế và cảm thấy đang ngày càng được trao sức mạnh(38).

Để thực hiện được mục tiêu đó, Ấn Độ đã đề ra “chiến lược nhằm đạt được mức tăng trưởng nhanh hơn với tính bao hàm lớn hơn gồm một số các hợp phần có quan hệ tương hỗ như: (1) tiếp tục các chính sách cải cách kinh tế vốn đã xây dựng nên thành phần kinh tế tư nhân được biết đến nhiều và có khả năng cạnh tranh, có khả năng giành được lợi nhuận từ các cơ hội do hội nhập rộng hơn với thế giới mang lại(39).

Điểm khác biệt của Kế hoạch này so với Kế hoạch lần thứ mười là trong khi Kế hoạch lần thứ mười chủ trương giảm và tiến tới xóa bỏ trợ cấp thì Kế hoạch lần thứ mười một lại chủ trương giữ mức trợ cấp ở ngưỡng cao nhất là 0,93% GDP của năm tài khóa 2011-2012(40).

Trong bối cảnh cuộc cải cách ruộng đất mặc dù đã được đề cập trong suốt gần 50 năm trước nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả, Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 đưa ra quyết tâm thành lập Ủy ban cải cách ruộng đất để giải quyết các vấn đề như: (i) tiếp tục quá trình sở hữu và sử dụng đất một cách có hiệu quả vốn đã được phân chia trước đó cho các đẳng cấp mạt hạng (SCs) theo nhiều chương trình khác nhau hoặc can thiệp bằng luật pháp; và (ii) có được đất để chia cho các đẳng cấp mạt hạng/các bộ lạc mạt hạng và các gia đình không có đất đai. Trong cả hai vấn đề trên thì sự quan tâm cần hướng đến việc đảm bảo tư cách sở hữu có ưu tiên/chung của phụ nữ(41).

Cải cách quản trị công là một trong những nội dung được quan tâm hàng đầu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 11, trong đó cải cách trong lĩnh vực dịch vụ công được quan tâm nhiều nhất. Trong đó, các biện pháp cụ thể để khuyến khích sự tận tâm của các nhân viên nhà nước được đặt lên hàng đầu như bổ nhiệm, thăng chức, luân chuyển và đặt biệt là nhấn mạnh đến việc bảo vệ những người phát hiện tham nhũng.

Cải cách trong giáo dục cũng là lĩnh vực được nhấn mạnh trong Kế hoạch này. Kế hoạch đề xuất xây dựng một Chương trình nghị sự cải cách giáo dục. Theo đó, một Nhóm công tác liên bộ đã được thành lập nhằm thảo ra một chương trình nghị sự cải cách cụ thể với những nội dung như: (i) tuyển sinh, giáo trình, đánh giá; (ii) thẩm định chất lượng và xếp hạng; (iii) năng lực và động lực của giáo viên; và (iv) hướng tới định hình quy mô của các trường đại học, cao đẳng cũng như sự liên kết giữa các trường đại học với nhau.

Cải cách trong hệ thống phân phối lương thực cũng đã được đưa ra một cách cụ thể. Theo đó, Kế hoạch hướng tới tái cơ cấu Hệ thống phân phối công có định hướng (TPDS) bởi các kế hoạch trước đó thực hiện hệ thống này như một chương trình chống nghèo đói đã không phát huy tác dụng. Các biện pháp cụ thể được đưa ra để cải cách TPDS bao gồm: (1) giới thiệu chế độ tem phiếu lương thực; (2) thẻ thông minh đa năng (MASCS); và (3) các hệ thống website cung cấp thông tin về các chương trình của chính phủ.

Những cải cách khác cũng đã được đưa ra nhằm giúp các ngành kinh tế của Ấn Độ như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong nông nghiệp, cải cách thị trường (nông nghiệp) và hiện đại hóa quan hệ nông dân là những lĩnh vực được đề xuất. Theo đó, Tiến trình cải cách thị trường nông nghiệp (theo Đạo luật về Ủy ban tiếp thị sản phẩm nông nghiệp) đưa ra vào tháng 3/2008 sẽ được áp dụng ở từng nhóm bang khác nhau phù hợp với  điều kiện kinh tế của từng bang. Quan hệ nông dân cũng cần được hiện đại theo hướng bình đẳng, có hiệu quả và hiện đại hóa quản lý đất đai được coi là một biện pháp quan trọng. Các cải cách liên quan đến quản lý đất đai phải bao gồm các cải cách liên quan đến mức trần sở hữu đất, các cải cách liên quan đến luật về lĩnh canh cũng như bảo vệ các quyền về đất đai của các bộ lạc(42).

Hướng tới một nền công nghiệp đáp ứng sự phát triển của đất nước, Kế hoạch đã chỉ ra rằng cản trở lớn nhất đối với nỗ lực đổi mới của nền công nghiệp Ấn Độ chính là “thiếu kỹ năng và thiếu sự hợp tác với các thể chế nghiên cứu và phát triển (R&D). Ủy ban phát triển quốc gia (NDC) đã đề xuất rằng cần phải có những cải cách mang tính hệ thống trong hệ thống giáo dục bậc cao, bao gồm cả giáo dục nghề đáp ứng nhu cầu thị trường dựa trên kỹ năng. Những biện pháp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nguồn vốn trí tuệ đáp ứng nhu cầu cũng như cho phép hợp tác có hiệu quả giữa công nghiệp, các thể chế giáo dục và chính phủ”(43).

Không đề ra cải cách trong lĩnh vực dịch vụ nhưng Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 vẫn đặt ra định hướng cho sự phát triển của ngành này, trong đó chú trọng đến lực lượng lao động có chất lượng dựa trên một nền giáo dục mở rộng và có chất lượng(44).

Như vậy, nội dung chính của cải cách giai đoạn này ngày càng được hoàn chỉnh và được áp dụng vào thực tiễn. Cuộc cải cách giai đoạn này tập trung vào cải cách một cách sâu sắc hơn nữa khu vực tài chính, tư nhân hoá các ngân hàng quốc doanh, cổ phần hoá các cơ quan tài chính, tìm biện pháp giải quyết nợ khó đòi. Một trọng tâm khác là cổ phần hóa xí nghiệp quốc doanh, dù các xí nghiệp đó có lãi hay không có lãi. Nếu giai đoạn trước chỉ cổ phần hoá các xí nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ thì giai đoạn này nhà nước cổ phần hoá tất cả các xí nghiệp do mình quản lí. Đồng thời, chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tư nhân hoá các xí nghiệp, xây dựng chính sách cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Hơn nữa, Ấn Độ cũng đẩy mạnh cải cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, tài chính… Cụ thể là:

Trong công nghiệp, chính phủ cho phép FDI được tự do vào lĩnh vực giáo dục, để có thể tăng cường đào tạo lao động có kỹ năng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Ấn Độ. Theo tính toán, đến năm 2020, Ấn Độ có 325 triệu người trong độ tuổi từ 20 - 35, chiếm 1/4 dân số, nhưng chỉ có khoảng 5% là được đào tạo(45). Bên cạnh đó, Chính phủ Ấn Độ sẽ điều chỉnh luật về ngành mỏ – luật này có từ 1957. Mục đích của việc điều chỉnh là để tăng cường khả năng khai thác và sử dụng có hiệu quả các mỏ cho nền kinh tế, nhất là các mỏ phục vụ ngành luyện kim. Chính phủ Ấn Độ cũng đưa ra các biện pháp để tăng cường ngành dệt, trong đó có việc giảm thuế đối với máy móc thiết bị nhập khẩu, từ mức 12,5% xuống 5%, các hàng hoá dùng cho việc nâng cấp công nghệ từ 16% xuống 8%. Hiện nay, Ấn Độ phải nhập khẩu tới 70% các máy móc thiết bị cho ngành dệt. Ấn Độ đặt mục tiêu cho ngành dệt là sẽ đạt giá trị 110 tỷ USD vào năm 2012(46).

Trong ngành ngân hàng, để hạn chế lạm phát, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ sẽ tăng tỷ lệ dự trữ tiền mặt từ mức 5,5% lên 6%. Biện pháp này sẽ thu hút được khoảng 3 tỷ USD. Đồng thời, nhiều biện pháp khác như giảm thuế nhập khẩu, tăng cung cũng đã được đưa ra.

Ngoài ra, Ấn Độ thành lập một quĩ để giúp những vùng lạc hậu phát triển, với tổng số vốn là hơn 700 triệu USD. Trước mắt, quĩ này sẽ hỗ trợ cho 250 huyện lạc hậu nhất, nhằm giảm khoảng cách phát triển giữa các vùng.

Trong nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, Chính phủ Trung ương tiến hành cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp, thông qua việc điều chỉnh luật cho phù hợp hơn, bằng cách cho phép nông dân được tích trữ sản phẩm lại và bán ra khi giá cao. Các trang trại được bán sản phẩm vào thời điểm tốt nhất trên thị trường. Chính phủ Trung ương cũng có những điều chỉnh luật về nông nghiệp trong ngân sách của Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ Ấn Độ thực hiện một chương trình việc làm cho những vùng nông thôn. Chương trình mới này đảm bảo về mặt pháp lý 100 ngày có việc làm trong năm cho mỗi hộ nông dân, với mức lương 1,5 USD/ ngày, đồng thời cũng tạo ra những cơ hội cho nông dân nâng cao mức sống. Trong giai đoạn đầu, chương trình này được áp dụng trong 200 huyện, 4 năm tiếp theo, mở rộng ra toàn bộ đất nước. Chính phủ cũng đã chuẩn bị cung cấp hơn 20 triệu USD cho mỗi huyện trên, để có cơ sở thực hiện chương trình việc làm của chính phủ(47).

Hơn nữa, theo Chủ tịch Uỷ ban Nông nghiệp Quốc gia của Ấn Độ, cần giảm lãi suất cho vay đối với nông dân từ mức 7% xuống 4%, thời gian cho vay cũng cần mở rộng từ 4 - 5 năm, để giúp nông dân có thêm điều kiện sản xuất. Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết sẽ cho khu vực nông nghiệp vay gấp 2 lần trong 3 năm tới, để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực này. Ngân hàng lớn nhất Ấn Độ là State Bank of India sẽ mở thêm từ 5000 - 6000 chi nhánh tại nông thôn, để vừa tăng khả năng hoạt động của ngân hàng này, đồng thời đáp ứng chủ trương của chính phủ là tăng cường hỗ trợ cho nông nghiệp phát triển.

Ngoài ra, nhà nước còn tăng ngân sách cho nông nghiệp. Năm 2007, ngân sách đã tăng thêm 20% cho khu vực nông nghiệp, đạt khoảng 13 tỷ USD so với 11 tỷ USD của năm 2006. Khoản ngân sách này gồm nhiều nội dung, trong đó tập trung vào các chương trình trồng trọt, mở rộng dịch vụ và hỗ trợ cho nông nghiệp.

Trong ngành tài chính, Bộ Tài chính cùng với Ngân hàng Trung ương Ấn Độ đó cho phép các ngân hàng nước ngoài được mở 20 chi nhánh mỗi năm. Trước đó, Ấn Độ thỏa thuận với WTO sẽ cho mở 12 chi nhánh/năm. Tuy nhiên, thực tế, có 17 -18 chi nhánh được vào Ấn Độ mỗi năm. Hiện tại có 40 ngân hàng nước ngoài đã mở 225 chi nhánh tại Ấn Độ(48). Đồng thời, ngân sách tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là vào ngành chế biến thực phẩm, thủy lợi và xây dựng cơ sở hạ tầng... để qua đó, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành nông nghiệp. Các chuyên gia cũng yêu cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào nông nghiệp, Bộ Tài chính có những biện pháp mạnh hơn đối với việc trợ cấp cho nông dân nghèo. Bộ Tài chính Ấn Độ cũng hỗ trợ 700 triệu USD trong ngân sách năm 2007 cho ngành công nghiệp phân bón, đưa tổng số hỗ trợ lên khoảng 4,2 tỷ USD. Theo Hiệp hội phân bón, do thiếu một chính sách dài hạn, nên Ấn Độ phải thường xuyên nhập khẩu phân bón, dẫn đến thường xuyên phải hỗ trợ cho ngành này và đó phải chi tiêu mất một lượng lớn ngoại tệ. Ngành này cần khoảng hơn 5 tỷ USD để hỗ trợ cho việc nhập khẩu.

Trong ngành y, dược, Chính phủ Ấn Độ đang có những trao đổi với các công ty sản xuất thuốc để có thể cung cấp thuốc chống ung thư với giá rẻ hơn, từ 25 - 30%. Hiện nay, giá cả của các loại thuốc này đang từ 22 – 220 USD/liều, và mỗi lần điều trị kéo dài khoảng 6 tháng, với chi phí khoảng 33.000 - 70.000USD. Bộ Hóa chất cũng đang trình một đề nghị xóa các loại thuế, để có thể sản xuất những loại thuốc giá rẻ. Ấn Độ có khoảng 2,5 triệu người mắc bệnh ung thư, phần lớn liên quan đến thuốc lá(49)(49).

Luật về Đặc khu kinh tế (SEZ) cuối cùng đã đưa vào thực hiện, 9 tháng sau khi được Quốc hội thông qua năm 2006. Những qui định về SEZ đơn giản hóa các thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Bộ trưởng Thương mại cho biết có khoảng hơn 20 tỷ USD được đầu tư vào SEZ trong 3 năm tới, tạo ra 500.000 việc làm. Các nhà đầu tư vào đây sẽ được miễn thuế thu nhập 100% trong vòng 10 năm, cùng với nhiều ưu đãi khác.

Trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Ấn Độ đẩy mạnh hơn nữa việc kêu gọi, động viên và khuyến khích Ấn kiều về nước kinh doanh, sản xuất. Từ năm 2003, Ấn Độ thường xuyên tổ chức Ngày Ấn kiều để các bộ, ngành đối thoại và thu hút đầu tư của người Ấn. Năm 2004, Ấn Độ thành lập Bộ các vấn đề Ấn kiều để thường xuyên xử lý những mối quan tâm của họ. Nhiều thành phố dành riêng cho Ấn kiều (NRI City) có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiện đại cũng được mọc lên khắp đất nước.

Vì thế, có một dòng chất xám chảy ngược. Những tài năng công nghệ gốc Ấn đang lần lượt rời Thung lũng Silicon Valley của Mỹ để về nước tiếp nhiên liệu cho cuộc bùng nổ công nghệ cao của nước này. Nhìn chung, Ấn Kiều đã có tiếng trong các ngành công nghiệp dựa vào tri thức, không ở đâu nhiều bằng ở thung lũng Silicon. Bây giờ, với triển vọng tươi sáng của Ấn Độ, cũng như thái độ thiếu thiện cảm với người Ấn ở nước ngoài đã giảm bớt, sẽ có nhiều kỹ sư và khoa học gia người Ấn quay trở về nước nhà, cũng như các nhà kinh doanh quay trở lại bản xứ mở cửa hàng. Riêng nguồn vốn gián tiếp của Ấn kiều đã đủ làm cho chỉ số chứng khoán Ấn Độ tăng 300% từ năm 2003 đến nay. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kiều hối năm 2005 của Ấn Độ là 22 tỷ USD, gấp đôi năm 1995 trong khi Trung Quốc nhận được 21 tỷ USD. Tính cả thập niên qua, lượng kiều hối của Ấn Độ là 154 tỷ USD, cao gấp 1,5 lần so với Trung Quốc(50).

Một báo cáo của Ngân hàng JP Morgan cho rằng cộng đồng Ấn kiều là đòn bẩy hùng mạnh giúp Ấn Độ đạt được, thậm chí vượt qua, mức tăng trưởng dự báo là 10%/năm.

Ngoài lượng kiều hối khổng lồ, năm 2007, Ấn kiều gửi ngân hàng khoảng 32 tỷ USD, phần lớn là gửi vào các ngân hàng trong nước để hưởng lãi suất ưu đãi. Số tiền này, tương đương 23% dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ, đã góp phần giữ giá đồng rupee và ngăn lạm phát ở một nước mà cán cân thanh toán quốc gia và cán cân thương mại thường xuyên bị thâm thủng.

Ngoài ra, theo các nhà đầu tư địa phương, chính nguồn vốn đầu tư gián tiếp của Ấn kiều là yếu tố thúc đẩy chỉ số chứng khoán Ấn Độ tăng đến 300% từ năm 2003 đến nay. 

Từ năm 2001 đến nay, Ấn Độ tăng cường đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính nhằm giảm bớt tệ quan liêu giấy tờ, tiến tới thực hiện chế độ một cửa để thu hút ít nhất mỗi năm 10 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do vậy, chính phủ đã mở rộng tối đa diện tự động được duyệt mà không cần phải giấy tờ, thủ tục (chỉ trừ số ít trường hợi phải cân nhắc).

Bên cạnh đó, để thu hút Ấn kiều về nước làm ăn, Chính phủ Ấn Độ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đối tượng này. Họ được ban quyền về tài sản, chuyển nhượng tài sản và ra vào đất nước mà không phải xin visa trong thời gian 180 ngày.

Đồng thời, để tăng tính hiệu quả của bộ máy hành chính cũng như các thủ tục hành chính, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành các biện pháp như: Hiện đại hóa cơ quan thuế vụ bằng việc áp dụng công nghệ; Tăng cường đội ngũ thanh tra, giám sát bộ máy hành chính; Giảm bớt những phụ cấp, giảm tải cán bộ trong những cơ quan công cộng có quá nhiều nhân viên sa sút ở cả hai cấp độ trung ương và địa phương. Điều có thể thấy là cải cách hành chính được quan tâm nhiều bởi các lực lượng khác hơn là các ủy ban và các hội đồng. Công nghệ là mối quan tâm của toàn bộ nền hành chính công cộng. Khoa học công nghệ là một trong những biện pháp tinh giản nền hành chính và đơn giản hóa các thủ tục. Nhờ đó, nó đem lại sự thỏa mãn cho các công dân. Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nền hành chính công cộng và đã có tác động xóa bỏ tính chuyên quyền, độc đoán của các quan chức cũng như tình trạng tham nhũng của họ. Cho nên, công nghệ thông tin luôn là một động lực để tinh giản bộ máy hành công cộng bằng nhiều cách khác nhau. Trong tương lai, Chính phủ Ấn Độ nỗ lực tận dụng công nghệ thông tin vào phục vụ cải cách hành chính.

Hơn nữa, Hội đồng cải cách hành chính được thành lập bởi Chính phủ Ấn Độ vào tháng 2 – 2000, chỉ một năm sau khi hoàn thành kế hoạch “giảm trách nhiệm, hoạt động và cấu trúc hành chính của chính phủ”. Hội đồng cải cách có vai trò như một ban tham mưu cố vấn cho những lo ngại của Chính phủ về nền hành chính. Hội đồng cũng đề ra các biện pháp và bắt đầu tiến hành vào tháng 12 - 2001. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành cải cách bộ máy hành chính nhà nước, thành lập nhiều ban, bộ. Ấn Độ hiện có 37 bộ, ban ngành(51).

Mặt khác, trong giai đoạn này, Chính phủ Ấn Độ cũng tăng cường cải cách bộ máy hành chính cấp địa phương, đặc biệt là hành chính các vùng nông thôn. Cả nước Ấn Độ có khoảng 250.000 chính quyền địa phương. Tuy nhiên, mức tiêu dùng trong khu vực các địa phương nông thôn chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng tiêu dùng cả nước. Đặc trưng của các địa phương ở Ấn Độ là tính phức tạp và khác biệt nhiều so với các vùng thành thị, đặc biệt là các khu trung tâm của đất nước. Dưới chính quyền trung ương, Ấn Độ có bộ máy hành chính địa phương gồm 3 tầng lớp. Điều này tạo nên tính đa dạng của các chính quyền địa phương.

 Trước kia, khi hiến pháp được sửa đổi, quyền hạn, trách nhiệm và chức năng của những chính quyền địa phương nông thôn trong nhiều trường hợp vô cùng hạn chế. Ví dụ, trong hiến pháp quốc gia Ấn Độ quy định 27 danh mục chỉ có 5 khu vực nằm trong quyền hạn quản lí của chính quyền địa phương, bao gồm: kiểm tra các loại rau cỏ độc hại, cải thiện điều kiện vệ sinh và xử lí chất thải, giải quyết các xác chết, ngăn cản sự xâm lấn của các gia súc và cung cấp nước uống. Ngoài ra, chính quyền địa phương có thêm quyền lực trong 6 khu vực khác (cùng với chính quyền trung ương) là giáo dục, đường xá, đường thủy, nông nghiệp, tưới tiêu, nguồn nước và chợ búa. Trong hầu hết các trường hợp, chính quyền địa phương có vai trò thứ yếu so với chính quyền trung ương. Điều này phản ánh quyền lợi của các cấp hành chính là khác nhau. Việc tăng cường quyền lực của các quan chức trong bộ máy hành chính trung ương đã gây ra nhiều hạn chế mà điển hình là tình trạng chuyên quyền độc đoán. Trong khi đó, quyền hạn của chính quyền địa phương quá nhỏ bé khiến các quan chức hành chính cấp địa phương không có nhiều quyền định đoạt các vấn đề thuộc địa phương mình.

Nhận rõ hạn chế này, từ năm 2001 đến nay, Ấn Độ đã ban hành nhiều đạo luật nhằm gia tăng quyền hành cho các cơ quan hành chính địa phương. Trong đó, trách nhiệm của từng cơ quan và chức quan trong bộ máy hành chính địa phương được quy định rõ ràng. Chính quyền địa phương có quyền: quản lí và cải thiện điều kiện vệ sinh, sức khỏe cộng đồng, nông nghiệp, trồng rừng, chăn nuôi, công nghiệp địa phương, phúc lợi xã hội, thăng chức cho những cá nhân có thành tích, giáo dục, văn hóa, thể thao, an ninh và toàn bộ nền hành chính. Như vậy, về cơ bản, cải cách đã đem lại nhiều quyền lực hơn cho các chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho các địa phương có đủ quyền hạn để thực hiện chức năng quản lí tất cả các mặt trong phạm vi địa phương mình.

2.2.3. Kết quả đạt được

Có thể thấy những thành tựu kinh tế của Ấn Độ trong thời gian này qua Bảng sau:

Bảng 2.2. Tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ từ 1997 đến 2002 (Đơn vị: %)

 

1997

1998

1999

2000

2001

2002

GDP

6,6

5,0

4,3

5,2

4,4

5,6

 

Nguồn: Economic Performance Assessment (2002), The Economic Times, New Delhi, 3 – 2002.

Nhìn vào Bảng trên chúng ta thấy, tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ có sự sút giảm vào khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á năm 1997 – 1998 và chính sách trừng phạt của Mĩ, châu Âu và Nhật Bản (Từ tháng 5 – 1998) do vụ thử hạt nhân của Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu so với sự sụt giảm nghiêm trọng của kinh tế toàn cầu trong những năm 2000, 2001 thì tốc độ phát triển của Ấn Độ là khả quan. Đồng thời, chúng ta cũng dễ dàng nhận thây rằng, sau sự kiện 11 – 9 – 2001, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ lại nhanh chóng phục hồi mạnh mẽ (5,6%).

Theo quan điểm của nhóm tác giả Ban Nghiên cứu của Ngân hàng “Deutsche Bank - DB”, nhịp độ phát triển kinh tế cao mà Ấn Độ đạt được trong thời gian từ năm 2001 đến nay là nhờ có quá trình tự do hóa kinh tế thổi vào Ấn Độ trong gần 20 năm cải cách (1991 - 2001). Nhờ có cải cách thị trường, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới đã tăng từ 3,7%/năm trong giai đoạn 1950 - 1960 lên 6%/năm trong giai đoạn 1992 - 2004. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng của nước này được nâng lên 7,5%, năm 2007 con số này là 8,1% và năm 2008 có thể sẽ vẫn cao như vậy. Những con số này khẳng định rằng Ấn Độ đang trở thành một trong những nền kinh tế hoạt động có hiệu quả nhất của thế giới trong vòng 1/4 thế kỉ qua.

Mặt khác, các chỉ tiêu xã hội đã có sự cải thiện đáng kể. Nhờ cuộc cải cách, trong vòng gần hai thập kỉ qua (1991 – 2008), quy mô của tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã tăng lên gấp 4 lần (gần 250 triệu người) và mỗi năm 1% số người nghèo của nước này vượt qua được giới hạn nghèo đói. Đồng thời, sự gia tăng dân số đã chậm lại từ tỉ lệ lịch sử là 2,2% xuống còn 1,7%/năm (năm 2006). Điều đó đồng nghĩa với việc cải cách đã đem lại thu nhập bình quân đầu người cao hơn, từ 1.178 USD lên 3.051 USD (tính theo sức mua tương đương) kể từ năm 1980(52).

Hơn nữa, Ấn Độ ngày càng phát triển được tiềm lực của mình, đủ sức để “chạy đua” với những biến động của thị trường thế giới. Nếu như trong cuộc khủng hoảng 1990 – 1991, dự trữ ngoại tệ ở Ấn Độ chỉ đủ để nhập khẩu những nhu yếu phẩm cho Ấn Độ trong vòng 10 ngày, phải cầm cố 47 tấn vàng để đi vay 600 triệu USD phục vụ cho cuộc cải cách… thì đến năm 2007, dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ đã đạt 262,5 tỉ USD (thứ 5 thế giới) và dự trữ vàng là 14.000 tấn(53). Bên cạnh đó, cuộc cải cách đã thúc đẩy ngành công nghệ sinh học phát triển. Trong suốt 3 năm, từ 2004 đến 2007, ngành này có tốc độ tăng trưởng là từ 35 – 40%; doanh thu 2 tỷ USD và ước tính đạt 10 tỉ USD vào năm 2010. Đến năm 2012, ngành dệt Ấn Độ sẽ đạt 115 tỷ USD, xuất khẩu 52 tỷ USD và thị phần trên thế giới sẽ tăng 8%. Ấn Độ cũng sẽ trở thành nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất thép vào năm 2015 – 2016. Ngành công nghiệp Ấn Độ tăng trưởng 10% trong suốt 3 năm từ 2004 đến 2007 cũng có triển vọng đưa ngành chế tạo từ vị trí 14 lên vị trị 11 (năm 2011) trên thế giới và sẽ là thứ 7 (năm 2025). Công nghiệp dược của Ấn Độ sẽ tăng trưởng từ 13% (năm 2002 – 2007) lên 16% (năm 2007 – 2011) và đến năm 2015, ngành này sẽ đứng thứ 5 trên thế giới, đạt giá trị 20 tỷ USD so với mức 5 tỷ USD (năm 1997)(54).

Thậm chí thực tại trước mắt cũng rất ấn tượng. Các công ty của Ấn Độ đang phát triển với một tốc độ phi thường, với lợi nhuận hàng năm tăng tới 15, 20 và 25%. Tập đoàn Tata, công ty lớn nhất Ấn Độ, là một tập đoàn lớn sản xuất đủ mọi thứ, từ xe hơi và thép cho đến phần mềm và cung cấp các dịch vụ tư vấn. Ở góc độ này, Tata là cánh cửa sổ hữu ích để nhìn vào nền kinh tế công nghiệp và hậu công nghiệp của Ấn Độ. Tổng thu nhập của tập đoàn này năm 2007 đã tăng từ 17 tỷ USD lên 24 tỷ USD. Ở góc độ khác, ngành sản xuất thiết bị ôtô lại bao gồm hàng trăm công ty nhỏ. Năm 2002, tổng thu nhập của ngành này là 4 tỷ USD. Năm 2007, mức thu nhập này vượt 10 tỷ USD. Năm 2008, chỉ riêng General Motors cũng sẽ nhập khẩu một tỷ USD các bộ phận ôtô từ Ấn Độ(55).

Như vậy, Ấn Độ là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới, với tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 7,5 – 8,1% ở cuối quý đầu tiên năm 2005 - 2007. Nói cách khác, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới hiện nay. Chính sách mở cửa chấp nhận cạnh tranh từ bên ngoài đang phát huy hiệu quả, làm cho đầu tư từ nước ngoài vào nền kinh tế ngày càng tăng. Tổng số tiền mà các nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra để mua cổ phiếu của các công ty Ấn Độ đến nay đã đạt 8,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng hằng năm của Ấn Độ vào khoảng 7,5 % trong những năm gần đây (2001- 2007).

Theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác quốc tế các ngân hàng Nhật Bản (JBIC), năm 2007, lần đầu tiên, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc, trở thành nơi hấp dẫn nhất để thu hút đầu tư dài hạn của các công ty Nhật Bản. 70% các nhà chế tạo Nhật Bản coi Ấn Độ là nơi đầu tư có hiệu quả trong vòng 10 năm tới (2007 - 2017). Do đó, theo thống kê, FDI của Ấn Độ năm 2007 là 35 tỷ USD, chiếm 3,3 GDP (so với mức 2,5% của năm 2000). Cùng với FDI, dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Ấn Độ trong năm 2007 đạt 16 tỷ USD(56). Ngày 20 – 10 - 2007, chỉ số Sensex (chỉ số quan trọng nhất ở Ấn Độ) đã lên đến mức kỉ lục là 20.000 điểm, sau khi tăng liên tục trong những năm vừa qua(57). Nhiều nhà đầu tư liên tục đổ vốn vào Ấn Độ dù thị trường chứng khoán ở nước này tăng nhanh và khá đắt đỏ. Điều này cho thấy công cuộc cải cách ở Ấn Độ đã giúp các nhà đầu tư tin tưởng vào nền kinh tế nước này với nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Dự báo, trong giai đoạn 2006 - 2020 tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn giữ ở mức 6%, nhờ đó đến năm 2020, Ấn Độ sẽ trở thành một trong số 34 nước công nghiệp phát triển nhất trên thế giới, đuổi kịp và vượt các nước Malaixia, Thái Lan, Trung Quốc, tiến gần tới các nền kinh tế của Mỹ và Canada. Trong vòng 12 năm tới, GDP của Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi và đến năm 2020, GDP của quốc gia này sẽ chiếm vị trí thứ ba toàn cầu, sau Mỹ và Trung Quốc. Theo tính toán GDP của Ấn Độ năm 2020 sẽ bằng 40% GDP của Mỹ.

Vì vậy, kinh tế Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới nếu tính theo giá, với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 3,63 nghìn tỷ. Nếu tính theo tỷ giá hối đoái với USD, nó là nền kinh tế lớn thứ mười hai thế giới với GDP tính theo đôla Mỹ đạt 775 tỷ (2005). Có thể nói rằng, trong khi sự vươn lên của Trung Quốc đã hiển nhiên và cụ thể - nước này đã đạt tốc độ phát triển 10% từ năm 1980 - thì sự vươn lên của Ấn Độ vẫn còn là câu chuyện của tương lai, nhưng đó là một tương lai đang ngày càng trở thành tâm điểm của sự chú ý. Một nghiên cứu thực hiện năm 2003 được trích dẫn rất nhiều của Goldman Sachs đã dự đoán rằng trong 50 năm tới, Ấn Độ sẽ là nước phát triển nhanh nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt của thế giới (phần lớn là nhờ lực lượng lao động của nước này không bị già đi nhanh như của các nước khác). Bản báo cáo tính toán rằng trong vòng mười năm nền kinh tế Ấn Độ sẽ trở nên lớn mạnh hơn nền kinh tế Italia và trong vòng 15 năm sẽ thay thế vị trí của kinh tế Anh. Đến năm 2040, Ấn Độ sẽ kiêu hãnh vì là nền kinh tế lớn thứ ba của thế giới và là trung tâm ngân hàng lớn của thế giới, sau Trung Quốc và Mĩ. Đến năm 2050, nền kinh tế nước này sẽ lớn gấp năm lần kinh tế Nhật Bản, còn thu nhập đầu người sẽ tăng 35 lần so với mức hiện nay. Lúc đó sẽ hình thành E7 gồm: Nga, Trung Quốc, Braxin, Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ(58). Trong nông nghiệp, theo dự đoán, đến năm 2017, Ấn Độ sẽ trở thành nước sản xuất gia vị lớn nhất thế giới (hiện nay Ấn Độ chiếm tới 44% về khối lượng và 35% về gia vị trong thị trường gia vị thế giới). Đồng thời, Ấn Độ sẽ tiếp tục đứng đầu thế giới về sản lượng mía đường, đứng thứ 2 về sữa(59). Những dự đoán như thế này cần sự kiểm chứng của tương lai, tuy nhiên, điều đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng hiện nay của Ấn Độ thực ra là cao hơn mức mà nghiên cứu trên đã dự báo.

Về chính trị - xã hội: Ấn Độ có 17 ngôn ngữ chính, 22.000 tiếng địa phương và có tất cả tôn giáo lớn của thế giới. Do vậy, chế độ dân chủ là dường như là số phận của Ấn Độ. Không thể có một cách nào khác để quản lý một đất nước đa dạng và phức tạp như thế. Nhiệm vụ là vận dụng nền dân chủ cho phù hợp với lợi ích của Ấn Độ. Trong một số trường hợp, điều này đang diễn ra. Chính phủ Ấn Độ gần đây đang đầu tư vào giáo dục và y tế, đồng thời tập trung cho việc nâng cao năng suất trong nông nghiệp. Kinh tế tốt có thể dẫn tới chính trị tốt, ít nhất đó là điều mà người Ấn Độ hy vọng.

Một thay đổi khác là từ năm 1993, dân chủ đã được mở rộng, trao cho các làng xã nhiều quyền hành hơn trong công việc của mình. Quan trọng nhất là các hội đồng làng xã phải giữ 33% số ghế cho phụ nữ. Kết quả là đã có một triệu phụ nữ được bầu chọn trên khắp cả nước. Giờ họ sẽ có tiếng nói để yêu cầu có giáo dục và y tế tốt hơn. Đó chính là sự phát triển từ dưới lên, xã hội thúc đẩy nhà nước.

Trên lĩnh vực đối ngoại, Chính phủ Ấn Độ vẫn tuân thủ những nguyên tắc đối ngoại truyền thống, lấy hòa bình, trung lập, không liên kết làm cơ sở, đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới, thực hiện đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ. Quan hệ Mĩ - Ấn không ngừng được cải thiện kể từ sau sự kiện 11 – 9 - 2001, đánh dấu bằng thỏa thuận hạt nhân dân sự Mĩ - Ấn. Quan hệ Trung - Ấn cũng phát triển mạnh mẽ theo xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Trong xu thế đó, dù đầy trắc trở nhưng quan hệ giữa Ấn Độ với Pakistan cũng có những tiến bộ đáng kể trong việc giải quyết tranh chấp xoay quanh vấn đề Kashmir. Ngoài ra, quan hệ Ấn Độ với EU, ASEAN cũng được nâng lên tầm cao mới.

Về hành chính, cải cách hành chính trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay thu được nhiều kết quả hơn so với giai đoạn 1991 - 2001. Bộ máy hành chính Ấn Độ ngày càng hoàn thiện và đơn giản mà hiệu quả, đem lại niềm tin cho dân chúng. Đồng thời, các thủ tục hành chính cũng được giảm bớt và đơn giản hoá tạo điều kiện cho tư bản trong nước và nước ngoài đầu tư. Điều đó được chứng minh rõ qua những thành tựu cải cách kinh tế trên, bởi vì cải cách kinh tế chỉ có thể thu được kết quả to lớn khi có một môi trường hành chính – chính trị thuận lợi. Hay nói cách khác, cải cách hành chính thành công là môi trường thúc đẩy cải cách kinh tế thành công.

Nhìn chung, cải cách trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay của Ấn Độ có một số đặc điểm sau:

 Thứ nhất, do có nhiều điều kiện thuận lợi nên cải cách diễn ra mạnh mẽ hơn so với giai đoạn 1991 - 2001. Sự mạnh mẽ của cải cách không chỉ thể hiện ở tốc độ cải cách nhanh, mạnh hơn mà còn biểu hiện ở những kết quả và thành tựu mà cải cách đã đạt được.

Thứ hai, cải cách Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay toàn diện và quan tâm tới nhiều vấn đề hơn so với giai đoạn 1991 – 2001. Nếu giai đoạn 1991 - 2001 khá quan tâm và lấy dịch vụ, công nghệ tin học, điện tử là trọng tâm thì ở giai đoạn từ năm 2001 đến nay, các nhà cải cách đã khá chú ý tới công nghiệp chế tạo, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong khi tiến hành cải cách kinh tế cũng như quan tâm nhiều hơn tới thủ tục hành chính và bộ máy hành chính địa phương từ việc đào tạo quan chức đến gia tăng quyền hạn, chức năng…

Thứ ba, cuộc cải cách ở Ấn Độ trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay đã chú ý nhiều tới vấn đề xã hội hơn so với giai đoạn 1991 - 2001. Vấn đề người nghèo, thất nghiệp, môi trường… được quan tâm đúng mức hơn. Có thể thấy, vấn đề giáo dục và chống tham nhũng đang được chú ý nhiều, cả của dân chúng lẫn chính phủ.

Thứ tư, cuộc cải cách ở Ấn Độ từ 2001 đến nay diễn ra ở một trình độ cao hơn so với giai đoạn 1991 - 2001. Nó biểu hiện sự hoàn thiện và trưởng thành của đường lối cải cách cũng như các bước đi mà Ấn Độ tiến hành. Nếu như ở giai đoạn trước cuộc cải cách của Ấn Độ còn phải dò dẫm, tìm cách hội nhập với nền kinh tế thế giới thì ở giai đoạn thứ hai này người Ấn đã chủ động xác định các phương sách khá rõ ràng, cụ thể, mang tính khái quát cao hơn. Song song với các vấn đề đối nội, Ấn Độ đã và đang từng bước tự tin khẳng định vai trò là một cường quốc khu vực – một cường quốc có trách nhiệm và biết mở rộng ảnh hưởng của mình bằng sức hút của văn hóa cũng như tinh thần trách nhiệm của chính mình.

 

(8) Nguyễn Công Khanh (2001),  J.Nehru, tiểu sử và sự nghiệp, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 50.

(9) Thông tấn xã Việt Nam, (2007), Ấn Độ - những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại, Tài liệu tham khảo số 5 – 2007, tr. 13.

(10) The Constitution (Forty-second Amendment) Act, 1976, http://india.gov.in/govt/documents/amendment/amend42.htm

(11) The Constitution of India (as modified up to the 1st December, 2007), p.1.

(12) VSR. Subramaniam, Mrs. Gandhi Gave New Economic Approach, p.9, http://129.3.20.41/eps/pe/papers/0403/0403008.pdf

(13) Planning Commission (Government of India), 6th Five Year Plan (chapter 9: Agriculture and allied sectors) http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html

(14) Planning Commission (Government of India), 6th Five Year Plan (Chapter 22: Health, Family and Nutrition) http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html

(15) Planning Commission (Government of India), 6th Five Year Plan (Chapter 1: Development and Performance) http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html

(16) Planning Commission (Government of India), 7th Five Year Plan (Vol-2, Chapter 2), http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html

(18) Subroto Roy, On the Origins of the 1991 Economic Reform Encounter with Rajiv Gandhi, Indian Liberal Group, http://www.liberalsindia.com/freedomfirst/ff450-06.html

(22) Plannning Commission (Government of India), Annual Report 1990-1991, http://planningcommission.gov.in/reports/genrep/arep9099/index.php?repts=ar90-91.htm

(23) Plannning Commission (Government of India), 8th Five Year Plan, http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html

(24) Plannning Commission (Government of India), 8th Five Year Plan, http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html. Xem phần Foreword.

(25) Plannning Commission (Government of India), 9th Five Year Plan, http://planningcommission.nic.in/plans/planrel/fiveyr/index9.html. Xem Mục 1.i.

(26) Đỗ Đức Định, (1999), 50 năm kinh tế Ấn Độ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 227.

(27) Đỗ Đức Định, (1999), 50 năm kinh tế Ấn Độ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 31.

(28) Viện kinh tế và chính trị thế giới, (2007), Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới số 1 (129) năm 2007, tr. 31.

(29) Viện kinh tế và chính trị thế giới, (2007), Những vấn đề kinh tế và chính trị thế giới số 1 (129) năm 2007, tr. 31.

(30) Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ năm 1991 – 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 50.

(31) Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ năm 1991 – 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 50.

(32) Justin Sommers, Báo cáo về cuộc hội thảo Mối quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc: Điều gì Hoa Kỳ cần biết, Washington, D.C, 30 – 11 -2001, Asia Society & Woodrow Wilson Scholar, 2002.

(35) Planning Commission (Government of India), Tenth Five Year Plan: 2002-07, Volume - I, p.9 (of Chapter 1).

(36) Planning Commission (Government of India), Tenth Five Year Plan: 2002-07, Volume - II, p.525.

(37) Trong tiếng Hindi, mandi có nghĩa là chợ. Trên thực tế, thuế chợ là loại thuế đang bị loại bỏ dần theo Đạo luật tiếp thị sản phẩm nông nghiệp.

(38) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan – Volume I Inclusive Growth, Oxford University Press, 2008, p.v.

(39) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan – Volume I Inclusive Growth, Oxford University Press, 2008, p.vii.

(40) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan – Volume I Inclusive Growth, Oxford University Press, 2008, p.43.

(41) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan – Volume I Inclusive Growth, Oxford University Press, 2008, p.108.

(42) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan - Volume III Agriculture, Rural Development, Industry, Services and Physical Infrastructure, Oxford University Press, 2008, p.28.

(43) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan - Volume III Agriculture, Rural Development, Industry, Services and Physical Infrastructure, Oxford University Press, 2008, p.152.

(44) Planning Commission (Government of India), Eleventh Five Year Plan - Volume III Agriculture, Rural Development, Industry, Services and Physical Infrastructure, Oxford University Press, 2008, p.254.

(49) Times of India, 16/12/05

(51) 1. Ban Trợ cấp lương thực. 2. Ban trợ cấp phân bón cho nông nghiệp. 3. Ban quản lí sức mạnh cán bộ hành chính – một vài những kết quả chung. 4. Chức năng, hoạt động và cơ cấu của Bộ Thông tin và Truyền hình. 5. Chức năng, hoạt động và cơ cấu của Bộ than đá. 6. Ban Tổ chức các khu hành chính kinh tế. 7. Bộ Công nghiệp nhỏ. 8. Ban Công nghiệp nặng. 9. Ban Công trình công cộng. 10. Ban Viễn thông. 11. Ban Ngân sách. 12. Khu tự trị. 13. Bộ Sắt thép. 14. Bộ Dầu khí và ga tự nhiên 15. Ban Hóa chất. 16. Bộ Mỏ. 17. Bộ Tiêu dùng, lương thực và phụ vụ công cộng. 18. Ủy ban quốc gia. 19. Hội đồng quan thuế. 20. Ủy ban Chất lượng Ấn Độ. 21. Ban Nông nghiệp và Hợp tác. 22. Bộ Phát triển nông thôn. 23. Bộ Ngoại giao. 24. Bộ Giao thông công cộng. 25. Bộ Hải quan. 26. Bộ Phát triển tài nguyên nguồn nhân lực. 27. Bộ Thanh niên và thể thao. 28. Bộ Môi trường và rừng. 29. Bộ Văn hóa. 30. Bộ thương mại. 31. Bộ Phát triển ngoại ô và giảm nghèo. 32. Bộ Tổ chức cán bộ và trợ cấp hưu trí. 33. Bộ Dân tộc, bộ lạc. 34. Bộ Hàng không. 35. Bộ Du lịch. 36. Bộ Chính sách công nghiệp và quảng cáo. 37. Bộ Tiêu dùng.

(52) Thông tấn xã Việt Nam, (2007), Tài liệu tham khảo số 5/ 2007: Ấn Độ - Những xu hướng mới trong chính sách đối ngoại tr 11.

(53) Học viện Quan hệ quốc tế, (2007), Nghiên cứu quốc tế, số 4 (71), tháng 12/2007, tr.92.

(54) Học viện Quan hệ quốc tế, (2007), Nghiên cứu quốc tế, số 4 (71), tháng 12/2007, tr.100.

(56) Học viện Quan hệ quốc tế, (2007), Nghiên cứu quốc tế, số 4 (71), tháng 12/2007, tr.92.

(57) Học viện Quan hệ quốc tế, (2007), Nghiên cứu quốc tế, số 4 (71), tháng 12/2007, tr.92.

(58) Học viện Quan hệ quốc tế, (2007), Nghiên cứu quốc tế, số 4 (71), tháng 12/2007, tr.100.

(59) Học viện Quan hệ quốc tế, (2007), Nghiên cứu quốc tế, số 4 (71), tháng 12/2007, tr.100.

Views: 4149 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top