SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ẤN ĐỘ TRƯỚC 1991 VÀ NGUYÊN NHÂN CẢI CÁCH
A A+
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ẤN ĐỘ TRƯỚC 1991 VÀ NGUYÊN NHÂN CẢI CÁCH

1.1. Khái quát sự phát triển của Ấn Độ trước năm 1991

          Trên thực tế, công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Ấn Độ đã được bắt đầu từ năm 1947, khi thực dân Anh trao quyền tự trị cho Ấn Độ. Chính phủ Liên bang Ấn Độ tự trị do J. Nehru làm Thủ tướng đã điều hành đất nước từ ngày 15 -8 - 1947 và đã tiếp nhận một di sản yếu kém về mọi mặt do thực dân Anh để lại. Về chính trị, ngoài những hậu quả do “Kế hoạch Mounbatton” gây ra, tình trạng phân tán, cát cứ của khoảng 600 công quốc là một trở ngại lớn. Về kinh tế, đến năm 1949 tổng sản lượng các ngành công nghiệp chủ yếu chỉ đạt 60 - 70% mức trong chiến tranh, lương thực hiếm, sản lượng nông nghiệp chỉ đạt 40% mức trước chiến tranh. Nền kinh tế Ấn Độ vẫn nằm trong tình trạng bị chủ nghĩa đế quốc trói buộc. Về cơ bản nền kinh tế Ấn Độ trong suốt giai đoạn đầu vẫn mang tính chất là một nền kinh tế thuộc địa. Điều này thể hiện rõ qua bảng sau:

Bảng 1.1: Tỷ số tính theo phần trăm của tư bản nước ngoài so với toàn bộ tư bản của các Công ty lớn của Ấn Độ trong năm 1948

1

Dầu hoả

97

10

Công ty tài chính

46

2

Công nghiệp cao su

93

11

Điện

43

3

Đường sắt nhỏ

90

12

Cà phê

37

4

Diêm

90

13

Công nghiệp cơ khí

33

5

Đay

89

14

Công nghiệp thực phẩm

32

6

Chè

86

15

Giấy

28

7

Mỏ (không kể mỏ than)

73

16

Đường

24

8

Mỏ than

62

17

Vải bông

21

9

Đồn điền cao su

54

18

Ximăng

5

 

Theo Báo cáo của Uỷ ban thu nhập quốc dân chính thức công bố năm 1951, thu nhập quốc dân thực tế tính theo đầu người đã giảm xuống thấp hơn sự đánh giá của phái đoàn Simon năm 1930, từ 83 rupee xuống còn 70 rupee năm 1948-1949. Về văn hoá, 90% dân số Ấn Độ còn mù chữ, nhiều nơi còn sống trong những tập tục hết sức lạc hậu, điều kiện ăn ở mất vệ sinh.

          Cũng như trong cuộc đấu tranh đòi độc lập dân tộc, một lần nữa Ấn Độ phải tìm cho mình một con đường riêng trong cuộc sống xây dựng và phát triển đất nước, đó là con đường trung lập, hoà bình và không liên kết. Về thực chất, Ấn Độ lựa chọn con đường tư bản chủ nghĩa nhưng ở đây ta thấy nó mang những yếu tố của mô hình xã hội chủ nghĩa.

          Sau khi nắm quyền quản lý đất nước năm 1947, Chính phủ Ấn Độ đã tiến hành cuộc cải cách lãnh thổ hành chính đầu tiên. Đến năm 1949, 555 trong số 601 công quốc đã gia nhập Ấn Độ, số còn lại gia nhập Pakishtan. Như vậy, từ một xứ sở phân tán, Ấn Độ trở thành một quốc gia thống nhất, tạo điều kiện cho việc triển khai công cuộc xây dựng đất nước. Từ tháng 4 - 1948, Chính phủ Ấn Độ công bố quyết định về chính sách kinh tế nhằm xây dựng một nền kinh tế “hỗn hợp”, Nhà nước sẽ nắm quyền một số ngành như sản xuất vũ khí, năng lượng nguyên tử và đường sắt. Có 17 ngành công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ được đưa vào kế hoạch phát triển chung, số còn lại thuộc xí nghiệp tư nhân quản lý. Năm 1948, Nhà nước bắt đầu quản lý các ngân hàng cổ phần tư nhân thông qua “Đạo luật về các ngân hàng”. Như vậy, mặc dù khu vực kinh tế nhà nước chiếm tỷ trọng không lớn nhưng việc thực hiện đường lối chủ nghĩa tư bản nhà nước cũng đưa lại cho nền kinh tế Ấn Độ một diện mạo khác.

          Ở nông thôn, cuộc cách mạng ruộng đất được bắt đầu từ năm 1947 (đến 1954 mới kết thúc) là bước quan trọng đầu tiên trong chính sách kinh tế của Chính phủ Ấn Độ. Ở Ấn Độ tồn tại từ lâu hai chế độ sở hữu ruộng đất: chế độ Daminda và Raiotwari. Quá trình tiến hành cải cách ruộng đất ở Ấn Độ diễn ra trong điều kiện của cuộc đấu tranh chính trị gay gắt. Giai cấp địa chủ chống đối bằng cách trực tiếp và thông qua các giới có quan hệ ở trong Chính phủ và các cơ quan lập pháp ở các bang. Còn nông dân thì đòi hỏi giải quyết vấn đề ruộng đất, trước hết là thực hiện luật cải cách ruộng đất được ban hành một cách nhanh chóng và đầy đủ. Chính phủ đó thực hiện “Luật thay thế chế độ Daminda” và một số đạo luật về nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là “Luật sở hữu tối đa” nhằm quy định diện tích đất đai tối đa mà chủ đất được quyền sở hữu. Luật này được ban hành ở hầu hết các bang của Ấn Độ. Bên cạnh đó Chính phủ cũng phát động phong trào “Hiến ruộng” trong cả nước. Mặc dù còn có những hạn chế nhưng nhìn chung cải cách ruộng đất ở Ấn Độ có ý nghĩa lịch sử tiến bộ. Cải cách đã thu hẹp phạm vi bóc lột theo lối phong kiến của giai cấp địa chủ, góp phần mở đường cho sự phát triển của nông nghiệp theo con đường tư bản chủ nghĩa, bước đầu thay đổi bộ mặt nông thôn Ấn Độ. Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, những tàn tích phong kiến ngự trị hàng nghìn năm trong xã hội Ấn Độ đã bị thủ tiêu về cơ bản. Kết quả thu được qua cuộc cải cách ruộng đất và mở rộng diện tích canh tác làm cho tổng sản phẩm nông nghiệp tăng 65% trong những năm 1951 - 1965.

          Từ đầu năm 1950, Ấn Độ bắt đầu thành lập Ủy ban kế hoạch trực thuộc chính phủ do J. Nehru làm Chủ tịch. Cùng với việc thiết lập và thực hiện ba kế hoạch 5 năm: Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất từ 1951 - 1956, lần thứ hai từ 1958 - 1961, lần thứ ba từ 1961 - 1966, (Kế hoạch 5 năm lần thứ ba không hoàn thành do cuộc chiến tranh với Pakishtan về vấn đề  Kashmir năm 1965), Ấn Độ đã nâng cao tinh thần tự lực tự cường “theo mô hình xã hội chủ nghĩa”. Mô hình kinh tế của Ấn Độ chính là sự kết hợp giữa thành phần kinh tế Nhà nước với thành phần kinh tế tư bản tư nhân, từ sau 1955 thành phần tư bản tư nhân cũng bị hạn chế. Nhờ những biện pháp này nên nền kinh tế Ấn Độ đã có bước phát triển đáng kể: Nếu như trong 10 năm trước khi giành được độc lập, công nghiệp chỉ tăng hàng năm 0,6% thì đến Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mức tăng là 6,5%, Kế hoạch 5 năm lần thứ hai là 7,3% và đến Kế hoạch 5 năm lần thứ ba là khoảng 4,7%. Nếu tính chung so với năm 1948, tổng sản lượng công nghiệp năm 1964 tăng 2,5 lần, trong đó khu vực nhà nước đạt gần 18%. Về nông nghiệp, phát triển theo chính sách “quảng canh” nên diện tích gieo trồng được mở rộng và sản lượng lương thực cũng đã tăng lên. Tuy nhiên, do tỉ lệ tăng dân số quá cao (từ 361 triệu người năm 1950 lên 439 triệu người 1965) nên nông nghiệp vẫn không đủ để cung cấp lương thực tối thiểu cho nhân dân. Hàng năm, Ấn Độ phải nhập hàng triệu tấn lương thực: năm 1951: 4,7 triệu tấn, năm 1964: 6,2 triệu tấn.

          Sau khi J. Nehru qua đời (27 - 5 - 1964), giai đoạn ổn định tương đối của Ấn Độ chấm dứt. Ấn Độ lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội gay gắt. Nạn thiếu lương thực trầm trọng và kéo dài, đặc biệt là những năm 1965 - 1966. Theo báo cáo của Bộ Lương thực, từ tháng 4 đến tháng 6 - 1966, có 52 triệu người bị đói “Nhiều người do đói phải ăn lá cây, phải giết bò cái - một việc mà Ấn Độ giáo cho là tội lỗi - để ăn thịt”. Thời gian này Ấn Độ phải nhập 10,5 triệu tấn lương thực (năm 1966). Đời sống nhân dân giảm sút làm cho mâu thuẫn xã hội tăng lên.

          Ngày 19 - 1 - 1966, sau khi Thủ tướng kế nhiệm J. Nehru, ông L.B. Saxtri qua đời, bà Indira Gandhi (con gái của cố Thủ tướng J. Nehru) trở thành vị Thủ tướng thứ ba của Cộng hoà Ấn Độ. Chính phủ của bà I. Gandhi đã thực hiện những chính sách nhằm khôi phục và phát triển nền kinh tế đất nước. Khu vực kinh tế nhà nước được chú trọng hơn, đồng thời các biện pháp có lợi cho nhân dân lao động được tiến hành (giảm giá 17 mặt hàng y tế quan trọng nhất, tăng lương cho công nhân một số ngành, tạo việc làm cho người lao động, cử đại diện của người lao động trực tiếp tham gia vào ban giám đốc xí nghiệp...). Mặc dù hoạt động trong một hoàn cảnh khó khăn bởi sự phân liệt ngày càng sâu sắc trong nội bộ Đảng Quốc Đại, nhưng Chính phủ của I. Gandhi đã đạt được những bước tiến mới về kinh tế, xã hội. Sau khi bị thất cử trong cuộc tuyển cử lần thứ sáu (tháng 3 - 1977), I. Gandhi đã thành lập Đảng Quốc Đại Indira Gandhi, gọi tắt là Đảng Quốc Đại I (năm 1979). Tháng 1 - 1980 Đảng Quốc Đại I đã giành thắng lợi và I. Gandhi trở lại chức vụ Thủ tướng Chính phủ.

          Ngày 31 - 10 - 1984, I. Gandhi bị các thế lực phản động ám sát. Sau khi bà qua đời, con trai bà là Rajiv Gandhi đứng ra đảm nhận chức vụ Thủ tướng Ấn Độ. Chính phủ của R. Gandhi đã đẩy mạnh quá trình cải cách và tự do hóa kinh tế Ấn Độ. Nhờ vậy, đến năm 1988, đầu tư của tư bản nước ngoài vào Ấn Độ đã tăng gấp 10 lần. Đồng thời, Ấn Độ chủ trương giảm dần mức độ thay thế nhập khẩu, chuyển sang khuyến khích xuất khẩu, đề cao vai trò kinh tế thị trường và chú trọng phát triển khu vực tư nhân. Có thể khẳng định rằng, chính R. Gandhi là người đầu tiên đặt vấn đề cải cách ở Ấn Độ, cả về lý thuyết lẫn thực tế. Tuy nhiên, tháng 5 - 1991, R. Gandhi đã bị các thế lực phản động sát hại trong cuộc vận động bầu cử. Sự kiện bi thảm này chấm dứt hơn nửa thế kỷ Đảng Quốc Đại gắn liền với tên tuổi và sự lãnh đạo của gia đình Nehru nhưng ý tưởng cải cách của ông vẫn được tiếp tục.

          Sau những thất bại của các Chính phủ Liên hiệp, tháng 6 - 1991, Narasimha Rao - Chủ tịch mới của Đảng Quốc Đại - đã giành được quyền thành lập Chính phủ, mở đầu cho thời kỳ Ấn Độ tiến hành công cuộc cải cách kinh tế toàn diện, mạnh mẽ. Từ năm 1991 đến nay, dù cho đảng nào cầm quyền thì cuộc cải cách do R. Gandhi đề xướng và N. Rao phát động, triển khai vẫn được tiếp tục cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

          Nhìn lại sự phát triển trong hơn 4 thập kỷ của nước Ấn Độ độc lập ta thấy: Từ chỗ là một nước nghèo nàn, lạc hậu, sau ngày độc lập Ấn Độ đã liên tục phát triển. Những năm 50 đến 70 của thế kỷ XX, Ấn Độ phát triển theo chiến lược hướng nội là chính, đạt mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (DGP) bình quân là 5,68%. Trong thời gian này Ấn Độ đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Trước hết, trong lĩnh vực nông nghiệp: từ chỗ là một nước đói ăn, năm 1951 chỉ sản xuất được 51 triệu tấn lương thực, Ấn Độ đã có thể tự túc hoàn toàn về lương thực vào đầu những năm 80 với sản lượng 135 triệu tấn. Đây là thắng lợi to lớn trong lịch sử Ấn Độ do cuộc “cách mạng xanh” đưa lại. “Cách mạng xanh” với nội dung chủ yếu là áp dụng tích cực và có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng những thành công mới nhất của khoa học nông nghiệp vào đồng ruộng bao gồm một tổng thể các biện pháp kỹ thuật với nhiều khâu liên hoàn rất chặt chẽ - cùng với “cách mạng trắng” (áp dụng vào chăn nuôi) tạo thành một cuộc cách mạng toàn diện trong nông nghiệp. Về công nghiệp, nếu như năm 1947 công nghiệp chỉ đóng góp 5% vào tổng thu nhập quốc dân thì đến những năm 80 nó đã vươn lên trở thành ngành kinh tế số một của Ấn Độ, đưa Ấn Độ tiến lên hàng thứ 10 trong sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. Nhịp độ phát triển hàng năm là 5%. Công nghiệp Ấn Độ đã sản xuất hơn 5.000 mặt hàng và đã tự lực đáp ứng được hầu hết các yêu cầu của đất nước về máy móc thiết bị hiện đại. Công nghiệp Ấn Độ phát triển khá vững chắc với kỹ thuật cao. Ấn Độ là nước châu Á đầu tiên có hệ thống đường ống dần dầu tự động và cũng là nước phát triển mạnh về công nghệ vũ trụ: năm 1969 tên lửa do Ấn Độ chế tạo đã được phóng vào vũ trụ, và ngày 19 – 4 – 1975, vệ tinh Ariabata của Ấn Độ được phóng vào vũ trụ.

          Tuy nhiên, mô hình “tự lực tự cường” của Ấn Độ đã bộc lộ các điểm yếu của nó khi tình hình thế giới có những thay đổi. Từ cuối những năm 80 và đầu 90 của thế kỷ XX, do mất ổn định về chính trị, do bị tác động tiêu cực bởi sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu vốn là bạn hàng chính của Ấn Độ và do những kìm hãm về cơ chế quản lý, đã làm cho nền kinh tế Ấn Độ rơi vào khủng hoảng: hơn 30 triệu người thất nghiệp, nợ nước ngoài lên tới 70 tỷ USD, dự trữ ngọai tệ đến tháng 5-1991 chỉ còn khoảng 1 tỷ USD, đủ nhập khẩu 20 ngày, nền kinh tế bị đình trệ, suy thoái. Trong bối cảnh đó N. Rao lên cầm quyền (7 - 1991); thực hiện các cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường và tự do hoá, mở cửa, khuyến khích đầu tư nước ngoài, điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng đa dạng, tranh thủ vốn và kỹ thuật nước ngoài...

          Về mặt xã hội, Ấn Độ cũng đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, thông tin... Trẻ em dưới 14 tuổi bắt buộc phải đến trường, cả nước có hơn 300 trường Đại học, Cao đẳng... Tuy nhiên, đến trước cuộc cải cách, tỷ lệ người mù chữ vẫn cao (khoảng hơn 50%). Về y tế, số giường bệnh và thầy thuốc đã tăng lên đáng kể. Bình quân cứ 1.130 người có một giường bệnh, 2.472 người có một bác sĩ. Trên lĩnh vực đời sống văn hoá tinh thần, Ấn Độ đứng hàng 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng ấn phẩm và là một trong những nước sản xuất nhiều phim nhất thế giới.

Bảng 1.2. Tình hình giáo dục và y tế ở Ấn Độ từ 1970 đến 1988

 

Đơn vị

1970

1980

1988

Dân số

Triệu người

539,1

670,0

797,0

Mù chữ

% số dân

65,9

59,2

56,5

Tử vong trẻ em

% 0

135

114

99

Tuổi thọ trung bình

Năm

47,3

53,3

58

Số học sinh trung học

% số người đi học

26

32

85

Số học sinh đại học

% số người đi học

6,2

8,7

8,9

Số sách xuất bản

Đầu sách

14145

13148

12543

 

Nguồn: Nguyễn Anh Thái (CB), Một số vấn đề về nội dung và phương pháp giảng dạy lịch sử thế giới lớp 12 CCGD, Trường ĐHSP. Hà Nội 1, H. 1992, trang 129.

Về chính sách đối ngoại, Ấn Độ đứng vững trên cơ sở lập trường độc lập, không liên kết. Ấn Độ chủ trương hợp tác, hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới, gắn bó và giúp đỡ tích cực phong trào giải phóng dân tộc, ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương. Từ tháng 6 - 1954, Ấn Độ đã cùng với Trung Quốc đưa ra “5 nguyên tắc chung sống hoà bình” (Pach Sheel) nổi tiếng, làm cơ sở cho các mối quan hệ quốc tế. Trên cơ sở 5 nguyên tắc chung hoà bình, Ấn Độ cùng với các lực lượng tiến bộ trên thế giới đã sáng lập ra Phong trào không liên kết.

          Trước những năm 80 của thế kỷ XX, Ấn Độ có mối quan hệ chặt chẽ với các nước xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, như J. Nehru đã khẳng định, không liên kết không có nghĩa là trung lập một cách thụ động. Sau khi “chiến tranh lạnh” tan rã, Ấn Độ đã có những điều chỉnh quan trọng về chính sách đối ngoại theo hướng đẩy mạnh đa dạng hoá quan hệ, đặc biệt chú trọng cải thiện quan hệ láng giềng, nhất là với Trung Quốc. Ấn Độ cũng tranh thủ Mĩ, Nhật Bản, tăng cường quan hệ với ASEAN để tạo môi trường hoà bình, tranh thủ mọi nguồn viện trợ, công nghệ cao phục vụ cải cách và phát triển nền kinh tế làm cơ sở để phát huy vai trò của mình trong trật tự thế giới mới đang hình thành. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Ấn Độ sẽ là một trong 6 trung tâm quyền lực trong thời gian tới.

          Nhiều nhà kinh tế Ấn Độ cho rằng Ấn Độ có tiềm năng to lớn để phát triển nhanh trong 20 năm tới, có thể ngang hoặc vượt tốc độ phát triển của Trung Quốc. Vấn đề cốt lõi là phải có một chiến lược phát triển thích hợp và có sự ổn định trong nước cũng như trong khu vực.

1.2. Nguyên nhân cải cách

1.2.1. Những hạn chế của công cuộc xây dựng đất nước trong giai đoạn 1950 – 1991.

Sau khi độc lập, Ấn Độ phát triển đất nước với việc xây dựng nền kinh tế mang nhiều yếu tố xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế, J. Nehru chủ trương xây dựng một nền kinh tế hỗn hợp hai thành phần: kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Trong đó, kinh tế nhà nước nắm vai trò chủ đạo. Nhà nước nắm những ngành công nghiệp then chốt, có tầm quan trọng về kinh tế và an ninh quốc phòng. Kinh tế tư nhân chỉ tham gia vào một số lĩnh vực nhất định và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước thông qua các đạo luật.

Ấn Độ cũng đẩy mạnh công nghiệp hoá, ưu tiên công nghiệp nặng và cho đó là điều kiện cơ bản của công nghiệp hoá. Công nghiệp nhẹ được phát triển rộng khắp nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Do đó, với đường lối độc lập và tự lực cánh sinh, Ấn Độ đó thực hiện chính sách đóng cửa và chính sách thay thế nhập khẩu.

Biện pháp này đã giúp Ấn Độ đứng vững trong những năm 50, 60 của thế kỉ XX đầy khó khăn, thử thách và xây dựng được một nền kinh tế đồng bộ với mạng lưới công nghiệp khá hoàn chỉnh, có khả năng đáp ứng được hầu hết nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, nó khiến khu vực tư nhân bị trói buộc và bị kiểm soát quá chặt chẽ, còn khu vực nhà nước thì phần lớn là không hiệu quả và tham nhũng tràn lan. Đến những năm 70, càng đi sâu vào kế hoạch hoá, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Nếu như năm 1960, Ấn Độ có GDP bình quân đầu người lớn hơn của Trung Quốc thì đến năm 1991, con số này chưa bằng một nửa của Trung Quốc. Cùng năm 1960, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ bằng của Hàn Quốc nhưng năm 1991, chỉ số này của Hàn Quốc đó lớn gấp 13 lần của Ấn Độ. Còn chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên hợp quốc đánh giá các quốc gia thông qua mức thu nhập, sức kháe, tỷ lệ biết chữ và các tiêu chuẩn tương tự khác: Ấn Độ xếp thứ 124/177 nước, sau Syria, Sri Lanka, Việt Nam và Cộng hòa Dominica. Tỷ lệ biết chữ của phụ nữ Ấn Độ thấp đến kinh ngạc, chỉ có 54%(1)(1).

Vì thế, những hạn chế này đã thôi thúc các nhà lãnh đạo Ấn Độ phải xem xét, nhìn nhận lại chiến lược mà mình đang đi theo. Vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục chiến lược thay thế nhập khẩu hay không và giải pháp nào để khắc phục những hạn chế đó. Đương nhiên, tiến hành cải cách là biện pháp hữu hiệu nhất.

1.2.2. Thực trạng kinh tế, xã hội Ấn Độ năm 1991

Do sự tập trung quan liêu bao cấp và tự lực cánh sinh theo kiểu đóng cửa, tự cấp tự túc, đến cuối thập kỉ 80, đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX Ấn Độ lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện: Hơn 30 triệu người thất nghiệp, nợ nước ngoài lên tới 70 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ đến tháng 5-1991 chỉ còn 1 tỷ - đủ cho nhập khẩu 2 tuần; đầu tư nước ngoài trực tiếp chỉ đạt trung bình khoảng 100 triệu USD/năm và giảm dần sau hai vụ Ấn Độ trục xuất hai công ty Coca Cola và IBM(2). Khu vực thuộc sở hữu nhà nước phình to, đi đôi với hệ thống bao cấp nặng, thông qua hàng loạt các hình thức từ bao cấp tài chính đến lương công chức cao, lợi tức thấp. Cho nên, khu vực nhà nước ngày càng hoạt động kém hiệu quả. Tới đầu những năm 90 của thế kỉ XX, gần một nửa số các công ty thuộc sở hữu nhà nước bị vì nợ với tổng mức là 1 tỷ USD. Trong khi đó xí nghiệp tư nhân phải gánh chịu những khoản cống nạp khổng lồ cho thói quan liêu, bệnh giấy tờ mà vẫn phải đợi 2-3 năm mới hoàn thành tất được các thủ tục kinh doanh, mức thâm hụt tài chính hàng năm chiếm gần 8,5% GDP; cán cân thanh toán thâm hụt nặng tới 3,5% GDP, không có ngân hàng nước ngoài nào sẵn lòng cung cấp tài chính cho Ấn Độ(3). Vì thế, tài chính năm 1991 – 1992 lạm phát dâng cao, nhiều ngành công nghiệp nặng khó khăn, cán cân thanh toán thiếu hụt lớn, tình hình xã hội căng thẳng, đời sống nhân dân giảm sút.

Có thể nói rằng, với chính sách hướng nội, thay thế nhập khẩu kéo dài suốt từ khi giành độc lập đến cuối những thập kỉ 80 của thế kỉ XX, kinh tế Ấn Độ bị cô lập với các thị trường thế giới nhằm bảo hộ nền kinh tế còn mong manh của mình và cũng để tự cung tự cấp. Tuy nhiên, theo như QUID 1993 đã mô tả, hậu quả là: “trong giai đoạn 1980 – 1985, 600 triệu người sống khép kín ở nông thôn, sức mua và khả năng thương mại hoá sản phẩm hầu như bằng không. Trên tổng số 750 triệu dân, khoảng 350 triệu người sống với chỉ 10 USD/tháng/đầu người, 73 triệu người với 4 USD. Năm 1992, 410 triệu người (38% dân số) sống dưới ngưỡng ngèo khổ (30 USD/tháng)”(4).

Nhìn chung, tới đầu năm 1990, kinh tế Ấn Độ ngày càng yếu kém và trì trệ do mất bạn hàng Liên Xô, Đông Âu và cuộc chiến tranh Vùng Vịnh khiến Ấn Độ bị mất thị trường Trung Đông. Vì thế cuộc khủng hoảng trở nên nghiêm trọng, mức tăng trưởng GDP tụt xuống còn 0,8% (1991 – 1992), lạm phát lên cao tới trên 13%. Thủ tướng N. Rao phải nói rằng: “Tình hình ngoại tệ gần như tuyệt vọng. Tình hình tài chính tồi tệ. Chúng tôi đã đến mức như một nước vì nợ trong thời gian vài ngày”(5).

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính khiến cho người dân hoang mang, kéo theo những rối loạn nghiêm trọng về mặt xã hội. Những mâu thuẫn giữa các tôn giáo, đẳng cấp, sắc tộc, cộng đồng trong nước càng có điều kiện phát triển. Ví dụ như mâu thuẫn giữa những người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong việc dựng lại ngôi đền Ấn Độ giáo tại thị trấn Ayodhya đẫ dẫn tới đổ máu; các vụ bạo loạn đòi li khai ở các bang Pujab, Kasihmir ở miền Bắc; bang Assam ở miền Đông bắc, việc hơn 6000 người Tamin gốc Ấn Độ sinh sống ở miền Bắc và miền Đông Srilanka đã tràn về tị nạn tại Ấn Độ và tiếp tục tràn về hàng ngày do việc đòi quyền tự trị của họ ở Sri Lanka chưa được giải quyết.

Cuộc khủng hoảng toàn diện đó đã làm mất lòng tin của dân chúng đối với chính phủ. Vì thế, Đảng Quốc đại đã bị mất quyền lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm 1989 và sau đó, Thủ tướng Rajiv Gandhi đã bị ám sát trong khi đang vận động tranh cử vào ngày 21 – 5 – 1991. Sau đó, các đảng khác lên cầm quyền đều phải liên minh mới nhau, tạo ra các chính phủ liên minh. Do tính chất liên minh, các chính phủ này tồn tại rất bấp bênh và không có khả năng thống nhất ý kiến quan điểm trong việc quyết định các chính sách đối nội, đối ngoại. Vì thế, các chính phủ này gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành đất nước. Đồng thời, sự thay đổi của các chính phủ thể hiện sự bất ổn về chính trị.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng từ lĩnh vực tài chính, kinh tế những năm 1990 – 1991 ở Ấn Độ đã biến thành cuộc khủng hoảng toàn diện và đó là động cơ trực tiếp thôi thúc Ấn Độ phải tiến hành cải cách và tiến hành nhanh chóng. Hơn nữa, cuộc khủng hoảng toàn diện góp phần quy định tính toàn diện của cuộc cải cách. Bản thân những nhà cầm quyền lại càng phải tìm các biện pháp đối phó với khủng hoảng, trong đó cải cách kinh tế – hành chính được coi là một giải pháp tối ưu.

Khi nhìn lại những năm tháng này, Thủ tướng M. Singh coi cuộc khủng hoảng năm 1991 như một dịp may. Ông lập luận: “Chính cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1991 đã giúp Chúng tôi cải cách, đổi mới nền kinh tế nước nhà. Sẽ thật khó khăn nếu tiến hành tự do hoá nền kinh tế mà không có một cuộc khủng hoảng nào”(6).

Đồng thời, bộ máy hành chính quan liêu, bao cấp cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Nó trở thành trở ngại chính cho sự phát triển, cản trở đến cuộc cải cách kinh tế. Nhiều người dân cho rằng các viên chức là những người vụ lợi, cố ý gây trở ngại và tham nhũng, được luật lao động bảo vệ và các hợp đồng suốt đời làm cho họ trở thành người hoàn toàn vô trách nhiệm. Thậm chí, có hiện tượng bộ máy hành chính Ấn Độ bị các chính trị gia lũng đoạn để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho các bạn bè và người ủng hộ họ. Do đó, nhà nước Ấn Độ không còn tạo ra hàng hóa công mà thay vào đó là việc tạo ra những lợi ích cá nhân cho người kiểm soát nó. Hậu quả là, cả bộ máy hành chính Ấn Độ không có tinh thần trách nhiệm và giảm sút về chất lượng quản lí. Trong khi đó, các cán bộ chính phủ thì vẫn bám chặt vào niềm tin cho rằng phải dựa vào nhà nước và dịch vụ dân sự để đáp ứng những nhu cầu của người dân.

Nhìn chung, nền hành chính Ấn Độ đầu thập kỉ 90 của thế kỉ XX không còn bộc lộ ưu thế như thời kỳ đầu sau độc lập - thời kỳ mà nền hành chính nổi tiếng là trong sạch.

1.2.3. Sự thay đổi của tình hình thế giới trong những năm cuối thế kỷ XX

1.2.3.1. Xu thế cải cách trên thế giới từ những năm 70 của thế kỷ XX

Có thể nói rằng, cho đến năm 1991, cải cách không còn là hiện tượng cá biệt, đơn lẻ mà đã trở thành xu hướng phổ biến trên khắp thế giới không phân biệt khu vực và đường lối chính trị. Cụ thể là:

Các nước tư bản chủ nghĩa đã có những điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới. Từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng 1973, các nước tư bản chủ nghĩa đó tiến hành cải cách kinh tế, chính trị, xã hội, mở rộng quan hệ giao lưu hợp tác quốc tế, phát triển khoa học kĩ thuật, đổi mới công nghệ… Vì vậy, các nước này đã vượt qua khủng hoảng và tiếp tục phát triển.

Từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, hầu hết các nước trong khu vực Mĩ Latinh như Chilê, Urugoay, Achentina đã đề ra và tiến hành những chiến lược cải cách. Sau đó, một loạt các nước Mĩ Latinh khác cũng bắt đầu cải cách. Hầu hết, các nước này lựa chọn mô hình Mĩ để phát triển, vì chính Mĩ là nước có đầu tư lớn nhất vào khu vực này. Nội dung then chốt của làn sóng kinh tế mới này là sự giảm mạnh sự can thiệp của nhà nước vào các hoạt động kinh doanh, tăng cường tư nhân hóa…

Đồng thời, các nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Liên Xô, Đông Âu, Việt Nam cũng đã tiến hành phát động cải cách. Trung Quốc là nước khởi đầu với cuộc cải cách từ năm 1978 nhằm phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sau đó, từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Liên Xô, Đông Âu và Việt Nam cũng tiến hành cải cách, đổi mới. Tuy có nhiều biện pháp, đường lối cụ thể khác nhau song nhìn chung, nội dung cải cách nhằm mở đường cho một nền kinh tế năng động hơn, tự do hơn dưới sự quản lí của nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Nhìn chung, cho đến đầu những năm 90 của thế kỉ XX, cải cách không còn là một hiện tượng lạ mà đã trở thành một xu thế phổ biến, khá sôi động. Điều này đã cuốn hút nhiều quốc gia đang trong cuộc khủng hoảng đường lối tìm ra một lối đi mới. Hay nói cách khác, xu thế cải cách trên thế giới đã thúc đẩy các nước này cùng tiến hành cải cách để theo kịp bước tiến của thời đại cũng như để phát triển đất nước, hoà nhập vào nhịp điệu chung của toàn nhân loại.

Tóm lại, dù muốn hay không, Ấn Độ không thể làm ngơ trước một xu hướng phổ biến của thế giới. Vì vậy, dù sớm hay muộn, Ấn Độ cũng sẽ tiến hành cải cách mặc dù ở những mức độ khác nhau.

1.2.3.2. Tác động của sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đối với Ấn Độ

Có thể nói rằng, con đường mà Ấn Độ đã lựa chọn sau khi độc lập là con đường đi giữa tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Điều đó đã quy định tính chất nền kinh tế Ấn Độ là nền kinh tế tư bản chủ nghĩa mang màu sắc xã hội chủ nghĩa. Hay nói cách khác, nền kinh tế Ấn Độ sau khi độc lập là sự kết hợp những yếu tố kinh tế tư bản chủ nghĩa và những yếu tố xã hội chủ nghĩa. Trong thời gian Chiến tranh lạnh, Ấn Độ cũng có khá nhiều quan điểm tương đồng với Liên Xô như: Chống chủ nghĩa đế quốc, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ sự nghiệp hòa bình trên thế giới… Chính nhờ những quan điểm tương đồng đó, quan hệ Xô - Ấn ngày càng trở nên gắn bó mật thiết mà bằng chứng điển hình là việc hai nước kí kết Hiệp ước hòa bình hữu nghị và hợp tác Xô - Ấn năm 1971.

Theo hiệp ước này, Liên Xô trở thành đồng minh chiến lược, là chỗ dựa kinh tế vững chắc của Ấn Độ. Mối quan hệ đó không chỉ là hình thức (Hiệp ước 1971) mà trong thực tế, Liên Xô đã chứng tỏ sự giúp đỡ tận tình của mình đối với Ấn Độ. Chẳng hạn như việc phần lớn các nhà máy chủ chốt trong nền công nghiệp của Ấn Độ được xây dựng với sự hợp tác, giúp đỡ của Liên Xô. Chính các nhà máy ấy đã sản xuất ra 80% tổng sản lượng thiết bị luyện kim, 60% thiết bị điện, 35% sản lượng thép, 70% sản lượng khai thác dầu, 30% sản lượng chế biến dầu, 20% sản lượng điện(7). Nếu không có sự giúp đỡ của Liên Xô, nền công nghiệp Ấn Độ không thể được củng cố và phát triển nhanh như vậy. Hay nói một cách khác, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô mà Ấn Độ đã xây dựng được một nền kinh tế tự lực, tự cường và vững vàng bước qua những gian nan ban đầu. Không chỉ giúp đỡ về tiền của, Liên Xô còn đào tạo cho Ấn Độ nhiều chuyên gia. Theo thống kê, từ năm 1955 – 1977, Liên Xô giúp Ấn Độ đào tạo 96.000 chuyên gia, trong đó, 19.000 người trình độ đại học và trung học, 77.000 công nhân lành nghề. Đó là nguồn nhân lực có chất xám, có kĩ thuật ban đầu của Ấn Độ, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước Ấn Độ.

Mặt khác, để thúc đẩy công, nông nghiệp Ấn Độ phát triển, Liên Xô sẵn sàng buôn bán và là thị trường rộng lớn của Ấn Độ. Liên Xô không chỉ là bạn hàng lớn thứ hai trong số các bạn hàng của Ấn Độ mà còn là một bạn hàng “dễ tính” và Ấn Độ có thể xuất được mọi mặt hàng từ sản phẩm nông nghiệp tới các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng, thậm chí không bị đòi hỏi lắm về chất lượng. Hàng năm, Liên Xô đều dành một khoản tín dụng lớn, thậm chí bán chịu hàng cho Ấn Độ. Trong thương mại, hai nước cũng không cần dùng đồng ngoại tệ mạnh nào mà sử dụng ngay đồng rúp và đồng rupee để thanh toán. Chính những sự giúp đỡ đó đã kích thích kinh tế Ấn Độ phát triển nhanh chóng sau khi độc lập và là điều kiện cần thiết, quan trọng để phát triển đất nước này.

Như vậy, mặc dù đứng trung lập song Ấn Độ lại có phần thiện cảm với Liên Xô và các nước Đông Âu hơn là các nước tư bản chủ nghĩa. Điều đó thể hiện ở sự gắn bó mật thiết trên nhiều lĩnh vực giữa Liên Xô và Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Cho nên, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu là một cú sốc lớn đối với Ấn Độ, buộc Ấn Độ cần phải suy tính lại và vấn đề đặt ra đối với đất nước lúc này là làm thế nào để tìm ra những bạn hàng mới và khắc phục được hậu quả do mối quan hệ quá gắn bó với Liên Xô. Đương nhiên, đường lối cũ không thể đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra. Do đó, ngay khi chủ nghĩa xã hội Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, Ấn Độ đó quyết định tiến hành cải cách.

 

(1) Arvind Panagariya (2001), India’s Economic Reforms - What Has Been Accomplished? What Has Been Accomplished?, EDRC Policy Brief No.2, ADB. http://www.adb.org/Documents/EDRC/Policy_Briefs/PB002.pdf

(5) Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ năm 1991 – 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 20.

(7) Trần Thị Lý (chủ biên), (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hoà Ấn Độ từ năm 1991 – 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 14.

Views: 8308 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top