§ III . TRUNG QUỐC - CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ TỪ 1919 -1945
A A+
§ III . TRUNG QUỐC - CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ TỪ 1919 -1945

§ III . TRUNG QUỐC  - CUỘC CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ TỪ 1919 -1945

          1. Sự chuyển biến của cách mạng Trung Quốc từ 1919 - 1945.

          Cho đến những năm Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Trung Hoa nửa phong kiến, nửa thuộc địa vẫn như chìm trong bóng tối. Cách mạng Trung Quốc lâm vào ngõ cụt, chưa tìm thấy lối ra. Sau thất bại của phong trào nông dân Thái Bình Thiên Quốc là thất bại của đường lối cải lương tư sản Trung Quốc. Với sự nỗ lực của Tôn Trung Sơn, tư sản Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng Tân Hợi. Cuộc cách mạng này đã lật đổ ngai vàng đế chế ngự trị hàng nghìn năm ở  Trung Hoa nhưng lại không thủ tiêu được quyền chiếm hữu ruộng đất và bóc lột nông dân của giai cấp địa chủ phong kiến, không đánh đổ được ách nô địch của bọn đế quốc đang đè nặng lên số phận dân tộc. Cuộc cách mạng Tân Hợi đã không khai sinh ra được một nền dân chủ cộng hoà thực sự mà lại đẻ ra một quái thai chính trị, đó là chế độ phong kiến quân phiệt của bọn Viên Thế Khải núp dưới nhãn hiệu "Trung Hoa dân quốc”. Đến đây cách mạng Trung Quốc lâm vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về đường lối và lãnh đaọ. Chính Tôn Trung Sơn cũng phải thốt lên rằng: “Đi cùng núi sông, vẫn chưa tìm ra lối thoát”. Trong bối cảnh đó, thắng lợi của cuộc cách mạng Trung Quốc tìm thấy ở cuộc cách mạng này một tấm gương sáng về sự nghiệp đánh đổ bọn phong kiến, đế quốc phản động, giải phóng cho quần chúng lao động; giải phóng cho các dân tộc bị áp bức. Sức quyến rũ của cuộc cách mạng càng tăng lên khi Chính phủ Xô viết tuyên bố:

          "Tất cả những đặc quyền mà trước kia chính phủ đế quốc Nga đã chiếm đoạt được ở Trung Quốc, đều trao trả lại cho Trung Quốc, không phải bồi thường”.

          Cũng trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, nền kinh tế Trung Quốc có bước phát triển mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực, nhất là ngành dệt, khai thác mỏ, ngân hàng... Năm 1914, Trung Quốc có 21 xưởng dệt, đến năm 1919 tăng lên 48 nhà băng, năm 1923 con số đó là 100. Đi đôi với sự phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp dân tộc là sự trưởng thành của giai cấp tư sản và vô sản Trung Quốc. Năm 1913 vô sản công nghiệp ở Trung Quốc khoảng 65 vạn người, đến năm 1919 đã tăng lên khoảng 2 triệu người. Nếu kể cả thợ thủ công và người làm công trong các ngành thương nghiệp, dịch vụ... thì con số đó lên tới khoảng 10 triệu người. Ngoài những đặc điểm chung của công nhân thế giới, giai cấp công nhân Trung Quốc mang một số đặc điểm riêng nổi bật như: chịu ba tầng áp bức của đế quốc, phong kiến và tư bản; tập trung trong các trung tâm kinh tế như Thượng Hải, Thiên Tân, Vũ Hán, Nam Kinh, Quảng Châu... có những mối liên hệ tự nhiên, gần gũi với nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác... Chính sự lớn mạnh của vô sản Trung Quốc trong thời kỳ này là một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của cách mạng Trung Quốc.

          Những biến đổi về kinh tế, xã hội cùng với tác động của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã dẫn đến một phong trào đấu tranh  mạnh mẽ, được lịch sử ghi nhận là "Ngũ Tứ vận động” hay “Phong trào Ngũ Tứ”. Phong trào Ngũ Tứ bùng nổ vào ngày 4 tháng 5 năm 1919. Mở đầu phong trào là cuộc biểu tình của học sinh  trước Thiên An Môn để phản đối việc các nước  đế quốc trong “Hội nghị hoà bình ở Pari” đã bác bỏ những đề nghị chính đáng của Trung Quốc nhằm âm mưu xâu xé nước này. Đây là một phong trào quần chúng chống đế quốc và phong kiến, mang tính chất là phong trào yêu nước. Sự phát triển của phong trào Ngũ Tứ trải qua 2 giai đoạn chính.

          Từ ngày 4 tháng 5 đến ngày 3 tháng 6 năm 1919, phong trào  đấu tranh chủ yếu là học sinh, sinh viên. Đầu tiên là việc học sinh Trung Quốc ở Pháp phản đối lại "Hoà ước Pari”, sau đó những tin tức về Hội nghị hoà bình Pari được báo về Trung Quốc và lập tức khoảng 5000 học sinh Bắc Kinh đã tập trung trước Thiên  An Môn để diễu hành, thị uy. Đoàn diễu hành giương cao các khẩu hiệu "Ngoại tranh quốc quyền, nội trừng quốc tặc”, "Thà chết giành lại Thanh Đảo”... Chính phủ Đoàn Kỳ Thuỵ đã phái cảnh sát đến đàn áp, bắt giam 32 học sinh. Lập tức phong trào đấu tranh của học sinh lan nhanh trong cả nước. Học sinh ở các địa phương như Thiên Tân, Bảo Định, Thượng Hải, Nam Ninh, Vũ Hán, Lưỡng Quãng, Phúc Kiến, Sơn Tây, Thiểm Tây, Triết Giang, Hồ Nam, Tứ Xuyên đã đứng lên hưởng ứng cuộc đấu tranh của học sinh Bắc Kinh. Sự đàn áp của chính phủ Đoàn Kỳ Thuỵ được tăng cường, ngày 3 tháng 6 năm 1919, Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh bị cách chức, hơn 1000 học sinh bị bắt giam. Sự kiện này đã đưa phong trào phát triển lên một bước mới.

          Từ ngày 3 tháng 6 đến 28 tháng 6 năm 1919, phong trào đấu tranh lan rộng trong các tầng lớp xã hội Trung Quốc, đặc biệt là sự tham gia tích cực của công  nhân. Ngày 3 tháng 6, những người buôn bán ở Thượng Hải và các vùng lân cận đã tổ chức bãi thị, ủng hộ cuộc đấu tranh của học sinh. Tiếp đó, công nhân các ngành cơ khí, dệt, đường sắt... lần lượt tiến hành bãi công. Chỉ riêng ở Thượng hải đã có 6 - 7 vạn người tham gia bãi công chính trị. Đồng thời, hơn 3000 công nhân ở Đường Sơn trên đường sắt Kinh Phụng và công nhân ga Trường Tân cũng tích cực tham gia bãi công. Đặc biệt, cuộc bãi công của công nhân đường sắt Hỗ Ninh có ảnh hưởng lớn nhất.

          Bãi công của công nhân cùng với phong trào bãi thị, bãi khoá ở hầu khắp các thành phố đã tạo ra một cao trào đấu tranh chống đế quốc, phong kiến mang tính chất quần chúng rộng rãi chưa từng có. Trước sức mạnh của cuộc đấu tranh, chính phủ Đoàn Kỳ Thuỵ đã phải  nhượng bộ, trả lại tự do cho tất cả các học sinh yêu nước bị bắt giữ, cách chức bọn Tào Nhữ Lâm, Lục Tôn Dư, Chương Tôn Tường và  ra lệnh cho đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự Hội nghị hoà bình ở Pari cự tuyệt ký vào bản hoà ước.

          Song song với sự phát triển của phong trào bãi khoá, bãi thị, bãi công là cuộc vận động "Tân văn hoá”. Thực tế đây là hình thức biểu hiện sớm nhất và góp phần đưa đến phong trào đấu tranh ngày 4 tháng 5, nhưng khi cuộc đấu tranh nổ ra, phong trào "Tân văn hoá” đã hợp thành một bộ phận của cuộc đấu tranh này. Từ tháng 10 năm 1918, Lý Đại Chiêu đã viết về Cách mạng tháng Mười Nga và chủ nghĩa Mác - Lênin. Đến tháng 6 năm 1919, khi phong trào Ngũ Tứ đã vượt quá phạm vi của các phần tử trí thức để trở thành một phong trào có quy mô toàn quốc thì bắt đầu nảy sinh một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng văn hoá, đó là: Tiền đồ của Trung Quốc là chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản? Cuộc luận chiến về "vấn đề" và "chủ nghĩa” chính là cuộc đấu tranh tư tưởng văn hoá đầu tiên của giai  cấp vô sản và tư sản của Trung Quốc về vấn đề này.

          Như vậy, phong trào Ngũ Tứ vừa là một phong trào chính trị, vừa là một phong  trào văn hoá   mang tính chất quần chúng sâu sắc. Những phần tử trí thức tiến bộ đã tự giác tham gia lãnh đạo phong trào, làm  cho phong trào này không giống với những phong trào dân chủ trước đó, mở một trang mới trong lịch sử cuộc vận động dân chủ Trung Quốc. Từ trong phong trào Ngũ Tứ, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá sâu rộng hơn vào quần chúng và công nhân Trung Quốc  đã vươn lên tham gia đấu tranh chính trị. Các tiểu tổ cộng sản lần lượt xuất hiện nhờ sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản. Sự  kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 1 tháng 7 năm 1921, các tiểu tổ cộng sản đã cử đại biểu đến dự Đại hội ở Thượng Hải. Đại hội đã thông qua Điều lệ Đảng, cử ra cơ quan lãnh đạo Đảng do Trần Độc Tú đứng đầu và tuyên bố thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

          Sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một sự kiện có ý nghĩa trọng đại trong đời sống chính trị ở Trung Quốc, nó đánh dấu bước chuyển biến lớn lao của cách mạng Trung Quốc từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu cũ sang dân chủ tư sản kiểu mới.

          Sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có tác dụng thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của phong trào công nhân, các cuộc bãi công ở Hương Cảng, Thượng Hải, Hán Dương, An Nguyên... liên tiếp nổ ra. Đặc biệt là cuộc đấu tranh của công nhân Hương Cảng từ tháng 1 năm 1922 đến tháng 6 năm 1922.

          Nhằm tăng cường sự lãnh đạo trong phong trào công nhân, ngày 1 tháng 5 năm 1922, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức Đại hội lao động toàn quốc lần thứ nhất ở Quảng Châu. Đại hội đã đi đến thành lập Tổng công đoàn toàn quốc, nhằm thống nhất phong trào công nhân. Sự kiện này càng thúc đẩy hơn nữa phong trào công nhân toàn quốc. Từ tháng 8 năm 1922 công nhân Trung Quốc tiến hành cuộc đấu tranh đòi đặt luật lao động. Nổi lên trong phong trào là cuộc tổng bãi công của hơn 1 vạn người ở tuyến đường sắt Kinh - Hán ngày 4 tháng 2 năm 1923. Cuộc đấu tranh này đã bị bọn Ngô Bội Phu đàn áp dã man, đặc biệt là "vụ thảm sát ngày 7 tháng 2”, làm cho 40 người chết, 300 người bị thương, 270 người bị cầm tù... Mặc dù phong trào đấu tranh thất bại, do sự đàn áp của tập đoàn phong kiến quân phiệt Ngô Bội Phu, nhưng đây là tiếng nói đầu tiên của giai cấp công nhân Trung Quốc tự giác đứng lên, nó thể hiện rằng: "Công nhân Trung Quốc đã nhảy lên vũ đài chính trị thế giới”.        

          Trong sự phát triển của cách mạng Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tiến hành lãnh đạo cuộc đấu tranh, vừa tiếp tục củng cố Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II ở Thượng Hải (7-1927), các đại biểu đã bổ sung đường lối của Đảng thông qua "Tuyên ngôn của Đảng”. Tuyên ngôn xác định kẻ thù của cách mạng Trung Quốc là các nước đế quốc và bọn quân phiệt, phân tích tính chất xã hội Trung Quốc, tính chất và động lực của cách mạng Trung Quốc, tuyên ngôn chỉ rõ Trung Quốc là nước nửa thuộc địa,  nửa phong kiến, cách mạng Trung Quốc trước mắt là cách mạng dân tộc dân chủ  chống đế quốc và phong kiến, động lực của cách mạng gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Tuyên ngôn đã đề ra cương lĩnh tối đa và cương lĩnh tối thiểu. Cương lĩnh tối đa là: "dần dần đi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa”, Cương lĩnh tối thiểu là: "a. Dẹp nổi loạn, đánh đổ quân phiệt, xây dựng hoà bình trong nước; b. lật đổ ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc quốc tế, làm cho dân tộc Trung Hoa được độc lập hoàn toàn; c. Thống nhất Trung Quốc thành một nước cộng hoà dân chủ chân chính”.

          Như vậy, Đại hội II của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lần đầu tiên vạch ra được tính chất xã hội, đề ra được nhiệm vụ cơ bản và đường lối cho cách mạng. Tuy nhiên, còn có những vấn đề cơ bản chưa được đề cập, chẳng hạn như: vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân, vấn đề liên minh công nông, ruộng đất... Những thiếu sót này là các nguyên nhân dẫn đến những tổn thất của Đảng sau này.

          Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp ở Quảng Châu (5-1923) chủ trương thành lập mặt trận thống nhất cách mạng dân tộc dân chủ đã được đề ra nhằm tập hợp các lực lượng cách mạng chống đế quốc và phong kiến. Đại hội đã phê phán  đường lối sai lầm "tả khuynh” và "hữu khuynh”, quyết định hợp tác với Quốc Dân Đảng của Tôn Trung Sơn. Đây là một chính sách đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu của cách mạng Trung Quốc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, về vấn đề này, Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng có những thiếu sót lớn như: không xác định vai trò lãnh đạo của Đảng "về nguyên tắc cơ bản”. Tuy nhiên, đây chính là một trong những cơ sở cho sự hợp tác với Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản trong những năm tiếp theo.

          2. Cuộc nội chiến cách mạng lần thứ nhất ở Trung Quốc (Thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ nhất) từ 1924 đến 1927.

          Đến sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Trung Quốc vẫn đang ở trong tình trạng cát cứ quân phiệt, nhất là ở miền Bắc Trung Quốc. Sau lưng các thế lực quân phiệt này là những đế quốc khác nhau. Các  nước đế quốc muốn sử dụng bọn quân phiệt để xâu xé Trung Quốc, bọn quân phiệt lại dựa vào các nước tư bản nước ngoài và giai cấp địa chủ phong kiến để áp bức, bóc lột nhân dân lao động, chống lại phong trào cách mạng. Các thế lực phong kiến quân phiệt thường xuyên tiến hành các cuộc chiến tranh với nhau, làm cho đời sống nhân dân càng khổ cực, đất nước bị chia cắt, kìm hãm trong tình trạng nửa phong kiến, nửa thuộc địa. Do vậy, yêu cầu khách quan của cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc là phải đánh đổ các tập đoàn phong kiến quân phiệt ấy.

          Để tiến hành cuộc đấu tranh này Đảng Cộng sản Trung Quốc  đã đề ra đường lối thành lập mặt trận thống nhất cách mạng trên cơ sở hợp tác giữa Đảng Cộng sản và Quốc Dân Đảng tại Đại hội  lần thứ II (5 - 1923).

          Quốc Dân Đảng do Tôn Trung Sơn lãnh đạo được thành lập năm 1912. Đường lối chính trị của Quốc Dân Đảng là chủ nghĩa Tam dân do Tôn Trung Sơn đề ra từ năm 1907. Dưới tác động của Cách mạng tháng Mười Nga và đặc biệt là sự phát triển của cách mạng Trung Quốc từ sau phong trào Ngũ Tứ, nhận thức chính trị của Tôn Trung Sơn đã có sự biến đổi với những nội dung mới tiến bộ hơn. Ông đã sửa đổi, giải thích lại chủ nghĩa Tam dân theo quan niệm mới (nên được gọi là chủ nghĩa Tam dân mới), trong đó điểm nổi bật là việc nhận thức về kẻ thù của cách mạng Trung Quốc, bọn đế quốc và phong kiến. Về sách lược, Tôn Trung Sơn đề ra ba chính sách lớn "Liên Nga, dung cộng, phù trợ công nông”. Đây chính là một trong những cơ sở của sự hợp tác Quốc - Cộng.

          Sau Đại hội lần thứ III, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tích cực họat động, xúc tiến sự hợp tác "Quốc - Cộng”. Tháng 3 năm 1923, với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản, Tôn Trung Sơn thành lập Chính phủ cách mạng ở Quảng Đông. Tiếp đó, tháng 1 năm 1924, Quốc dân đảng triệu tập Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất ở Quảng Châu với sự tham dự của một số Đảng viên Đảng Cộng sản. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và tiến hành cải tổ Đảng. Đại hội lần thứ nhất của Quốc Dân Đảng đã đánh dấu sự hình thành trên thực tế sự hợp tác Quốc - Cộng.

          Với sự giúp đỡ của Liên Xô và những  người cộng sản , Chính phủ cách mạng của Tôn Trung Sơn được củng cố, phát triển. Đầu năm 1924 Trường Võ bị Hoàng Phố được xây dựng nhằm đào tạo các sỹ quan đầu tiên để xây dựng lực lượng cho một cuộc chiến tranh cách mạng nhằm tiêu diệt các tập đoàn quân phiệt phương Bắc.

          Lúc bấy giờ phong trào cách mạng Trung Quốc phát triển mạnh mẽ với các cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân. Điển hình là phong trào “ngày 30 tháng 5” (1925). Từ cuộc đấu tranh của hơn 200.000 công nhân và học sinh Thượng Hải ngày 30 tháng 5 năm 1925, Đảng Cộng sản đã phát động đấu tranh trong toàn thành phố Thượng Hải. Phối hợp đấu tranh, tháng 6 năm 1925, công nhân Hương Cảng, Quảng Châu đã tiến hành bãi công trong suốt 16 tháng (6 - 1925 đến 10 - 1926). Đây là trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử phong trào công nhân Trung Quốc.

          Giữa lúc phong trào cách mạng trên đà phát triển mạnh mẽ, ngày 12 tháng 3 năm 1925, Tôn Trung Sơn lâm bệnh và từ trần tại Bắc Kinh. Đây là một tổn thất lớn lao cho cách mạng Trung Quốc. Từ đây, sự hợp tác Quốc - Cộng trở nên khó khăn hơn do phái hữu trong Quốc dân Đảng tăng cường họat động  nhằm chống phá Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đại diện cho phái này là Tưởng Giới Thạch và Đái Quý Đào. Tuy nhiên phái Tưởng Giới Thạch vẫn chưa dám trắng trợn chống lại Đảng Cộng sản mà thi hành chính sách hai mặt để lợi dụng lực lượng của Đảng. Về hình thức, sự hợp tác Quốc - Cộng vẫn tồn tại và kế họach chiến tranh Bắc Phạt vẫn được tiến hành.

          Tháng 7 năm 1926, cuộc chiến tranh Bắc phạt bắt đầu. Quân đội cách mạng gồm 10 vạn người được chia thành 4 đạo với kế họach tác chiến là dùng lực lượng chủ lực, trước hết đánh Ngô Bội Phu, chặn địch ở Phúc Kiến, Quảng Tây, sau đó sẽ tập trung binh lực tấn công Tôn Huyền Phương và cuối cùng là Trương Tác Lâm. Được sự ủng hộ của nhân dân, cuộc chiến tranh Bắc phạt đã diễn ra đúng kế họach. Tháng 9 -1926 quân cách mạng đã chiếm được Hán khẩu. Ngày 17 tháng 1 năm 1927, chính phủ cách mạng dời về Vũ Hán. Ngày 22 tháng 3 năm 1927, quân Bắc phạt tiến vào giải phóng Thượng Hải. Ngày 24 tháng 3 năm 1927, quân Bắc phạt tiến vào Nam Kinh.

          Trước sự phát triển của cách mạng Trung Quốc, các nước đế quốc đã trực tiếp ra tay can thiệp. Ngày 24 tháng 3 năm 1927, khi quân Bắc phạt tiến vào Nam Kinh, hạm đội các nước Anh, Mỹ, Nhật, Mỹ, Pháp, Italia đã nổ súng bắn phá thành phố này làm 2000 người bị chết. Đồng thời  chúng tìm cách câu kết với bọn Tưởng Giới Thạch để chống phá cách mạng Trung Quốc.

          Trên thực tế, sự phản bội của tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã diễn ra ngay sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, tiếp đó là vụ chiếm hạm Trung Sơn (20-3-1926) và Đề án sửa đổi Đảng vụ (15-5-1926). Tuy nhiên, lúc bấy giờ Đảng Cộng sản  do Trần Độc Tú đứng đầu đang rơi vào tư tưởng hữu khuynh, nhất mực nhượng bộ, thoả hiệp. Ngày 12 tháng 4 năm 1927, với sự hậu thuẫn của Mỹ, tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã gây ra cuộc chính biến phản cách mạng ở Thượng Hải. Tại đây, chúng đã tước vũ khí của công nhân, thủ tiêu Tổng công đoàn Thượng Hải và tàn sát hàng ngàn công nhân, đảng viên Đảng Cộng sản. Sự kiện này đánh dấu sự phản bội công khai của tập đoàn Tưởng Giới Thạch. Tiếp đó một loạt các cuộc chính biến phản cách mạng đã diễn ra ở Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang, Phúc Kiến... Ngày 18 tháng 4, Tưởng đã lập ra chính phủ quốc dân ở Nam Kinh, thực sự trở thành tay sai cho đế quốc. Trước tình hình đó, Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Trung Quốc được triệu tập tại Vũ Hán (4-1927). Do ảnh hưởng tư tưởng hữu khuynh của Trần Độc Tú, Đại hội không đề ra được một phương sách gì, trái lại còn đánh giá "thắng lợi của cách mạng không xa”. Thực tế này đã làm cho chính phủ Quốc dân ở Vũ Hán, do Uông Tinh Vệ cầm đầu, trở nên dao động. Ngày 15 tháng 7 năm 1927, Uông Tinh Vệ công khai phản bội cách mạng, tuyên bố li khai với Đảng Cộng sản, tiến hành đàn áp, bắt bớ những người cộng sản và sát nhập chính phủ Vũ Hán vào chính phủ Nam Kinh của Tưởng.

          Như vậy, chính phủ Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch đã nắm toàn bộ chính quyền. Cuộc chiến tranh Bắc phạt tuy đã đánh bại các thế lực quân phiệt cát cứ nhưng cuối cùng đã hoàn toàn thất bại do sự phản bội của tập đoàn Tưởng Giới Thạch và do những tư tưởng hữu khuynh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

          3. Cuộc nội chiến cách mạng lần thứ hai và cuộc đấu tranh chống phát xít Nhật xâm lược (1927 - 1937)

          Sau cuộc chiến tranh Bắc phạt, với sự giúp đỡ của các thế lực đế quốc, đặt biệt là Mĩ, nền thống trị của tập đoàn Tưởng Giới Thạch được thiết lập dựa trên cơ sở xã hội là giai cấp đại địa chủ và đại tư sản. Nhằm phục vụ cho quyền lợi của giai cấp địa chủ phong kiến, tư sản mại bản và tư sản nước ngoài, tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã thi hành những chính sách đối nội, đối ngoại hết sức phản động. Về đối ngoại, cùng với việc ôm chân các đế quốc (đền bù cho các nước đế quốc sau vụ bắn phá Nam Kinh, để cho Nhật chiếm Tế Nam năm 1928...), chính quyền Tưởng Giới Thạch đã thực hiện chính sách "Phản đối đế quốc đỏ”, giết lãnh sự Liên Xô ở Quảng Châu, khiêu khích xâm lược Liên Xô... Về đối nội, chúng thực hiện chính sách khủng bố trắng, tìm cách tiêu diệt những người Cộng sản (từ 1928 đến 1932 chúng đã giết hơn 1 triệu người được coi  là Cộng sản), đồng thời tiến hành các cuộc vây  quét vào vùng căn cứ địa cách mạng. Đúng như Mao Thạch Đông đã nhận xét vào tháng 10 - 1928 "Nền thống trị hiện tại của bọn quân phiệt mới Quốc Dân Đảng vẫn là nền thống trị của giai cấp mại bản thành thị và của giai cấp địa chủ cường hào nông thôn. Đối ngoại thì nó đầu hàng chủ nghĩa đế quốc. Đối nội thì nó thay thế bọn quân phiệt cũ bằng bọn quân phiệt mới”.

          Do đó, nhiệm vụ của cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc trong giai đoạn này là phải lật đổ chính quyền của tập đoàn Tưởng Giới Thạch để đưa cách mạng tiến lên.

          Trước sự phản bội của tập đoàn Tưởng Giới Thạch, từ năm 1927, những người Cộng sản Trung Quốc đã đứng lên đấu tranh chống lại sự khủng bố của chúng. Ngày 1 tháng 8 năm 1927, tại Nam Xương, Đảng Cộng sản đã tiến hành khởi nghĩa, giải phóng thành phố. Ngày 5 tháng 8, những người khởi nghĩa phải rút khỏi Nam Xương, tiến về Quảng Đông. Mặc dù thất bại nhưng đây là lần đầu tiên Đảng trực tiếp đứng ra lãnh đạo lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang chống lại kẻ thù. Ngày 1 tháng 8 trở thành ngày thành lập Hồng quân Trung Quốc, với việc xây dựng đội quân Bát nhất...

          Ngày 7 tháng 9 năm 1928, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành Hội nghị khẩn cấp ở Cửu Giang (Giang Tây). Hội nghị đã cách chức Trần Độc Tú, bầu cơ quan Trung ương mới do Lý Lập Tam  đứng đầu; Hội nghị đề ra nhiệm vụ tiến hành cách mạng ruộng đất, coi đó là vấn đề trung tâm của cách mạng dân chủ; Xác định phương châm đấu tranh vũ trang chống lại tập đoàn quân Tưởng; quyết định tiến hành  khởi nghĩa vào dịp gặt mùa thu ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc (gọi là "khởi nghĩa vụ thu”).

          Mùa thu năm 1927, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang đã nổ ra ở các tỉnh miền Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, đảo Hải Nam... Phong trào bị đàn áp dã man. Ngày 11-12-1927 công nhân và binh lính Quảng Châu đứng lên khởi nghĩa, thành lập Công xã Quảng Châu. Công xã chỉ tồn tại trong 3 ngày và bị quân đội Quốc Dân Đảng tàn sát, giết hại khoảng 7 đến 8 nghìn người. Như vậy, các cuộc "khởi nghĩa vụ thu" đều thất bại nhưng ảnh hưởng của Đảng được phát huy rộng rãi trong nông dân thông qua khẩu hiệu cách mạng ruộng đất. Trong số các cuộc "khởi nghĩa vụ thu”, cuộc khởi nghĩa do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã thắng lợi, dẫn đến sự ra đời của căn cứa địa ở Tĩnh Cương Sơn.

          Tháng 7 năm 1928, Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Trung Quốc họp ở Matxcơva với sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội, những thiếu sót về đường lối của Đảng bổ sung. Đại hội đã giải quyết đúng đắn các vấn đề như: Xác định rõ  cách mạng Trung Quốc là một bộ phận của cách mạng thế giới; tính chất của cuộc cách mạng vẫn là cách mạng dân chủ tư sản; động lực chính của cách mạng là giai cấp công nhân và nông dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo; sau cách mạng dân chủ tư sản sẽ chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa... Tuy nhiên, việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào những  điều kiện cụ thể của cách mạng Trung Quốc vẫn còn là một vấn đề khó khăn và phức tạp. Lúc bấy giờ tư tưởng "tả” khuynh của Lý Lập Tam đang chi phối Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến tháng 9 năm 1930, Hội nghị Trung ương III (khoá VI) đưa Vương Minh (Trần Thiệu Vũ) và Bác Cổ (Tần Bang Hiếu) đứng đầu ban lãnh đạo Đảng.

          Cũng trong những năm 1928 -1930 phong trào đấu tranh vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng phát triển mạnh mẽ. Năm 1930, khu căn cứ địa trung ương được thành lập, 19 khu căn cứ địa khác cũng ra đời ở Hồ Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hồ Bắc, An Huy, Quảng Đông, Quảng Tây... Tại các khu căn cứ, cuộc cách mạng ruộng đất được tiến hành, nhờ vậy uy tín của Đảng càng lên cao trong cả nước. Trong các khu căn cứ địa cách mạng, Đảng Cộng sản đã thành lập chính quyền công nông, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, gọi là Hồng quân nông. Lực lượng Hồng quân công nông đã lên đến 6 vạn người. Cùng với lực lượng xích vệ, Hồng quân công nông đã tiến hành chiến tranh du kích chống lại quân đội của Tưởng, củng cố và bảo vệ các vùng giải phóng. Tuy nhiên, sự phát triển của các khu căn cức địa còn có những thiếu sót như: sự liên hệ giữa các khu căn cứ còn ít, sự liên hệ với phong trào cách mạng ở thành thị còn hạn chế...

          Cuộc đấu tranh củng cố và bảo vệ các vùng giải phóng diễn ra trong những điều kiện hết sức khó khăn, gian khổ. Tập đoàn Tưởng Giới Thạch liên tiếp tổ chức các cuộc "vây quét” nhằm tiêu diệt quân cách mạng. Có thể nói quá trình 10 năm nội chiến lần thứ hai ở Trung Quốc là quá trình đấu tranh giữa "vây quét” và chống "vây quét”, giữa một bên là tập đoàn Tưởng và một bên là Hồng quân công nông cùng với nhân dân khu giải phóng. Tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã dồn hết lực lượng cho chính sách "chống cộng” mà không chú ý chống lại sự xâm lược của phát xít Nhật.

          Đợt "vây quét” và chống "vây quét” lần thứ nhất kéo dài từ 27-12-1930 đến 1-1-1931. Quân Tưởng tập trung 10 vạn quân gồm 8 sư đoàn do Lỗ Địch Bình làm Tổng tư lệnh và Trương Huy Toản làm Tổng chỉ huy, tấn công vào khu căn cứ địa trung ương. Sau 5 ngày chiến đấu, Hồng quân đánh tan tham  vọng của Tưởng, diệt hơn 1 vạn tên địch, bắt sống Trương Huy Toản.

          Đợt "vây quét” và chống "vây quét” lần thứ hai kéo dài 15 ngày (từ 16-5-1931 đến 30-5-1931). Quân Tưởng huy động 20 vạn quân do Hà Ứng Khâm làm Tổng tư lệnh, mở một mặt trận "vây quét” dài 400km. Hồng quân đã đánh 5 trận, quét sạch phòng tuyến địch, tiêu diệt 2 vạn tên địch, đuổi Hà Ứng Khâm chạy về Nam Kinh.

          Đợt "vây quét”  và chống "vây quét” lần thứ ba kéo dài từ tháng 7 năm 1931 đến tháng 9 năm 1931. Tưởng đã huy động 30 vạn quân, thân chinh làm Tổng tư lệnh, chia làm 3 hướng tấn công vào căn cứ địa cách mạng với chiến thuật "chia ra mà tiến, hợp lại mà đánh”. Với phương châm tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, Hồng quân công nông đã đánh tan 17 sư đoàn địch, làm bị thương và bắt sống hơn 3 vạn tên địch, Tưởng Giới Thạch phải chạy về Nam Kinh.

Sau trận chống "vây quét" này Hồng đã phát triển nhanh chóng. Quân chính quy tăng trên 10 vạn người cùng với đội xích vệ hơn 10 vạn người , vũ khí khoảng 15 vạn súng, nhiều khu giải phóng mới được xây dựng như Quỳnh Nhai, Đông Bắc Quảng Đông...

          Ngày 18 tháng 9 năm 1931, phát xít Nhật xâm lược Đông bắc Trung Quốc. Để tập trung lực lượng cho "vậy quét" tiêu diệt Hồng quân công nông, đồng thời phụ họa cho chính sách "Muyních phương Đông" của các đế quốc, tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã chủ trương" tuyệt đối không kháng cự" quân Nhật. Do vậy, chỉ trong vòng vài tháng, toàn bộ vùng Đông bắc rộng lớn đã rơi vào tay quân Nhật. Tháng 1 năm 1932, Nhật tiếp tục tấn công Thuợng Hải, năm 1933 chiếm Nhiệt Hạ và Miền Bắc Sát Cáp Nhĩ, năm 1935 chiếm miền Đông, bắc Hà Bắc.., trong bối cảnh đó Tưởng Giới Thạch vẫn dồn sức lực cho cuộc "vây quét" lần thứ tư. Tại Nam Kinh, một "uỷ ban tiễu cộng" được thành lập. Cùng với cố vấn quân sự Đức, Anh, Mỹ, Nhật, Tưởng huy động 60 vạn quân liên tục tiến hành "vây quét" từ tháng 6 năm 1932 đến tháng 2 năm 1933. Sau 8 tháng chống " vây quét", Hồng quân công nông đã tiêu diệt 3 sư đoàn địch, bắt sống hơn 1 vạn tù binh, trong đó có 2 sư trưởng. Khu giải phóng được mở rộng thêm 10 vạn dặm vuông, quân số Hồng quân tăng lên 30 vạn người.

          Đợt " vây quét" và chống "vây quét" lần thứ năm kéo dài trong suốt 1 năm, từ tháng 10 năm 1933 đến tháng 10 năm 1934. Tưởng đã huy động 1 triệu quân, 200 phi cơ, xây dựng một vòng vây bằng đồn luỹ, từ bốn mặt đánh dồn vào khu giải phóng. Riêng khu giải phóng Trung ương, Tưởng điều 50 vạn quân để tấn công.

Cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 1934, khu giải phóng Trung ương giao cho Hạng Anh, Trần Nghị ở lại lãnh đạo một bộ phận vũ trang tiếp tục tiến hành chiến tranh du kích, còn chủ lực của Hồng quân thì đột phá vòng vây, tiến hành cuộc trường chinh 205.000 dặm ( hơn 5000 km) nổi tiếng trong lịch sử. Hồng quân rút theo đường Giang Tây, Phúc Kiến xuống Quảng Đông rồi rẽ sang Hồ Nam, xuống Quảng Tây, lên Tuân Nghĩa ( Quý Châu), xuống Vân Nam lên Tứ Xuyên... tháng 10 năm 1935, Hồng quân đã đến khu giải phóng Thiểm Bắc, kết thúc cuộc "Vạn lý trường chinh". Đến tháng 10 năm 1936, tất cả các cánh quân mới được tập kết, lực lượng Hồng quân xuất phát là 30 vạn người, đến nơi tập kết chỉ còn 3 vạn người. Trên đường hành quân, Mao Trạch Đông cùng một số đảng viên yêu cầu triệu tập hội nghị mở rộng của Trung ương Đảng vào tháng 1 năm 1935 tại Tuân Nghĩa (Quý Châu). Tại hội nghị này, Mao Trạch Đông đã vươn lên nắm quyền lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, quyết định hành quân lên phía Bắc.

Lúc bấy giờ tình hình thế giới và Trung Quốc có những diễn biến mới. Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản chủ trương đoàn kết tất cả các lực lượng có thể đoàn kết được, tập trung mọi nỗ lực vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh. Ở Trung Quốc, bọn quân phiệt Nhật Bản ngày càng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược, đặt dân tộc Trung Quốc trước thảm họa diệt vong. Vì vậy trong nội bộ Quốc Dân Đảng đã xuất hiện lực lượng có xu hướng chống Nhật, muốn hợp tác với Đảng Cộng sản để bảo vệ dân tộc.

Ngay từ đầu, khi Nhật Bản đánh chiếm vùng Đông Bắc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chủ trương đoàn kết chống Nhật. Tháng 1 năm 1933, Mao Trạch Đông và Chu Đức đã ra tuyên bố sẵn sàng đoàn kết với các lực lượng chống Nhật. Tháng 12 năm 1935, theo chủ trương của Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra sách lược xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật. Tiếp đó, tháng 5 năm 1936, Đảng Cộng sản đã gửi điện cho Quốc dân Đảng yêu cầu đình chỉ nội chiến, hiệp thương hoà bình, hợp tác chống Nhật. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch vẫn âm mưu mở rộng nội chiến. Cho đến sự kiện Tây An(1), Quốc dân Đảng mới bắt đầu chấp nhận những điều kiện đình chỉ nội chiến của Đảng Cộng sản. Ngày 15 tháng 7 năm 1937, Đảng Cộng sản ra Tuyên ngôn Quốc- Cộng hợp tác chống Nhật. Ngày 22 tháng 9, do áp lực của quần chúng nhân dân, Quốc dân Đảng mới công bố bản tuyên ngôn này. Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật chính thức ra đời.

4. Cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật của nhân dân Trung Quốc (thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai) từ năm 1937 đến 1945.

Ngày 18 tháng 9 năm 1931, Nhật Bản tấn công xâm lược miền Đông Bắc Trung Quốc và lập nên ở đây cái gọi là "Mãn Châu Quốc" do Phổ Nghi đứng đầu. Thực tế này là một mối đe dọa đối với bản thân chính quyền Tưởng Giới Thạch. Tuy nhiên, Tưởng đã phụ họa cho " Chính sách Muyních phương Đông" với hy vọng Nhật sẽ dùng nơi này làm bàn đạp để tấn công Liên Xô.  Chính sách này của Tưởng đã khuyến khích Nhật Bản mở rộng quy mô xâm lược đối với Trung Quốc.

Để thực hiện bước thứ hai trong chiến lược toàn cầu của Tanaka(1), ngày 7 tháng 7 năm 1937, quân đội Nhật tấn công vào Lư Cầu Kiều, ( ngoại ô phía Tây nam Bắc Kinh). Với sự kiện này, cuộc chiến tranh xâm lược toàn bộ Trung Quốc của Nhật Bản bắt đầu và cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật trong phạm vi toàn quốc nổ ra. Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc trải qua 2 giai đoạn chủ yếu như sau:

- Từ 7 - 7 - 1937 đến 8 - 8 - 1945.

Mười ngày sau sự kiện Lư Cầu Kiều, ngày 17 tháng 7 năm 1937, Tưởng Giới Thạch  mới tuyên bố kháng chiến chống Nhật. Tuy nhiên, do thực hiện chính sách hai mặt, vừa chống Nhật, vừa chống cộng, với âm mưu lợi dụng chiến tranh để làm suy yếu lực lượng Hồng quân và lực lượng phát xít Nhật nên chính phủ Tưởng không chịu đưa hết lực lượng ra chống Nhật, không dám phát động nhân dân tham gia kháng chiến. Đường lối tiêu cực này đã đưa đến những thất bại nặng nề trên các chiến trường của quân Tưởng. Sau vụ Lưu Cầu Kiều chưa đầy một tháng, Bắc Kinh, Thiên Tân đã rơi vào tay phát xít Nhật. Đến tháng 3 năm 1938, Nhật chiếm cả Thượng Hải, Nam Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu. Chính phủ Nam Kinh phải chạy xuống Tứ Xuyên, định đô ở Trùng Khánh và ngồi chờ thời cơ.

Trong khi quân Quốc Dân Đảng liên tiếp tháo chạy, nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã nhất tề đứng lên kháng chiến. Lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản ở vùng Tây Bắc (lúc này gọi là Bát lộ quân ( đội quân thứ tám) và ở vùng Hà Nam được gọi là Tân tứ quân ( quân đoàn thứ tư mới) đã thực hiện phương châm độc lập tự chủ tiến hành chiến tranh nhân dân, tiến vào vùng địch hậu, phát động nhân dân mở rộng chiến tranh du kích, lập các căn cứ địa chống Nhật. Hơn 30.000 Bát lộ quân đã vượt sông Hoàng Hà tiến về Hoa Bắc, 12000 Tân tứ quân tiến về phía Bắc và Nam Trường Giang, lập ra các khu căn cứ để tiến hành kháng chiến. Trong vùng địch hậu, chiến tranh du kích phát triển rộng rãi.

Cuối  tháng 9 năm 1937, Bát lộ quân đã đánh thắng trận lớn đầu tiên ở Bình Hình Quan ( Sơn Tây), tiêu diệt hơn 3000 quân tinh nhuệ của địch. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của nhân dân Trung Quốc từ ngày phát xít Nhật xâm lược. Do đó, nó có tác dụng lớn trong việc cổ vũ lòng tin cho toàn dân tộc đối với cuộc kháng chiến.

Trong suốt thời gian này, các khu giải phóng của Hồng quân đã phải đương đầu với 1 triệu 10 vạn quân Nhật và quân ngụy, chiếm 84% tổng số quân số của địch ở Trung Quốc. Từ tháng 9 năm 1937 đến tháng 3 năm 1945, các đơn vị Bát lộ quân và Tân tứ quân đã chiến đấu hơn 11 vạn 5 nghìn trận lớn nhỏ, tiêu diệt  và làm bị thương hơn 9 vạn quân Nhật và nguỵ, bắt làm tù binh hơn 28 vạn tên, gọi hàng 10 vạn tên, gây tổn thất lớn cho phát xít Nhật.

Trong cả nước, Đảng Cộng sản đã xây dựng được khu giải phóng nằm rải rác trong 19 tỉnh, ở các vùng Đông Bắc, Hoa Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam và Tây Bắc với số dân trên 100 triệu người. Tại các vùng giải phóng, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, cải cách kinh tế, chính trị, xã hội được áp dụng.

Trong khi cả dân tộc đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Nhật, tập đoàn Tưởng Giới Thạch lại chỉ tập trung lực lượng cho chính sách chống cộng. Chính Tưởng đã phát động các cao trào chống cộng trong những năm 1939 - 1940, 1940 - 1941 và 1943. Đến năm 1944, quân đội Quốc Dân Đảng lại bị quân Nhật đánh bại, vùng Hoa Nam và tỉnh Hồ Nam rơi vào tay phát xít Nhật.

Ngày 8 tháng 8 năm 1945, thông qua đại sứ Nhật Bản ở Matxcơva, chính phủ Liên Xô đã chuyển tới chính phủ Nhật Bản bản tuyên chiến(1) , giữ đúng cam kết với các nước Đồng minh ở Pôtxđam. Ngày hôm sau, 9-8-1945, Liên Xô mở cuộc tấn công vào vùng Đông Bắc Trung Quốc. Trước tình hình đó, bộ tổng tư lệnh quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã hạ lệnh cho quân đội và nhân dân tiến hành cuộc tổng phản công trong cả nước để giành thắng lợi hoàn toàn.

Trước sự tấn công vũ bão của quân đội Liên Xô, hơn 1 triệu quân Quan Đông, lực lượng tinh nhuệ nhất của quân phát xít Nhật, đã bị tiêu diệt nhanh chóng. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng buộc phải tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện. Tuy nhiên, sau ngày 14 tháng 8, trên chiến trường Trung Quốc vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng các vùng chiếm đóng của quân Nhật thêm vài tháng nữa, vì quân Nhật không chịu đầu hàng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Như vậy, với sự giúp đỡ trực tiếp của Liên Xô, cuộc kháng chiến 8 năm của nhân dân Trung Quốc đã giành thắng lợi. Những người cộng sản Trung Quốc đã anh dũng đi đầu trong cuộc kháng chiến, góp phần vào thắng lợi chung của nhân dân toàn thế giới. Thắng lợi của cuộc kháng chiến đã tạo ra những tiền đề để cách mạng Trung Quốc phát triển sang một giai đoạn mới.

 

(1) Sự kiện Tây An diễn ra từ 12-12-1936 đến 25-12-1936. Hai tướng Quốc dân đảng là Trương Học Lương và Dương Hổ Thành bắt giữ Tưởng Giới Thạch, buộc Tưởng phải ký vào bản “Đình chỉ nội chiến, nhất trí chống Nhật” rồi mới chịu thả.

(1) Chiến lược toàn cầu của Tanaka có 4 bước: Bước 1: Chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc; Bước 2: Độc chiếm Trung Quốc: Bước 3: Độc chiếm châu Á; Cuối cùng: Bá chủ toàn cầu.

(1) Lịch sử ngoại giao, NXB chính trị. M.1975. Tập 4, trang 721 (Tiếng Nga).

Views: 12313 - Like: 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top