Khi bắt đầu vào năm học thứ ba, chúng tôi được lệnh từ nơi sơ tán Yên Mĩ về trường. Bộ tư lệnh Thủ đô trao cho chúng tôi nhiệm vụ tổ chức đài quan sát ở ngay trong trường ĐHSP Hà Nội, quan sát và thông báo tất cả các hoạt động của máy bay Mĩ ở phía Tây thành phố về Bộ tư lệnh. Năm 1972 là năm chiến tranh rất ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc. Hầu hết các bạn nam lớp tôi đã nhập ngũ, vì vậy “lính đài quan sát” tất nhiên đều là nữ. Bốn đứa chúng tôi, Hương, Sớm, Thanh, Hà, đêm cũng như ngày, nắng cũng như mưa, thay nhau có mặt trên đài quan sát.
Dưới chân nhà A7, nơi bây giờ là khu Unicef, chính là nơi Đại đội tự vệ của khoa Văn trực chiến. Các thầy Thành Thế Thái Bình, Bùi Văn Ba, Nguyễn Văn Tín, Hoàng Thung, Lê Tiến Sơn, Bùi Công Minh, Lê Ngọc Trà… ngoài giờ lên lớp lại lên ụ súng 14 ly 5. Tuy chẳng mấy khi được gặp các thầy và hầu như cũng chẳng có thời gian trò chuyện nhưng tổ đài quan sát của chúng tôi rất yên tâm vì biết ngay dưới chân đài là ụ súng trực chiến của các thầy, sẵn sàng chia lửa với chúng tôi. Thầy trò khoa Văn đã tham chiến một cách “ngoạn mục”. Trong những ngày chiến tranh ác liệt đó, các thầy góp phần bắn rơi một máy bay Mĩ trên bầu trời Hà Nội, còn Đài quan sát của chúng tôi được mệnh danh là “Con mắt phía Tây Thành phố”.
Nhà thơ Bùi Công Minh
|
Từ khoa Ngữ văn, thầy Minh lên đường nhập ngũ trong những ngày Hà Nội rực lửa năm 1972. Chắc chắn nhờ những ngày trong quân ngũ đó, thầy mới có chất liệu để sáng tác bài thơ nói về nỗi nhớ của người chiến sĩ và một cô giáo trẻ giữa hai đầu đánh Mĩ: “Rất dài và rất xa, là những ngày thương nhớ…”. Hết chiến tranh, thầy từ chiến trường trở về, rời áo lính tiếp tục làm thầy giáo. Còn tôi cũng tốt nghiệp đại học và trở thành cô giáo trẻ của khoa Văn. Thầy vốn tính kín đáo, ít nói và hay xấu hổ, chỉ thỉnh thoảng mới nói đùa một cách hóm hỉnh với mọi người. Khi cùng sinh hoạt trong chi đoàn giáo viên, thầy trò đã thành đồng nghiệp và quen biết nhiều hơn, thầy mới đưa tặng tôi bài thơ này. Đọc bài thơ, tôi mới biết thầy đã có thơ tặng cho Đài quan sát từ ngày “Đài quan sát tầng năm” “Lán 14 ly 5 tầng một”. Kỉ niệm về chiến tranh thật khó có thể nguôi ngoai.
|
Bài thơ thầy đề tặng Các cô gái Đài quan sát ĐHSP Hà Nội:
Các cô gái có hẹn gì chúng tôi,
Đài quan sát hẹp và cao đến thế
Ngày mấy bận bắn tàu bay Mĩ,
Có lúc nào để hẹn hò nhau.
Các cô gái với chúng tôi có trò chuyện gì đâu.
Đài quan sát tầng năm,
Lán chúng tôi tầng một.
Máy bay Mĩ bay xa,
Trang sách nào dở dang thì đọc nốt,
Máy bay Mĩ lại gần, còn mải tính cự ly.
Như thể không quen biết gì,
Nhưng trực chiến cũng có giờ rỗi rãi,
Chúng tôi kháo nhau về đời tư từng cô gái.
Cả lán ngồi yên lặng chờ nghe.
Có thân thiết gì đâu, những cô gái chẳng quen kia,
Vẫn muốn biết, chàng trai nào đã lọt vào những đôi mắt ấy?
Hay là tụi bạn bè chúng tôi cả đấy
Giờ đang đuổi quân thù trong thung lũng Khe Sanh?
Chuyện đâu đâu bỗng hóa chuyện của mình,
Chúng tôi gán những chiến công anh hùng vào đời tư từng cô gái.
Những dáng đứng ở trên tầm cao ấy,
Hẳn có những người không hổ thẹn vì nhau!
Các bạn cùng tổ đài quan sát với tôi đến nay đã mỗi đứa một nơi. Tôi giữ bài thơ như một kỉ niệm đẹp và hiếm hoi của mình thời sinh viên chống Mĩ. Nhưng sau mấy chục năm, nhân dịp kỉ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tôi bỗng muốn chia sẻ với các thầy và các bạn kỉ niệm này, để mọi người được biết thêm về một bài thơ hay của nhà thơ, thầy giáo khoa Văn và về Tổ Đài quan sát của trường ĐHSP Hà Nội thời chống Mĩ.
Nguyễn Thị Bích Hà
Đăng bởi Phòng CTCT