Khoa Lịch sử được cơ cấu thành 3 bộ môn và 01 bộ phận Văn phòng, Thiết bị, Thư viện.
1. Giới thiệu về Bộ môn Lịch sử Việt Nam
Bộ môn Lịch sử Việt Nam hiện nay (tháng 1 - 2013) có 22 giảng viên đang tham gia công tác giảng dạy, gồm 1 GS, 5 PGS, 8 TS, 6 ThS và 2 Cử nhân).
Bộ môn Lịch sử Việt Nam - Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Hà Nội là cơ sở nghiên cứu và giảng dạy lịch sử Việt Nam ở bậc đại học được thành lập đầu tiên trong cả nước. Truyền thống và thành tựu của bộ môn trong hơn 60 năm qua (1951 – 2013) luôn gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của khoa và nhà trường, với cống hiến của nhiều thế hệ nhà giáo và học viên, sinh viên.
Năm 1951, bên cạnh Trường Sư phạm Cao cấp ở Khu học xá Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc), các lớp Dự bị đại học và Sư phạm Cao cấp cũng được thành lập tại vùng tự do Liên khu IV. Trong giai đoạn này, việc nghiên cứu và giảng dạy các chuyên ngành Văn - Sử - Địa tại các lớp Dự bị Đại học - Sư phạm Cao cấp được tổ chức trong ban Văn học ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đội ngũ cán bộ giảng dạy của ban Văn học lúc này là những trí thức lớn đương thời: Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc,…Việc giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam lúc này chủ yếu do thầy Đào Duy Anh và thầy Trần Văn Giàu phụ trách.
Tháng 10 năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, thầy và trò Trường Sư phạm Cao cấp cùng các trường lớp được thành lập trong kháng chiến trở về thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở Trường Sư phạm Cao cấp ở Thanh Hóa, Trường Sư phạm Cao cấp ở Quảng Tây cùng một số trường khác, tháng 12 năm 1954, Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Sư phạm Văn học (sau đó đổi gọi là Đại học Sư phạm Văn khoa) và Trường Đại học Sư phạm Khoa học, cơ sở của hai trường đặt tại số 19 đường Lê Thánh Tông. Tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, ban Sử - Địa được thành lập, sau đó tách thành hai ban riêng. Trong giai đoạn này, công tác nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh và chuyên sâu hơn. Những năm sau đó, một số sinh viên ưu tú tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Văn khoa như: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Phan Quang, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Trương Hữu Quýnh,… cũng được giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam.
Năm 1956, trên cơ sở hai trường đại học nói trên, Chính phủ quyết định thành lập Trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp. Một bộ phận cán bộ trong Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm được điều chuyển sang công tác tại Khoa Lịch sử - Trường Đại học Tổng hợp. Trong thời gian đầu, hai khoa vẫn chung giảng đường và cán bộ giảng dạy. Bộ môn Lịch sử Việt Nam thuộc Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm được tổ chức thành hai tổ: Lịch sử Việt Nam cổ đại và Lịch sử Việt Nam cận - hiện đại.
Năm 1958, Trường Đại học Sư phạm chuyển về cơ sở mới tại Từ Liêm – Hà Nội. Khoa Ngữ văn và Khoa Lịch sử hợp nhất thành Khoa Văn - Sử gồm 2 ban Văn - Sử (từ năm 1961 trở thành phân khoa, từ năm 1964 lại tách thành hai khoa độc lập). Từ năm học 1958 - 1959, bộ môn Lịch sử Việt Nam được tổ chức thành ba tổ: Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại, Lịch sử Việt Nam cận đại và Lịch sử Việt Nam hiện đại. Đến năm 1984, ba tổ bộ môn nói trên được sáp nhập thành bộ môn Lịch sử Việt Nam.
Trong công tác nghiên cứu khoa học, ngay từ giai đoạn đầu thành lập, đội ngũ cán bộ của bộ môn Lịch sử Việt Nam đã tham gia tích cực cùng giới sử học ở miền Bắc trong công cuộc xây dựng và phát triển một nền sử học mới. Từ những năm 60 của thế kỉ trước, những định hướng và nội dung nghiên cứu lớn của nền sử học miền Bắc đều có sự tham gia hoặc đề xuất của cán bộ trong bộ môn Lịch sử Việt Nam. Tiêu biểu như: Quá trình hình thành dân tộc Việt Nam; Kinh tế - xã hội Việt Nam qua các thời kì lịch sử; Công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; Thời đại Hùng Vương; Việt Nam thời thuộc địa; Lịch sử chiến tranh và cách mạng Việt Nam,…
Thực hiện phương châm “vừa làm vừa học”, “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”, nhiều cán bộ của bộ môn Lịch sử Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu về chuyên môn, trở thành những nhà sử học có uy tín trong giới sử học nước nhà. Tiêu biểu như GS.TS. NGND Trương Hữu Quýnh, GS. NGƯT Nguyễn Đức Nghinh, PGS. TS. NGƯT Nguyễn Phan Quang, PGS Nguyễn Văn Kiệm,…Trong những năm 70 của thế kỉ XX, nhiều định hướng nghiên cứu do cán bộ của bộ môn đề xuất tiếp tục trở thành những mảng đề tài lớn của giới sử học, được cụ thể hoá thành đề tài cấp Nhà nước, đề tài luận án Tiến sĩ1. Tiêu biểu như mảng đề tài về Chế độ sở hữu ruộng đất; Khởi nghĩa nông dân; Công cuộc khẩn hoang; Nông dân và nông thôn trong lịch sử Việt Nam,…Nhiều đề tài nghiên cứu và bài báo khoa học cũng được thực hiện và công bố qua những đợt đưa sinh viên đi thực tế chuyên môn dài ngày tại các địa phương, tiêu biểu như các đề tài về khởi nghĩa Yên Thế, khởi nghĩa Nông Văn Vân, khởi nghĩa Ba Nhàn - Tiền Bột,… Đội ngũ cán bộ của bộ môn qua các thời kì cũng đã công bố hàng trăm bài báo có giá trị khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, tham gia nhiều hội thảo khoa học trong và ngoài nước. Nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp Trường do cán bộ trong bộ môn thực hiện đã được nghiệm thu có kết quả tốt. Nhiều cán bộ của bộ môn đã trở thành những nhà sử học nổi tiếng của nước nhà, có cống hiến xuất sắc đối với nền khoa học Lịch sử Việt Nam.
Trong những năm gần đây, bộ môn Lịch sử Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu một số mảng đề tài lớn có tính chất trọng điểm như: Kinh tế xã hội Việt Nam thời kì thuộc địa; Kinh tế - văn hóa khu vực phía Nam (1954 – 1975); Kinh tế trong thời kì kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) và một số vấn đề thuộc lĩnh vực đô thị học, biển và hải đảo Việt Nam,…Đội ngũ cán bộ của bộ môn cũng đã tham gia tích cực trong các Hội nghị Quốc tế Việt Nam học; thực hiện những mảng đề tài và chương trình nghiên cứu lớn nhân Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; tham dự các hội thảo Quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a.
Trong công tác đào tạo, giảng dạy, cùng với các bộ môn trong khoa, đội ngũ cán bộ bộ môn Lịch sử Việt Nam đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn hàng nghìn sinh viên qua các thời kì, góp phần cung cấp nguồn giáo viên và cán bộ nghiên cứu cho các trường học, bậc học, các trung tâm và viện nghiên cứu trong cả nước. Ngoài việc giảng dạy bộ môn và chuyên đề cho sinh viên trong khoa, đội ngũ cán bộ của bộ môn còn tham gia giảng dạy hệ tại chức, từ xa, bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các trường phổ thông; giảng dạy môn Lịch sử Việt Nam, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Lịch sử đại cương,… cho các khoa trong và ngoài trường. Nhiều cán bộ đã tham gia thỉnh giảng nhiều năm cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước, làm chuyên gia giáo dục tại các nước bạn Lào, Cămpuchia và một số nước châu Phi. Trong những năm gần đây, bộ môn Lịch sử Việt Nam còn có nhiệm vụ giảng dạy một số môn học mới cho sinh viên trong khoa như: Lịch pháp học, Nhân học, Tiếng Anh chuyên ngành,…
Từ năm 1976, bộ môn Lịch sử Việt Nam và các bộ môn trong khoa đảm nhận thêm nhiệm vụ đào tạo học viên cao học, hướng dẫn nghiên cứu sinh. Việc kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy được đẩy mạnh hơn trước. Bộ môn cũng xây dựng nhiều chuyên đề mới cho bậc sau đại học. Số lượng học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Tính đến năm 2011, đã có trên 300 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ và 35 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ bộ môn, trong đó có nhiều học viên, nghiên cứu sinh người nước ngoài. Cán bộ bộ môn còn tham gia đào tạo sau đại học cho các trường Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Vinh, Đại học Quy Nhơn,…
Trong công tác biên soạn giáo trình, tài liệu, nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo, bộ môn đã tổ chức biên soạn hàng trăm giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo, được sử dụng phổ biến ở các trường đại học và cao đẳng trong cả nước, đặc biệt là hệ thống các trường sư phạm. Từ những năm 70, 80 của thế kỉ XX, một số bộ giáo trình và tập chuyên khảo, tư liệu tham khảo có quy mô lớn đã được sử dụng trong giảng dạy, tiêu biểu như bộ Giáo trình Lịch sử Việt Nam (8 tập) của tập thể cán bộ bộ môn; tập chuyên khảo về Chế độ ruộng đất của Trương Hữu Quýnh; Phong trào nông dân của Nguyễn Phan Quang; Tư liệu tham khảo lịch sử cận đại Việt Nam; Tư liệu lịch sử kháng chiến chống Pháp; Tư liệu lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước,…Cán bộ bộ môn Lịch sử Việt Nam còn tham gia biên dịch một số tài liệu từ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung,…phục vụ công tác đào tạo trong khoa, tiêu biểu như các tác phẩm: Lịch sử kinh tế các nước ngoài Liên Xô (Trương Hữu Quýnh, Lương Ninh dịch); Phong trào nông dân Tây Sơn dưới mắt người nước ngoài (Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Ngọc Cơ,…dịch); Những kẻ buôn nô lệ da vàng (Hồ Song, Nguyễn Văn Kiệm dịch); Dương sự thuỷ mạt (tổ Tư liệu khoa Lịch sử dịch),…
Từ cuối những năm 90 của thế kỉ XX đến nay, trước yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục, bộ môn đã tổ chức biên soạn lại các bộ giáo trình Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến ngày nay. Một số chuyên khảo về lịch sử Việt Nam cũng được xuất bản: Lịch sử nhà Nguyễn - một cách tiếp cận mới; Lịch sử Việt Nam 1858 - 1896; Phong trào dân tộc trong đấu tranh chống Pháp ở Việt Nam 1885 - 1918; Sự truyền bá đạo Thiên chúa vào Việt Nam; Phong trào nông dân Yên Thế (1884 - 1913); Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử Việt Nam; Một số chuyên đề về lịch sử Việt Nam,…Những công trình này được bổ sung thêm nhiều tư liệu, biên soạn theo quan điểm và phương pháp tiếp cận mới. Bộ môn Lịch sử Việt Nam còn là lực lượng chủ chốt trong việc biên soạn hệ thống giáo trình cho các trường cao đẳng sư phạm, sách giáo khoa, sách giáo viên và sách tham khảo bộ môn Lịch sử cho các trường phổ thông. Nhiều cán bộ cũng trực tiếp biên soạn hoặc tham gia biên soạn lịch sử cho các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, địa phương trong cả nước.
Trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, từ những thế hệ nhà giáo đầu tiên ở Trường Sư phạm Cao cấp và Trường Đại học Sư phạm Văn khoa, đội ngũ cán bộ của bộ môn Lịch sử Việt Nam không ngừng được bổ sung qua từng giai đoạn.
Trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1960, bộ môn được bổ sung thêm các thầy cô: Bạch Ngọc Anh, Nguyễn Văn Sự, Đặng Huy Vận, Trương Hữu Quýnh, Nguyễn Phan Quang, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Kiệm, Nguyễn Thái Hoàng, Ngô Thị Chính, Trần Thị Thục Nga, Hồ Song, Nguyễn Đức Nghinh.
Từ năm 1961 đến năm 1967, một lớp cán bộ mới tiếp tục được bổ sung, chủ yếu trong số này là sinh viên xuất sắc tốt nghiệp hàng năm: Phạm Văn Tụng, Lê Tông, Nguyễn Cảnh Minh, Đặng Chí Huyển, Trần Bá Đệ, Đỗ Ngọc Thêm, Lê Văn Nham, Nguyễn Xuân Minh, Nguyễn Bá Tiệu. Trong số này, thầy Trần Bá Đệ và thầy Nguyễn Cảnh Minh đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 1981.
Từ năm 1970 đến năm 1977, bộ môn Lịch sử Việt Nam có thêm 14 thầy cô: Nghiêm Đình Vỳ, Nguyễn Đình Lễ, Nguyễn Thuý Nhàn, Nguyễn Ngọc Cơ, Đào Tố Uyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Văn Tích, Đinh Công Bắc, Nguyễn Xuân Hỡi, Bùi Quý Lộ, Trần Trọng Mạch, Vũ Thị Hoà, Trần Thị Hoà, Nguyễn Văn Am. Trong số này có 4 cán bộ đi học Nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Tiến sĩ ở nước ngoài, 4 cán bộ bảo vệ luận án Tiến sĩ trong nước.
Từ năm 1996 đến năm 2013, đội ngũ cán bộ của bộ môn tiếp tục được bổ sung từ một số đơn vị bên ngoài (Phạm Quốc Sử, Nguyễn Duy Bính, Trần Thị Thái Hà) và sinh viên xuất sắc tốt nghiệp hàng năm (Phạm Thị Tuyết, Lê Hiến Chương, Lê Thị Minh Huệ, Phạm Ngọc Anh, Đào Thu Vân, Phan Ngọc Huyền, Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Đỗ Thùy Linh, Nguyễn Thu Hiền, Mai Tấn Phúc, Phạm Thị Thu Hương, Trần Xuân Trí, Hoàng Hải Hà, Nguyễn Hữu Long, Phạm Minh Huyền).
Về đội ngũ, hiện nay (tháng 1 – 2013), bộ môn Lịch sử Việt Nam có 22 giảng viên đang tham gia công tác giảng dạy, trong đó có 1 GS, 5 PGS, 8 TS, 6 ThS và 2 Cử nhân (nhiều người đang làm luận án tiến sĩ ở nước ngoài).
Tính đến năm 2011, đã có lần lượt 55 cán bộ từng công tác, giảng dạy tại bộ môn Lịch sử Việt Nam, trong đó có 04 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư, 20 Tiến sĩ. Nhiều cán bộ đã được trao tặng những phần thưởng, danh hiệu cao quý, trong đó có một nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (thầy Trương Hữu Quýnh); 8 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (các thầy cô: Ngô Thị Chính, Hồ Song, Trần Bá Đệ, Nguyễn Cảnh Minh, Nguyễn Ngọc Cơ, Đào Tố Uyên, Nguyễn Văn Am, Bùi Quý Lộ); 2 cán bộ được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (các thầy: Trần Bá Đệ, Nguyễn Cảnh Minh). Nhiều cán bộ được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”,… cùng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Theo yêu cầu của cấp trên, nhiều cán bộ của bộ môn qua các thời kì đã được điều chuyển công tác đi xây dựng khoa Lịch sử cho các trường đại học, cao đẳng sư phạm trong cả nước. Một số cán bộ chuyển công tác sang các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương hoặc trở thành cán bộ lãnh đạo của nhà trường.
Thành tựu và truyền thống của bộ môn Lịch sử Việt Nam trong 62 năm qua đã tạo ra nền tảng vững chắc và trở thành động lực cho quá trình phát triển của bộ môn trong thời kì mới.
2. Giới thiệu về Bộ môn Lịch sử Thế giới
Bộ môn Lịch sử thế giới hiện nay (tháng 1 - 2013) có 21 giảng viên đang tham gia công tác giảng dạy, gồm 2 GS, 7 PGS, 4 TS, 8 ThS.
Bộ môn Lịch sử Thế giới ra đời năm 1956, do GS. Phạm Huy Thông phụ trách, là một trong những bộ môn khoa học cơ bản được hình thành sớm nhất của Trường ĐHSP Hà Nội.
Ở thời điểm đó Bộ môn mới có năm giảng viên: GS. Phạm Huy Thông dạy Lịch sử Thế giới cận - hiện đại, thầy Chiêm Tế dạy Lịch sử Thế giới cổ - trung đại, thầy Lê Văn Sáu dạy Lịch sử Châu Á, và hai cán bộ mới được giữ lại là thầy Phạm Gia Hải và thầy Đặng Đức An vừa tốt nghiệp khoá I (1954 - 1956) Ban Sử - Địa, Trường ĐHSP Văn khoa. Năm sau, 1957, Bộ môn được bổ sung các thầy Lương Ninh, Phan Ngọc Liên, Nguyễn Xuân Kỳ, Lê Văn Trinh và cô Đặng Bích Hà. Từ năm 1959 tới năm 1961 Bộ môn có thêm các thầy Nguyễn Lam Kiều, Phạm Hữu Lư, Trần Văn Trị, Nguyễn Xuân Trúc, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Anh Thái và cô Nguyễn Ngọc Quế.
Như vậy, chỉ sau 5 năm thành lập, Bộ môn đã có 17 thầy, cô thuộc đủ các chuyên ngành. Các thầy, cô không những là thế hệ “khai sáng” Bộ môn Lịch sử Thế giới của Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội cả về tổ chức đến chương trình và nội dung đào tạo, mà còn là những người đặt nền móng cho một môn học mới ở Việt Nam – môn Lịch sử Thế giới, theo quan điểm của Chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Năm 1959, do nhu cầu nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu, Bộ môn Lịch sử Thế giới đã phát triển thành ba Bộ môn : Bộ môn Lịch sử Thế giới cổ - trung đại, do thầy Chiêm Tế làm Trưởng Bộ môn, Bộ môn Lịch sử thế giới cận đại, do thầy Phạm Gia Hải làm Trưởng Bộ môn, Bộ môn Lịch sử Thế giới hiện đại do GS. Phạm Huy Thông, lúc này đang là Hiệu trưởng nhà trường, phụ trách, và từ năm 1960 do thầy Nguyễn Lam Kiều làm Trưởng Bộ môn.
Từ năm 1963 đến năm 1968 Bộ môn có thêm các thầy Nguyễn Nhân, Ngô Văn Tuyển, Phạm Hồng Việt, Trịnh Vương Hồng, Đặng Quang Minh và cô Lại Bích Ngọc. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1979, Bộ môn được bổ sung tới 12 cán bộ từ nhiều nguồn đào tạo ở trong và ngoài nước, đó là các thầy, cô: Nguyễn Hồng Liên, Đặng Thanh Toán, Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Lương Thị Thoa, Trần Thị Hoàn, Trần Thị Vinh, Vũ Ngọc Oanh, Đinh Ngọc Bảo, Đặng Thanh Tịnh, Dương Duy Bằng, Đỗ Thanh Bình.
Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, các bộ giáo trình “Lịch sử Thế giới cổ đại”, “Lịch sử Thế giới trung đại”, “Lịch sử Thế giới cận đại”, “Lịch sử Thế giới hiện đại” đã được các thầy, cô trong Bộ môn biên soạn và xuất bản nhiều lần. Đây là những bộ giáo trình cơ bản, hệ thống đầu tiên về lịch sử thế giới được xuất bản ở Việt Nam. Các bộ giáo trình này không chỉ là nguồn tài liệu chủ yếu để đào tạo hàng nghìn cử nhân sư phạm ngành Lịch sử, hàng trăm thạc sĩ Sử học ở Trường ĐHSP Hà Nội, mà còn là tài liệu giảng dạy, học tập của các khoa Lịch sử ở hầu hết các trường ĐHSP trong cả nước. Đóng góp to lớn và quan trọng này thuộc về thế hệ các thầy, cô “khai sáng” Bộ môn.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, khi có điều kiện, Bộ môn Lịch sử Thế giới đã tích cực cử cán bộ đi đào tạo sau đại học. Từ năm 1983 đến nay đã có 13 giảng viên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Đây là lực lượng nòng cốt đào tạo sau đại học hiện nay của Bộ môn.
Năm 1984 ba Bộ môn được sáp nhập thành Bộ môn Lịch sử Thế giới do thầy Nguyễn Anh Thái làm Trưởng Bộ môn. Trong suốt những năm từ 1980 đến 1991, do không có chỉ tiêu biên chế nên Bộ môn không bổ sung được giảng viên mới nào, trừ một sự điều chỉnh trong Khoa trước khi sáp nhập ba Bộ môn: thầy Nghiêm Đình Vỳ từ Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ - trung đại được chuyển sang Bộ môn Lịch sử Thế giới cổ - trung đại.
Trong các năm từ 1992 đến 1996, Bộ môn có thêm ba giảng viên mới là các thầy, cô: Đào Tuấn Thành, Nguyễn Thị Hạnh, Nguyễn Thị Huyền Sâm. Từ năm 2001 đến nay, Bộ môn được bổ sung 10 giảng viên nữa, đó là các thầy, cô: Trần Nam Trung, Nguyễn Thị Kiều Trang, Phạm Thị Thanh Huyền, Tống Thị Quỳnh Hương, Văn Ngọc Thành (từ ĐHSP Vinh chuyển ra), Trịnh Nam Giang, Vũ Đức Liêm, Nguyễn Duy Chinh, Trần Ngọc Dũng, Ninh Xuân Thao.
Hiện nay Bộ môn có 21 giảng viên, trong đó có 2 GS, 7 PGS, 4 TS, 8 ThS (trong số 8 ThS, nhiều người đang làm luận án Tiến sĩ).
Từ ngày thành lập đến nay, Bộ môn Lịch sử Thế giới đã góp phần đào tạo cho đất nước hơn mười nghìn Cử nhân Sư phạm Lịch sử hệ chính quy, hàng nghìn Cử nhân Sư phạm hệ tại chức, từ xa. Các giảng viên của Bộ môn cũng tham gia giảng dạy ở nhiều trường ĐHSP khác như ĐHSP Vinh, ĐHSP Huế, ĐHSP Quy Nhơn, ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh…Một số thầy được cử đi làm chuyên gia ở Lào, Campuchia, Ănggôla, Mađagatxca…
Năm 1976 Trường ĐHSP Hà Nội mở hệ đào tạo sau đại học. Bộ môn Lịch sử Thế giới được giao đào tạo 2 chuyên ngành: Lịch sử Thế giới cổ - trung đại và Lịch sử Thế giới cận - hiện đại. Từ đó đến nay, Bộ môn đã đào tạo được hàng trăm Thạc sĩ và Tiến sĩ. Chỉ tính từ năm 2001 đến năm 2011, Bộ môn đã đào tạo được 221 Thạc sĩ và 15 Tiến sĩ.
Công tác nghiên cứu khoa học của Bộ môn cũng đạt được nhiều thành tựu. Nhiều vấn đề lớn của lịch sử thế giới như: Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; Phong trào giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mỹ La tinh; Quan hệ quốc tế; Chủ nghĩa tư bản hiện đại; Quá trình hình thành, phát triển của các vương quốc Đông Nam Á và các mối quan hệ trong khu vực; Tôn giáo và tín ngưỡng… đã được các cán bộ của Bộ môn tập trung nghiên cứu và có nhiều đóng góp về học thuật.
Ngoài các bộ giáo trình, các giảng viên của Bộ môn còn biên soạn hàng chục sách tham khảo, chuyên khảo; tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường; công bố hàng trăm bài báo khoa học trên các tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Nghiên cứu Đông Nam Á, Nghiên cứu Đông Bắc Á, Nghiên cứu Châu Âu, Nghiên cứu Tôn giáo, Nghiên cứu Trung Quốc… Nhiều sách chuyên khảo, tham khảo được viết trong những năm gần đây như: Lịch sử Nhật Bản; Đất nước Lào - Lịch sử và Văn hoá; Lịch sử văn hoá thế giới cổ - trung đại; Sổ tay kiến thức lịch sử thế giới; Lịch sử Đông Nam Á; Lịch sử phong trào giải phóng dân tộc thế kỉ XX - một cách tiếp cận; Tri thức Đông Nam Á; Kinh tế - xã hội Liên bang Nga thời kỳ hậu Xô viết; Chủ nghĩa tư bản thế kỉ XX và thập niên đầu thế kỉ XXI - một cách tiếp cận từ lịch sử… không những là tài liệu học tập, nghiên cứu của đông đảo sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh mà còn được phổ biến rộng rãi. Ngoài ra, nhiều giảng viên của Bộ môn còn tham gia viết giáo trình lịch sử thế giới cho hệ Cao đẳng sư phạm, sách giáo khoa lịch sử phổ thông, sách giáo viên, sách bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên lịch sử ở trường phổ thông.
Do nhu cầu công tác, nhiều cán bộ của Bộ môn đã được điều động sang các Trường đại học, Viện nghiên cứu, các cơ quan khác và đều trở thành những cán bộ nòng cốt. Thầy Phan Ngọc Liên và thầy Trần Văn Trị chuyển sang Bộ môn Lý luận và Phương pháp dạy học Lịch sử của Khoa, thầy Lương Ninh, thầy Nguyễn Nhân lên Trường ĐHSP Việt Bắc, thầy Lê Văn Trinh sang Phòng Quản lý Khoa học, thầy Nguyễn Xuân Kỳ chuyển sang Thư viện trường, cô Đặng Bích Hà sang Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. Thầy Lê Văn Sáu, thầy Nguyễn Văn Đức, cô Nguyễn Thị Thư vào Trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Nguyễn Lam Kiều vào Trường Cao Đẳng Sư phạm Đà Lạt, thầy Phạm Hồng Việt vào Trường ĐHSP Huế. Thầy Trịnh Vương Hồng đi bộ đội rồi công tác tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, cô Trần Thị Hoàn chuyển sang tổ Văn phòng – Giáo vụ Khoa, cô Nguyễn Hồng Bích sang Viện Sử học, thầy Ngô Văn Tuyển sang Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cô Nguyễn Hồng Liên sang Nhà xuất bản Giáo dục.
Bộ môn Lịch sử Thế giới cũng đóng góp cho Trường ĐHSP Hà Nội nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt : GS. Phạm Huy Thông - Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1956 đến năm 1966, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1992 đến năm 1997, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo – Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2000 đến năm 2006.
Với những thành tích trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhiều giảng viên của Bộ môn đã được Nhà nước phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Bộ môn có 6 nhà giáo được Nhà nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú là GS. Nguyễn Anh Thái, PGS. Phạm Gia Hải, PGS. Đặng Đức An, PGS. Nguyễn Xuân Trúc, GS.TS Đỗ Thanh Bình, PGS.TS Đinh Ngọc Bảo. Nhiều cán bộ của Bộ môn được tặng Huân, Huy chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Huân chương Lao động, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”… Bộ môn Lịch sử Thế giới nhiều năm liền được công nhận là “Tập thể lao động Xã hội chủ nghĩa”, “Tập thể lao động xuất sắc” và đã được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”.
Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể nói rằng, dù trong hoàn cảnh nào các thế hệ cán bộ của Bộ môn Lịch sử Thế giới cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực vào sự nghiệp giáo dục và phát triển nền Sử học nước nhà. Lòng yêu nghề, sự tận tuỵ với công việc và tinh thần đoàn kết là những nhân tố cơ bản tạo nên thành công của Bộ môn. Giữ gìn và phát huy những nhân tố này là điều kiện quan trọng nhất đảm bảo cho sự phát triển bền vững của Bộ môn trong những chặng đường tiếp theo.
3. Gới thiệu về Bộ môn Phương pháp dạy học
Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử hiện nay (tháng 1 – 2013) có 10 giảng viên đang tham gia công tác giảng dạy, gồm 1 GS, 2 PGS, 4 TS, 3 ThS.
Ngay từ khi thành lập (1951), Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã xác định chức năng và nhiệm vụ cơ bản là đào tạo giáo viên bậc trung học phổ thông, những người thầy giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ. Trong 62 năm qua (1951 – 203), Khoa Lịch sử đã thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử đó, đã trở thành thương hiệu có uy tín trong ngành giáo dục lịch sử của cả nước. Cùng với các bộ môn khác trong khoa, Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử đã góp phần xứng đáng trong việc thực hiện mục tiêu đó.
Năm 1959, Thầy Hoàng Triều - một nhà sư phạm với nhiều kinh nghiệm giảng dạy đã nghiên cứu và giảng dạy Phương pháp dạy học lịch sử cho sinh viên trong khoa. Đến năm học 1962 - 1963, bộ môn được xây dựng thành bộ môn khoa học độc lập trong khoa Lịch Sử với các nhà giáo vững về khoa học cơ bản, giàu kinh nghiệm giảng dạy lịch sử ở trường phổ thông, như các thầy Trần Văn Trị, Nguyễn Bá Khang, Nguyễn Thế Diên, Lý Trần Quý, do thầy Trần Văn Trị làm Trưởng bộ môn.
Năm 1965, bộ môn được bổ sung thầy Phan Ngọc Liên - vừa bảo vệ luận án PTS đầu tiên trong khoa ở Liên Xô mới về. Những năm học sau, đặc biệt trong những năm 70 của thế kỉ XX, bộ môn thường xuyên được bổ sung thêm lực lượng mới là các giáo viên dạy giỏi ở trường phổ thông và sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại khoa như các thầy, cô: Phạm Huy Khánh, Nguyễn Thị Nhàn, Trần Thị Kim Vân, Phan Thế Kim, Nguyễn Viết Hiển, Lại Đức Thụ, Nguyễn Thị Côi, Trịnh Đình Tùng, Kiều Thế Hưng.
Những năm tiếp theo, nhất là từ năm 1992 đến nay, để có lực lượng cán bộ giảng dạy thay thế các thầy cô nghỉ hưu, bộ môn đã bồi dưỡng nhiều cán bộ giảng dạy trẻ như các thầy cô Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Thị Thế Bình, Nguyễn Mạnh Hưởng, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Quốc Vương, Nguyễn Thị Phương Thanh, Bùi Đức Dũng. Được nhà trường và khoa tạo điều kiện, các cán bộ giảng dạy của bộ môn đã quyết tâm học tập, tự bồi dưỡng để vươn lên theo hai hướng đào tạo: trong nước và nước ngoài. Năm 1988, thầy Trịnh Đình Tùng và cô Nguyễn Thị Côi đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là Tiến sĩ) ở Liên Xô. Năm 2006, thầy Nguyễn Văn Phong, năm 2007, thầy Kiều Thế Hưng; năm 2009 và 2010 các thầy cô Nguyễn Thị Thế Bình, Nguyễn Thị Bích, Nguyễn Mạnh Hưởng đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở trong nước. Cũng năm 2010, thầy Nguyễn Quốc Vương học xong Thạc sĩ ở Nhật Bản, năm 2011 thầy Nguyễn Văn Ninh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ở Cộng hoà Pháp. Như thế, một đội ngũ cán bộ giảng dạy của bộ môn đã trưởng thành, giữ vai trò nòng cốt không chỉ trong công tác đào tạo sinh viên của khoa mà còn là trung tâm đào tạo NCS, thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học lịch sử, có vai trò to lớn trong nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng về phương pháp dạy học cho giáo viên lịch sử ở nhiều địa phương trong cả nước.
Mặc dù được thành lập muộn hơn so với các bộ môn khác trong khoa, song Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử đã sớm có những nhận thức đúng về bộ môn, với tư cách là một khoa học, độc lập, bình đẳng với các bộ môn khác trong khoa. Qua nhiều lần thay đổi tên gọi “Phương pháp giảng dạy lịch sử”, “Giáo học pháp lịch sử’ và ngày nay là “Phương pháp dạy học lịch sử”, chức năng, nhiệm vụ và nội dung của nó ngày càng được nhận thức đúng, rõ hơn và được trình bày đầy đủ trong Bộ giáo trình Phương pháp dạy học lịch sử. Đó là việc cung cấp cho những giáo viên dạy lịch sử tương lai lý luận dạy học về bộ môn, con đường hình thành kiến thức lịch sử, các hình thức tổ chức dạy học và phương pháp dạy học cụ thể. Từ quan niệm trên, bộ môn đã xác định hai lĩnh vực cần đi sâu có liên quan chặt chẽ với nhau trong việc nghiên cứu và giảng dạy. Đó là nghiên cứu về lý luận và bồi dưỡng, rèn luyện về nghiệp vụ sư phạm. Hai lĩnh vực này quan trọng như nhau, không thể coi nhẹ lĩnh vực nào.
Về giảng dạy, ngay từ khi thành lập, bộ môn đã xây dựng chương trình biên soạn tài liệu giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo. Quyển “Phương pháp dạy học lịch sử” xuất bản năm 1992, do tập thể cán bộ giảng dạy biên soạn, GS Phan Ngọc Liên và PGS Trần Văn Trị chủ biên, đã kế thừa và nâng cao các giáo trình xuất bản trước đó (năm 1961, 1965, 1966 và 1976 - 1980). Bộ giáo trình Phương pháp dạy học lịch sử (2 tập), xuất bản năm 2002 và tái bản có sửa chữa bổ sung năm 2009, cùng với cuốn giáo trình Rèn luyện kĩ năng nghiệp vụ sư phạm môn lịch sử, xuất bản năm 1995, viết lại năm 2009, do bộ môn chủ trì biên soạn là tài liệu chính thức dùng để giảng dạy ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước.
Ngoài bộ giáo trình về Phương pháp dạy học lịch sử, Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm môn lịch sử, bộ môn còn đảm nhiệm giảng dạy nhiều môn học bổ trợ cho khoa Lịch sử như “Nhập môn sử học”, “Phương pháp luận sử học”, “Lịch sử sử học” (Việt Nam và thế giới). Đến nay, các môn học này đều đã được biên soạn và xuất bản làm giáo trình, sách giáo khoa, được sử dụng rộng rãi ở các trường đại học và cao đẳng sư phạm. Một đóng góp đáng kể của bộ môn là đã tham gia giảng dạy Phương pháp dạy học lịch sử, Phương pháp luận sử học, Lịch sử sử học, Nhập môn sử học cho nhiều trường cao đẳng và đại học sư phạm trong nước và Trưòng Đại học Sư phạm Viêng Chăn và Phnôm Pênh. Bộ môn cũng đảm nhận việc biên soạn chương trình bộ môn ở cao đẳng, đại học sư phạm, biên soạn chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục từ xa cho Bộ Giáo dục – Đào tạo, các tài liệu hướng dẫn giáo viên thực hiện chương trình cải cách giáo dục bộ môn Lịch sử.
Về công tác đào tạo, nhiều năm qua, bộ môn đã đào tạo sau đại học, nay là thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học lịch sử. Hàng trăm thạc sĩ chuyên ngành do bộ môn đào tạo đã phát huy tác dụng trong thực tiễn ở các trường đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục lịch sử ở trường phổ thông. Từ năm 1990, Bộ môn bắt đầu nhận đào tạo nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học lịch sử. Đến năm 2013, đã có 25 NCS bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ. Đây là một cố gắng rất lớn của bộ môn, với lực lượng cán bộ hướng dẫn hiện không nhiều gồm 01 giáo sư, 02 phó giáo sư, 04 tiến sĩ. Hiện nay, mỗi năm bộ môn Lí luận và Phương pháp dạy học lịch sử của khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tuyển từ 5 đến 7 nghiên cứu sinh/1 năm.
Công tác nghiên cứu khoa học (về Phương pháp dạy học lịch sử) là một trọng tâm của bộ môn- một trung tâm khoa học và đào tạo lớn trong nước, có nhiều quan hệ với các tổ chức và những nhà khoa học về Phương pháp dạy học lịch sử ở nước ngoài. Bộ môn đã chủ trì và tham gia hàng chục đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường. Trong đó chủ trì một đề tài cấp Nhà nước, chủ trì 01 đề tài cấp Đặc biệt Đại học quốc gia Hà Nội, 01 đề tài trọng điểm cấp Bộ, 06 đề tài cấp Bộ đã nghiệm thu đạt kết quả tốt. Các cán bộ của Bộ môn còn tham gia nhiều đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về cải cách giáo dục, xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa v.v.. Đã nhiều lần chủ trì các Hội nghị khoa học toàn quốc về Phương pháp dạy học lịch sử; Đổi mới nội dung và phương pháp dạy học lịch sử… Hiện nay, cán bộ của bộ môn đang chủ trì và thực hiện đề tài cấp Bộ: “Rèn luyện kĩ năng tự học cho học sinh trong dạy học lịch sử” và tham gia nhiều đề tài khác.
Đến nay, bộ môn đã xuất bản gần 200 đầu sách về phương pháp dạy học lịch sử và các tài liệu liên quan. Ngoài các tài liệu, sách giáo khoa về phương pháp dạy học lịch sử, cán bộ giảng dạy của bộ môn, cộng tác với nhiều nhà khoa học trong nước, biên soạn nhiều chuyên khảo có giá trị, như “Hồ Chí Minh với công tác sử học”. Bảo tàng lịch sử, cách mạng trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông; Các con đường, biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học Lịch sử; Hệ thống các phương pháp dạy học lịch sử; Sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa. Hệ thống thao tác lịch sử; Dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng môn lịch sử từ lớp 6 đến lớp 12; Hướng dẫn sử dụng kênh hình trong sách giáo khoa lịch sử trung học cơ sở và trung học phổ thông; Đổi mới việc dạy học lịch sử lấy học sinh là trung tâm,... Trên các tạp chí khoa học trong nước như: “Nghiên cứu giáo dục” (nay là Tạp chí Giáo dục), “Nghiên cứu lịch sử”, “Tạp chí Thiết bị giáo dục”, “Thông tin khoa học xã hội”, “Lịch sử quân sự”, Tạp chí Giáo dục và Xã hội, Tạp chí khoa học của trường Đại học sư phạm Hà Nội… thường xuyên có bài viết của cán bộ bộ môn về các vấn đề giáo dục lịch sử.
Giáo dục lịch sử là vấn đề được nhiều nước quan tâm nghiên cứu. Nhiều hội nghị về giáo dục lịch sử được tổ chức ở các nước và cán bộ bộ môn đã tham gia, báo cáo tại nhiều hội thảo ở Liên Xô (trước đây), Tiệp Khắc, Bungari, Hunggari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Nhật Bản, Trung Quốc,... Một số bài viết của cán bộ trong bộ môn được công bố trên tạp chí khoa học và sách ở Liên Xô (trước đây), Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Nhật Bản. Quan hệ, hợp tác khoa học giữa bộ môn với các tổ chức và các nhà khoa học được phát triển trong thời kì hiện nay, hứa hẹn nhiều kết quả tốt đẹp.
Bộ môn PPDHLS cũng đóng vai trò to lớn trong việc thành lập và phát triển của Hội Giáo dục lịch sử thuộc Hội khoa học lịch sử Việt Nam do cố GS Phan Ngọc Liên được bầu làm Chủ tịch và PGS.TS Trịnh Đình Tùng là Tổng thư kí của Hội.
Với những thành tích đạt được trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, Bộ môn luôn luôn đạt danh hiệu Lao động tiên tiến xuất sắc. Năm 1995, Bộ môn đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2001, bộ môn được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trong bộ môn, GS Phan Ngọc Liên đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, như: Chiến sĩ thi đua toàn quốc (2002), Nhà giáo nhân dân. Các GS và PGS Trần Văn Trị, Nguyễn Thị Côi, Trịnh Đình Tùng, Kiều Thế Hưng cũng vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Nhiều cá nhân được nhận huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; Vì sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, cấp Trường,...
Hiện nay, trong nghiên cứu khoa học (Phương pháp dạy học lịch sử), bộ môn đã và đang tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng như “Vị trí bộ môn lịch sử ở trường phổ thông hiện nay”, “Hệ thống phương pháp dạy học lịch sử”, “Các hình thức tổ chức dạy học lịch sử”, “Việc giáo dục đạo đức, phẩm chất, quan điểm chính trị, tư tưởng qua môn lịch sử”, “Chương trình, sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông”, “ Đổi mới kiểm tra đánh giá”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học lịch sử”,… Đó là những vấn đề cơ bản mà Bộ môn cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu với tinh thần đổi mới để phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ hiện nay.
Để cho việc nghiên cứu khoa học, đào tạo được tốt hơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Khoa Lịch sử đã tạo điều kiện thuận lợi cho bộ môn bổ sung cán bộ trẻ, có phòng Nghiệp vụ sư phạm riêng, có Câu lạc bộ sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm hoạt động dưới sự tư vấn của các giảng viên bộ môn. Phòng Nghiệp vụ sư phạm bộ môn được trang bị các phương tiện kĩ thuật, sách, báo, tạp chí chuyên ngành trong và ngoài nước, các đồ dùng trực quan, đẩy mạnh việc hợp tác khoa học với các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt với các trường sư phạm, trung học phổ thông.
Năm 2013, Bộ môn Phương pháp dạy học lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 10 đang tham gia công tác giảng dạy, gồm 1 GS, 2 PGS, 4 TS và 3 ThS (trong đó có 2 cán bộ đang làm nghiên cứu sinh).
Một quan niệm đúng về môn Phương pháp dạy học lịch sử được xác định – dĩ nhiên còn phải tiếp tục củng cố và phát triển, cơ sở ban đầu trong việc xây dựng bộ môn đã có. Vì vậy, những điều kiện cho sự phát triển hơn nữa của bộ môn đã tương đối đầy đủ, chỉ còn sự nỗ lực bản thân của cán bộ. Với sự trưởng thành của Khoa, sự lãnh đạo của Trường, sự hỗ trợ của Hội Giáo dục Lịch sử (thuộc Hội khoa học lịch sử Việt Nam), bộ môn sẽ vươn lên mạnh mẽ.
4. Bộ phận Văn phòng - Thiết bị - Thư viện (4 cán bộ: 02 ThS, 2 CN)
Bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện của khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện có 4 cán bộ đang tham gia công tác phục vụ đào tạo, gồm 2 ThS và 2 cử nhân.
Ra đời từ những năm đầu thành lập khoa, Bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện được giao nhiệm vụ giúp Ban chủ nhiệm khoa trong công tác giáo vụ, quản lý sinh viên, quản lý thiết bị và phòng Tư liệu. Từ khi thành lập đến nay, gắn liền với công tác đào tạo của khoa và nhà trường qua các thời kì, tổ chức và quy mô của bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện cũng đã trải qua nhiều lần thay đổi.
Trong giai đoạn 1956 - 1965, nhiệm vụ chủ yếu của cán bộ Văn phòng khoa là quản lý sinh viên, lập kế hoạch đào tạo dưới sự điều hành của Phòng Giáo vụ trường và Ban Chủ nhiệm khoa. Từ cuối những năm năm 60 của thế kỉ XX, do quy mô đào tạo của khoa và trường được mở rộng, đội ngũ cán bộ Văn phòng – Thư viện được bổ sung, hình thành ba bộ phận cán bộ chuyên trách: công tác giáo vụ, công tác quản lý sinh viên và phụ trách Thư viện.
Công tác giáo vụ có nhiệm vụ: lập kế hoạch và giám sát việc thực hiện kế hoạch đào tạo theo kì học, năm học, tổ chức thi, chấm thi, vào điểm, công bố điểm và kết quả học tập cho sinh viên, lưu trữ kết quả học tập của sinh viên theo quy định.
Công tác quản lí sinh viên có nhiệm vụ: Quản lí hồ sơ sinh viên trong suốt quá trình học tập tại khoa, bổ sung thường xuyên khi có sự thay đổi, quản lý nhân sự sinh viên về các mặt tư tưởng, chính trị, đạo đức, quan hệ xã hội, giải quyết các những vấn đề về chế độ chính sách và các quyền lợi của sinh viên.
Thư viện khoa được hình thành từ tổ Tư liệu, có nhiệm vụ lưu trữ các loại giáo trình, tài liệu, phục vụ công tác học tập, nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ, sinh viên trong khoa.
Từ năm 1965 đến 1999, công tác tại bộ phận Văn phòng - Thư viện là các thầy cô: Đàm Thị Đoài (từ năm 1965, phụ trách công tác giáo vụ), Nguyễn Thị Ly Dung (từ năm 1968, phụ trách Thư viện), Lê Thị Tường Vân (từ năm 1968, phụ trách công tác quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Minh Hiện (từ năm 1970, phụ trách công tác quản lý sinh viên), Trần Thị Hoàn (từ năm 1973, phụ trách công tác giáo vụ), Nguyễn Trí Tuệ (từ năm 1976, phụ trách công tác giáo vụ), Nguyễn Luận (từ năm 1997, phụ trách Thư viện).
Từ năm 2000 đến năm 2013, công tác tại bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện là các thầy cô: Nguyễn Văn Bằng (từ năm 2000, phụ trách công tác Giáo vụ), Nguyễn Đào Lợi (từ năm 1999, phụ trách Thiết bị), Phạm Việt Hằng (từ năm 2003, phụ trách công tác Quản lý sinh viên), Nguyễn Thị Lan Hương (từ năm 2007, phụ trách Thư viện), Trần Thị Yến (từ năm 2011, phụ trách công tác Quản lý sinh viên).
Năm 2013, bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện có 4 cán bộ, trong đó có 2 Thạc sĩ (một người đang làm luận án tiến sĩ) và 2 Cử nhân.
Cùng với quá trình phát triển của khoa và nhà trường cũng như yêu cầu mới về công tác quản lý, đào tạo, trong những năm gần đây, tổ chức và hoạt động của bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện cũng từng bước được đổi mới. Mặc dù quy mô đào tạo của khoa tăng nhanh, các hệ đào tạo được mở rộng, hình thức đào tạo có nhiều thay đổi, nhưng bộ phận giáo vụ và quản lý sinh viên vẫn hoàn thành tốt một khối lượng lớn công việc hàng năm.
Thư viện khoa Lịch sử ngày càng được đầu tư mở rộng về cơ sở vật chất và số lượng đầu sách, báo, tạp chí. Phòng đọc của sinh viên đã được trang bị hệ thống máy tính kết nối Internet tích hợp phần mềm quản lý dữ liệu. Nghiệp vụ quản lý thư viện của cán bộ phụ trách cũng được nâng cao. Cho đến nay, phòng Tư liệu khoa đã có trên 1.000 đầu sách và một số lượng lớn giáo trình, tài liệu do các thầy cô trong khoa biên soạn. Ngoài ra thư viện còn có nhiều tạp chí chuyên ngành, khóa luận, luận văn, luận án của sinh viên, học viên Cao học và Nghiên cứu sinh các khóa,.…
Do nhu cầu quản lý, khai thác sử dụng hệ thống thiết bị điện tử và công nghệ thông tin phục vụ đào tạo, từ năm 1999, khoa Lịch sử rất coi trọng công tác thiết bị. Trong những năm vừa qua, công tác thiết bị đã hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho mọi hoạt động của khoa.
Qua hơn nửa thế kỉ hoạt động, bộ phận Văn phòng – Thiết bị - Thư viện khoa Lịch sử đã có đóng góp liên tục vào quá trình phát triển của khoa cũng như công tác đào tạo của nhà trường. Trong giai đoạn hiện nay, công tác Văn phòng – Thiết bị - Thư viện đang tiếp tục được đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả.