LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - Các nước XHCN Đông Âu
A A+
LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - Các nước XHCN Đông Âu

I. Từ 1945 - NHỮNG NĂM 1970s

 

1. Sự thành lập các nước dân chủ nhân dân Đông Âu

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Âu đều là những nước tư bản chủ nghĩa nhưng lạc hậu hơn so với các nước Tây Âu và ít nhiều đều lệ thuộc vào các nước tư bản lớn là Anh, Pháp và Đức.

Khi chiến tranh nổ ra, các nước Đông Âu đã bị phát xít Đức, Italia xâm lược, chiếm đóng hoặc trở thành chư hầu của chúng. “Trật tự mới” của chủ nghĩa phát xít thực chất chỉ là những nhà tù, trại tập trung và các lò thiêu người, là nơi cung cấp sức người, sức của cho cuộc chiến tranh xâm lược dã man. Nhiệm vụ cách mạng của các nước Đông Âu lúc này là giải phóng dân tộc khỏi ách chiếm đóng của chủ nghĩa phát xít, lật đổ chính quyền tay sai phản động.

Trong thời gian chiến tranh, giai cấp tư sản và các đảng phái chính trị của chúng, đại bộ phận đã thoả hiệp, đầu hàng và làm tay sai cho bọn phát xít chống lại nhân dân. Một bộ phận nhỏ vì có mâu thuẫn về quyền lợi đã chống lại bọn chiếm đóng bằng cách chạy lưu vong ra nước ngoài để tập hợp lực lượng, dựa vào Anh, Mĩ. Chỉ có các Đảng Cộng sản là kiên định dũng cảm đứng ra lãnh đạo cuộc kháng chiến chống phát xít.

Ở hầu hết các nước Đông Âu, do sáng kiến của những người cộng sản, Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít với những tên gọi khác nhau đã được thành lập như Hội đồng dân tộc Ba Lan (1944), Mặt trận Tổ quốc ở Bungari (1942), Mặt trận Hunggari (1944), Uỷ ban dân tộc Tiệp Khắc (1941), Mặt trận dân tộc giải phóng Anbani (1942) v.v…. Sự ra đời của các Mặt trận chứng tỏ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước Đông Âu mang tính nhân dân sâu sắc và rộng rãi.

Khoảng những năm 1944 - 1945, khi Hồng quân Liên Xô truy kích bọn phát xít qua vùng Đông Âu, nhân dân và lực lượng vũ trang các nước này đã kịp thời nổi dậy phối hợp với Hồng quân tiêu diệt bọn phát xít, giành chính quyền và thành lập các nước dân chủ nhân dân.

Tại Rumani, ngày 23-8-1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Rumani, cuộc khởi nghĩa vũ trang toàn dân đã nổ ra ở Bucarét và trong cả nước, lật đổ chính quyền phản động Antônexcu, tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Rumani.

Ngày 9-9-1944, được sự phối hợp với Hồng quân Liên Xô, Đảng Cộng sản Bungari đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang lật đổ chế độ phát xít tại Xôphia và các thành phố khác, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Bungari (1946).

Ở Anbani, phối hợp với Hồng quân Liên Xô, quân giải phóng Anbani đã giải phóng thủ đô Tirana, ngày 29-11-1944, toàn bộ đất nước Anbani đã được giải phóng. Nước Cộng hoà nhân dân Anbani được thành lập ngày 11-12-1945.

Ngày 4-4-1945, quân đội Liên Xô cùng với lực lượng vũ trang Hunggari đã giải phóng hoàn toàn lãnh thổ Hunggari khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức, lật đổ chính quyền phản động Xalátxi, thành lập nước Cộng hoà nhân dân Hunggari.

Tháng 7-1944, quân đội Liên xô cùng với quân đội Ba Lan đã tiến vào giải phóng Ba Lan. Ngày 22-7-1944, Uỷ ban giải phóng dân tộc đã tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Ba Lan.

Tại Tiệp Khắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, ngày 9 tháng 5 năm 1945, cuộc khởi nghĩa đã diễn ra ở thủ đô Praha và giành thắng lợi, nước Cộng hoà Tiệp Khắc ra đời.

Tình hình thành lập nước Cộng hoà dân chủ Đức có khác các nước. Sau khi nước Đức đầu hàng, căn cứ vào quyết nghị của hội nghị Pốtxđam (Đức) tháng 7-1945, quân đội 4 nước Liên Xô, Mĩ, Anh, Pháp chiếm đóng nước Đức với mục đích là triệt để tiêu diệt chế độ phát xít và làm cho nước Đức trở thành một nước dân chủ, thống nhất. Ở Đông Đức, Liên Xô đã thi hành nghiêm chỉnh nghị quyết Pốtxđam, còn ở vùng Anh, Pháp, Mĩ chiếm đóng các cải cách dân chủ đã không được thực hiện triệt để. Tháng 9 năm 1949, các nước đế quốc đã giúp đỡ lực lượng phản động đứng đầu là Ađơnaoơ hợp nhất 3 vùng chiếm đóng của Mĩ, Anh, Pháp, thành lập Cộng hoà liên bang Đức.

Trước tình hình đó, ở Đông Đức, các lực lượng cách mạng với sự giúp đỡ của Liên Xô đã tuyên bố thành lập Cộng hoà dân chủ Đức (7-10-1949).

Như vậy sự xuất hiện các nước dân chủ nhân dân Đông Âu là kết quả khách quan của những điều kiện quốc tế và trong nước trong thời kì Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong những năm 1945-1949, nhân dân các nước Đông Âu đã đấu tranh để hoàn thành triệt để cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, chuẩn bị cơ sở bước vào giai đoạn cách mạng XHCN. Nội dung chủ yếu của giai đoạn này là:

- Đấu tranh chính trị, hoà bình để củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, củng cố sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, với đội tiên phong là các Đảng Cộng sản, loại trừ những phần tử tư sản địa chủ phản động trong chính phủ liên hiệp.

          Ở các nước Đông Âu, sau khi giải phóng, các chính phủ được thành lập đều là chính phủ liên hiệp, bao gồm đại biểu của các giai cấp, đảng phái chính trị trong Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít. Giai cấp tư sản và các chính đảng của chúng có một lực lượng và địa vị khá quan trọng trong các Chính phủ liên hiệp này cho nên chúng luôn luôn phá hoại, ngăn cản việc thực hiện những cải cách dân chủ nhằm đưa các nước Đông Âu quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa.

- Cũng trong thời gian này, các nước Đông Âu đã tiến hành nhiều cuộc cải cách dân chủ như cải cách ruộng đất, quốc hữu hoá các xí nghiệp lớn của tư bản trong và ngoài nước, thực hiện rộng rãi các quyền tự do dân chủ, ban hành các đạo luật về chế độ làm việc, lương bổng, nghỉ ngơi, v.v…

Đến năm 1949, các nước Đông Âu đã căn bản hoàn thành các nhiệm vụ cách mạng dân chủ nhân dân và bước vào giai đoạn cách mạng XHCN. Cùng với thắng lợi của cách mạng Trung Quốc 01-10-1949, chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống thế giới.

2. Công cuộc xây dựng CNXH ở Đông Âu từ 1950 đến giữa những năm 70

Trải qua các kế hoạch 5 năm từ 1950-1975, các nước Đông Âu đã đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi bộ mặt các nước Đông Âu. Tới giữa những năm 50, công cuộc cải tạo XHCN đã chiếm ưu thế trong nền kinh tế, trước hết là trong công nghiệp (Anbani, Bungari, Hunggari - 97,8%, Cộng hoà dân chủ Đức - 89,1%, Ba Lan - 99,1%, Rumani - 97,5%, Tiệp Khắc - 100%).

Từ cuối những năm 50 trở đi, các nước Đông Âu chuyển sang xây dựng cơ sở vật chất - kĩ thuật của CNXH. Trải qua hơn hai thập kỉ, với sự giúp đỡ của Liên Xô, các nước Đông Âu đã giành được những thành tựu to lớn. Anbanni là nước nghèo và chậm phát triển nhất trước cách mạng đã thực hiện thành công điện khí hoá trong toàn quốc.

Ba Lan những năm đầu 70 so với trước chiến tranh (năm 1938) sản xuất công nghiệp tăng 20 lần, sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi, gần một nửa dân số sống trong những khu nhà mới.

Bungari có tổng sản phẩm công nông nghiệp năm 1975 tăng 55 lần so với năm 1939. Nông thôn đã hoàn toàn điện khí hoá.

Cộng hoà dân chủ Đức sau 30 năm xây dựng CNXH đã đạt mức sản xuất công nghiệp của cả nước Đức năm 1939.

Hunggari vốn được coi là “đất nước của một triệu người khất thực” trước kia đã trở thành một nước công nông nghiêp, có văn hoá, khoa học kĩ thuật tiên tiến.

Tiệp Khắc được xếp là nước có nền công nghiệp phát triển cao của thế giới.

Rumani từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nông nghiêp, trong đó sản xuất công nghiệp chiếm 70% thu nhập quốc dân.

Trên cơ sở kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cũng được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, công cuộc xây dựng CNXH ở Đông Âu cũng phạm phải những thiếu sót và sai lầm như rập khuôn một cách cứng nhắc, giáo điều mô hình xây dựng CNXH ở Liên Xô, coi nhẹ điều kiện, hoàn cảnh và truyền thống, đặc điểm dân tộc mỗi nước, duy trì quá lâu mô hình tập trung quan liêu bao cấp, kế hoạch hoá cao độ, khép kín với bên ngoài. Những hạn chế này đã làm cho tình hình kinh tế, chính trị ở các nước Đông Âu không ổn định.

II. TỪ NHỮNG NĂM 1970s ĐẾN 1991

Cùng chung một mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội như Liên Xô, khi cuộc khủng hoảng năng lượng 1973 nổ ra, các nước Đông Âu đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nhịp độ tăng kinh tế bắt đầu suy giảm từ nửa sau những năm 70. Bước sang những năm 80, các nước Đông Âu đều đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên sự tiến bộ về khoa học, kĩ thuật, chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn. Trong 2 năm đầu thập niên 80, nhịp độ sản xuất giảm sút ở nhiều nước. Từ năm 1983, nền kinh tế có chiều hướng khá lên nhưng sau đó lại xấu đi. Năm 1989, nền kinh tế Đông Âu chìm sâu trong khủng hoảng. Thu nhập quốc dân tăng 0,5%. Ở một số nước như Ba Lan, Hunggari thì giảm sút nặng nề.

Nhân dân các nước giảm sút lòng tin, nổi bất bình tăng lên. Ngay từ cuối những năm 70, ở nhiều nước đã xảy ra các cuộc bãi công, biểu tình của nhân dân (Rumani, Ba Lan).

Mặc dù chính phủ các nước Đông Âu đã có những cố gắng để điều chỉnh sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng do những sai lầm chống chất lâu ngày, cộng với những khó khăn bế tắc của công cuộc cải tổ ở Liên Xô dội vào và hoạt động phá hoại các thế lực phản động trong nước, cuộc khủng hoảng trong các nước XHCN Đông Âu ngày càng gay gắt. Trước tình hình đó, Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước các nước Đông Âu đều lần lượt thực hiện đa nguyên, đa đảng, từ bỏ quyền lãnh đạo của Đảng và tiến hành bầu cử trước thời hạn trong điều kiện bất lợi. Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội đã thắng lợi và lên nắm chính quyền. Trong những năm 1989-1990, chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu lần lượt sụp đổ. Tất cả các nước đều quay trở lại con đường tư bản chủ nghĩa. Hầu hết các Đảng của giai cấp công nhân đều đổi tên Đảng và chia thành nhiều phe phái, nhiều tổ chức với tên gọi khác nhau. Tên nước, quốc kì, quốc huy, quốc ca và ngày Quốc khánh đều được thay đổi lại. Đây là một bước thụt lùi và thất bại nặng nề của chủ nghĩa xã hội.

Như vậy các nước XHCN Đông Âu lần lượt sụp đổ. Sự tồn tại của Hội đồng tương trợ kinh tế và Tổ chức Hiệp ước Vácxava không thích hợp nữa đã buộc phải giải tán (1991)

Documents:

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
    Top