LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - Liên Xô xây dựng CNXH (1)
A A+
LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - Liên Xô xây dựng CNXH (1)

CÔNG CUỘC XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở LIÊN XÔ TỪ 1921-1941

1. Hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục kinh tế (1921-1925)

Sau 7 năm chiến tranh đế quốc và nội phản, nhân dân Nga bước vào thời kỳ xây dựng kinh tế với những thuận lợi và khó khăn, cả bên trong và bên ngoài.

Ở trong nước Nga, chính quyền Xô viết được thiết lập ở khắp nơi trong nước. Những biện pháp của chính quyền Xô viết bước đầu đã gây được sự tin cậy trong dân chúng. Đó là thuận lợi căn bản bảo đảm cho đất nước bước vào thời kỳ mới. Tuy nhiên khó khăn vô cùng lớn. Những thiệt hại vật chất trong chiến tranh và nội chiến đã làm cho đất nước thiệt hại hàng chục tỉ rúp. Một số lớn cầu đường, xí nghiệp bị tàn phá. Ruộng đất bị bỏ hoang hoá đến gần 20 triệu ha. Sản lượng công nghiệp, nông nghiệp bị giảm sút nghiêm trọng. Đời sống các tầng lớp nhân dân ngày một khó khăn. Điện không đủ, thành phố tối tăm, những hàng hoá thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như bánh mỳ, thịt, muối, vải, dầu hoả thắp sáng không đủ cung cấp...

Từ những khó khăn kinh tế lại dẫn đến những khó khăn về chính trị, xã hội. Sau chiến tranh, chính sách Cộng sản thời chiến không còn phù hợp nữa, kìm hãm sản xuất. Nông dân bất mãn với chế độ trung thu lương thực thừa không còn hào hứng sản xuất. Công nhân thất nghiệp, số lượng bị giảm sút một nửa so với trước chiến tranh. Bọn phản động lợi dụng tình hình khó khăn, kích động quần chúng bất mãn, chống đối chính quyền.

Nghiêm trọng nhất là cuộc nổi loạn ở Crôngxtat, một nơi có truyền thống cách mạng. Ngày 28 tháng 2 năm 1921, bọn nổi loạn đã xúi dục các thuỷ thủ nổi dậy chiếm pháo đài, giết hại các đảng viên Bônsêvích, giải tán các Xô viết địa phương. Các cuộc nổi loạn cũng đã diễn ra ở Xibêri, Ucraina, vùng Đông Nam Matxcơva, Riadan...

Nước Nga lâm vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị nghiêm trọng. Từ ngày 8 đến 16 tháng 3 năm 1921, Đảng Cộng sản (b) Nga họp Đại hội lần thứ X quyết định chuyển từ chính sách “Cộng sản thời chiến” sang chính sách kinh tế do Lênin khởi thảo. Các nội dung chủ yếu bao gồm: Bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa và thay thế bằng thuế lương thực cố định (thuế được quy định trước vụ gieo hạt), tự do bán sản phẩm thừa để mua hàng hoá, mở rộng thông thương buôn bán trong nước, mở lại các chợ, xí nghiệp dưới 20 công nhân được trả cho cho các chủ cũ, tư nhân được phép thuê xí nghiệp, cho tư bản nước ngoài thuê xí nghiệp, hầm mỏ, mở mang xí nghiệp theo hình thức "tô nhượng". Nhà nước nắm các mạch máu kinh tế và quyền chỉ huy chung toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Thực chất của chính sách kinh tế mới là sự chuyển từ một nền kinh tế bao cấp, độc quyền của nhà nước sang một nền kinh tế hàng hoá có sự điều tiết của nhà nước, công nhận sự cùng tồn tại và phát triển trong một thời gian dài các thành phần kinh tế khác nhau, sử dụng vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm tư bản trong và ngoài nước nhằm tạo ra xung lực kích thích sự phát triển sản xuất, giải quyết nhanh chóng các vấn đề nan giải trước mặt là lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng cho xã hội.

Nhờ có đường lối đúng đắn, công cuộc khôi phục kinh tế đã thu được những kết quả nhanh chóng. Qua một năm thực hiện chính sách kinh tế mới, mức sản xuất đã tăng lên rõ rệt. Năm 1922 được mùa lớn, thành thị có đủ thực phẩm, ngành đại công nghiệp bắt đầu phục hồi, công nhân lành nghề trở lại các nhà máy.

Tới năm 1925 so với năm 1913, nông nghiệp cung cấp được 87% sản phẩm cho nhân dân, diện tích trồng trọt đạt 99.3%, ngành đại công nghiệp đạt 75% tỉ lệ sản phẩm của công nghiệp quốc doanh và hợp tác xã đạt 81% tổng sản lượng, công nghiệp tư nhân chiếm 19%. Tổng sản lượng các ngành sản xuất hàng hoá tiêu dùng đạt 2/3.

Trong thời gian này việc thực hiện kế hoạch điện khí hoá nước Nga Goelro đã thu được những thắng lợi quan trọng.

Ngày 30 tháng 12 năm 1922 trên cơ sở tự nguyện của các dân tộc. Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết ra đời (gọi tắt là Liên xô), gồm bốn nước cộng hoà : Nga, Ucraina, Biêlôrútxia và Ngoại Cápcadơ.

Sau khi liên bang thành lập và kết quả những thành tựu bước đầu về kinh tế - xã hội, năm 1924 Hiến pháp mới được ban hành.

Trong khi công cuộc khôi phục kinh tế đang tiến triển mạnh mẽ thì Lênin qua đời ngày 21-1-1924.

2. Bước đầu công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa (1926-1929)

Năm 1925, mặc dù kinh tế khôi phục xấp xỉ mức chiến tranh nhưng căn bản Liên xô vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu so với các nước tư bản phương Tây. Nông nghiệp chiếm 2/3 tổng sản phẩm quốc dân và dựa trên kỹ thuật lạc hậu.

Đại hội Đảng Cộng sản (b) Liên Xô lần XIV họp tháng 12 năm 1925 đã đề ra nhiệm vụ công nghiệp hoá XHCN nhằm biến Liên Xô từ một nước công nghiệp thành một nước công nghiệp có thể tự lực sản xuất lấy máy móc và trang thiết bị cần thiết cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Việc công nghiệp hoá trong điều kiện của Liên Xô đòi hỏi phải tiến hành với tốc độ nhanh và theo đường lối ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, theo phương châm tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Đại hội lần thức XIV đi vào lịch sử là "Đại hội công nghiệp hoá đất nước".

Công cuộc công nghiệp hoá XHCN ngay trong năm đầu đã thu được những kết quả tốt đẹp. Năm 1926 việc chế tạo máy móc đã vượt qua mức sản xuất năm 1913. Tháng 12-1926, nhà máy điện lớn nhất trong nước là Vônkhốp đã bắt đầu phát điện. Những xí nghiệp mới, những trạm điện lực, đường sắt và các công trình khổng lồ như nhà máy thuỷ điện Đơnhép, đường sắt Tuốckêxtan - Xibêri, nhà máy máy kéo Xtalingrat được gấp rút xây dựng, nhiều hầm mỏ mới được khai thác, nhiều nhà máy cơ khí, hoá chất, ôtô đầu máy xe lửa được xây dựng.

Năm 1927, việc công nghiệp hoá XHCN đã đạt được những kế quả rất tốt. Sản lượng công nghiệp tăng 18% so với năm 1926. Năm 1928, tỉ trọng công nghiệp chiếm 54.5% tổng sản lượng kinh tế quốc dân. Năm 1929 công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã giải quyết được 3 vấn đề then chốt: tích luỹ vốn, ngành công nghiệp nặng và năng suất lao động. Số vốn đầu tư lên tới 3400 triệu rúp, gấp 4 lần năm 1926. Kế hoạch Goelro căn bản hoàn thành.

3. Công cuộc tập thể hoá nông nghiệp và việc hoàn thành các kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và lần thứ hai (1928 - 1937)

Trên cơ sở những thành tựu bước đầu của công nghiệp hoá XHCN, từ cuối năm 1927, Đại hội lần thứ XV của Đảng cộng sản Bônsêvích đã để ra nhiệm vụ tập thể hoá nông nghiệp, thực hiện cơ giới hoá và áp dụng kỹ thuạt tiến tiến ngành nông nghiệp nhằm đưa dần từng bước người nông dân tiến lên con đường XHCN.

Việc tập thể hoá nông nghiệp được tiến hành qua 2 bước: Bước thứ nhất từ năm 1928 đến 1929 nhằm thực hiện hạn chế kinh tế phú nông. Từ năm 1930 trở đi chuyển sang bước thứ hai là tiêu diệt giai cấp phú nông, đồng thời mở rộng việc tập thể hoá nông nghiệp với hai hình thức nông trang tập thể và nông trường quốc doanh.

Tới giữa năm 1930 công cuộc tập thể hoá nông nghiệp đã thu hút được hơn 10 triệu nông hộ tham gia (chiếm 40% nông hộ cả nước). Năm 1931 phong trào lại tiến thêm một bước nữa. Nông trang tập thể và nông trường quốc doanh đã chiếm 2/3 diện tích gieo trồng và 53 % tổng số nông hộ toàn quốc. Tới cuối năm 1932 công cuộc tập thể hoá nông nghiệp căn bản hoàn thành.

Tuy nhiên, trong quá trình tập thể hoá, một số địa phương đã mắc một số sai lầm khuyết điểm như nóng vội, đốt cháy giai đoạn, vi phạm nguyên tắc tự nguyện của nông dân, đánh cả vào trung nông, có nơi tập thể hoá cả nhà cửa, gia súc nhỏ, gà vịt. Vì thế, nông dân bị kích động, giết hết gia súc để ăn trước khi vào nông trang tập thể. Riêng năm 1929 - 1930 nông dân đã giết 14 triệu 60 vạn súc vật lớn có sừng. Chính sách kinh tế mới (NEP) căn bản bị xoá bỏ trong khi bị những điều kiện chưa chín muồi và chuyển sang dùng phương pháp mệnh lệnh, quan liêu, độc đoán.

Tháng 3 năm 1930 Đảng và nhà nước Xô viết đã có những biện pháp sửa chữa uốn nắn các sai lầm này, nhưng những hậu quả do nó gây ra vẫn kéo dài mãi về sau.

Cùng với tập thể hoá nông nghiệp, Đảng đề ra và thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ I (1928 - 1933) với nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá XHCN, hoàn thành tập thể hoá nông nghiệp, đẩy mạnh cuộc cách mạng văn hoá, hạn chế và tiến tới tiêu diệt hoàn toàn thành phần kinh tế TBCN ở thành thị và nông thôn.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất hoàn thành trước khi thời hạn (4 năm 3 tháng). Từ một nước nông nghiệp Liên Xô đã trở thành một nước công nghiệp. Sản lượng công nghiệp chiếm 70% tổng sản lượng kinh tế quốc dân. Trong hơn 4 năm đã xây dựng 2400 xí nghiệp. Nền công nghiệp Liên Xô lúc này có khả năng trang bị kỹ thuật mới không chỉ trong công nghiệp và cả trong các ngành giao thông vận tải, xây dựng và nông nghiệp.

Trên lĩnh vực văn hoá - giáo dục, chính phủ Liên Xô cũng đạt được những thành tựu to lớn. Năm 1930 chính phủ Xô viết thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc. Từ 1930 - 1932 có trên 30 triệu người được thanh toán mù chữ. Trong thời gian kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, số trường cao đẳng công nghiệp tăng 10 lần, số trường cung cấp kỹ thuật tăng 4 lần, ngành giáo dục đại học cung cấp 10 vạn kỹ sư, hàng chục viện nghiên cứu khoa học được ra đời.

Như vậy, trong khi các nước tư bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 - 1933 trầm trọng nhất trong lịch sử thì nhân dân Liên Xô vẫn tiếp tục giữ vững và phát triển nền kinh tế một cách vững chắc. Khối đoàn kết toàn dân được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bức tranh so sánh đó giữa hai hệ thống xã hội càng khăng định sự ưu việt của chế độ XHCN, uy tín và địa vị quốc tế của Liên Xô ngày càng được tăng cường.

Từ năm 1933 nhân dân Liên Xô bắt đầu thực hiện hoạch 5 năm lần thứ hai (1933 - 1937). Nhờ tinh thần lao động dũng cảm, sáng tạo của nhân dân Liên xô kế hoạch 5 năm lần thứ 2 lại được hoàn thành trước thời hạn.

Tới mùa hè 1937 sản xuất công nghiệp của Liên Xô đã vượt 428% so với năm 1929, bằng 8 lần năm 1913. Tổng sản lượng công nghiệp vượt qua Anh, Pháp, Đức cộng lại, đứng đầu Châu Âu, thứ 2 thế giới (sau Mỹ); chiếm 14% sản lượng công nghiệp thế giới. Việc thực hiện đổi mời toàn bộ nền kinh tế quốc dân đã hoàn thành.

Việc tập thể hoá nông nghiệp đã hoàn thành trong cả nước, 93% tổng số nông hộ ở nông thôn đã gia nhập các nông trang tập thể, cày cấy trên 99% tổng diện tích trồng trọt và trên 90% đất đai trồng trọt được cày cấy bằng máy móc.

Về văn hoá - giáo dục, Liên Xô đã thanh toán xong nạn mù chữ, thực hiện xong nền giáo dục cấp I bắt buộc cho tất cả mọi người và phổ cập giáo dục phổ thông cấp II ở thành phố. Số học sinh từ 8 triệu em năm 1913 tăng lên 28 triệu trẻ em năm 1937. Số sinh viên tăng từ 112.000 lên 542.000. Đến đầu năm 1937. Đội ngũ tri thức Xô Viết lên tới 10 triệu người. Các tác phẩm văn học, âm nhạc, điện ảnh, ghệ thuật, hội hoạ phát triển rực rỡ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Xô Viết được cải thiện rất nhiều, thu nhập quốc dân tăng hơn 2 lần.

Quỹ tiền lương của công nhân viên chức tăng 2,5 triệu lần, thu nhập bằng tiền của nông trang viên tăng 3 lần.

Về mặt xã hội, các giai cấp bóc lột đã bị thủ tiêu, chỉ còn hai giai cấp lao động là công nhân, nông dân và tầng lớp tri thức XHCN. Mối quan hệ giữa các dân tộc trở nên gắn bó, hữu nghị hơn trước.

Cuối năm 1936, Hiến pháp mới được thông qua thay cho Hiến pháp 1924.

Tuy nhiên, sự nghiệp xây dựng CNXH trong 2 kế hoạch 5 năm đầu tiên cũng chứa đựng một số sai lầm thiếu sót. Sau khi Lênin qua đời, những tư tưởng và nguyên tắc xây dựng chủ nghĩa xã hội bị vi phạm. Nhà nước nắm độc quyền kinh tế và hình thành chế độ bao cấp về kinh tế, những sai lầm và nóng vội trong việc tập thể hoá nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn là nguyên tắc tập trung dân chủ và nền pháp chế CNXH đã bị coi thường. Thêm vào đó là tệ sùng bái cá nhân và nạn quan liệu độc đoán, các vụ thanh trừng, đàn áp tập thể những năm 30.

Những sai lầm và thiếu sót nói trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan và đã để lại những hậu quả nặng nề cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trước mắt cũng như lâu dài.

4. Việc thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ ba và công cuộc phòng thủ đất nước (1938-1941)

Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XVIII họp từ ngày 10 đến 11 tháng 3 năm 1939 đã thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1938-1942). Đại hội đã đề ra nhiệm vụ đuổi kịp và vượt qua các nước TBCN không những về trình độ kỹ thuật và tốc độ phát triển, không những về mặt tổng sản lượng mà còn cả về mặt sản lượng tính theo đầu người, Về công nghiệp, dự tính đến cuối năm 1942 sẽ tăng sản lượng công nghiệp lên gấp đôi so với năm 1937, sẽ mở rộng công nghiệp than và luyện kim ở Viễn Đông, xây dựng cơ sở dầu lửa ở khu vực sông Vônga và Uran, đặc biệt là củng cố quốc phòng, trang bị vũ khí hiện đại cho Hồng quân.

Từ sau Đại hội, khắp nơi sôi sục không khí lao động hoà bình. Trong vòng 3 năm của kế hoạch (1938-1940) sản phẩm công nghiệp tăng 45% và tới giữa năm 1941, tức là trước khi chiến tranh nổ ra đã đạt được 86% tổng sản phẩm do Đại hội XVIII ấn định trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 3. Từ năm 1938 đến tháng 6 năm 1941 đã xây dựng và đưa vào hoạt động khoảng 3000 nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ và nhà máy thuỷ điện. Trong khắp các nước cộng hoà cũng mọc lên nhiều công trình xây dựng mới.

Trong nông thôn cũng có sự biến đổi to lớn. Từ 1938 đến 1940 đã xây dựng mới hơn 1200 trạm cơ giới kỹ thuật. Nền nông nghiệp Liên Xô thời kỳ đó nhận được 92 nghìn máy kéo. Tới đầu năm 1941 đã điện khí hoá hơn 10 nghìn nông trang và 2500 trạm cơ giới kỹ thuật.

Về công nghiệp quốc phòng, tới năm 1941 Liên xô đứng hàng thứ 3 sau Đức và Anh về sản xuất máy bay chiến đấu, trong đó có những loại máy bay mới xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới. Các nhà máy chế tạo máy kéo chuyển sang sản xuất xe tăng hạng vừa và nặng. Các xí nghiệp quốc phòng đước hưởng chế độ đặc biệt trong việc cung cấp các chuyên viên kỹ thuật giỏi, nguyên liệu thiết bị điện, chất đốt. Nhờ Đảng và Nhà nước chăm lo nên trước chiến tranh nổ ra, Liên Xô đã xây dựng một số lớn công xưởng quốc phòng và một số xí nghiệp quân sự khác, do đó trong những năm chiến tranh đã có thể cung cấp ngày một nhiều xe tăng, máy bay, đại bác, quân trang, quân dụng và các loại vũ khí khác.

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng công nghiệp quốc phòng, Đảng và Chính phủ cũng tiến hành tổ chức lại lực lượng vũ trang. Những đơn vị quân đội và binh đoàn được xây dựng theo quy chế địa phương đã được giải tán, lực lượng vũ trang được chính quy hoá. Tháng 9 năm 1939 Xô viết tối cao thông qua luật nghĩa vụ quân sự mới. Tới đầu năm 1941, tổng số lục quân, hải quân đã lên tới 5 triệu binh lính. Nhiều binh chủng mới ra đời như phòng không, nhảy dù, các trường đạo tạo sĩ quan chỉ huy các cấp cũng được mở rộng.Năm 1939 Liên Xô có 63 trường lục quân, 32 trường không quân, 14 trường đại học quân sự chính quy và nhiều trường hàm thụ ngắn hạn.

Mặc dù ra sức xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng nhưng Đảng và Nhà nước Xô Viết vẫn không ngừng tìm kiếm các biện pháp nhằm ngăn chặn bàn tay gây chiến của chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hoà bình thế giới. Trước những kế hoạch leo thang chiến tranh ngày càng tăng cường của chủ phát xít, Liên Xô đã đề ra những sáng kiến hoà bình, kêu gọi các nước Anh, Pháp phối hợp hành động, xây dựng hệ thống an ninh tập thể. Nhưng do theo đuổi chính sách thù địch chống Liên xô nên các nước đế quốc này đã không thành thật bắt tay với Liên Xô, trong khi đó chúng bí mật đàm phán riêng rẽ với các đế quốc phát xít, âm mưu mượn bàn tay chủ nghĩa phát xít để tấn công Liên Xô.

Documents:

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
    Top