LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - CMXHCN tháng Mười Nga 1917 (4)
A A+
LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - CMXHCN tháng Mười Nga 1917 (4)

4. Xây dựng chính quyền Xô viết và đấu tranh chống thù trong giặc ngoài

Trong khi cuộc tấn công cung điện mùa Đông đang tiếp diễn, Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ II đã khai mạc trọng thể tại viện Xmônưi. Đại hội đã thông qua những sắc lệnh lịch sử đầu tiên. Thay mặt cho giai cấp công nhân, nhân dân cả nước, Đại hội long trọng tuyên bố thành lập Cộng hoà Xô viết công nhân và nông dân, thành lập chính phủ Xô viết đầu tiên, gọi là Hội đồng các uỷ viên nhân dân do Lênin làm chủ tịch.

Đại hội thông qua sắc lệnh về hoà bình và sắc lệnh về ruộng đất.

Tiếp đó, ngày 2-11-1917, chính phủ Xô viết ra tuyên bố về quyền của các dân tộc trong nước Nga, khẳng định quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc. Thực hiện công bố này, chính phủ Xô viết đã công nhận nền độc lập của Phần Lan và Ba Lan.

Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất sau thắng lợi của cách mạng là phải đập tan bộ máy nhà nước cũ của tư sản và địa chủ, thiết lập bộ máy nhà nước mới của giai cấp vô sản - nhà nước Xô viết. Trong hệ thống chính quyền mới này, toà án nhân dân thay cho toà án của Nga hoàng, công an nhân dân thay cho cảnh sát mật vụ cũ, quân đội được tổ chức lại thành quân đội cách mạng - Hồng quân (thành lập 1-1918). Công nhân và nông dân được cử ra đảm nhận những chức vụ chủ chốt trong bộ máy chính quyền mới.

Chính phủ Xô viết tuyên bố xóa bỏ mọi đẳng cấp xã hội, các tước vị phong kiến, những đặc quyền của nhà thờ và tách nhà thờ khỏi trường học, thực hiện nam nữ bình đẳng, tự do dân chủ với mọi công dân.

Ngày 10-1-1918, Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ III (Đại hội đầu tiên có Xô viết nông dân tham gia) đã thông qua: “Tuyên ngôn về quyền của nhân dân lao động bị áp bức”, thủ tiêu chế độ người bóc lột người, xây dựng chế độ XHCN.

Việc làm có ảnh hưởng sâu sắc nhất là thực hiện sắc lệnh ruộng đất. Tới mùa hè 1918, việc tịch thu ruộng đất của địa chủ đã hoàn thành và chia cho nông dân sử dụng. Từ cuối năm 1917, chính phủ Xô viết đã bắt đầu tiến hành quốc hữu hoá các xí nghiệp lớn, giao thông vận tải, ngân hàng và nắm độc quyền ngoại thương.

Trong bước đầu xây dựng chế độ mới, Đảng và nhà nước cố gắng thoả mãn các nhu cầu bức thiết của nhân dân lao động về kinh tế, về học tập, y tế và bảo hiểm xã hội.

Một nhiệm vụ cấp thiết nhất lúc này là phải đưa nước Nga ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc. Ngày 3 tháng 3 năm 1918, sau những cuộc đàm phán gay go kéo dài hàng tháng trời, chính phủ Xô viết đã ký với Đức hoà ước Bơrétlitốp. Tuy phải chịu những điều kiện nặng nề về lãnh thổ đất đai và bồi thường chiến phí nhưng hoà ước đã tạo cho nước Nga rút khỏi cuộc chiến tranh, tranh thủ được thời gian hoà bình để củng cố chính quyền và xây dựng lực lượng.

Ngày 12-3-1918, chính phủ Xô viết dời thủ đô và cơ quan chính phủ từ Pêtrôgrát về Matxcơva nhằm tránh sự uy hiếp của Đức.

Tháng 7-1918, Đại hội các Xô viết toàn Nga lần thứ V đã thông qua Hiến pháp của nước Cộng hoà liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga.

Những hoạt động xây dựng chế độ mới diễn ra trong sự bao vây, thù địch và chống phá điên cuồng của 14 nước đế quốc và Bạch vệ trong nước bị cách mạng lật đổ. Ngày 30-8-1918, Lênin bị một tên phản cách mạng đảng xã hội bắn bị thương nặng. Trong khi đó đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Bọn phản cách mạng một số nơi nổi loạn, chiếm lại những vùng đất nước, khủng bố các lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó, để có thể đối phó với thù trong giặc ngoài, chính phủ Xô viết đã đề ra chính sách “Cộng sản thời chiến”.

Thực hiện chính sách này, nhà nước nắm độc quyền về kinh tế, quản lý và phân phối lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, thực hiện chế độ trưng thu lương thực thừa, nhà nước độc quyền lúa mì, quốc hữu hoá tất cả các xí nghiệp lớn nhỏ, thực hiện chế độ lao động cưỡng bách, ai không làm thì không ăn. Đảng tuyên bố toàn quốc là một trại lính, củng cố và tổ chức lại đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá theo thời chiến.

Nhờ áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, chính phủ Xô viết đã huy động được của cải và nhân lực đủ sức đánh bại quân thù vào cuối năm 1920.

Documents:

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
    Top