LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - CMXHCN tháng Mười Nga 1917 (3)
A A+
LỊCH SỬ THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI - CMXHCN tháng Mười Nga 1917 (3)

3. Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917

Sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời tư sản đã không thực hiện những lời hứa của chúng là hoà bình cho nhân dân, ruộng đất cho nông dân, bánh mì và việc làm cho công nhân, tự do cho các dân tộc. Tình hình nước Nga sau cách mạng tháng Hai hết sức phức tạp. Giai cấp tư sản dựa vào bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng nhằm lừa bịp nhân dân và thực hiện các chính sách phản động. Còn bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng thì lừa dối nhân dân rằng cách mạng đã hoàn thành, còn cách mạng xã hội chủ nghĩa thì chưa thể nói tới. Chúng ủng hộ chính phủ lâm thời tiến hành chiến tranh đến cùng và cho rằng với thắng lợi của cách mạng tháng Hai, chiến tranh đã thay đổi tính chất, trở thành chiến tranh vệ quốc, chiến tranh chính nghĩa.

Đảng Bônsêvích đứng trước tình hình nói trên không phải ai cũng hiểu rõ ý nghĩa giai cấp và vai trò của các Xô viết, của chính phủ lâm thời.

Trong hoàn cảnh đó, Lênin từ nước ngoài đã trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Ngày 3 tháng 4 năm 1917, Lênin đọc một bài phát biểu quan trọng có nhan đề: “Những nhiệm vụ của giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng hiện nay”. Bản báo cáo đó đi vào lịch sử với tên gọi “Luận cương tháng tư” nổi tiếng, vạch ra một cách tài tình sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XHCN.

Lênin chỉ rõ cho Đảng Bônsêvích và quần chúng không được ủng hộ chính phủ lâm thời tư sản, rằng cơ sở xã hội của chính phủ lâm thời tư sản là các đảng thoả hiệp Mensêvích và Xã hội - cách mạng. Về hướng phát triển của cách mạng, Lênin chỉ rõ cần phải chấm dứt tình trạng hai chính quyền song song tồn tại bằng cách chuyển giao toàn bộ chính quyền về tay các Xô viết: “Điều độc đáo trong thời sự nước Nga chính là bước quá độ từ giai đoạn thứ nhất của cách mạng là giai đoạn đem lại chính quyền cho giai cấp tư sản... tiến lên giai đoạn thứ hai của cách mạng là giai đoạn đem lại chính quyền cho giai cấp vô sản và cho những tầng lớp nghèo trong nông dân”(1).

Về phương pháp đấu tranh, Lênin viết: “Vũ khí ở trong tay nhân dân, đó là thực chất của sự vật. Điều đó cho phép và bảo đảm sự phát triển hoà bình của cách mạng”(2). Khả năng phát triển cách mạng một cách hoà bình là rất quý hiếm. Trong lịch sử, phải hết sức tận dụng nó vì nó hạn chế thấp nhất sự đổ máu hi sinh vô ích. Tuy nhiên, Lênin cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuẩn bị chuyển sang khởi nghĩa vũ trang một khi hoàn cảnh thay đổi.

Thực tiễn của cách mạng Nga đã hoàn toàn xác nhận sự đúng đắn của luận cương tháng Tư.

Ngày kỷ niệm Quốc tế lao động 18-4 (1-5) năm 1917, lần đầu tiên ở Nga công nhân được tự do mít tinh theo biểu ngữ đòi hoà bình, dân chủ. Trái lại, Bộ trưởng ngoại giao Miliucốp của chính phủ lâm thời tư sản đã gửi công hàm cho các nước đồng minh đế quốc cam kết theo đuổi chiến tranh đến thắng lợi cuối cùng. Công hàm trên như một sự thách thức, gây phẫn nộ cho quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, trong hai ngày 20 và 21 tháng Tư, hàng chục vạn quần chúng đã xuống đường tiến hành biểu tình hoà bình, giương cao các khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền về tay Xô viết”, “Hoà bình, ruộng đất, bánh mì”. Những cuộc biểu tình tháng Tư đã khiến chính phủ lâm thời tư sản lâm vào khủng hoảng. Ngày 2-5 (15-5) trước áp lực của quần chúng, Bộ trưởng Miliucốp và Bộ trưởng chiến tranh Gutxcốp phải từ chức. Ngày 5-5 chính phủ lâm thời bị đổ và một chính phủ liên hiệp tăng thêm số ghế cho các Đảng thoả hiệp được thành lập.

Ngày 18-6 (1-7) bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng đã tổ chức một cuộc biểu tình nhằm biểu dương lực lượng gây thanh thế cho chúng. Đảng Bônsêvích đã tham gia cuộc biểu tình nhằm thay đổi tình huống, biến cuộc biểu tình do bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng tổ chức thành cuộc biểu tình ủng hộ đường lối của Đảng Bônsêvích. Kết quả 50 vạn người tham gia biểu tình ngày hôm đó, đa số đã cầm cờ và biểu ngữ ủng hộ khẩu hiệu của Đảng Bônsêvích: “Đả đảo chiến tranh”, “Tất cả chính quyền về tay Xô viết”.

Cuộc biểu tình tháng 6 đánh dấu sự chuyển biến bước đầu trong so sánh lực lượng có lợi cho Đảng Bônsêvích. Đảng Mensêvích và Xã hội - cách mạng bị cô lập hơn nữa.

Ngoài mặt trận, cuộc tấn công của quân Nga theo lệnh của chính phủ lâm thời tư sản ngày 18-6 cũng bị thất bại lớn. Trong 10 ngày, binh lính Nga bị bắt, bị giết hơn 60.000 người. Tin thất bại bay về thàh phố gây nên sự căm phẫn và bất bình trong nhân dân Nga. Không khí cách mạng sục sôi ở khắp Pêtrôgrát.

Ngày 3 tháng Bảy năm 1917 hơn nửa triệu nhân dân Pêtrôgrát đã xuống đường biểu tình hoà bình, đòi Xô viết Pêtrôgrát phải nắm lấy toàn bộ chính quyền và phải thực hiện hoà bình, nhưng Xô viết Pêtrôgrát (đa số là bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng) đã từ chối yêu cầu đó. Không những thế, chúng còn âm mưu với chính phủ tư sản lệnh cho binh lính bắn vào đoàn người biểu tình tay không làm cho Pêtrôgrát đẫm máu công dân và dân thường.

Sau đó chính phủ tư sản tiến hành đàn áp, bắt bớ các đảng viên Bônsêvích. Các nhà in báo Lao động bị phá huỷ. Báo Sự thật bị cấm xuất bản. Chúng ra lệnh cho Lênin phải ra toà, các đơn vị cách mạng trong quân đội bị tước khí giới hoặc bị đẩy ra mặt trận.

Sự kiện tháng Bảy đánh dấu bước ngoặt phát triển của cách mạng, thay đổi nhanh chóng tình hình và so sánh lực lượng trong nước. Từ thoả hiệp, bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng công khai ngả hẳn sang phía giai cấp tư sản. Tình trạng hai chính quyền song song tồn tại đã chấm dứt. Các Xô viết Mensêvích và Xã hội - cách mạng đã trở thành cái đuôi phụ thuộc vào chính phủ tư sản. Từ chỗ không dám sử dụng bạo lực, giai cấp tư sản đã chuyển sang sử dụng vũ lực đối với quần chúng.

Trước tình hình đó, từ ngày 26-7 đến 3-8-1917, Đảng Bônsêvích đã họp Đại hội VI để đánh giá tình hình vừa qua và vạch ra sách lược đấu tranh trong giai đoạn mới. Đại hội chỉ rõ khả năng phát triển cách mạng một cách hoà bình đã kết thúc và chuyển sang chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Đại hội cũng chủ trương tạm thời rút bỏ khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô viết” và sẽ đưa ra vào lúc thích hợp. Lênin rút vào hoạt động bí mật.

Về phía giai cấp tư sản, sau sự kiện tháng Bảy, chính phủ liên hiệp lần thứ nhất bị đổ, Kêrenxki (lãnh tụ Đảng Mensêvích) lên làm thủ tướng nhằm tranh thủ sự ủng hộ hơn nữa của bọn Mensêvích và Xã hội - cách mạng. Mặt khác chúng âm mưu làm cuộc bạo loạn nhằm thiết lập chế độ độc tài quân sự để thủ tiêu cách mạng. Tên tướng Coócnilốp thuộc phái bảo hoàng được giao làm việc này.

Ngày 25 tháng Tám 1917, Coócnilốp tuyên bố thiết quân luật ở Pêtrôgrát, giải tán chính phủ Kêrenxki và lập chính phủ do mình cầm đầu. Tình hình phức tạp ở chỗ Coócnilốp nổi loạn dường như để chống lại chính phủ Kêrenxki, còn Kêrenxki thì cầu cứu sự giúp đỡ của Đảng Bônsêvích. Lênin đã đề ra một sách lược sáng suốt: trong khi phát động quần chúng đánh tan cuộc nổi loạn, đồng thời tiếp tục vạch mặt chính phủ Kêrenxki, nhờ đó sau khi cuộc nổi loạn bị dập tắt, uy tín của Đảng Bônsêvích ngày càng lên cao. Bắt đầu thời kỳ Bônsêvích hoá các Xô viết, nghĩa là quần chúng đã thay thế các đại biểu Mensêvích và Xã hội - cách mạng bằng đại biểu Bônsêvích.

Ngày 31 tháng Tám, Xô viết Pêtrôgrát được Bônsêvích hoá và sau đó ngày 5-9, Xô viết Matxcơva cũng được Bônsêvích. Đảng Bônsêvích một lần nữa lại đưa ra khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền về tay Xô viết”, nhưng nội dung khác trước, không phải bằng con đường hoà bình mà bằng phương pháp khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trực tiếp cho công nhân và nông dân nghèo.

Mùa thu 1917, nước Nga bước vào đường cùng về kinh tế và quân sự. Sang tháng Mười, làn sóng cách mạng dâng lên cuồn cuộn khắp cả nước. Ngày 7-10, Lênin từ Phần Lan trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đang đến gần. Ngày 10-10, Ban chấp hành trung ương Đảng họp, quyết định khởi nghĩa vũ trang. Tại hội nghị này, Ban chấp hành trung ương đã bầu ra một cơ quan để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa do Lênin đứng đầu. Một số uỷ viên trung ương không tán thành kế hoạch khởi nghĩa của Lênin như Camênhép và Dinôviép. Do bất đồng quan điểm, nên ngày 18-10 họ đã đăng ý kiến của mình lên báo: “Đời sống mới”, do đó chính phủ lâm thời đã biết được kế hoạch khởi nghĩa nên đã chuẩn bị đề phòng. Tình hình hết sức khẩn cấp, Lênin đã sáng suốt quyết định khởi nghĩa ngay ngày 24-10, trước thời điểm dự định 1 ngày hòng làm cho đối phương bất ngờ không kịp trở tay (trước dự định vào ngày khai mạc Đại hội Xô viết toàn Nga lần II, 25-10).

Chiều 24-10, Lênin bí mật đến Viện Xmônưi trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Theo kế hoạch Lênin đã vạch sẵn, các đơn vị cận vệ đỏ đã tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, các nhà ga, các cầu bắc qua sông Nê Va. Chỉ trong đêm 24-10, hầu như không bị tổn thất lớn, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Pêtrôgrát, bao vây cung điện mùa Đông, nơi ẩn náu cuối cùng của chính phủ tư sản.

Tối 25-10, chiến hạm Rạng Đông nổ loạt súng hiệu tấn công cung điện mùa Đông. Cuộc chiến đấu diễn ra tới 2 giờ sáng ngày 26-10 thì kết thúc. Toàn bộ chính phủ tư sản (trừ Kêrenxki) đã bị bắt.

Ngày 25-10 (7-11) đi vào lịch sử là ngày thắng lợi của cuộc cách mạng XHCN tháng Mười vĩ đại.

 

(1) Tuyển tập, quyển II, tr.8.

(2) Toàn tập, tập 25, tr.199.

Documents:

    TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
    Top