1. Nước Nga trước cách mạng
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng xã hội trọng đại vì nó thay đổi sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị cho đến hệ tư tưởng, bởi vì cuộc cách mạng đó lật đổ chế độ xã hội lỗi thời và xác lập chế độ xã hội mới. C.Mác đã viết: “Mỗi cuộc cách mạng phá huỷ xã hội cũ, cho nên nó mang tính xã hội”(1)
Theo chủ nghĩa Mác - Lênin, nguyên nhân sâu xa cũng như trực tiếp của mọi cuộc cách mạng là nguyên nhân kinh tế. Vậy tình hình kinh tế của nước Nga trước cách mạng tháng Mười như thế nào? Vấn đề này, Lênin đã nêu cho chúng ta một mẫu mực về sự phân tích khoa học trong tác phẩm nổi tiếng: “Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga”. Trên cơ sở phân tích rất cụ thể, tỉ mỉ các tài liệu thực tế, Lênin đã miêu tả một cách hết sức khoa học toàn bộ quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga và những đặc điểm chủ yếu của quá trình ấy. Theo Lênin, ở Nga, chủ nghĩa tư bản phát triển một cách tất yếu, nó đi theo một quá trình từ thấp đến cao và tuân theo những quy luật chung với các nước Tây Âu và Bắc Mỹ.
Đế quốc Nga là một trong những quốc gia lớn nhất thế giới. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tuy phát triển sau các nước Tây Âu nhưng cũng giống như các nước Tây Âu, nước Nga cũng đồng thời bước vào giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, đã đạt được trình độ phát triển cao về tổ chức sản xuất công nghiệp và tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế quốc dân. Tư bản nước ngoài như Anh, Pháp, Đức đầu tư tới 5 tỷ rúp. Nhiều ngành công nghiệp quan trọng phát triển nhanh như luyện kim, khai khoáng, cơ khí, dầu khí. Tỉ trọng công nghiệp chiếm 4% sản phẩm công nghiệp thế giới, xếp hàng thứ 5. Theo tốc độ phát triển, chỉ trong vòng 10 năm cuối thế kỷ XIX ngành đường sắt đã xây dựng thêm 22 nghìn km. Các công ty độc quyền lần lượt ra đời. Đầu thế kỷ XX, 150 tổ chức độc quyền thao túng chặt chẽ mọi ngành kinh tế quốc dân. Đã hình thành những tập đoàn tư bản tài chính trên cơ sở cấu kết giữa tư bản công nghiệp và tư bản ngân hàng - như tập đoàn ngân hàng Nga - Á khống chế nhiều ngành công nghiệp và 1/3 tổng số vốn các ngân hàng ở Nga. Chủ nghĩa đế quốc Nga cũng bắt đầu tham gia vào việc phân chia thuộc địa thế giới.
Đặc biệt, tuy công nghiệp phát triển kém hơn các nước phương Tây nhiều, nhưng mức độ tập trung sản xuất và công nhân thì lại cao hơn bất kỳ nước nào. 3/4 công nhân Nga tập trung ở các thành phố lớn: Pêtrôgrát, Matxcơva hoặc các vùng công nghiệp mới như vùng khai thác than Đônhét, lọc dầu Bacu. Từ năm 1886 đến 1896 các xí nghiệp, nhà máy tăng từ 2,5 - 3 nghìn lên 6 nghìn. Các xí nghiệp có trên 100 công nhân chiếm không quá 7% nhưng sản xuất hơn nửa sản phẩm công nghiệp.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng nhưng muộn màng không thủ tiêu được sự lạc hậu thế kỷ của Nga, là một nước có trình độ chủ nghĩa tư bản phát triển trung bình, nó đồng thời là nơi tồn tại các tàn tích của chế độ phong kiến nông nô trung cổ về kinh tế cũng như chính trị. Lênin đã nêu đặc điểm của nền kinh tế Nga là sự sở hữu ruộng đất lạc hậu nhất, nông thôn hoang sơ nhất và chủ nghĩa tư bản tài chính, công nghiệp tiên tiến nhất”(1). Tính chất nhiều thành phần của nền kinh tế đã để lại những dấu ấn trong quan hệ giai cấp và đảng phái, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của nước Nga.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Nga diễn ra trong khi những nhiệm vụ của cách mạng dân chủ tư sản Nga chưa được giải quyết. Vì vậy, ở hạ tầng cơ sở - bên cạnh quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa đang phát triển và đóng vai trò chủ đạo, quan hệ sản xuất phong kiến nông nô vẫn còn tồn tại khá nặng nề và ở thượng tầng kiến trúc, chế độ phong kiến chuyên chế vẫn còn nguyên vẹn. Nhận xét đặc điểm ấy của chủ nghĩa đế quốc Nga, Lênin đã khẳng định rằng ở Nga “chủ nghĩa đế quốc tư bản chủ nghĩa hiện đại quyện chặt... với màng lưới đặc biệt dày đặc của những quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa”(2). Lênin gọi chủ nghĩa đế quốc Nga là “chủ nghĩa đế quốc phong kiến quân phiệt”.
Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Nga đã làm cho các mâu thuẫn giai cấp trong nước càng thêm sâu sắc: bên cạnh mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ chưa được giải quyết lại nảy sinh thêm mâu thuẫn mới - mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản. Bên cạnh quan hệ sản xuất TBCN đã tương đối phát triển, quan hệ chiếm hữu ruộng đất phong kiến vẫn được duy trì, những hình thức bóc lột mới, cũ cùng tồn tại. Quần chúng nhân dân rên xiết cùng cực, không chỉ vì sự bóc lột TBCN mà còn vì những tàn tích của ách áp bức nông nô thời trung cổ.
Về chính trị, chế độ quân chủ Nga hoàng thực chất là nền chuyên chính của bọn địa chủ - chủ nông nô. Chính phủ Nga hoàng ủng hộ bọn chủ xưởng và chủ nhà máy lớn, bọn đầu sỏ công nghiệp và tài chính. Nhân dân Nga không được hưởng một chút quyền lợi chính trị nào. Họ không được tự do hội họp, không được phát biểu ý kiến và đề đạt yêu cầu, không được tự do lập hội và đoàn thể, không được tự do xuất bản báo chí và sách vở. Gần 90% nhân dân Nga chìm đắm trong nạn mù chữ. Một đội quân khổng lồ gồm vệ binh, mật thám, cảnh sát thành phố, hương vệ nông thôn... được dùng để bảo vệ Nga hoàng, bảo vệ bọn địa chủ và bọn tư sản chống lại nhân dân.
Cách mạng 1905 - 1907 chưa giải quyết được mâu thuẫn cơ bản trong cơ cấu kinh tế, xã hội Nga. Do đó tình trạng cả hai quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và phong kiến cùng tồn tại tiếp diễn. Cả hai quan hệ ấy mâu thuẫn nhau, vừa kìm hãm nhau lại vừa tìm cách thích ứng nhau để tồn tại. Giai cấp tư sản dựa vào quý tộc phong kiến Nga hoàng, quý tộc phong kiến Nga hoàng lợi dụng TBCN, lợi dụng giai cấp tư sản để duy trì quyền lợi của mình. Sự cố kết của hai giai cấp này đã để lại một dấu ấn khá sâu sắc trong cơ cấu kinh tế, chính trị ở Nga.
Ở nông thôn, bọn địa chủ nắm trong tay phần lớn ruộng đất. Bình quân mỗi tên địa chủ chiếm 300 đề-xăng-tin đất(1), trong khi mỗi nông hộ chỉ có 8 đề-xăng-tin đất... Nông dân phải mướn ruộng đất của địa chủ với những điều kiện rất nặng nề. Chủ nghĩa tư bản phát triển ở nông thôn, đã làm cho nông dân phân hoá, giai cấp phú nông xuất hiện, giai cấp bần nông và cố nông ngày càng tăng thêm. Bọn địa chủ và phú nông cấu kết với nhau áp bức, bóc lột nhân dân, làm cho họ lâm vào cảnh nghèo khổ, chết chóc. Nông dân chịu 2 hình thức áp bức bóc lột: địa chủ và tư sản. Tình cảnh nông dân Nga như vậy nên họ rất cách mạng, gần gũi với giai cấp vô sản và sẵn sàng đi theo giai cấp vô sản. Hơn thế nữa vì nước Nga chưa trải qua cách mạng tư sản nên nông dân Nga chưa bao giờ là đồng minh của giai cấp tư sản.
Đời sống của công nhân Nga vô cùng nghèo khổ. Họ phải làm việc tới 12, 13 giờ một ngày, có nơi 15, 16 giờ một ngày. Điều kiện thuê mướn công nhân hết sức hà khắc, tiền lương chết đói chỉ vừa đủ với mức ăn rất thiếu thốn nhưng lại luôn luôn bị cắt xén. Lao động khổ sai và đời sống đói rách đã gây ra bệnh hoạn thường xuyên, làm cho công nhân bị hao mòn sức lực nhanh chóng và tuổi thọ ngắn ngủi.
Mặt khác, do nhiều nguyên nhân khác nhau, giai cấp vô sản Nga có ý thức giác ngộ giai cấp, có tính tổ chức và tinh thần cách mạng cao. Lênin nhận xét “không ở đâu trên thế giới mà giai cấp công nhân đã phát huy được nghị lực cách mạng đến thế như ở Nga”. Vì vậy, giai cấp công nhân Nga, mặc dù sinh sau đẻ muộn so với Tây Âu, đến đầu thế kỷ XX đã trở thành đội tiên phong của giai cấp vô sản cách mạng thế giới.
Còn giai cấp tư sản Nga thì tương đối yếu cả về kinh tế và chính trị. Nét nổi bật của giai cấp tư sản Nga là tính chất phụ thuộc của nó, phụ thuộc vào chế độ phong kiến Nga hoàng và phụ thuộc vào tư bản nước ngoài. Điều đó giải thích vì sao giai cấp tư sản Nga không thể là lực lượng lãnh đạo trong cách mạng dân chủ tư sản.
Nước Nga Xa hoàng còn là nhà tù của các dân tộc. Chế độ Xa hoàng đã thi hành một chính sách áp bức dân tộc hết sức tàn khốc. 57% dân số trong nước là từ hơn 100 dân tộc lớn nhỏ không phải Nga, nhưng không được hưởng chút quyền lợi nào và chịu mọi điều khinh rẻ. Chính phủ Nga hoàng lập ra các toà án để đàn áp các dân tộc nổi dậy. Nền văn hoá các dân tộc bị cấm đoán. Nhân dân miền Đông hoàn toàn mù chữ. Chính sách dân tộc của chính phủ Nga hoàng nhằm gây thù hằn xung đột lẫn nhau giữa các dân tộc.
Vì tất cả tình hình nói trên, cho nên vào đầu thế kỷ XX, nước Nga đã hội tụ đầy đủ các mâu thuẫn cơ bản của thời đại và đạt tới mức gay gắt chưa từng thấy. Đó là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản, giữa nông dân và địa chủ phong kiến, giữa các dân tộc bị áp bức và chủ nghĩa đế quốc Nga, giữa nước Nga và các đế quốc khác. Tất cả các mâu thuẫn đủ loại đó xen kẽ, đan kết vào nhau, thúc đẩy nhau, biến nước Nga thành một cái ung nhọt trầm trọng. Chiến tranh thế giới thứ nhất càng làm cho các mâu thuẫn xã hội trở nên sâu sắc, trầm trọng, thúc đẩy sự chín muồi nhanh chóng các tiền đề kinh tế, chính trị và là ngòi nổ cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản tháng Hai và sau đó là cách mạng XHCN tháng Mười năm 1917.
Tuy nhiên, tới đầu năm 1917, mâu thuẫn chủ yếu có tính bao trùm của xã hội Nga là mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân các dân tộc Nga với chính quyền phong kiến Xa hoàng. Do đó yêu cầu trước mắt của toàn thể nhân dân Nga là phải đánh đổ chính quyền phong kiến Xa hoàng, quét sạch những tàn tích của chế độ nông nô và thực hiện những cải cách dân chủ.
Chính những tính chất, đặc điểm phức tạp của chế độ xã hội Nga trên đây đã làm cho nước Nga trở thành khâu yếu nhất trong sơi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Khâu yếu đó thể hiện ở chỗ: thứ nhất, là nơi tập trung cao độ các mâu thuẫn; thứ hai, ở đó bộ máy thống trị của giai cấp bóc lột bị thối ruỗng, rệu rã và lung lay khiến cho giai cấp thống trị không thể thống trị như cũ được nữa; thứ ba, các giai cấp bị bóc lột cũng không muốn sống như cũ nữa, họ sẵn sàng nổi dậy để lật đổ ách thống trị. Đó là những tiền đề khách quan cho cách mạng bùng nổ, nói cách khác đó là tình thế của cách mạng.
Nhưng có tình thế cách mạng không có nghĩa là cách mạng đã bắt đầu mà phải có những tiền đề chủ quan cần thiết, tức là khả năng và sự sẵn sàng của chính đảng cách mạng. Lênin chỉ rõ: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”, “chỉ có một đảng tiền phong với lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới làm tròn nhiệm vụ tiền phong của mình”.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của lý luận cách mạng nên ngay từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng, Lênin liền bắt tay nghiên cứu, giải quyết những vấn đề lý luận quan trọng do thực tiễn cách mạng lúc này đặt ra.
Trong hàng loạt tác phẩm viết trước cách mạng tháng Mười, Lênin đã phát triển một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản, trong đó chỉ rõ khả năng thắng lợi của cách mạng XHCN trước hết trong một số nước hoặc một nước riêng rẽ. Những luận điểm đó cùng với luận điểm về khả năng chuyển từ giai đoạn cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng XNCH, về liên minh công nông, về chuyên chính vô sản và nhiều luận điểm quan trọng khác, là những phát minh vĩ đại của Lênin, làm giầu chủ nghĩa Mác, đồng thời giúp những người cách mạng Nga tích cực, chủ động trong hoạt động thực tiễn của mình.
Quá trình hoạt động lý luận của Lênin đồng thời với quá trình chuẩn bị thành lập và rèn luyện một chính đảng kiểu mới của giai cấp vô sản, đó là Đảng Bônsêvích Nga, một chính đảng được thành lập trên nguyên tắc tập trung, dân chủ, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam, lấy phương châm phê bình và tự phê bình bảo đảm sự trong sạch vững mạnh, vừa mang tính khoa học. Cách mạng thể hiện tính chiến đấu cao, trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân. Khoa học vì hoạt động của nó tuân theo các quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. Cách mạng và khoa học, khoa học cách mạng, đó là hai đặc điểm nổi bật quyện chặt vào nhau của đường lối Bônsêvích.
Như vậy, nước Nga trước cách mạng đã hội tụ đầy đủ các tiền đề kinh tế và chính trị, khách quan và chủ quan cho sự bùng nổ và thắng lợi của cách mạng XHCN.
(1) C.Mác, F.Ăngghen: Toàn tập, tập I, tr 148 - (tiếng Nga).
(1) Lênin toàn tập, tập 16, tr.417 - tiếng Nga.
(2) Lênin toàn tập, tập 27, tr.378 - tiếng Nga.
(1) 1 đề-xăng-tin (thường gọi là mẫu Nga) = 1,0925 héc ta.