CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ TRUNG QUỐC - ẤN ĐỘ NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỈ XXI
A A+
CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUAN HỆ TRUNG QUỐC - ẤN ĐỘ NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỈ XXI
Văn Ngọc Thành(*)
Là hai nước lớn láng giềng ở châu Á, quan hệ Trung - Ấn đã trải qua những bước thăng trầm và luôn có những tác động mạnh mẽ đến khu vực cũng như thế giới. Những năm đầu thế kỉ XXI đang chứng kiến những động thái mới trong quan hệ hai nước do môi trường quốc tế cũng như trong mỗi nước Trung, Ấn đã có những thay đổi. Sự phát triển của quan hệ Trung - Ấn chịu sự tác động từ những nhân tố bên trong và bên ngoài. Sự tương tác giữa những nhân tố này sẽ quyết định chiều hướng nồng ấm hay căng thẳng trong quan hệ của hai nước. Vì vậy, tìm hiểu và phân tích những vấn đề trên có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết.
1. Bước vào thế kỉ XXI, làn sóng toàn cầu hoá (Globalisation), khu vực hoá ngày càng lan rộng và sâu sắc hơn. Sự tự do hoá thương mại, đầu tư, dịch vụ, chuyển giao công nghệ, phân công lao động quốc tế đã thúc đẩy các quan hệ song phương và đa phương, tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Tự do hoá thương mại và mở cửa thị trường tạo điều kiện cho những nước có năng lực sản xuất cao mở rộng các thị trường, đa dạng hoá các sản phẩm. Thế giới đang tiến gần đến một nền kinh tế không biên giới. Trung Quốc và Ấn Độ là những nền kinh tế đang phát triển, cần nhiều nguồn vốn, công nghệ kĩ thuật tiên tiến và phương thức quản lí hiện đại. Do vậy, toàn cầu hoá tạo điều kiện cho các công ty của mỗi bên tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế, thâm nhập vào thị trường của nhau. Như vậy, quan hệ kinh tế giữa hai bên sẽ ngày càng chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao phát triển.
Cùng với xu thế toàn cầu hoá là khu vực hoá (Regionalisation) với nội dung chính yếu là hình thành các khu vực kinh tế, tăng cường sức mạnh và quyền tự chủ cho các khu vực. Xuất phát từ mục đích phát huy những lợi thế so sánh, những nét tương đồng của các quốc gia trong mỗi nhóm khu vực, nâng cao trình độ hợp tác khu vực.Trong các tổ chức như EU, NAFTA, ASEAN, APEC, SCO, Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á, AU...,các hiệp định mậu dịch tự do được kí kết đã nâng cao khả năng hợp tác và tự do hoá thương mại giữa các quốc gia trong khu vực. Từ chỗ thúc đẩy hợp tác kinh tế, các quốc gia đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm sự hợp tác song phương và đa phương về chính trị, an ninh. Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang tích cực tham gia vào các tổ chức khu vực. Năm 2005, Trung Quốc trở thành quan sát viên của SAARC. Tháng 5/2005, Ấn Độ cũng trở thành quan sát viên của SCO. Đồng thời cả hai đều là đối tác quan trọng của ASEAN. Mặc dù, tham gia vào các tổ chức này chủ yếu là để tăng cường và tranh giành phạm vi ảnh hưởng của mình nhưng đây cũng là các diễn đàn giúp Trung Quốc và Ấn Độ xích lại gần nhau, giảm thiểu những bất đồng. Từ năm 2000 trở đi, vượt lên những nghi ngại về an ninh - quốc phòng và tranh chấp biên giới, thương mại Ấn-Trung đã phát triển  mạnh, tăng từ khoảng 3 tỉ USD năm 2000 lên đến 38,7 tỉ năm 2007. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 1/2008 của thủ tướng M. Singh, hai nước đã tuyên bố đặt mục tiêu sẽ nâng kim ngạch thương mại hai chiều từ 40 tỉ USD lên 60 tỉ USDvào năm 2010. Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh, quan hệ kinh tế - thương mại Trung - Ấn thời gian qua đã có sự tăng trưởng nhanh, mạnh. Trung Quốc hiện đang là bạn hàng lớn thứ 2 của Ấn Độ và Ấn Độ đang là bạn hàng lớn thứ 10 của Trung Quốc. Hai nước hiện đang xúc tiến cho việc thiết lập một khu vực tự do thương mại. Nếu điều này trở thành hiện thực thì chắc chắn nó sẽ có tác động rất lớn tới nền kinh tế thế giới và sẽ thúc đẩy nhanh việc giải quyết những bất đồng về chính trị và tranh chấp biên giới giữa hai nước.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ từ những năm 70 của thế kỷ XX trở lại đây, với quá trình tin học hoá sản xuất đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế thế giới và ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Trong tác phẩm Làn sóng thứ ba, nhà tương lai học người Mĩ A. Toffler đã dự báo về sự ra đời của một nền văn minh mới - văn minh tri thức mà biểu hiện chủ yếu là khoa học và công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, công nghệ thông tin là ngành sản xuất mũi nhọn. Trong nền kinh tế tri thức, các nước đang phát triển có cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, nhất là công nghệ thông tin sẽ giúp cho việc điều chỉnh mô hình và cơ cấu kinh tế của mình. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách nhờ việc tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và kĩ năng quản lí. Trong thời đại kinh tế tri thức, nếu một nước có "năng lực giành được tin tức và giành được quyền khống chế tin tức trong đời sống sản xuất của xã hội sẽ trở thành then chốt trong việc chiếm quyền chủ động trong cuộc cạnh tranh phát triển và tồn tại của đất nước trong thế kỉ mới"(1).
Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đang phát triển có tiềm năng to lớn về công nghệ thông tin. Trung Quốc hiện đang có xu hướng chuyển từ sản xuất những mặt hàng tiêu dùng đơn giản sang những hàng hoá công nghệ cao. Công nghiệp điện tử của Trung Quốc hiện đang cạnh tranh quyết liệt với những hàng hoá của Nhật Bản và Hàn Quốc. Tháng 10/2005, Trung Quốc đã phóng thành công tàu vũ trụ có người lái Tuần Châu 5; 25/9/2008, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7 - tàu vũ trụ có người lái thứ ba của nước này, đưa ba nhà du hành vũ trụ lên quỹ đạo, thực hiện cuộc đi bộ ra ngoài khoảng không vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới sau Liên Xô và Mỹ không những phóng thành công tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo mà còn đưa con người bước ra ngoài khoảng không ở quỹ đạo cách Trái Đất hàng trăm km. Điều này cho thấy tiềm năng kinh tế, khoa học kĩ thuật lớn mạnh của nước này. Ấn Độ cũng là một quốc gia có ưu thế lớn về khoa học công nghệ. Những ngành kinh tế mạnh nhất của Ấn Độ là dịch vụ và công nghệ thông tin. Năm 2000, Ấn Độ mới chỉ xuất khẩu được 6 tỷ USD sản phẩm phần mềm, nhưng đến năm 2008 con số đó ước tính là 50 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ. Công nghiệp phần mềm của Ấn Độ hiện chiếm hơn 20% thị phần thế giới. Trong số 500 công ty xuyên quốc gia lớn nhất thế giới, có tới 300 công ty có hợp đồng mua sản phẩm phần mềm của Ấn Độ(2). Trong chuỗi sản xuất toàn cầu và phân công lao động quốc tế, hiện Ấn Độ đang tiếp nhận hàng triệu việc làm đòi hỏi trình độ kĩ thuật cao từ các công ty đa quốc gia trên thế giới. Như vậy, có thể thấy tiềm năng phát triển kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ là rất to lớn. Hai nước đang xích lại gần nhau cũng là vì cả hai nhận ra những lợi ích của hợp tác và những điểm họ bổ sung nhau. Trên một số mặt, cái mạnh của nước này là chỗ yếu của nước kia và ngược lại. Kết hợp lại, họ sẽ tăng sức mạnh cho nhau. Trung Quốc mạnh về sản xuất linh kiện máy móc còn Ấn Độ mạnh về dịch vụ và công nghệ thông tin. Trong chuyến viếng thăm tháng 4/2005, thủ tướng Ôn Gia Bảo nói tại Bangalore: "Nếu Ấn Độ và Trung Quốc hợp tác trong ngành tin học, chúng ta sẽ dẫn đầu thế giới"(3).
Quan hệ Trung - Ấn những năm đầu thế kỉ XXI còn chịu sự tác động của môi trường an ninh quốc tế. Chiến tranh lạnh kết thúc, các nước trên thế giới đều tập trung cho phát triển kinh tế, hội nhập vào trào lưu phát triển chung. Tuy nhiên, những mâu thuẫn, xung đột và chiến tranh cục bộ vẫn xảy ra, xung đột giữa thế giới phương Tây do Mĩ đứng đầu với những phần còn lại của thế giới vẫn hết sức sâu sắc. Đặc biệt sau sự kiện 11/9/2001, việc Mĩ phát động cuộc chiến chống khủng bố đã vạch một đường phân giới mới trong nền chính trị thế giới: "Mọi quốc gia, mọi khu vực đang đứng trước một quyết định. Hoặc họ đứng về phía chúng ta, hoặc họ đứng về phía khủng bố"(4). Điều này đã tác động mạnh mẽ tới môi trường an ninh và quan hệ quốc tế. Trong bối cảnh đó, các nước trên thế giới phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình cho phù hợp với tình hình mới. Trung Quốc và Ấn Độ đều lên tiếng ủng hộ cuộc chiến của Mĩ. Cả hai đều có vấn đề với chủ nghĩa li khai và khủng bố. Trung Quốc đang đau đầu vì xu hướng li khai và các hoạt động chống chính quyền của Tây Tạng và Tân Cương. Còn Ấn Độ cũng đang đối phó với những phần tử Hồi giáo cực đoan đòi li khai ở vùng Kashmir. Cả hai đều muốn thông qua việc ủng hộ Mĩ chống khủng bố để mặc cả với Mĩ trong những vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế của mình. Đồng thời, bằng việc ủng hộ Mĩ, quan hệ Mĩ - Trung, Mĩ - Ấn, Trung - Ấn cũng có nhiều thay đổi theo hướng xích lại gần nhau hơn.
Sự kết thúc chiến tranh lạnh đã đưa Mĩ lên vị thế siêu cường duy nhất. Sức mạnh Mĩ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ và văn hoá là điều không thể phủ nhận được. Với ưu thế đó, chính quyền Mĩ đang ra sức bảo vệ và duy trì vị thế bá chủ thế giới, lãnh đạo toàn cầu và ngăn chặn không để một siêu cường khác nổi lên thách thức địa vị của mình. Về chiến lược địa - chính trị, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là một trọng điểm trong chính sách toàn cầu của Mĩ. Ở đây, Mĩ nhận thấy một đối thủ có khả năng cạnh tranh vị trí bá quyền toàn cầu là Trung Quốc. Những thành tựu của gần 30 nămcải cách đã gia tăng sức mạnh kinh tế, củng cố sức mạnh quân sự và mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh. Mĩ đã coi Trung Quốc là “mối thách thức lớn nhất đối với những lợi ích an ninh của Mĩ ở châu Á(7). Một Trung Quốc đang gia tăng chi phí quốc phòng, hiện đại hoá kho vũ khí chiến lược và cải thiện khả năng can thiệp ra bên ngoài đang phá vỡ cân bằng quân sự ở châu Á. Chính sách của Mĩ với Trung Quốc là vừa hợp tác vừa cạnh tranh, dùng Nhật Bản, Đài Loan và lôi kéo Ấn Độ cùng kiềm chế sự vươn lên của Bắc Kinh.
Trong khi nhìn nhận Trung Quốc như một "đối thủ chiến lược", Mĩ đã nhận thấy Ấn Độ có tầm quan trọng về địa - chính trị và địa - chiến lược. Ấn Độ là một nước lớn ở châu Á, một nền kinh tế đang trỗi dậy và là láng giềng nhiều "duyên nợ" với Trung Quốc. Việc nước này nghiêng về bất kì một nước lớn nào cũng sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng và chi phối quan hệ khu vực và toàn cầu. Nếu đưa được Ấn Độ vào phạm vi ảnh hưởng của mình, Mĩ lại có thêm một con bài để kiềm chế Trung Quốc và Nga. Từ đó có thêm cơ sở để mặc cả quyền lợi với hai đối thủ này. Hơn nữa, Ấn Độ với dân số hơn 1,1 tỷ người, là một thị trường rộng lớn, tiềm năng kinh tế mạnh mẽ, sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của nền kinh tế Mĩ nếu hợp tác hai bên tốt đẹp. Do vậy, Mĩ ra sức lôi kéo Ấn Độ về phía mình. Thoả thuận hạt nhân Mĩ - Ấn kí vào tháng 3/2006 và việc ký kết thỏa thuận hạt nhân dân sự đã được Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice bảo đảm trong chuyến thăm Ấn Độ 4/10/2008 là một ưu ái của Mĩ giành cho Ấn Độ.Thỏa thuận hạt nhân, đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua, cho phép Ấn Độ tiếp cận công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ và đổi lại nước này cho thanh sát các cơ sở hạt nhân dân sự, chứ không phải quân sự, của mình.Thỏa thuận cũng chấm dứt sự tẩy chay mà các nước xuất khẩu hạt nhân áp đặt với Ấn Độ vì quốc gia này chưa ký Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT). Điều này đồng nghĩa với việc Mĩ thừa nhận năng lực hạt nhân thực tế của Ấn Độ trong khi quyết liệt chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và Iran.
Những động thái mới trong quan hệ Mĩ - Ấn có ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ Trung - Ấn. Trung Quốc sẽ phải có những chính sách ngoại giao khéo léo để hoá giải ý đồ của Mĩ, buộc phải thay đổi chính sách với Ấn Độ, cải thiện mối bang giao với người láng giềng nhiều duyên nợ để tránh việc Ấn Độ ngả về phía Mĩ. Còn Ấn Độ trong lúc xích lại gần Washington cũng không quên tăng cường đối thoại với Bắc Kinh để trung hoà trục Bắc Kinh - Isalamabad. Để tránh làm cho Trung Quốc phật lòng, Ấn Độ đã tuyên bố họ không phải là một nỗ lực nhằm chống lại Trung Quốc. Với truyền thống trung lập trong ngoại giao, Ấn Độ không muốn mình trở thành một yếu tố trong chiến lược của Mĩ đối với Trung Quốc(8). Mặc dầu vậy, nhân tố Mĩ rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn tới mối quan hệ Trung - Ấn hiện nay và giai đoạn tới.
Pakistan cũng là một nhân tố có ảnh hưởng rất lớn tới quan hệ Trung - Ấn thời hiện đại. Sau năm 1947, lãnh thổ Ấn Độ bị chia cắt thành hai nước Pakistan và Ấn Độ -một sự phân chia đẫm máu: từ 300000 đến 500000 người bị thảm sát trong các cuộc chém giết lẫn nhau của hai cộng đồng Hồi giáo và Ấn Độ giáo, và từ 10 đến 15 triệu người di cư từ vùng này sang vùng kia. Sự chia cắt đất nước và ba cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan tiếp nối nhau (1947-1948, 1965, 1971) để giành giật vùng Kashmir vẫn là vết thương nhức nhối truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tại Ấn Độ. Pakistan muốn thông qua phương thức liên minh với bên ngoài để đạt được địa vị ngang hàng với Ấn Độ trong khu vực. Việc Trung Quốc từ những năm 50 của thế kỷ XX đến nay luôn là đồng minh của Pakistan càng làm cho quan hệ Trung - Ấn thêm căng thẳng. Trung Quốc đã dùng Pakistan để kìm chân Ấn Độ ở cấp độ cường quốc khu vực trong khi mình tập trung giành lấy vị thế cường quốc châu Á và thế giới. Trung Quốc đã liên tục giúp đỡ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cho Pakistan. Hiện nay, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Pakistan. Kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2005 đạt 3.06 tỷ USD(9). Chính mối quan hệ khăng khít giữa Trung Quốc và Pakistan đã cản trở tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan. Một khi Pakistan còn được Trung Quốc "chống lưng" thì lúc đó họ vẫn do dự trong việc kiềm chế hoạt động khủng bố ở Kashmir, đồng thời gây căng thẳng trong quan hệ với người "anh em" Ấn Độ.
Ngoài ra, quan hệ Mĩ - Pakistan cũng đang tiến triển tốt đẹp. Pakistan là đồng minh của Mĩ trong cuộc chiến chống khủng bố, đặc biệt là trong cuộc chiến ở Afganistan. Hiện nay, trước những tình hình mới, quan hệ Trung - Ấn, Mĩ - Ấn đang dần được cải thiện, Pakistan chính là con bài để Trung Quốc và Mĩ mặc cả với Ấn Độ. Như vậy, có thể thấy nhân tố Pakistan chính là một nhân tố không nhỏ chi phối mối quan hệ Trung - Ấn.
Bên cạnh nhân tố Mĩ, nhân tố các nước lớn như Nhật Bản, EU và Nga cũng tác động lớn đến quan hệ Trung - Ấn. Sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ đã thu hút sự quan tâm của thế giới trong những năm gần đây. Với tiềm năng kinh tế to lớn, bất cứ nước nào cũng muốn là bạn hàng của Trung Quốc và Ấn Độ. Nhật Bản có quan hệ kinh tế với Trung Quốc rất tốt nhưng quan hệ chính trị thường xuyên căng thẳng vì những vấn đề lịch sử và hiện tại. Sự trỗi dậy của Trung Quốc đã đưa tới những lo ngại cho Nhật Bản. Do vậy, cùng với việc tăng cường liên minh Mĩ - Nhật, Tokyo bắt đầu hướng tới New Dehli để tìm kiếm thêm đối tác. Nhật cùng Mĩ đang lôi kéo Ấn Độ tham gia "vòng cung dân chủ" (có thêm Australia) để kiềm chế Trung Quốc. Tháng 9/2007, Ấn Độ đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Vịnh Bengal với Mỹ, Australia, Nhật Bản và Singapore. Ấn Độ đang phát triển kinh tế nên rất cần nguồn vốn và công nghệ cao từ Nhật Bản. Trong những năm gần đây, quan hệ Nhật - Ấn phát triển khá nhanh.
Liên minh EU cũng đang tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Hiện EU là đối tác kinh tế lớn thứ ba của Trung Quốc. Còn Nga, chính sách đối ngoại ở châu Á - Thái Bình Dương của họ là tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, cải thiện quan hệ với Nhật Bản để giảm sức ép từ Mĩ và châu Âu. Nga là nhà cung cấp vũ khí chính, đồng thời là một trong những nhà cung cấp năng lượng chủ chốt cho Ấn Độ. Trung Quốc cũng hy vọng Nga sẽ ưu tiên một lượng lớn dầu mỏ và khí đốt cho nền công nghiệp đang nở rộ của mình. Như vậy, có thể thấy các nước lớn đều đang có quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và Ấn Độ. Mối quan hệ này cần có một môi trường hoà bình, ổn định để phát triển. Do vậy, việc tăng cường quan hệ với các cường quốc như Nhật Bản, Nga và EU chắc chắn sẽ có tác động tới quan hệ Trung - Ấn.
2. Kashmir vừa là nhân tố bên ngoài lại vừa là nhân tố bên trong có ảnh hưởng lớn tới quan hệ Trung- Ấn. Kashmir là vùng đất tranh chấp từ lâu chủ yếu giữa Ấn Độ và Pakistan. Lãnh thổ Kashmir trở thành một điểm nóng khi Ấn Độ và Pakistan được tự trị vào tháng 8 năm 1947. Theo kế hoạch chia cắt lãnh thổ trong Luật độc lập Ấn Độ năm 1947, Kashmir được tự do chọn lựa hoặc sáp nhập vào lãnh thổ Ấn Độ, hoặc vào lãnh thổ Pakistan. Hoàng tử Hari Singh của Kashmir lúc đầu muốn độc lập nhưng cuối cùng đã quyết định sáp nhập Kashmir vào lãnh thổ Ấn Độ, giao quyền lực cơ bản của vùng đất này cho Chính phủ Ấn Độ, và đổi lại vùng đất này nhận được sự hỗ trợ về quân sự và một cuộc trưng cầu dân ý. Islamabad cho rằng Kashmir đáng lẽ đã thuộc về Pakistan năm 1947, bởi vì người Hồi giáo chiếm đa số ở Kashmir. Pakistan cũng cho rằng sau một loạt nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề Kashmir, người dân ở đây cần được bỏ phiếu để quyết định tương lai của họ. Tuy nhiên, New Dehli lại khẳng định người Kashmir không muốn có sự can thiệp của cộng đồng quốc tế vào vấn đề riêng của họ, dẫn chứng mà New Dehli đưa ra là Hiệp ước Simla năm 1972 – hiệp ước đó đưa đến một giải pháp qua đàm phán song phương mà không cần có sự tham gia của cộng đồng quốc tế. Ấn Độ cũng đề cập đến Văn kiện gia nhập được Hoàng tử Hari Signh ký năm 1947.
Kể từ sau quyết định của Hoàng tử Hari Signh, Kashmir trở thành một điểm nóng, với hai cuộc chiến tranh lớn giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1947-1948 và năm 1965. Sau khi cuộc chiến tranh đầu tiên ở Kashmir kết thúc vào tháng 1/1949, một đường ranh giới đã được dựng lên chia cắt Kashmir thành hai vùng Kashmir - Ấn Độ và Kashmir - Pakistan. Vào tháng 7/1972, Hiệp ước Simla đã quy định một đường ranh giới chính thức gọi là Ranh giới kiểm soát. Về cơ bản đường Ranh giới kiểm soát này giống với đường ranh giới năm 1949, chạy qua vùng núi non cao 5.000m. Ở vùng núi này, điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, cái lạnh khủng khiếp làm chết rất nhiều người. Ở phía bắc của đường ranh giới, từ năm 1984, các lực lượng của hai bên đã xây căn cứ trên núi băng Siachen cao hơn 6.000m. Ranh giới kiểm soát chia cắt Kashmir thành hai phần: phần thuộc về Ấn Độ nằm ở phía Đông và phía Nam Kashmir với dân số khoảng 9 triệu người, thuộc bang Jammu và bang Kashmir; phần còn lại ở phía Bắc và phía Tây do Pakistan kiểm soát, dân số khoảng 3 triệu người, được gọi là vùng Kashmir Azad (Kashmir tự do). Trung Quốc cũng kiểm soát một phần nhỏ lãnh thổ Kashmir được Pakistan nhượng lại từ năm 1963. Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong vấn đề Kashmir. Pakistan luôn đòi chủ quyền đối với Kashmir bởi vì dân số ở vùng đất này phần lớn là người Hồi giáo. 60% dân số của bang Jammu và Kashmir thuộc Ấn Độ là người Hồi giáo. Đây là bang duy nhất của Ấn Độ có người Hồi giáo chiếm đa số. Ở Kashmir hiện nay có nhiều lực lượng tham gia vào các cuộc bạo động đòi chủ quyền. Kể từ khi phong trào của những người Hồi giáo nổi lên từ năm 1989, những chiến binh ly khai có vũ trang đã tăng từ con số hàng trăm lên hàng nghìn. Lực lượng đông đảo nhất hiện nay là nhóm ủng hộ Pakistan Hizbul Mujahideen. Mặt trận giải phóng Jammu và Kashmir (JKLF) là lực lượng ủng hộ độc lập lớn nhất ở Kashmir - Ấn Độ, nhưng nhiều người cho rằng ảnh hưởng của Mặt trận này đang suy yếu dần. Các nhóm khác tập hợp dưới ngọn cờ của Hội nghị liên minh Tự do, Hội nghị này chủ trương hoạt động một cách hoà bình nhằm kêu gọi Ấn Độ từ bỏ sự hiện diện của nước này ở Kashmir. Hơn 50 năm qua, Ấn Độ và Pakistan luôn ở trong tình trạng quan hệ thù địch. Sự thù địch này bắt nguồn từ nguyên nhân tôn giáo và lịch sử, và leo thang thành một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Cuộc tranh chấp này càng phức tạp hơn vì có thêm những thế lực bên ngoài tham gia. Trung Quốc không chỉ chiếm 5.180 km2 ở Kashmir sau khi được Pakistan nhượng lại từ năm 1963 mà còn hậu thuẫn cho chính quyền Islamabad trong thế đối trọng với New Dehli. Sự hậu thuẫn này là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn đề Kashmir trở nên phức tạp. Việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình ở vùng đất bạo lực này không thể thiếu sự tham gia của Trung Quốc. Có thể thấy vấn đề Kashmir là một nhân tố quan trọng chi phối quan hệ Trung - Ấn hiện nay.
3.Sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế thế giới trong thập niên đầu thế kỉ XXI cũng làm tăng nhu cầu về năng lượng. Dầu mỏ trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia. Nền kinh tế đang nở rộ của Trung Quốc phải phụ thuộc dầu mỏ từ bên ngoài có thể lên tới 67% nhu cầu. Còn Ấn Độ cũng phải nhập khẩu tới 60% nhu cầu dầu mỏ(5). Sự cạnh tranh trong việc tìm kiếm những nguồn cung mới cũng trở nên quyết liệt hơn. Chính việc phải tìm kiếm những nguồn cung dầu mỏ mới là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn tăng cao trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản (tranh chấp quần đảo Điếu Ngư) và một số nước Đông Nam Á (tranh chấp ở biển Đông). Điều này cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa Trung Quốc với Ấn Độ ở những vùng có trữ lượng dầu mỏ lớn như Trung Á, Trung Đông và châu Phi.
Vùng Trung Á là nơi có nhiều tài nguyên và năng lượng. Trong cuộc đua tranh với các cường quốc để nắm nguồn cung năng lượng ở đây, Trung Quốc và Ấn Độ đều tích cực gây ảnh hưởng. Các nước Trung Á, sau khi rời xa sự chi phối của Nga, chấp nhận Trung Quốc như một thế lực đối trọng nhưng cũng cảnh giác với những hành động chiếm đóng Tây Tạng và Tân Cương của Bắc Kinh. Họ thấy Ấn Độ, với truyền thống không liên kết, là một đối tác ít vấn đề hơn và uy thế ngày càng tăng của Ấn Độ cũng cho phép cân bằng ảnh hưởng của cả Nga lẫn Trung Quốc. Mặt khác, họ chia sẻ những yếu tố địa lý, ngôn ngữ, đạo giáo, văn hoá và cả giống nòi của các cộng đồng Hồi giáo Uyghur và Kazakh ở Tân Cương, đang bị Bắc Kinh o ép. Trong khi đó, Ấn Độ có được thiện cảm của họ vì là đồng minh của Afghanistan chống lại các lực lượng Taliban (được Pakistan giúp đỡ) và đã giới thiệu nước này vào SAARC. Để loại các nước khác ra khỏi cuộc chơi, tháng 6/2001, Trung Quốc thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) với sự tham gia của Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Nga. Trước ý đồ của Trung Quốc, tháng 5/2005, Ấn Độ đã tham gia SCO với tư cách quan sát viên. Ngay lập tức, Trung Quốc kết nạp Pakistan làm quan sát viên. Trung Quốc xây trong vùng Baluchistan một cảng ở Gwadar, ven biển Ảrập, giúp phương tiện giao thông cho các nước không có đường ra biển, kể cả Afghanistan. Ấn Độ trả đũa bằng cách xây cảng Chahbahar ở Iran để Afghanistan và các nước Trung Á có một hành lang hàng hải đến Vịnh Persia.
Ngoài vùng Trung Á, châu Phi cũng là một địa bàn cạnh tranh quyết liệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Châu Phi chiếm tới 8% trữ lượng dầu mỏ đãđược minh chứng của thế giới. Ở đây, Trung Quốc đang có được ảnh hưởng lớn. Châu Phi cung cấp 30% lượng dầu lửa nhập vào Trung Quốc, với 38,4 triệu tấn dầu năm 2005, tức khoảng 771000 thùng một ngày. Thương mại của Trung Quốc với nhiều nước châu Phi đang tăng lên đáng kể. Chỉ trong hơn 10 năm, trao đổi hàng hoá giữa Trung Quốc và châu Phi đã tăng gấp 17 lần, từ 3 tỉ USD năm 1995 lên đến hơn 50 tỉ USD năm 2006 và theo tuyên bố của thủ tướng Ôn Gia Bảo, sẽ đạt 100 tỉ USD năm 2010. 70% số lượng dầu sản xuất tại Sudan là dành cho Trung Quốc, so với khoảng 10% năm 1995(6). Từ 0% năm 1995, xuất khẩu của Burkina sang Trung Quốc, chủ yếu là sợi bông, hiện chiếm 1/3 tổng số xuất khẩu của nước này. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu thứ hai của Angola, sau Mỹ. Trong ba ngày, từ 3-5/11/2006, Trung Quốc tổ chức trọng thể "Diễn đàn hợp tác Trung-Phi" với sự tham dự của 48 trên tổng số 53 nước châu Phi. Số nước châu Phi tham gia diễn đàn này cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc ở đây đang được tăng lên đáng kể.
Cũng như Trung Quốc, Ấn Độ đến với châu Phi trước hết là vì dầulửa. Trong những năm gần đây, Công ti quốc doanh Oil and Natural Gas Company (ONGC) đã ký kết nhiều hợp đồng thăm dò mỏ dầu và dự án năng lượng khác tại Nigeria và Sudan. Các công ti khác như Indian Oil Corporation (IOC) và National Thermal Power Corporation (NTPC) cũng đầu tư vào các dự án thăm dò và lọc dầu ở Nigeria, Sudan và Côte d'Ivoire. Ngoài dầu lửa, Ấn Độ cũng chú ý đến các tài nguyên khác: các công ti Vendanta Resources đầu tư 750 triệu USD trong một dự án khai  thác chì, Arcelor Mittal đầu tư 900 triệu USD vào một dự án quản lý hầm mỏ quặng sắt ở Liberia và 30 triệu USD vào một nhà máy luyện thép. Những điều trên cho thấy cuộc cạnh tranh trong tìm kiếm các nguồn cung về năng lượng đã có tác động rất lớn tới quan hệ Trung - Ấn hiện nay và trong giai đoạn sắp tới.
4. Thách thức lớn nhất trong quan hệ Trung - Ấn hiện nay là giải quyết vấn đề lịch sử. Trung Quốc và Ấn Độ mặc dù mong muốn cải thiện quan hệ hai nước nhưng những "chấn thương của lịch sử" rất nặng nề, trong đó vấn đề biên giới là vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất. Trung Quốc và Ấn Độ có chung đường biên giới dài khoảng 3.550 km, được phân cách bởi dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng. Do những di sản của thời kì thực dân Anh thống trị Ấn Độ, tranh chấp về biên giới Trung - Ấn sau ngày hai nước độc lập hết sức phức tạp. Bắc Kinh và New Dehli đều tuyên bố chủ quyền ở những vùng biên giới tranh chấp. Ấn Độ đòi Trung Quốc trả lại vùng cao nguyên Aksai Chin với diện tích khoảng 38.000 kmnằm ở phía Tây đường biên giới chung mà Trung Quốc hiện đang quản lí. Ngoài ra, New Dehli cũng cáo buộc Bắc Kinh chiếm đóng bất hợp pháp 5.180 km ở khu vực Kashmir được Pakistan nhượng lại từ năm 1963. Còn Trung Quốc cũng lên tiếng đòi chủ quyền ở bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ ở phía Đông đường biên giới chung với diện tích khoảng 90.000 kmvì cho rằng bang này thuộc vùng Tây Tạng(10). Trung Quốc cũng phản đối việc tiểu bang Sik Kim được sáp nhập vào Ấn Độ năm 1975. Thêm nữa, cả hai hiện còn tranh chấp khoảng 2000 km2 ở đoạn giữa đường biên giới chung. Sau cuộc chiến tranh năm 1962, biên giới giữa hai nước luôn trong tình trạng căng thẳng. Từ cuối những năm 1980 trở đi, cả hai bên đều tích cực tìm kiếm những biện pháp giải quyết những tranh chấp thông qua đàm phán hoà bình. Hai bên đã thành lập Nhóm công tác chung về biên giới để thảo luận nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới. Năm 2002, Trung Quốc và Ấn Độ đã trao đổi bản đồ tuyến kiểm soát thực tế tại "đoạn giữa" biên giới hai nước, nằm trên bang Himachal Pradesh của Ấn và vùng Uttaranchal thuộc Tây Tạng của Trung Quốc. Trải qua 5 lần hội đàm đặc phái viên, ngày 11/4/2005, hai nước đã kí kết "Hiệp định về nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới Trung - Ấn". Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ M.K. Narayanan cho biết, giới chức hai nước đã xây dựng một bản lộ trình để giải quyết cuộc tranh chấp về đường biên giới dài 3.550 km: "Chúng tôi rất hy vọng rằng tài liệu này sẽ là điểm xuất phát của một quá trình cơ bản trong việc dàn xếp bất đồng về biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc"(11). Hiện nay, hai nước đã trải qua 11 vòng đàm phán biên giới và đang bước vào giai đoạn phải xử lý thực chất các nội dung cụ thể. Đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm bởi nó không chỉ liên quan tới lợi ích quốc gia mà vì nó là hệ quả của những vấn đề lịch sử. Do vậy, để có một biên giới Trung - Ấn hòa bình, ổn định đòi hỏi hai bên phải hết sức nhẫn nại, nhân nhượng và có thiện chí. Đây chính là nhân tố chi phối lớn nhất đến quan hệ Trung - Ấn trong giai đoạn hiện nay.
Đáng chú ý là những vấn đề lịch sửnày được đặt trong bối cảnh sức mạnh quốc gia của cả Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng được tăng cường. Trung Quốc, sau gần 30 năm cải cách, mở cửa đã đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế, sức mạnh quốc phòng được tăng cường, đang cố gắng hiện thực hoá ước mơ trở thành cường quốc khu vực và sau đó vươn lên toàn cầu trong thế kỉ XXI. Năm 2004, GDP của Trung Quốc đạt khoảng 1665 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt 609 tỷ USD. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đã lớn hơn Canada và Italia, hai nước thuộc G7(12). Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự nổi lên của Ấn Độ cũng đã tác động đến cơ cấu địa chính trị thế giới. Từ cuối những năm 1990 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Ấn Độ đạt trung bình 6%. Với đà tăng trưởng đó, theo dự báo của WB và IMF, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mĩ vào giữa thế kỉ XXI(13). Sự tranh giành ảnh hưởng giữa hai “gã khổng lồ” châu Á đã có từ lâu nhưng đến giai đoạn này, khi thực lực của cả Trung Quốc và Ấn Độ đều được tăng cường thì sự cạnh tranh đó càng trở nên quyết liệt hơn. Do vậy, sự tăng cường thực lực quốc gia là một nhân tố chi phối đến quan hệ hai nước Trung - Ấn.
Cùng với sức mạnh quốc gia ngày càng tăng, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện chính sách đối ngoại tự tin hơn. Bên cạnh xu hướng hợp tác hữu nghị, giữa Trung Quốc và Ấn Độ còn có sự cạnh tranh nóng bỏng. Trung Quốc từ trước vẫn chỉ coi Ấn Độ là một cường quốc khu vực, trong phạm vi một tiểu lục địa. Thậm chí, giới cầm quyền Trung Quốc còn cho rằng Ấn Độ, với sự hỗn loạn trong nước, sẽ không bao giờ đi đến thống nhất về hành động. Tuy nhiên, hơn một thập niên qua, Ấn Độ đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên theo nhiều cách. Ấn Độ không chỉ thách thức hệ thống quốc tế bằng cách tiến hành các vụ thử hạt nhân vào tháng 5/1998 mà còn đàm phán gia nhập câu lạc bộ hạt nhân thành công thông qua việc nuôi dưỡng mối quan hệ đặc biệt với nước Mĩ. Tỉ lệ tăng trưởng cao chưa từng có ở Ấn Độ trong những năm gần đây cũng cho Bắc Kinh thấy rõ rằng động lực kinh tế đằng sau sự trỗi dậy của Ấn Độ là hiện hữu và hợp logic. Tài ngoại giao nước lớn thành công của New Delhi, kể cả việc nối lại quan hệ hữu nghị với Washington và Tokyo, khiến Bắc Kinh nhận thức được khả năng Ấn Độ có thể thu hẹp “đất diễn” của Trung Quốc. Khi Ấn Độ tránh xa khỏi “người anh em” đang xuống dốc Pakistan, chính sách truyền thống về việc cân bằng Ấn Độ của Trung Quốc trong phạm vi tiểu lục địa không thể tiếp tục tồn tại. Trung Quốc hiểu rằng nếu cứ tiếp tục chính sách kiềm chế như trước sẽ vô hình chung đẩy Ấn Độ tham gia vào “vòng cung dân chủ” do Mĩ khởi xướng để kiềm chế Trung Quốc. Việc Bắc Kinh xích lại gần New Dehli cũng nhằm trấn an Ấn Độ và các nước láng giềng châu Á về thuyết “trỗi dậy hoà bình”.
Mặc dầu vậy, bên cạnh xu hướng cải thiện quan hệ với Ấn Độ, Trung Quốc vẫn không ngừng thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của người láng giềng. Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Islamabad cho thấy Trung Quốc vẫn muốn can dự sâu hơn vào khu vực được coi là sân sau của Ấn Độ. Trung Quốc đang đầu tư nhiều hơn vào Pakistan và Bangladesh, Sri Lanka, Nepal. Thương mại giữa Trung Quốc với những nước này đạt 20 tỷ USD vào năm 2005, tương đương với kim ngạch của Ấn Độ với họ. Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka cũng ký kết với Trung Quốc những hiệp định hợp tác quốc phòng và chiến lược. Trung Quốc cũng trở thành quan sát viên của Tổ chức hợp tác khu vực Nam Á, nơi được coi là “diễn đàn riêng” của Ấn Độ.
Ở Đông Nam Á, Trung Quốc tăng cường quan hệ với Myanmar. Những động thái của Trung Quốc đầu tư vào các hải cảng ở Pakistan, Bangladesh và Myanmar được coi là một phần trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc đang nhắm vào để kiềm chế Ấn Độ.
Còn với Ấn Độ, những gánh nặng của quá khứ cộng với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc những năm gần đây làm cho thuyết “đe đoạ từ Trung Quốc” càng có sức thuyết phục. Ấn Độ quan sát sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chiến lược ngày một lớn của Bắc Kinh ở châu Á với con mắt cảnh giác. Việc Trung Quốc ủng hộ mạnh mẽ và liên tục cho Pakistan càng khiến các chính khách ở New Dehli coi nước láng giềng lớn này là nguy cơ về an ninh. Quan hệ quốc phòng giữa Bắc Kinh với Islamabad, những hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Ấn Độ Dương, hoạt động quân sự ở Tây Tạng, Nepal và Myanmar là nguyên nhân khiến New Dehli phải lo ngại. Một báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Ấn Độ mới đây cảnh báo về một thực tế là “mọi thành phố lớn của Ấn đều nằm trong tầm tên lửa của Trung Quốc, và khả năng này càng nghiêm trọng hơn khi trong số các tên lửa đó có cả loại đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm(14).
Theo nhiều nhà phân tích, ở Ấn Độ có ba cách cảm nhận và phản ứng trước sự vươn lên và sức mạnh của Trung Quốc: một là thán phục và khiếp sợ và do đó nghĩ rằng cần phải cầu an với Trung Quốc; hai là coi Trung Quốc như mối đe doạ nhưng trong tương lai xa, cho nên phải tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự của để giao lưu với Trung Quốc hầu kềm chế và cân bằng ảnh hưởng; và ba là coi Trung Quốc như mối đe dọa lớn và ngay trước mắt, và vì thế phải đối xử như Trung Quốc đã đối xử với Ấn Độ: áp dụng chính sách ngăn cản và bao vây. Đại đa số người Ấn thuộc trường phái thứ hai. Họ nhận thức được ảnh hưởng thuận lợi của các cải cách và bước tiến kinh tế của Trung Quốc trên châu Á và Ấn Độ  nhưng cũng chia sẻ những quan tâm về chính sách quân sự của Trung Quốc. Họ hiểu là đối với Trung Quốc không thể cầu an mà cũng chẳng thể ngăn cản. Vì vậy, Ấn Độ cần cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đồng thời tự cường, nâng cao sức mạnh quốc gia, hạn chế những ảnh hưởng của người láng giềng.
Hiện nay, với tiềm lực kinh tế và quân sự đang lên, Ấn Độ rất tự tin trong quan hệ với Trung Quốc. Để trung hoà ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Ấn Độ ngày càng tăng cường quan hệ với các nước ASEAN. Về mặt chiến lược, Ấn Độ khai thác sự nghi ngại cố hữu của các nước Đông Nam Á trước sức mạnh ngày càng lớn, sự tăng cường quân sự và những ý đồ bành trướng không che dấu của Trung Quốc. Nhiều nước trong vùng, đặc biệt là Indonesia, Philippin và Việt Nam, vẫn còn tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Khác với những xung đột giữa Ấn Độ và các nước Nam Á, xoay quanh các biên giới trên đất liền, sự tranh chấp giữa các nước Đông Nam Á và Trung Quốc liên quan đến lãnh hải, như vấn đề Trường Sa và Hoàng Sa trong trường hợp Việt Nam, nên ở đó còn kèm theo yếu tố chiến lược hàng hải. Để chặn bớt ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ cũng xích lại gần Myanmar. Ngoài ra, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan còn có nhiều dự án khác, như xây cảng sâu ở Dawei ở Myanmar để phục vụ cả ba nước.
5. Như vậy, đây là mối quan hệ giữa hai cường quốc láng giềng đang trỗi dậy. Với tư cách là những cường quốc đang lên, quan hệ Trung - Ấn thời gian qua chịu sự tác động thường xuyên của những chuyển biến mạnh mẽ môi trường quốc tế (Với những biểu hiện như toàn cầu hoákhu vực hoáphát triển mạnh mẽ; cách mạng khoa học - công nghệ với quá trình tin học hoá sản xuất ngày càng lan rộng; cuộc chiến chống khủng bố do Mĩ phát động; nhân tố nước lớn và Pakistan…). Điều này phản ánh xu thế vận động mới của cục diện chiến lược quốc tế trong thời kỳ “hậu chiến tranh lạnh”: Xu thế kiếm tìm đồng minh từ chính đối thủ mà mọi người vẫn gọi là “vừa hợp tác, vừa cạnh tranh”. Trong bối cảnh cục diện thế giới đang vận động, cục diện chiến lược quốc tế chưa hình thành, sự trỗi dậy “ngoạn mục” của “con voi Ấn Độ” và “con rồng Trung Quốc”, thì sự tác động của nhân tố quốc tế đối với quan hệ Trung - Ấn càng trở nên mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn là điều dễ hiểu. Hơn nữa, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ cũng đã ý thức rất rõ vai trò cường quốc của mình trong hệ thống quốc tế và xã hội quốc tế. Cho nên, cả hai nước đều đã chủ động trong những mối quan hệ kiếm tìm đồng minh của các cường quốc bên ngoài.
Với tư cách là những quốc gia láng giềng, quan hệ Trung - Ấn trong thế kỉ mới vẫn luôn chịu tác động của những di chứngdolịch sử để lại, trong đó quan trọng nhất là vấn đề tranh chấp biên giới, lãnh thổ, vấn đề Kashmir… Lịch sử quan hệ và sự trỗi dậy của hai nước cả về kinh tế lẫn tiềm lực quốc phòng cho thấy, việc giải quyết những vấn đề này khó có thể nhanh chóng trong một tương lai gần. Do đó, quan hệ Trung - Ấn vừa phát triển tích cực để tạo môi trường thuận lợi giải quyết tranh chấp, bất đồng, tránh sự lợi dụng của bên ngoài. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa hai nước cũng gia tăng để chiếm lợi thế trong việc giải quyết tranh chấp. Điều cần chú ý là: Cạnh tranh luôn là thuộc tính của quan hệ nước lớn, do đó sự cạnh tranh Trung - Ấn vừa là sự cạnh tranh giữa hai nước láng giềng đầy “duyên nợ”, vừa là sự cạnh tranh của hai cường quốc, trước hết là cường quốc khu vực. Điều này lí giải vì sao cả hai nước luôn nỗ lực cải thiện quan hệ, gia tăng ảnh hưởng với các quốc gia trong khu vực trong thời gian qua mà trường hợp Mianmar(15) chỉ là một ví dụ.
Sự trỗi dậy của sức mạnh quốc gia  chính sách của hai nước Trung - Ấn đối với nhau cũng là những nhân tố hết sức quan trọng, thúc đẩy mối quan hệ này phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Trong bối cảnh thế giới sau chiến tranh lạnh, sức mạnh quốc gia được xem là điểm tựa cho sự hợp tác lẫn cạnh tranh. Quan hệ Trung - Ấn cũng không phải là ngoại lệ.
Thực tế của quan hệ Trung - Ấn cho thấy, những nhân tố bên trong, đặc biệt là những vấn đề lịch sử, luôn có tính quyết định nhất đối với mối quan hệ đặc biệt này. Những nhân tố bên ngoài cũng hết sức quan trọng. Sự tương tác giữa những nhân tố bên trong và bên ngoài sẽ tạo ra thuận lợi hay thách thức và quyết định đến chiều hướng phát triển của quan hệ Trung - Ấn trong những năm đầu thế kỉ XXI. Tuy nhiên, do là mối quan hệ giữa hai cường quốc láng giềng nên sự hợp tác và cạnh tranh của hai nước này sẽ mạnh mẽ hơn, gay gắt hơn và nhạy cảm hơn trước những thay đổi của môi trường quốc tế cũng như khu vực. Do đó, sự vận động của mối quan hệ này sẽ khá phức tạp, hàm chứa những biến động khó lường trong tương lai xa. Đây vừa là cơ hội thuận lợi to lớn để các quốc gia trong khu vực lợi dụng để tăng cường quan hệ sâu rộng hơn với cả hai bên, song cũng là thách thức không nhỏ khi phải luôn tìm cách né tránh những nhân tố rủi ro của mối quan hệ này.
Chú thích


(*) Khoa Lịch sử - ĐHSP Hà Nội.


(1) Lưu Kim Hâm, Tri thức không biên giới - Trung Quốc trước thách thức thế kỉ XXI, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2004, tr. 509.
(2) Trần Văn Tùng, Con đường phát triển kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, Tạp chí Đảng cộng sản Việt Nam, số 13, tháng 7/2006, tr. 70.
(3) Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt, Ấn Độ - Trung Quốc: Một bước tiến mới về hợp tác kinh tế, 25/5/2005, tr. 7.
(4) Phát biểu của Tổng thống G. W. Bush trước hai Viện Quốc hội và nhân dân Hoa Kì ngày 20/9/2001 (Dẫn theo Lê Linh Lan (chủ biên), Về chiến lược an ninh của Mĩ hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 176 – 177).
(7) Asia in U.S. Foreign and National Security Policy in the Next Millennium, Address by U.S. Representative Doug Bereuter, 02/02/2000.
(8) Vibhuti N. Haté - Teresita C. Schaffer, U.S - India defence relations: strategic perspectives, Centrer for strategic and International studies, Wasinhton D.C, Number 105, April 4 2007.
(9) Võ Xuân Vinh, Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, 03/2006, tr. 64.
(5) Vũ Văn Hà (chủ biên), Quan hệ Trung Quốc - ASEAN - Nhật Bản trong bối cảnh mới và tác động của nó tới Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr. 51, 54.
(6) Đỗ Tuyết Khanh, Quan hệ hợp tác và cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trong thế giới đa cực, Tạp chí Thời đại mới, số 12, tháng 11/2007,http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai12/200712_DTKhanh.htm
(10) Madhur Singh, Can China and India be friend ?http://www.time.com/time/printout/0,8816,1697595,00.html
(12) Elizabeth Becker, Beijing is invited for talks with G7, The Herald International Tribune, 24/09/2004.
(13) Trần Văn Tùng, Con đường phát triển kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ, Tạp chí Đảng Cộng sản Việt Nam, số 13, tháng 07/2006, tr. 69.
(14) Ấn – Trung “mua láng giềng gần”http://vietbao.vn/The-gioi/An-Trung-mua-lang-gieng-gan/10823430/161/
(15) Xem thêm:
- Col R Hariharan (retd.), India-Myanmar-China relations, Asian Tribune (Sun, 22 – 7 – 2007, 02:30), http://www.asiantribune.com/index.php?q=node/6641
- Ann Koppuzha (Research Intern, IPCS)India’s Myanmar PolicyAn Alternative Roadmap,IPCS ISSUE BRIEF,No 77, Institute of Peace and Conflict Study, New Delhi, July 2008.
                - Charles Grant (The Director of the Centre for European Reform), India’s Role in the New World Order, Centre for European Reform, London 2008.
                - Poon Kim Shee (Visting Professor at College of International Relations, Ritsumeikan University, Japan), The Political Economy of China-Myanmar Relations: Strategic and Economic Dimensions, The International Studies Association of Ritsumeikan University: Ritsumeikan Annual Review of International Studies, 2002. ISSN 1347-8214. Vol.1, pp. 33-53.
                - Xiaolin Guo, Towards Resolution: China in the Myanmar Issue, Central Asia-Caucasus Institute & Silk Road Studies Program , March 2007.
 

Gửi lúc: 54:16:4 14/6/2009
Views: 9029 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top