QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH MARSHALL Ở TÂY ĐỨC (1948 - 1951)
A A+
QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH MARSHALL Ở TÂY ĐỨC (1948 - 1951)

Đăng trên Nghiên cứu Lịch sử - 2012

 

Văn Ngọc Thành(*) - Hoàng Thị Nga(**)

TÓM TẮT

Kế hoạch Marshall (European Recovery Program, ERP) là một chương trình quy mô lớn của Mỹ để hỗ trợ châu Âu nhằm giúp xây dựng lại nền kinh tế châu Âu sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Kế hoạch Marshall viện trợ cho Tây Đức 1,39 triệu USD và giúp nước Đức đứng dậy lên từ đống tro tàn của sự thất bại. Năm 1951, một năm trước khi Kế hoạch Marshall kết thúc, sản xuất công nghiệp của Đức đã vượt qua mức trước chiến tranh. Tuy nhiên, Kế hoạch Marshall không phải là căn nguyên duy nhất tạo nên sự phục hồi của Đức, nó như là một công cụ hữu hiệu góp phần để cho Tây Đức tự cứu mình.

ABSTRACT

THE IMPLEMENTATION OF THE MARSHALL PLAN  IN THE WEST GERMANY (1948 - 1951)

The Marshall Plan (European Recovery Program, ERP) was the large-scale American program to aid Europe, where the United States gave monetary support to help rebuild European economies after the end of World War II. Marshall Plan aid to West Germany totaled 1,39 milion USD and enabled this country to rise from the ashes of defeat. Even a year before the end of the Marshall Plan in 1951, Germany had surpassed prewar industrial production level. Even so, the Marshall Plan itself did not cause the German recovery, but it was a valuable tool in helping Germany to help itself.

***

Kế hoạch Phục hưng châu Âu (European Recovery Program - ERP), hay Kế hoạch Marshall, được ca ngợi là thành công lớn nhất trong lịch sử viện trợ nước ngoài của Mỹ. Từ năm 1948 đến năm 1951, Kế hoạch Marshall đã cung cấp 13,3 tỷ USD(1) viện trợ cho Tây Âu. Và đúng như tên gọi của nó, các nền kinh tế của Tây Âu đã phục hồi đáng kể từ sau chiến tranh, trong đó đáng chú ý nhất là sự phục hồi của nền kinh tế Tây Đức.

1. Chiến tranh thế giới thứ hai có chiến trường chính ở châu Âu và thủ phạm chính của nó là nước Đức. Do đó, sự tàn phá của chiến tranh đối với châu Âu nói chung, nước Đức nói riêng là hết sức nặng nề.

Về kinh tế, Chiến tranh thế giới thứ hai đã phá hủy 15% tài sản cố định của Đức(2). Horace N. Gilbert – một thành viên của Viện khảo sát đánh bom chiến lược của Hoa Kỳ (The United States Strategic Bombing Survey) có mặt tại Đức mùa hè năm 1945 đã báo cáo về Washington: “Tôi đã chứng kiến sự thiệt hại vật chất to lớn và sự đảo lộn kinh tế làm tê liệt tất cả mọi khu vực kinh tế, ngoại trừ nông nghiệp”(3).

Hệ thống đường sá của châu Âu bị bom đạn oanh tạc nghiêm trọng. Hầu hết, các tuyến đường sắt của Đức đều bị đánh sập, chỉ còn 10% sử dụng được, gây khó khăn cho việc vận chuyển than đá phục vụ nhu cầu sản xuất và sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh năm 1947. Trước chiến tranh, Tây Âu phụ thuộc vào nguồn lương thực thặng dư từ Đông Âu, nhưng những nguồn đó đã bị chặn lại phía sau “Bức màn sắt(4). Tại Pháp, chính phủ buộc phải cắt giảm một nửa khẩu phần bánh mỳ của người Paris, còn 200 gram một ngày. Dù vậy, họ vẫn còn tốt hơn những người dân Berlin không nhà cửa, sống lay lắt trong đống hoang tàn đổ nát. Tình hình đặc biệt tồi tệ tại Đức, trong năm 1946 – 1947 lượng kilocalorie trung bình trên đầu người chỉ là 1.800, không đủ đảm bảo sức khỏe về lâu về dài. Các nguồn khác cho biết lượng kilocalorie trong các năm đó thay đổi, có thể thấp đến mức 1.000 và 1.500(5). Người ta đã thông báo cho Washington là “hàng triệu người đang từ từ chết đói(6). Một nhân tố cốt yếu khác của nền kinh tế là sự thiếu hụt than đá, nó càng trở nên trầm trọng vì mùa đông lạnh lẽo 1946 – 1947. Tại Đức, các căn hộ không được sưởi ấm, khiến hàng trăm người chết cóng. Hậu quả là 40% người Đức bị bệnh lao phổi đe doạ(7).

Lúc bấy giờ, Đức nhận được nhiều đề nghị từ các quốc gia Tây Âu đổi lương thực lấy than đá và sắt thép. Nhưng cả Italy lẫn Hà Lan đều không thể được bán rau quả mà trước đó họ vẫn bán ở Đức, và hệ quả là Hà Lan phải tiêu hủy một phần đáng kể vụ thu hoạch của mình. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đó, cơn sốt lạm phát lại xuất hiện. Ở Đức và Áo “giá cả tăng đột biến do Liên Xô cho in quá nhiều đồng tiền Đức cũ (đồng Reichsmark) trong thời gian chiếm đóng dẫn đến nạn đầu cơ, chợ đen và tình trạng bất ổn trong đội ngũ công nhân(8). Mặt khác, “sự ồ ạt tràn vào Tây Đức của 8 triệu người bị trục xuất và người tị nạn trong những năm đầu sau chiến tranh cũng làm tình hình Tây Đức trở nên trầm trọng(9).

Về chính trị, trong vòng hai năm sau khi chiến sự khép lại, phe Đồng minh về cơ bản đã giải quyết xong những vấn đề xung quanh các hiệp ước hoà bình với các chư hầu của Đức (Italy, Hungary, Rumania, và Bulgaria). Tuy nhiên vấn đề lớn nhất – tương lai của nước Đức, vẫn chưa đi đến một thoả thuận chung giữa các Đồng minh thời chiến. Bấy giờ, Đức bị chia thành 4 vùng quân quản: ba vùng phía Tây do Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát và vùng phía Đông do Liên Xô kiểm soát. Thủ đô Berlin cũng chia thành 4 khu vực tương tự. “Động thái phát triển khác nhau giữa vùng do Liên Xô quản lý và những vùng do phương Tây quản lý cũng như điều chỉnh về vấn đề bồi thường chiến tranh làm cho việc đối xử với nước Đức một cách thống nhất, nhất quán trở nên không thể thực hiện được”(10).

          Đối với Liên Xô, vấn đề Đức mang cả ý nghĩa kinh tế lẫn chính trị, trong đó vấn đề bồi thường chiến tranh đóng vai trò trung tâm. Moscow yêu cầu Đức phải “bồi thường tổng số 20 tỷ Mark(11). Liên Xô cần có khoản tiền bồi thường này dưới dạng hàng hoá lấy từ những nhà máy bị tháo dỡ của Đức và những khoản tiền lấy từ nền sản xuất hiện thời của Đức cho công cuộc tái thiết của mình. Cuối cùng, một giải pháp được đưa ra là mỗi cường quốc thu khoản bồi thường chiến tranh trong vùng quân quản của nước đó. Ngoài ra, liên Xô nhận được thêm 25% tổng số trang thiết bị thu được trong vùng quân quản của phương Tây(12). Giải pháp này tiếp tục chia cắt Đức về mặt kinh tế.

          Việc thực hiện bồi thường chiến tranh và sự liên kết với những chế độ chính trị và kinh tế khác nhau của bốn vùng quân quản đã làm cho Đức biến thành đất nước mà ở đó Chiến tranh lạnh bộc lộ hơn hẳn so với bất kỳ nước nào khác trên thế giới. Trong thời gian đó, các đảng phái của Đức và các cơ quan hành chính bắt đầu thành lập tại từng vùng. Tại vùng quân quản của Liên Xô, đã tiến hành một cuộc “Cải tạo chính trị và xã hội” trong vùng này dưới khẩu hiệu “Cuộc cải tạo dân chủ chống phát xít(13). Cuộc cải tạo này nhằm tập trung kiểm soát mọi hoạt động chính trị và xã hội vào tay cộng sản Đức và những người họ tin tưởng.

          Trong ba vùng quân quản phía Tây thì sự phát triển của cuộc sống chính trị bắt đầu từ dưới lên. Các đảng phái chính trị lúc đầu chỉ tồn tại ở mức độ địa phương, sau đó là trong phạm vi bang khi các bang được thành lập. Các cơ quan hành chính trong phạm vi vùng quân quản chỉ mới chớm hình thành. Nhưng vì sự thiếu thốn vật chất của một đất nước  nằm trong đổ nát chỉ có thể khắc phục được nếu có một kế hoạch rộng khắp vượt qua ranh giới các vùng quân quản. Vì cơ chế quản lý hành chính chung của bốn cường quốc thắng trận không hoạt động được nên năm 1947, Mỹ và Anh sáp nhập hai vùng quân quản của họ về mặt kinh tế, sau này sáp nhập thêm cả Pháp.

          Những khác biệt giữa hệ thống chính trị ở phía Đông và phía Tây, cũng như cách thực thi rất khác nhau chính sách bồi thường chiến tranh từng vùng quân quản đã ngăn cản một chính sách chung trên toàn nước Đức không những về tài chính, thuế quan, nguyên liệu và sản xuất mà còn làm cho tình hình chính trị phức tạp và căng thẳng.

          Ý tưởng phục hồi kinh tế châu Âu nói chung, nước Đức nói riêng, sau Chiến tranh thế giới được Mỹ đưa ra khá sớm. Trước khi có bài diễn văn của Tướng Marshall, một số người đã đặt vấn đề cần lên kế hoạch tái thiết châu Âu. Ngoại trưởng Mỹ James F. Byrnes đệ trình một phiên bản trước đó của kế hoạch này trong bài Diễn văn chính sách cho nước Đức ("Restatement of Policy on Germany") tại Nhà hát Opera ở Stuttgart vào ngày 6 tháng 9 năm 1946. Trong một loạt các báo cáo với tên "The President's Economic Mission to Germany and Austria" (Chương trình kinh tế của Tổng thống cho Đức và Áo), một báo cáo được Tổng thống Harry S. Truman ủy thác, cựu Tổng thống Herbert Hoover đã đưa ra một quan điểm nghiêm túc về kết quả chính sách chiếm đóng Đức. Trong báo cáo đó Hoover đề nghị nhiều thay đổi cơ bản trong chính sách chiếm đóng. Thêm vào đó, Tướng Lucius D. Clay đề nghị với nhà công nghiệp Lewis H. Brown tiến hành khảo sát nước Đức hậu chiến và phác thảo bản báo cáo "A Report on Germany" (Báo cáo về nước Đức) vào năm 1947, bao gồm nhiều thông tin căn bản liên quan đến các vấn đề mà Đức phải đương đầu, với lời khuyên cho việc tái thiết. Năm 1944, Kế hoạch Morgenthau, theo tên Bộ trưởng Tài chính Mỹ là Henry Morgenthau, Jr. cũng được đề xuất. Kế hoạch đó sẽ trích một lượng bồi thường chiến phí khổng lồ từ nước Đức để tái xây dựng các quốc gia đã bị Đức tấn công tàn phá, và cũng là để ngăn nước Đức không bao giờ có thể vươn dậy được. Một kế hoạch gần như thế là Kế hoạch Monnet của một viên chức Pháp tên Jean Monnet, kế hoạch này đề nghị dành cho Pháp quyền kiểm soát vùng công nghiệp than đá của Đức là Ruhr và Saar để sử dụng các nguồn tài nguyên cho việc nâng sản lượng công nghiệp của Pháp lên mức 150% trước chiến tranh(14).

Tuy nhiên, ai cũng nhận ra thực tế nước Đức từ lâu đã là nhà công nghiệp khổng lồ của châu Âu nên sự khốn khó của họ đã kéo lùi lại sự phục hồi của châu Âu nói chung. Sự thiếu thốn trầm trọng ở Đức cũng làm cho việc chiếm đóng Đức trở nên hết sức tốn kém, vì quân đội Đồng Minh chiếm đóng tại đây phải tự xoay xở phần lớn những vật tư cần thiết. Các yếu tố đó, cộng với sự lên án rộng khắp của công luận sau khi các kế hoạch này bị để lộ cho báo chí, khiến người ta trên thực tế phải bác bỏ Kế hoạch Monnet và Kế hoạch Morgenthau. Tuy nhiên, tới tháng 4 năm 1947, Truman, Marshall và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Dean Acheson cuối cũng cũng bị thuyết phục rằng cần phải sử dụng một nguồn viện trợ lớn cho nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung từ chính nước Mỹ.

Sự ra đời của Kế hoạch phục hung châu Âu cũng được thúc đẩy bởi vấn đề tương lai của nước Đức trong Hội nghị Moscow tháng 3 và tháng 4 năm 1947. Hơn ai hết, người Mỹ hiểu rõ rằng không khôi phục nước Đức có thể không khôi phục được châu Âu. Nói cách khác, việc khôi phục châu Âu đòi hỏi phải làm sống lại nền sản xuất của Đức nên vấn Đức trở nên đặc biệt quan trọng.

2. Quá trình thực hiện kế hoạch Marshall tại Tây Đức vừa có những điểm chung như ở các nước Tây Âu nhưng cũng có những nét riêng. Điều này thể hiện rõ thông qua 2 mặt sau đây:

Thứ nhất: Về hình thức viện trợ của kế hoạch Marshall

Sau một mùa đông dài thảo luận và với sự căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ Đông - Tây, cuối cùng Chương trình Phục hưng châu Âu cũng đã chính thức ra đời bằng một đạo luật của Quốc hội và được Tổng thống Truman ký tháng 4 năm 1948. Để quản lý dự án này, một cơ quan liên bang mới, Cơ quan Quản lý Hợp tác Kinh tế (Economic Cooperation Administration) (ECA) đã được thành lập. Giám đốc Công ty ô tô Studebaker là Paul G. Hoffmann làm người đứng đầu ECA. Việc chi tiêu cho kế hoạch đã được tiến hành ngay lập tức dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội.

Để đáp ứng đòi hỏi, Hội nghị về Hợp tác Kinh tế châu Âu (CEEC) nhanh chóng tự chuyển đổi thành Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (Organisation for European Economic Co-operation - OEEC) theo đề xuất của Thủ tướng Bỉ Paul-Henry Spaak. Trong khi đó các đại sứ quán của Hoa Kỳ tại mỗi quốc gia thành viên cũng nhận được văn bản những hiệp ước song phương đã ký, quy định nghĩa vụ của các chính phủ châu Âu đối với người bảo trợ của họ. Một trong số đó là sự cho phép thành lập “phái đoàn đại diện” ECA tại thủ đô mỗi nước thành viên. Một ủy ban chính thức sẽ liên kết mỗi phái đoàn với chính phủ thành viên nhằm giám sát hoạt động của chương trình viện trợ trên thực tế.

Nhiệm vụ chủ yếu của ủy ban là đặt kế hoạch cho việc chi dùng một cách có hiệu quả số tiền trong các “Quỹ đối ứng” (Counterpart funds) mới thành lập. Đây là đặc trưng của toàn bộ quá trình vận hành, một công cụ làm cho Kế hoạch Marshall khác biệt với bất kỳ chương trình trợ giúp truyền thống nào khác. “Quỹ này là một tài khoản ở một ngân hàng quốc gia được mở để giữ tiền thu được từ việc bán những hàng hóa của chương trình ERP tại quốc gia đó”(15). Như vậy, sự trợ giúp không phải là không có điều kiện và không phải là tiền mặt như người châu Âu đã hình dung. Thay vào đó, chúng thường là hàng hóa gửi từ Mỹ và được bán cho nhà thầu nhà nước hoặc tư nhân tại nước sở tại ở Tây Âu trả giá cao nhất. Tiền được trả sẽ không quay về nước Mỹ mà vào “Quỹ đối ứng” này. Số tiền này cũng không ở dạng USD mà quy ra tiền tương ứng của nước sở tại, vì dụ ở Đức sẽ là Dmark. Nguồn Quỹ đối ứng này do phái đoàn ECA và chính phủ nước sở tại cùng quyết định, sẽ được dùng trong các nỗ lực hiện đại hóa và tái thiết quốc gia đó.

Tại Tây Đức, theo các nguyên tắc của ECA, 60% nguồn Quỹ đối ứng đó phải được dùng để đầu tư vào công nghiệp(16). Điều này rất đáng chú ý ở đây, nơi “Quỹ đối ứng” do chính phủ quản lý đóng một vai trò quan trọng trong việc cho các công ty tư nhân vay tiền để tiến hành tái thiết. Nguồn quỹ này đóng vai trò trung tâm trong việc tái công nghiệp hóa nước Đức.

Ví dụ như trong những năm 1949-1950, “40% các khoản đầu tư cho công nghiệp than ở Đức đến từ các quĩ này(17). Các công ty có nghĩa vụ hoàn trả các khoản vay lại cho chính phủ, và số tiền này sẽ được đem cho một ngành kinh tế khác vay. Ngân hàng Kreditanstalt für Wiederaufbau (KfW) được thành lập tại Tây Đức để tài trợ cho các dự án tái thiết khẩn cấp sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Nó đã đóng vai trò như là tổ chức tài chính quản lý kinh phí Kế hoạch Marshall tại Tây Đức. Ngân hàng KfW nhận nguồn kinh phí từ Quỹ đối ứng và hoạt động theo nguyên tắc của Quỹ đối ứng và ECA. Quá trình này được tiếp tục cho đến ngày nay dưới sự quản lý của Ngân hàng nhà nước KfW. Quỹ đối tác này, khi đó được quản lý bởi Bộ Kinh tế Liên bang, trị giá tới hơn 10 tỷ Dmark(18) năm 1971. Năm 1997, nó lên tới 23 tỷ Dmark. Nhờ vào hệ thống cho vay quay vòng, quỹ này cho tới năm 1995 đã có thể dành các khoản vay lãi xuất thấp cho người dân Đức với tổng trị giá lên tới 140 tỷ Dmark.

Khoảng 40% còn lại của Quỹ đối ứng được dùng để trả nợ, bình ổn tiền tệ, hoặc đầu tư vào các chương trình phi công nghiệp(19). Khác với Đức, nước Pháp sử dụng các Quỹ đối ứng này rộng rãi hơn, họ dùng chúng để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Tại Pháp và hầu hết các quốc gia khác, nguồn tiền từ các Quỹ đối ứng được gộp vào tổng thu ngân sách nhà nước, chứ không được dùng để quay vòng vốn như ở Đức.

Theo thống kê, đến tháng 9/1949, số tiền trong Quỹ đối ứng là 57.000.000 Dmark (tương đương 13.566.000 USD). Trong số tiền này, 40.000.000 Dmark (9.520.000 USD) được đầu tư cho đường sắt, 14.000.000 Dmark (3.332.000 USD) cho điện dự án điện; 1.000.000 Dmark (238,000 USD) cho việc cải thiện khí đốt và 2.000.000 Dmark (476,000 USD) còn lại cho việc xây dựng lại một số cảng(20).

Giai đoạn sau, một nguồn quỹ 50.000.000 Dmark (11.900.000 USD) cũng được ECA thông qua để hiện đại hóa các mỏ than ở vùng Ruhr, đặc biệt đầu tư thiết bị mới để đẩy mạnh sản xuất than đá(21).

Ngoài ra, ECA cũng thông qua 44.000.000 Dmark (10.472.000 USD) qua Quỹ đối ứng  đầu tư vào trạm điện Tây Berlin(22). Trạm này đã hoàn toàn bị phá bỏ bởi Liên Xô thời kỳ đầu chiếm đóng. ECA tin tưởng “đầu tư cho trạm điện này là đầu tư cho tương lai của Berlin”.

Thứ hai, trong lĩnh vực công nghiệp

Tổng số tiền Kế hoạch Marshall viện trợ cho Tây Đức từ 1948-1951 tương đương 1,39 tỷ USD(23) – con số này chỉ bằng 1/10 tổng số viện trợ cho châu Âu. Anh và Pháp đã nhận được gấp hai và ba lần con số này. Tuy nhiên, không phải ở Anh hay Pháp mà cuối cùng Tây Đức lại là nước có nền kinh tế vượt mức trước chiến tranh khi Kế hoạch này kết thúc. Như vậy, ở đây không thể phủ nhận sự thành công kinh tế của Tây Đức thực sự là một kết quả của kế hoạch viện trợ Marshall, nhưng kế hoạch này đã đóng góp vào sự thành công ấy đến mức độ nào? Trong việc tiếp cận câu hỏi này, chúng tôi quyết định tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp nặng của nền kinh tế Tây Đức là than và thép vì nhiều lý do. Trước hết, đến năm 1948, hai lĩnh vực này đã được coi là hai lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế Tây Đức. Thứ hai, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính sách của quân Đồng Minh đối với Đức nói chung và ERP nói riêng tập trung nhiều vào vấn đề sản xuất than và thép của Tây Đức. Thứ ba, than và thép là hai ngành công nghiệp tập trung ở vùng Ruhr - Tây bắc nước Đức. Địa bàn này nằm trong phạm vi quân quản của phương Tây và chịu tác động của hệ thống ERP.

Những thách thức phải đối mặt với các ngành công nghiệp than đá của Đức năm 1948 là rất khác nhau trong cách giải quyết của những người kiểm soát giữa hai ngành than và thép. Quân Đồng minh thống nhất trong mong muốn tăng sản lượng than của Đức, nhưng chính họ cũng lại xác định việc giới hạn sản xuất thép. Trước khi Thế chiến II nổ ra, khu vực Ruhr đã được xem là nhà sản xuất than chính trong lục địa châu Âu. Vì vậy, trong quân Đồng minh, người Pháp đặc biệt hy vọng sẽ có thể khai thác các nguồn tài nguyên nhiên liệu Đức để hỗ trợ quá trình tái thiết của họ. Tuy nhiên, các nước Đồng Minh đã áp đặt một số gánh nặng khó khăn lên ngành sản xuất than của Đức. Cơ quan xuất nhập khẩu quân Đồng Minh JEIA đã áp đặt giá than ở Đức với mức giá cố định. “Trong khi giá thế giới lúc đó cho 1 tấn than là 25-30 USD, nhưng JEIA chỉ định giá cho 1 tấn than của Đức là 10.50 USD. Ở mức giá đó, các mỏ than ở Ruhr chẳng thể mong đợi điều gì, ngoài sự thiệt hại”(24). Ngay cả sau khi định mức hạn chế giá than của JIEA được giải thể vào năm 1949, Bộ trưởng Kinh tế Đức Ludwig Erhard vẫn quyết định điều chỉnh ngành công nghiệp nặng. Trong thời gian này, ngành công nghiệp than vẫn bất lực để thiết lập giá của riêng mình. Đây là lúc các nguồn quỹ của Kế hoạch Marshall phát huy tác dụng. Bởi thực tế, ngành công nghiệp đã nhận được khoản cứu trợ lớn nhất trong quy định của ECA và Quỹ đối ứng trong so sánh tương quan với các lĩnh vực kinh tế công nghiệp khác. Quỹ đối ứng đã chứng minh được tầm quan trọng trong các dự án xây dựng lại và sửa chữa nhà ở đã bị phá hủy trong chiến tranh. Trong năm 1949, Quỹ đối ứng đóng góp 47%(25) tổng đầu tư cho ngành công nghiệp than. Tất nhiên, nhu cầu đầu tư thực tế của ngành công nghiệp than vẫn chưa được đáp ứng với nguồn vốn này, nhưng nó lại rất cần thiết để bước đầu vực dậy một ngành công nghiệp then chốt của Tây Đức. Năm 1951, sản xuất than vùng Ruhr đạt 75% so với năm 1938. Chỉ một năm sau, các doanh nghiệp than vùng Ruhr lấy lại hiệu quả sản xuất và đạt mức trước chiến tranh. Như vậy, Kế hoạch Marshall đã tác động tích cực đến ngành công nghiệp than ở Tây Đức.

Với ngành công nghiệp thép, nó được xem như là một mối đe dọa đối với an ninh châu Âu nói chung và nền kinh tế Pháp nói riêng. Vì vậy, quân Đồng minh đã sử dụng Kế hoạch định mức Công nghiệp năm 1946 để hạn chế sản xuất sắt và thép ở Tây Đức. Hàng chục cơ sở sản xuất thép quan trọng đã được lên kế hoạch chi tiết để tháo dỡ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán xung quanh Kế hoạch Marshall đã góp phần giảm thiểu việc tháo dỡ này. Trong tháng 8 năm 1947, theo đề nghị của ECA, một bước mới của Kế hoạch thảo thuận Công nghiệp đã nêu rõ việc tránh cho nhiều cơ sở vật chất bị tháo dỡ. Định mức hạn chế sản xuất thép cũng được nâng lên mức hợp lý hơn. Kế hoạch Marshall thực sự đã kiềm chế đáng kể ý muốn phá hủy nền công nghiệp thép ở Tây Đức của quân Đồng Minh. Tuy nhiên, chính sách của quân Đồng minh đối với ngành công nghiệp sắt và thép về cơ bản không thay đổi cho đến tận năm 1950, khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Nhu cầu của thế giới, đặc biệt các nước tham chiến đối với thép tăng vọt. Tại thời điểm này, Kế hoạch Marshall đã rót vốn cho việc tập trung nguồn lực vào đầu tư đối ngành công nghiệp sắt và thép. Ngành công nghiệp thép do đó trở thành nơi nhận phần lớn viện trợ của Kế hoạch Marshall trong hai năm cuối của kế hoạch này. Theo đó, ngành công nghiệp thép ở Tây Đức phục hồi nhanh chóng và tăng trưởng mạnh. Điều này được phản ánh rõ qua Bảng sau:

Bảng thống kê các nguồn chi của ERP cho các ngành kinh tế

của Tây Đức và Tây Berlin

Đơn vị: triệu Dmark

Ngành

Tây Đức

Tây Berlin

Năng lượng

275

19

Khai thác than

80

 

Sản xuất sắt và thép

75

 

Xuất khẩu

50

80.255

Công nghiệp đóng tàu

85

 

Xây dựng nhà ở

180

7.5

Nghiên cứu công nghiệp

10

0.875

Source: “Third ECA Investment Program Begin” in Information Bulletin, April 1951, p. 55

Thứ ba, trong nông nghiệp:

          Sau chiến tranh, nền nông nghiệp của Tây Đức được xem là ngành duy nhất không bị ảnh hưởng mạnh. Tuy nhiên, họ vẫn gặp phải nhiều vấn đề như: thiếu vốn, kỹ thuật kém, nhiều loại dịch bệnh không kiểm soát được và đặc biệt đội ngũ cán bộ nông nghiệp không có chuyên môn cao. Kế hoạch Marshall khi triển khai ở Đức tập trung phần lớn cho công nghiệp, nhưng cũng trích một phần quỹ cho một số dự án nông nghiệp. Các dự án nông nghiệp dưới tên gọi là “Chương trình hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp của Kế hoạch Marshall” (Marshall plan Agricultural Technical Assistance Program) do Cơ quan an ninh chung (Mutual Security Agency) (MSA) trong lĩnh vực nông nghiệp phụ trách. MSA đã sử dụng kinh phí hỗ trợ của Kế hoạch Marshall tổ chức các chuyến đi trao đổi, học tập kỹ thuật cho các chuyên gia nông nghiệp của Tây Đức và Mỹ. Theo đánh giá của Henry A. Goodman “không phải tất cả các chuyến đi đào tạo kỹ thuật tới Mỹ cho các chuyên gia nông nghiệp Đức đều đạt được kết quả ngay trước mắt, nhưng chúng chính là những giải pháp góp phần hướng tới những kết quả lâu dài hoặc giải quyết những vấn đề mãn tính của nền nông nghiệp Đức(26). Chẳng hạn chuyến đi của Tiến sỹ Wolfgang Klatt ở Sở Bảo vệ thực vật Stuttgart cùng một vài đồng nghiệp người Đức đã tới Mỹ vào mùa hè 1950. Họ được nghiên cứu, trao đổi về cách kiểm soát dịch bệnh do côn trùng gây ra ở các thảm thực vật. Tiến sỹ Klatt đặc biệt quan tâm đặc biệt đến vấn đề dịch bệnh ở thảm cây bụi và cây ăn quả ở Đức – vấn đề tồn tại từ năm 1946. Hơn 46000 nông dân ở 700 thị trấn Tây Đức bị thiệt hại bởi vấn đề này(27). Chi phí thực tế của Chính phủ Tây Đức cho việc kiểm soát vấn đề này là 3.000.000 Dmark (743.000 USD/năm). Sau chuyến đi này, Tiến sỹ Klatt đã mang về từ Mỹ một phương pháp sinh học để kiểm soát côn trùng – vấn đề mà trước kia người Đức chưa biết đến. Một nguồn quỹ của Kế hoạch Marshall mang tên “Insectorium fund” – Quỹ chống côn trùng được triển khai ở Stuttgart để hỗ trợ về kinh phí cho việc triển khai phương pháp mới này(28). Đến năm 1952, phương pháp này có kết quả và được áp dụng rộng rãi ở Đức.

          Bên cạnh các dự án hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho các chuyên gia từ Đức sang Mỹ và ngược lại, thì còn có một dạng thứ ba được hỗ trợ bởi MSA. Đó là các kỹ sư nông nghiệp của Đức đi sang một nước châu Âu khác trong một thời gian ngắn để nghiên cứu các lĩnh vực trong kinh tế nông nghiệp mà nước đó có ưu điểm. Chẳng hạn, một nhóm kỹ sư Đức được MSA gửi sang Hà Lan để học về kỹ thuật vận hành Tổ hợp máy kéo trước khi nó được áp dụng ở Tây Đức, hay một khóa học hỗ trợ thanh niên vùng nông thôn được tổ chức ở Áo.

          Hầu hết những dự án trên được chi trả một khoản lớn bởi MSA, với sự hỗ trợ một phần của Chính phủ Đức. “Trung bình một dự án với 6 chuyên gia Đức ở Mỹ 10 tuần tốn khoảng 10.000 USD. Chi phí này do Mỹ chi trả thông qua MSA và 30.000 Dmark (7140 USD) được chi trả bởi Chính phủ Đức thông qua Quỹ đối ứng của Kế hoạch Marshall(29).

          Tính đến cuối năm 1952, tổng số 39 dự án hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp với 173 chuyên gia Đức đã sang Mỹ để nghiên cứu. Trong hai năm 1951 – 1952, đã có 234 chuyên gia Đức sang học tập kinh nghiệm tại các nước châu Âu khác trong 47 dự án khác nhau. Những con số này không thực sự lớn, nhưng những dự án hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp thông qua MSA bằng nguồn quỹ của kế hoạch Marshall đóng góp vào việc nâng cao sản xuất nông nghiệp và áp dụng những phương pháp có tính ứng dụng lâu dài cho nền nông nghiệp Tây Đức.

 

Kế hoạch Marshall đã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Đức, nhưng vai trò này phải có điều kiện đủ. Nền kinh tế Tây Đức phục hồi một phần là nhờ vào viện trợ kinh tế từ Kế hoạch Marshall, nhưng phần lớn là nhờ vào cuộc cải cách tiền tệ năm 1948 thay thế đồng Reichsmark bằng đồng Dmark, từ đó chặn đứng nạn lạm phát leo thang. Về viện trợ vật chất hữu hình, rõ ràng Kế hoạch Marshall không viện trợ tiền một cách trực tiếp, mà thông qua việc mua hàng hóa Mỹ, lấy tiền đó làm số vốn đó để giải quyết các vấn đề kinh tế khác và việc trao đổi kỹ thuật. Như vậy, Kế hoạch Marshall chỉ là một trong số nhiều thành tố đằng sau sự phục hồi kinh tế Đức. Dù vậy, tại Đức huyền thoại về Kế hoạch Marshall vẫn còn được lưu truyền. Theo Susan Stern, trong cuốn “Marshall Plan 1947–1997 A German View”, nhiều người Đức vẫn còn tin là nước Đức là quốc gia duy nhất hưởng lợi từ chương trình này, rằng nó bao gồm những khoản viện trợ cho không gồm những món tiền lớn, rằng chương trình này là chương trình độc nhất mang lại sự phục hồi kinh tế nước Đức trong thập niên 1950.

Tuy nhiên, các nhà sử học chính trị lại có cái nhìn khác. Trong quan điểm của họ, Kế hoạch Marshall là được “coi như là một chiến lược kinh tế chính trị dài hạn thống nhất của Mỹ để tái thiết châu Âu dọc theo dòng thị trường tự do mà trung tâm xung quanh việc tích hợp lại nền kinh tế của Tây Đức vào các bộ phận khác nhau. Thông qua kế hoạch Marshall, Mỹ sẽ thiết lập lại nền kinh tế Tây Đức với tư cách Mỹ là nhà cung cấp hàng hoá chính cho tư bản Tây Âu, từ đó mở ra cách cửa cho một thị trường tiềm năng của Mỹ ở Tây Âu với thói quen và nhu cầu đã được áp đặt”(30). Họ nhìn nhận Kế hoạch Marshall không nên được xem là sự hồi sức lâu dài cho một bệnh nhân mà được ví như sự cấp cứu ban đầu. Nó không phải là nguyên nhân chính đưa đến sự hồi phục nhanh chóng của Tây Đức, nhưng nó là một công cụ có giá trị trong việc giúp Đức tự giúp đỡ bản thân. Vì vậy, người Đức trong đánh giá về “phép lạ kinh tế” – Wirtschaftswunder đã dùng một thuật ngữ khác để đánh giá về thành công thực tế của Kế hoạch Marshall là “Hilfe und Sebsthilfe” – có nghĩa là “phục hưng và tự phục hưng(31) [9; 85]

 

CHÚ THÍCH

 

(*) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

(**) Trường Đại học Sư phạm Xuân Hòa

 

(1) Về tổng số tiền của Kế hoạch Marshall đã dùng  để phục hồi châu Âu đến nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Trong “The Marshall Plan and the creation  of the West”, tác giả William I. Hitchcock cho rằng nước Mỹ đã tốn 12,3 tỷ USD cho kế hoạch Phục Hưng châu Âu (tr 8). Một học giả khác là Alan S. Milward trong cuốn “The Reconstruction of West Europe, 1945 - 1951”, University California, 1984 thì đã tổng kết toàn bộ nguồn kinh phí của Kế hoạch Marshall là 12,5 tỷ USD (tr 94). Cùng quan điểm cho rằng Tây Âu đã nhận 13 tỷ USD từ Mỹ là học giả Barry Eichengreen trong “The Marshall Plan: History’s Most Successful Structural Adjustment Program” (tr 2) và học giả Eliot Sorel và Pier Carlo Padoan trong “The Marshall Plan – Lessons learned for the21st Century” (tr 7). Gần đây, nhiều học giả tán thành với ý kiến tổng số tiền của Kế hoạch Marshall là 13,3 tỷ USD. Larry I. Bland trong “Creation and Implementation of the Marshall Plan, 1947 - 1948” (tr 3) thống kê tổng số tiền của Mỹ cho kế hoạch này là 13,3 tỷ, trong đó có 11,8 tỷ viện trợ và 1,5 tỷ cho vay. Cùng ý kiến này có  David Peter Jensen trong “The Marshall Plan and Recovery: German Coal and Steel” tr 237. Trung tâm Marshall đặt tại Đức (Marshall Center) cũng đã xác nhận số tiền 13,3 tỷ USD trong các nghiên cứu của mình.

(2) Đàm Thị Đào (2009), “Kế hoạch Marshall”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN, tr. 18.

(3) Horace N. Gilbert (1951), “Report on Germany”, in Engineering and Science, Vol XIV, May 1951, p. 7.

(4) “Bức màn sắt”  là thuật ngữ do Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức Quốc xã, Joseph Goebbels, sử dụng lần đầu tiên trong một bản tuyên ngôn của ông, được xuất bản trong tờ báo Đức “Das Reich” vào tháng 2/1945, nhưng nó được phổ biến và biết đến với vai trò của Winston Churchill trong Bài diễn văn "Nguồn tiếp sức cho Hòa bình" vào ngày 5/3/1946 tại  Đại học Westminster ở Fulton, Missouri “Từ Szczecin ở Baltic cho đến Trieste ở Adriatic một "bức màn sắt" đã chạy dọc theo Lục địa. Phía sau bức màn đó là tất cả những thủ đô của những quốc gia cổ ở Trung và Đông Âu. Warszawa, Berlin, Praha, Viên, Budapest, Beograd, Bucharest và Sofia; tất cả những thành phố nổi tiếng này cùng dân cư sống quanh đó đang nằm trong thứ mà tôi phải gọi là quả cầu Liên Xô, và tất cả đều phải lệ thuộc, bằng cách này hay cách khác, vào không chỉ sự ảnh hưởng của Liên Xô mà còn vào sự điều khiển chặt chẽ và có khi ngày càng tăng lên từ Moskva”. Bức màn sắt là một biên giới địa lý lẫn tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Thế chiến II vào năm 1945 đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh vào năm 1991. Nó còn là một biên giới phòng thủ giữa các quốc gia Tây và Đông Âu, mà trong đó nổi bật nhất là Bức tường Berlin, trong một thời gian dài là biểu tượng của toàn bộ Bức màn sắt

(7) Đàm Thị Đào (2009), “Kế hoạch Marshall”, Luận văn Thạc sỹ, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN, tr. 58.

(8) Hans – Hermann Hoppe (1991), “De – Socialization in a United Germany”, in The Review of Austrian Economics, Vol 5, No.2, ISSN 0889 – 3047, p. 77.

(9) Horace N. Gilbert (1951), “Report on Germany”, in Engineering and Science, Vol XIV, May 1951, p. 7.

(10) Cơ quan Báo chí – Thông tin chính phủ CHLB Đức (2003), “Nước Đức quá khứ và hiện tại”, Nxb CTQG, HN, tr. 141.

(11) Cơ quan Báo chí – Thông tin chính phủ CHLB Đức (2003), “Nước Đức quá khứ và hiện tại”, Nxb CTQG, HN, tr. 141.

(12) Cơ quan Báo chí – Thông tin chính phủ CHLB Đức (2003), “Nước Đức quá khứ và hiện tại”, Nxb CTQG, HN, tr. 141.

(13) Cơ quan Báo chí – Thông tin chính phủ CHLB Đức (2003), “Nước Đức quá khứ và hiện tại”, Nxb CTQG, HN, tr. 142.

(15) Aileen Miles (1950), “ECA Counterpart Funds are playing a Major in the Drama of German Recovery”,  in Information Bulletin, July 1950, p. 3.

(17) Aileen Miles (1950), “ECA Counterpart Funds are playing a Major in the Drama of German Recovery”,  in Information Bulletin, July 1950, p.4

(18) Dmark là tên gọi của đồng Deutschmark – đồng tiền được phát hành ngày 20/6/1948 thay thế cho đồng tiền cũ Reichmark  trong  cuộc cải cách tiền tệ ở vùng quân quản phía Tây do Ludwig Erhard – Bộ trưởng kinh tế khu vực chiếm đóng phía Tây ban hành.

(20) Aileen Miles (1950), “ECA Counterpart Funds are playing a Major in the Drama of German Recovery”,  in Information Bulletin, July 1950, p. 4.

(21) Aileen Miles (1950), “ECA Counterpart Funds are playing a Major in the Drama of German Recovery”,  in Information Bulletin, July 1950, p. 4.

(22) Aileen Miles (1950), “ECA Counterpart Funds are playing a Major in the Drama of German Recovery”,  in Information Bulletin, July 1950, p. 4.

(23) David Peter Jensen, “The Marshall Plan and Recovery: German Coal and Steel”, p. 237.

(24) David Peter Jensen, “The Marshall Plan and Recovery: German Coal and Steel”, pp 237.

(25) David Peter Jensen, “The Marshall Plan and Recovery: German Coal and Steel”, pp 238.

(26) Henry A. Goodman (1953), “MSA help to Farmers”, in Information Bulletin, February 1953, p. 9.

(27) Henry A. Goodman (1953), “MSA help to Farmers”, in Information Bulletin, February 1953, p. 9.

(28) Henry A. Goodman (1953), “MSA help to Farmers”, in Information Bulletin, February 1953, p. 10.

(29) Henry A. Goodman (1953), “MSA help to Farmers”, in Information Bulletin, February 1953, p. 10.

(30) David Peter Jensen, “The Marshall Plan and Recovery: German Coal and Steel”, p.238.

(31) Werner Abelshauser (1989), “Hilfe und Selbsthilfe – Zur Funktion des Marshallplans beim Westdeutschen Wiederaufbau”, Viertejahrshefte fuer Zeitgeschichte, Institut fuer Zeitgeschichte, Muechen – Berlin, p. 85.

Views: 8420 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top