ASEAN TRONG CHÍNH SÁCH AN NINH – QUỐC PHÒNG CỦA ẤN ĐỘ TẠI KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 1991 – 2017
A A+
ASEAN TRONG CHÍNH SÁCH AN NINH – QUỐC PHÒNG CỦA ẤN ĐỘ TẠI KHU VỰC CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 1991 – 2017

(Đăng trên tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á)

Văn Ngọc Thành(*) - Trần Anh Đức(**)

Từ năm 1991, Cộng hòa Ấn Độ đã có những bước phát triển ngoạn mục về mọi mặt, làm thay đổi vị thế quốc gia ở khu vực cũng như quốc tế. Cuối năm 2016, lần đầu tiên sau 150 năm, Ấn Độ vượt Anh – Đế quốc đã cai trị mình trước đây để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới về GDP, xếp sau Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản và CHLB Đức[1]. Theo dự đoán của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế thì Ấn Độ sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong tương lai gần, với mức tăng trung bình trên 7% (năm tài khóa 2016 – 2017, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,1%). Với sức mạnh kinh tế đang lên như vậy, dù giới chính trị Ấn Độ còn dè dặt trong việc khẳng định mong muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị của mình trên thế giới, các quốc gia khác cũng đang nghiêm túc xem xét động thái của Ấn Độ như một cường quốc đang tìm kiếm cách thức tăng cường tham dự trong những diễn tiến của chính trị quốc tế. Trên thực tế, đã xuất hiện những chỉ dấu rõ ràng cho sự sẵn sàng can dự của Ấn Độ vào các khu vực mà Ấn Độ có lợi ích tại đó. Biểu hiện rõ nhất là chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ tại châu Á – Thái Bình Dương, trọng tâm là hợp tác với các quốc gia ASEAN ở nhiều cấp độ, lĩnh vực. Từ góc độ xem xét yếu tố địa chính trị mới của thế giới sau Chiến tranh Lạnh ảnh hưởng đến chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ, phân tích mối quan tâm Ấn Độ dành cho ASEAN trong giai đoạn 1991 – 2017, chúng tôi muốn chứng minh: ASEAN có vị trí trung tâm trong chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 1991 – 2017; đồng thời, cố gắng phân tích một số tác động đối với Việt Nam khi ASEAN trở thành trụ cột của một Ấn Độ đang nỗ lực hiện diện ở phía Đông.

1. Lý do ASEAN trở thành trung tâm trong chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ tại châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 1991 – 2017

- ASEAN quan trọng với an ninh kinh tế của Ấn Độ

Trước hết, cần khẳng định, kinh tế đang dần trở thành yếu tố định hình vị thế của ASEAN trong chính sách chung của Ấn Độ tại châu Á – Thái Bình Dương. Tính đến năm 2016, Ấn Độ thuộc top 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là thành viên của G20 (Nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi) và nhóm BRICS gồm các cường quốc kinh tế mới nổi đại diện cho các châu lục (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Ấn Độ đang ngày càng mạnh lên về kinh tế, nhu cầu mở rộng thị trường thương mại, đầu tư kinh doanh của nước này do đó cũng gia tăng. Những khu vực thuộc không gian kinh tế, thương mại mang tính tiếp giao cao độ thuộc vành đai Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như ASEAN chắc chắn tạo ra hấp lực lớn đối với Ấn Độ. Bằng chứng là, vào năm tài khóa 2011 – 2012, giá trị thương mại Ấn Độ - ASEAN đạt 79,3 tỉ USD, chiếm 30,42% tổng giá trị thương mại giữa Ấn Độ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương[2]. Ngược lại, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là quốc gia đứng thứ 8 về đầu tư trực tiếp nước ngoài của ASEAN năm 2015. Mối quan hệ với các nước ASEAN đóng vai trò như một chất xúc tác và là động lực cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Trong một thế giới toàn cầu hóa cao độ, nhận thức về sự khác biệt hệ thống chính trị giảm đi, mức độ tương thích giữa các hệ thống kinh tế tăng lên, quan hệ Ấn Độ và ASEAN sẽ khó tách rời, Ấn Độ cần ASEAN và ngược lại. Với tính chất nhạy cảm của mình, ASEAN rất dễ bị tổn thương trước bất cứ biến động chính trị nội bộ hay đe dọa an ninh nào từ bên ngoài, từ đó có thể gây phương hại tới các lợi ích kinh tế của Ấn Độ ở Đông Nam Á, rộng hơn là khu vực thương mại năng động châu Á – Thái Bình Dương. Giá trị kinh tế đưa lại từ ASEAN là nhân tố thúc đẩy ý niệm duy trì, mở rộng và bảo vệ lợi ích của Ấn Độ trong khu vực. Thêm vào đó, sự gắn kết kinh tế càng bền chặt, càng tạo ra nền tảng, trụ cột để khai triển các phương diện chính sách khác, trong đó có chính sách an ninh – quốc phòng.

- ASEAN quan trọng với địa - chính trị của Ấn Độ

Việc Ấn Độ thúc đẩy chính sách an ninh – quốc phòng của mình coi trọng ASEAN trong chiến lược an ninh chung được xem như cách thức để đối phó và giảm thiểu sức ép của Trung Quốc tại Nam Á - Ấn Độ Dương. Trong những năm gần đây, Trung Quốc dường như đang cố gắng tái định vị địa vị chính trị của họ trong mối quan hệ với các cường quốc khác tại châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời nỗ lực ứng phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia, thúc đẩy các mục tiêu kinh tế, duy trì lợi ích quốc gia của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mà họ cố định hình. Ý tưởng “Một vành đai, một con đường” (OBOR) và dự án “Con đường Tơ lụa trên biển” (MSR) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013 trong các bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho tới nay đã đạt được những bước tiến đáng kể. Mặc dù Trung Quốc cố gắng giải tỏa mối nghi ngờ từ các quốc gia Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và nhất là từ Ấn Độ về mối đe dọa an ninh trực tiếp qua những dự án khổng lồ khắp Nam Á - Ấn Độ Dương của mình nhưng sự có mặt với tần suất ngày càng lớn của Hải quân Trung Quốc (PLAN) trong các hải cảng trọng yếu như Karachi (Pakistan) hay Colombo (Sri Lanka) lại đang làm dấy lên những lo ngại cho cả Ấn Độ và Mĩ[3].

Hệ thống hải cảng mà Trung Quốc hiện đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp quy mô với chi phí ban đầu khoảng 140 tỉ USD[4] được cho là sẽ kết thành một vành đai giả định, khép chặt lên toàn bộ bán đảo Đông Dương, vịnh Bengal và tiểu lục địa Ấn Độ với tên gọi “Chuỗi ngọc trai” (String of Pearls). Không gian kiềm tỏa chiến lược khởi đầu từ Hải Nam (Trung Quốc) tiến qua đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) cùng một số thực thể tại quần đảo Trường Sa, xuống eo Malacca, qua cảng Sittwe (Myanmar), kéo lên cảng Chittagong (Bangladesh), nam tiến đến Hambantota (Sri Lanka) rồi bắc tiến và dừng lại tại cảng Karachi (Pakistan) hoàn toàn có thể hỗ trợ Hải quân Trung Quốc “chặn đứng” khả năng Hải quân Ấn Độ (kể cả Hải quân Mĩ) phát huy sức mạnh trên Ấn Độ Dương. “Chuỗi ngọc trai” cũng có khả năng kết nối với tuyến vận tải quy mô lớn xuyên châu Á mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng từ cảng Gwadar của Pakistan, tạo một “gọng kìm” khống chế Ấn Độ, đồng thời giúp họ bảo đảm thông suốt luồng vận tải năng lượng qua Trung Á.

Ấn Độ - cường quốc truyền thống tại Nam Á và Ấn Độ Dương cũng cảm nhận được mối đe dọa về an ninh và để thoát khỏi thế “lưỡng nan về an ninh”, họ đã tập trung vào Chính sách Hướng Đông/Hành động phía Đông, hướng sự quan tâm tới châu Á – Thái Bình Dương. Việc duy trì một sức mạnh hàng hải – hải quân tương đối tại Thái Bình Dương, đề cao hợp tác an ninh hàng hải với các nước ASEAN, châu Đại Dương, và Đông Bắc Á có lẽ là phương sách đúng đắn nhất để Ấn Độ vừa phá vỡ nguy cơ đe dọa an ninh từ “Chuỗi ngọc trai”, vừa tạo bước đệm bảo vệ các lợi ích dài hạn của Ấn Độ trong khu vực.

Tuyên bố của Trung Quốc năm 2010 coi Biển Đông là “lợi ích quốc gia cốt lõi” tương tự như Đài Loan, Tây Tạng cùng những hành động vượt quá giới hạn kiềm chế trên Biển Đông, đã và đang tạo ra thách thức thực sự với Ấn Độ. Nước này có nhiều lợi ích sống còn tại các tuyến thương mại đường biển (SLOCs) đi qua vùng Biển Đông. Hiện nay, khoảng 50% tỉ trọng thương mại của Ấn Độ có được là với các thị trường phía Đông eo biển Malacca. Eo Malacca cũng được ví như “yết hầu” ra vào Ấn Độ Dương từ phía Đông của các nước khác song song với hướng tiếp cận châu Á – Thái Bình Dương của Ấn Độ. Khi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với một số nước ASEAN, các luồng giao thương quốc tế sẽ gặp bất ổn, cộng với nguy cơ tiềm ẩn từ việc độc quyền kiểm soát SLOCs của Trung Quốc, khó khăn thực sự có thể buộc Ấn Độ phải can dự trực tiếp nhằm duy trì an ninh từ xa, bao gồm cả an ninh chính trị, an ninh kinh tế. Coi trọng ASEAN trong chính sách an ninh – quốc phòng tại châu Á – Thái Bình Dương là cách thức tốt nhất đảm bảo lợi ích quốc gia mà Ấn Độ theo đuổi5.

- ASEAN quan trọng trong quá trình mở rộng ảnh hưởng ngoài Nam Á của Ấn Độ

Vị trí chiến lược của Ấn Độ khiến cho nước này dễ nhạy cảm với những diễn biến vượt ra ngoài phạm vi láng giềng cận kề với nó, ở Tây Á, Trung Á, khu vực Ấn Độ Dương và châu Á – Thái Bình Dương. Những thay đổi của an ninh chung, đặc biệt là an ninh hàng hải khu vực châu Á xuất hiện: nỗ lực mở rộng sức mạnh và phạm vi ảnh hưởng hàng hải của các nước Đông Nam Á; sự nổi lên của các cường quốc hàng hải Trung Quốc, Ấn Độ; sự hồi sinh vai trò khu vực của Nhật Bản với Luật an ninh mới; sự hiện diện ngày càng tăng hải quân Mĩ trong các vùng biển châu Á thông qua chính sách “tái cân bằng”. Giữa bối cảnh đầy phức tạp từ các đặc điểm và xu hướng đa chiều cạnh trên, Ấn Độ xác định có những lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh lớn và có quyền lợi trong việc tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Việc duy trì sự hiện diện thường xuyên, có tính ổn định của Ấn Độ trên mọi phương diện, đặc biệt là quân sự - an ninh hàng hải có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo lợi ích quốc gia của Ấn Độ ở cấp độ khu vực và cấp độ quốc tế, góp phần tạo thế cân bằng chiến lược với các cường quốc khác trong khu vực, hướng tới một châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, hợp tác. Can dự sâu hơn vào các vấn đề chiến lược của khu vực là cách để Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng hơn, lấy châu Á – Thái Bình Dương làm “bàn đạp” dần mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới với tham vọng có được vai trò toàn cầu lớn hơn(6). Theo chúng tôi, Ấn Độ còn cần đến vai trò của ASEAN để tạo lập và hướng tới duy trì vị thế trung tâm trong kết nối liên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thư kí của Bộ Ngoại giao Ấn Độ phụ trách Chính sách Hướng Đông giai đoạn 2002 – 2006, Rajiv Sikri khẳng định: “Ấn Độ đã không thể nổi lên trên vũ đài quốc tế cho tới khi có quan hệ thực sự với ASEAN… trong đó các hội nghị cấp cao Ấn Độ - ASEAN mang lại cơ hội hữu ích nhất…”(7). Quan điểm tương tự được nhà nghiên cứu Alka Acharya đề cập trước đó: “ASEAN là cửa ngõ dẫn tới khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Chính sách Hướng Đông trở thành bàn đạp đưa Ấn Độ thoát ra khỏi bối cảnh Nam Á bí bách và bị giam hãm, giúp Ấn Độ trở thành nhân tố chủ đạo, là cường quốc khu vực đang lên”(8). Như vậy, có một sự nhất quán trong nhận thức của cả chính giới lẫn học giới Ấn Độ về định vị ASEAN trong chiến lược quốc gia nói chung, chính sách an ninh – quốc phòng nói riêng của mình.

2. Những biểu hiện của việc ASEAN trở thành trung tâm trong chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ

Đồng thời với quá trình triển khai các hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa với ASEAN trong khuôn khổ của Chính sách Hướng Đông/Hành động phía Đông, ngay từ thập niên 1990, Ấn Độ đã bắt đầu cụ thể hóa chính sách an ninh – quốc phòng của mình với từng nước ASEAN và sau này là nỗ lực tham gia vào các cơ chế an ninh – hàng hải mà ASEAN là trung tâm. Năng lực quân sự, đặc biệt là hạm đội hùng hậu cho phép Ấn Độ tự tin, chủ động khi gia nhập “sân chơi quốc tế” nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Cụ thể, đối với Ấn Độ, vai trò trụ cột trong chính sách an ninh – quốc phòng tại châu Á – Thái Bình Dương của ASEAN được nhấn mạnh trên các phương diện sau: (1) ASEAN với các cơ chế an ninh – quốc phòng khu vực; (2) ASEAN với hoạt động viếng thăm quân sự, tập trận hải quân; (3) ASEAN với thị phần xuất khẩu công nghệ quốc phòng của Ấn Độ.

- ASEAN với các cơ chế an ninh – quốc phòng khu vực

Vốn rất coi trọng vai trò của ASEAN trong chính sách “ngoại giao quốc phòng” của mình, Ấn Độ đã có nhiều cố gắng nhằm tham gia các cơ chế hợp tác – đối thoại an ninh – quân sự của tổ chức này. Tháng 10/2010, Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác của ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), thể hiện bước can dự sâu hơn vào các vấn đề an ninh – quân sự trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự tham gia liên tục của Ấn Độ trong các nghị sự của ADMM+ kể từ năm 2010 đến nay dường như khơi gợi tính toán của quốc gia Nam Á này muốn trở thành một phần trong tiến trình hợp tác an ninh và cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn tại khu vực. Mong muốn này của Ấn Độ lại được hỗ trợ bởi các Hiệp định hợp tác/Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng với 9 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có 6 quốc gia thành viên ASEAN: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Lào, Singapore. Cụ thể, phần lớn đối tác của Ấn Độ chào đón nước này như một cường quốc ôn hòa, trách nhiệm và tỏ rõ sự quan tâm tới hoạt động hợp tác quốc phòng: huấn luyện nhân sự, trao đổi thông tin tình báo, diễn tập cứu nạn, chống cướp biển, đặc biệt là giao dịch trang bị quốc phòng với “thanh toán linh hoạt”. Ngoài ra, Ấn Độ luôn chứng tỏ mình là nhân tố tích cực, có trách nhiệm trong một số cơ chế đối thoại an ninh hoặc thúc đẩy hợp tác an ninh chung tại châu Á – Thái Bình Dương, hẹp hơn là Đông Nam Á: Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ hoặc Đối thoại an ninh Shangri-la thường niên.

Đánh giá vị thế của ASEAN cũng như tầm quan trọng của tổ chức này đối với các cơ chế an ninh – quốc phòng hình thành tại Đông Nam Á và Đông Nam Á “mở rộng”, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thừa nhận: “Chúng tôi gắn kết với mức độ quan trọng của mối quan hệ với ASEAN, tổ chức đóng vai trò là nhân tố trung tâm trong Chính sách Hướng Đông của Ấn Độ”(9). Nhìn nhận một cách rộng hơn, thông qua vai trò hạt nhân tích cực của ASEAN khi chủ động mời Ấn Độ tham gia những cơ chế đối thoại hoặc hợp tác an ninh có ASEAN là một bên đóng góp mà Ấn Độ có thể phát huy ảnh hưởng chính trị tầm khu vực (hoặc liên khu vực) của mình.

- ASEAN với hoạt động viếng thăm quân sự, tập trận hải quân, đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống

Trên phương diện duy trì thường xuyên các chuyến thăm quân sự cấp cao, các quan chức quốc phòng Ấn Độ đã có hàng loạt chuyến công du tới Đông Nam Á trong thập niên 90 của thế kỉ XX, thời điểm Ấn Độ mới triển khai Chính sách hướng Đông. Từ đó cho tới nay, lịch trình dày đặc của những chuyến thăm tới Đông Nam Á do quan chức quốc phòng cao cấp Ấn Độ thực hiện đã cho thấy mức độ chú trọng lớn hơn rất nhiều mà Ấn Độ ưu ái dành cho khu vực này.

Hoạt động thăm viếng của hải quân Ấn Độ đến các hải cảng trong vùng Đông Nam Á diễn ra tương đối sớm, đều đặn, tăng dần cường độ với hàng loạt chiến hạm trang bị hiện đại, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ về sức mạnh hải quân của Ấn Độ (tần suất thăm viếng của tàu hải quân Ấn Độ thể hiện trong Bảng 1). So với các khu vực khác tại châu Á – Thái Bình Dương, ASEAN có lẽ đứng đầu trong danh sách được ưu ái, bởi lẽ tới tận năm 2004, hải quân Ấn Độ mới bắt đầu cập cảng Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó, Ấn Độ cũng có cơ hội “phô diễn sức mạnh hải quân và thể hiện chính sách Hành động phía Đông” vào tháng 6/2016 khi 4 tàu chiến hiện đại nhất của Hạm đội phương Đông do Chuẩn Đô đốc S.V.Bhokare chỉ huy lần lượt cập cảng Cam Ranh (Việt Nam), vịnh Subic (Philippines), Sasebo (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Vladivostok (Nga) và quay về Port Klang (Malaysia). Việc lần đầu tiên phái tàu hải quân mang theo các vũ khí chống hạm đến gần các hải cảng chiến lược thuộc Thái Bình Dương của Ấn Độ đã vấp phải tiếng nói “quan ngại” từ Trung Quốc(10). Ấn Độ đã nỗ lực xóa tan những mối nghi ngờ không chỉ từ phía Trung Quốc, mà cả các cường quốc khu vực khác xoay quanh câu chuyện liệu một cường quốc hàng hải đang mạnh lên như Ấn Độ có đi quá giới hạn của những tính toán đơn thuần được biện minh như là hành động bảo vệ lợi ích quốc gia.

Hoạt động “ngoại giao tàu chiến” của Ấn Độ ở châu Á – Thái Bình Dương trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây trước những căng thẳng trên Biển Đông, cho thấy sự sẵn sàng của lực lượng này đối với việc bảo vệ các lợi ích kinh tế và thương mại của Ấn Độ trong khu vực cũng như bảo đảm tự do hàng hải.

Bảng 1: Tần suất tàu hải quân Ấn Độ thăm các quốc gia ASEAN từ năm 2000 đến 2016

STT

Quốc gia

Số lần tàu đến

Thời gian cụ thể

1

Việt Nam

13

2004, 2005, 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016

2

Malaysia

8

2000, 2005, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013, 2015

3

Indonesia

7

2004, 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2015

4

Philippines

7

2001, 2004, 2010, 2011, 2012, 2013, 2016

5

Singapore

6

2005, 2009, 2010, 2011, 2012, 2015

6

Thái Lan

3

2010, 2012, 2015

7

Campuchia

2

2008, 2015

Nguồn: Võ Xuân Vinh, Sđd, tr.157; bài viết trên các báo điện tử tiếng Việt: vietnamnet, vnexpress, soha, baomoi…

- ASEAN với hoạt động tập trận song phương, đa phương và thị phần xuất khẩu công nghệ quốc phòng của Ấn Độ

Ngay từ đầu thập niên 1990, sau hàng loạt chuyến thăm cấp cao của quan chức quân sự Ấn Độ tới các nước châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã chủ động mời các nước ASEAN tham gia một cuộc tập trận hải quân chung vào tháng 11/1992 nhằm tăng cường hợp tác kĩ thuật quốc phòng, tuy nhiên kế hoạch đã bất thành. Ấn Độ sau đó đạt được thỏa thuận tiến hành tập trận hải quân chung thường niên với Singapore từ năm 1994 với tên gọi SIMBEX. Cuộc tập trận hỗn hợp song phương gần đây nhất, ngày 18/5/2017 là cuộc tập trận lần thứ 24 của hải quân hai nước diễn ra trên vùng Biển Đông. Mức độ và quy mô diễn tập chung gia tăng theo thời gian và hiện tại việc diễn tập đã bao gồm tất cả các lĩnh vực như phòng thủ hàng không, ngăn chặn trên biển. Đây là chỉ dấu cho thấy sự hiện diện quân sự ngày càng rõ ràng, đậm nét của Ấn Độ tại không gian mà họ coi là có giá trị chiến lược lâu dài đối với an ninh quốc gia từ phía Đông. Sức mạnh răn đe từ việc cử tàu chiến hạng nặng tập trận chống ngầm với một thành viên ASEAN chứa đựng những hàm ý chính trị sâu sa: Ấn Độ sẽ không từ bỏ gắn kết với ASEAN để tự bảo vệ mình. Một ASEAN được đảm bảo hòa bình, ổn định sẽ cung cấp cho Ấn Độ những động lực phát triển mà khu vực khác không có được. Đó là câu trả lời cho lí do Ấn Độ mở rộng đối tác tập trận hải quân từ cấp song phương thành cấp đa phương. Quá trình này dường như gặp phải trở ngại đến từ sự thận trọng của các nước ASEAN nhưng quan trọng hơn khó khăn nảy sinh do sức ép từ Trung Quốc. Tuy vậy, đầu năm 2017, Ấn Độ đã lần đầu tiên đạt thỏa thuận đăng cai một cuộc tập trận đa phương với 10 nước ASEAN cùng các 8 nước đối tác của họ. Cuộc tập trận mang tên FORCE 18 nằm trong khuôn khổ của ADMM+ dành cho các lực lượng tác chiến mặt đất, bao gồm cả hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo… Trước khi có được bước tiến lịch sử này, Ấn Độ đã từng bước đưa các nước ASEAN vào khuôn khổ của cam kết hợp tác an ninh thông qua tập trận, tuần tra biển chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia. Thái Lan, Indonesia, Philippines, Myanmar trong giới hạn năng lực của mình cũng phối hợp tốt với hải quân Ấn Độ. Đầu tháng 6/2010, hải quân Ấn Độ triển khai một biên đội tàu gồm 4 chiến hạm đến một số nước Đông Nam Á và Australia trong sứ mệnh viếng thăm hữu nghị và tập trận song phương (đã tập trận với hải quân 3 quốc gia Indonesia, Singapore và Australia).

Quá trình trỗi dậy của Ấn Độ, Trung Quốc đang kéo theo việc tăng cường năng lực quân sự nhằm đảm bảo tính tương xứng cũng như phục vụ đắc lực cho nhu cầu bảo vệ lợi ích cốt lõi quốc gia, khuếch trương ảnh hưởng vượt ra ngoài khu vực. “Sức mạnh mềm” của những quốc gia này tạo lập ảnh hưởng sâu rộng cho họ. Cạnh tranh thị phần xuất khẩu công nghệ quốc phòng đã và đang cho thấy hiệu quả của quá trình triển khai sức mạnh mềm giữa các cường quốc xuất khẩu vũ khí, trang bị quốc phòng. Triển lãm Quốc phòng ADEX 2013 tại Seoul, Hàn Quốc nằm trong chuỗi cố gắng của Ấn Độ xuất khẩu công nghệ quốc phòng ra thế giới. Sự kiện này diễn ra sau khi Ấn Độ đạt thỏa thuận chuyển giao công nghệ phát hiện tàu ngầm và radar cho Myanmar cùng hợp đồng bán 2 tàu khu trục cho Philippines. Ấn Độ có vẻ không chỉ dừng lại ở các hợp đồng bảo dưỡng trang bị, huấn luyện quân sự cho ASEAN mà thực sự xem ASEAN là một thị trường xuất khẩu vũ khí, công nghệ quân sự tiềm năng trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh của họ phải cạnh tranh quyết liệt với nhà sản xuất từ Trung Quốc, Israel, Nga. Theo tờ Diplomat, Ấn Độ đang phấn đấu đạt mục tiêu doanh thu 2 tỉ USD/năm từ xuất khẩu vũ khí. Việt Nam, Philippines, Myanmar hiện là những đối tác chính của Ấn Độ trên phương diện này. Việc chưa tiếp cận được số liệu thống kê chi tiết, công khai về chi tiêu của các nước thuộc ASEAN cho việc nhập vũ khí, công nghệ quốc phòng từ Ấn Độ kéo theo hình dung của chúng ta không được chuẩn xác. Tuy nhiên, điều chắc chắn là, ASEAN sẽ là thị trường sôi động nhất cho ngành công nghiệp quân sự Ấn Độ những năm tới khi họ nhận thức được những nguy cơ từ tình trạng tụt hậu của năng lực quân sự trước biến đổi môi trường an ninh khu vực.

3. Những tác động tới Việt Nam

            Thành quả đáng kể nhất mang lại từ việc nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang dịch chuyển chính là ASEAN tìm được cho mình một đối tác có thể tin cậy, đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ cho công việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định chung của Đông Nam Á. Việt Nam, thành viên  năng động, sáng tạo của ASEAN đã và đang tiếp nhận những ảnh hưởng đa diện, đa cấp độ từ chính sách của Ấn Độ đối với khu vực. Trong khuôn khổ bài viết nhỏ này, chúng tôi phân tích 2 tác động cơ bản.

- Hợp tác quân sự ngày càng đa dạng, có chiều sâu

Với nhận thức: “Một nước Việt Nam mạnh về quân sự cần phải là một nước mạnh về kinh tế. Ấn Độ là nhân tố phù hợp có thể hỗ trợ Việt Nam trên cả hai lĩnh vực”(11), Bộ trưởng Quốc phòng George Fernandes đã có chuyến thăm 5 ngày tới Việt Nam vào tháng 3/2000, mở đầu chuỗi những hành động cụ thể trợ giúp Việt Nam tăng cường năng lực quân sự. Từ đó đến nay, nhiều thỏa thuận hợp tác quân sự đã được kí kết giữa hai nước, tập trung trên các lĩnh vực: đào tạo, huấn luyện hải quân, diễn tập chống cướp biển trên Biển Đông, đào tạo phi công Việt Nam tại Ấn Độ, bảo trì trang thiết bị quân sự hay xây dựng các cơ sở sản xuất thiết bị quân sự… Trong 2 chuyến thăm tới Việt Nam năm 2014 và năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi luôn khẳng định hợp tác quốc phòng là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của quốc gia này trong quan hệ song phương Ấn – Việt, đồng thời cam kết dành khoản tín dụng 100 triệu USD (2014) và 500 triệu USD (2016) cho “nỗ lực làm sâu sắc thêm hợp tác quốc phòng hai nước”(12). Những khoản tín dụng quốc phòng kể trên được dành cho Việt Nam nhập khẩu trang bị quân sự từ Ấn Độ, và đây là điều chưa từng xuất hiện trong quan hệ giữa Ấn Độ với một nước ASEAN nào khác.

Ở cấp độ đối thoại song phương cấp cao, trong 12 năm (từ 2003 - 2015), có tổng cộng 9 lần Đối thoại an ninh Ấn – Việt cấp Thứ trưởng Quốc phòng, nhiều hơn bất kì một đối tác nào khác trong ASEAN của Ấn Độ. Trong khi đó, từ năm 2004 đến 2016, năm nào tàu hải quân Ấn Độ cũng thực hiện các chuyến thăm viếng, giao lưu hữu nghị tại một số cảng quân sự của Việt Nam, tần suất cao nhất mà hải quân Ấn Độ có được tại châu Á – Thái Bình Dương. Xây dựng lòng tin vững chắc khiến Việt Nam tự tin trong hoạt động chung với đối tác Ấn Độ. Tại cuộc tập trận đa quốc gia thường niên mang tên “MILAN” do Ấn Độ chủ trì, Việt Nam bắt đầu tham gia trong vai trò quan sát viên từ năm 2012.

Dù trong Chính sách hướng Đông hay Hành động phía Đông, Ấn Độ đều xem Việt Nam là “trụ cột cốt yếu” (key pillar): “Việt Nam được xem như đối tác hàng đầu của Ấn Độ tại châu Á”(13). Do đó Việt Nam được thụ hưởng khá nhiều lợi ích từ quan hệ hợp tác quốc phòng, vốn đang trở thành phương diện chủ yếu trong hiện diện quân sự của Ấn Độ tại các vùng biển phía Đông. Tầm quan trọng của Việt Nam được đặt trong tổng thể chiến lược an ninh – quốc phòng chung mà Ấn Độ đặt nhiều kì vọng: “Ấn Độ hi vọng sẽ trở thành một nhân tố chiến lược ở châu Á bởi những ưu điểm của nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ”(14). Cùng với việc Mĩ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khi sát thương năm 2015, kết nối quân sự với Ấn Độ giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn nhập khẩu vũ khí, hạn chế phụ thuộc vào Nga, bên cạnh đó tăng cường khả năng tiếp cận được công nghệ quốc phòng mới. Đã có thông tin về việc Ấn Độ xem xét khả năng chọn Việt Nam làm khách hàng đầu tiên trên thế giới của hệ thống tên lửa siêu thanh Brahmos tiên tiến trong thời gian tới.

Bảng 2: Các dấu mốc quan trọng trong quan hệ quốc phòng Việt - Ấn

(phân chia theo cấp độ từ thấp đến cao)

Thứ tự

Thời điểm

Nội dung

1

1994

Nghị định thư về Quốc phòng song phương

2

2000

Hiệp định Hợp tác Quốc phòng

3

2003

Khung hợp tác toàn diện song phương

4

2007

Tuyên bố chung về việc thiết lập quan  hệ Đối tác chiến lược Việt - Ấn

5

2009

Biên bản ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng cao cấp

6

2015

Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt  - Ấn giai đoạn 2015 – 2020 

7

2016

Hiệp định nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế: Việt Nam - Ấn Độ - 45 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm đối tác chiến lược, Nxb Lí luận chính trị, Hà Nội, tr.378.

- Mở ra một hướng đi cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông

Sự hiện diện quân sự của Ấn Độ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đưa đến một tác động mà giới phân tích cho rằng phía Việt Nam đang chờ đợi: một chỗ dựa thực tế đối với yêu sách chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang gia tăng các hành động gây hấn. Vấn đề nằm ở chỗ, Việt Nam và Ấn Độ cùng chia sẻ mối quan ngại về sự lớn mạnh quân sự và sự “đoan quyết hung hăng” của Trung Quốc trong khu vực cũng như những nguyên tắc đảm bảo an toàn, tự do hàng hải trên biển được Luật quốc tế thừa nhận. Do đó hai quốc gia dễ dàng đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Biển Đông.

Ấn Độ là nước đầu tiên đề xướng về phương thức tiếp cận tập thể để quản lí, giải quyết các tranh chấp trên biển tại Hội nghị ADMM+ năm 2010. Đáng quan tâm là Ấn Độ đã thẳng thắn khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong EEZ của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt sự kiện Trung Quốc phản đối thăm dò dầu khí của Công ty OVL trong Lô 128, EEZ của Việt Nam là “không có cơ sở pháp lí”15. Không chỉ dừng lại ở việc chỉ ra tính phi pháp trong hành động của Trung Quốc, Ấn Độ còn khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông “một cách mạnh mẽ”16, thậm chí hải quân Ấn đã từng đề xuất khả năng phái tàu chiến đến bảo vệ các lô dầu khí của Công ty ONGC Videsh khi Trung Quốc phản đối hoạt động thăm dò dầu khí tại đây. Ấn Độ cũng nhiều lần yêu cầu các bên tranh chấp trên Điển Đông  tuyệt đối tuân thủ UNCLOS 1982, DOC 2002, luật pháp quốc tế và gần đây nhất là phán quyết của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines liên quan đến Biển Đông. Nói cách khác, Ấn Độ vừa muốn chứng tỏ với các quốc gia trong khu vực hình ảnh một cường quốc đang lên có trách nhiệm, ôn hòa, thân thiện vừa sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích trên biển. Quan điểm, động thái nói trên của Ấn Độ phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và được ví như “liều thuốc thử” đối với quan hệ song phương trong bối cảnh phức tạp của tình hình quốc tế.

Sự can dự của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông hiện nay dường như được xem xét như là công cụ chính sách của Việt Nam trong việc ít nhiều tạo sức ép lên các hành động lấn lướt từ Trung Quốc, tạo cơ chế đa phương trong giải quyết một vấn đề ngày càng mang tính quốc tế. Bởi lẽ, về bản chất vấn đề Biển Đông là vấn đề quốc tế, có liên quan tới lợi ích đa quốc gia, nên việc duy trì trạng thái “nhiều cường quốc tự cân bằng” sẽ là giải pháp khả quan đối với Việt Nam và ASEAN khi quản lí, hạn chế xung đột khu vực.

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận một cách thực tế hơn về vai trò của Ấn Độ ở Biển Đông từ góc độ của chủ nghĩa hiện thực. Hiện nay, Ấn Độ có tranh chấp trên đất liền với Trung Quốc tại vùng núi Himalaya – Tây Tạng với mức độ tương đối phức tạp. Nhiều người cho rằng, việc cùng có các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc đang tạo lập một mẫu số chung cho quan hệ Ấn – Việt, Ấn – ASEAN, gia cố thêm cho nó trên cơ sở một mối quan tâm chung. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác hoàn toàn nếu như Trung Quốc chấp nhận đàm phán với Ấn Độ, nhượng bộ vấn đề biên giới để đổi lấy việc Ấn Độ chấm dứt, hoặc chí ít là hạn chế tối đa sự can dự vào vấn đề Biển Đông. Giả định này có thể làm thay đổi chiều hướng quan hệ Ấn – Việt theo chiều kích khó đoán định. Thực tế, giả định trên vẫn hoàn toàn mang tính lý thuyết, bởi lẽ trong lịch sử mối quan hệ giữa Ấn Độ với thế giới nói chung, với Việt Nam nói riêng, chủ nghĩa lý tưởng đầy chất lãng mạn mang đẫm chất liệu của chủ nghĩa tự do vẫn là dòng chủ lưu.

Kết luận

            Nói tóm lại, mong muốn và thực tiễn hiện diện quân sự của Ấn Độ tại châu Á – Thái Bình Dương đã thực sự khiến vai trò của ASEAN ngày càng được nâng cao trong  chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ. Ngay cả khi còn nhiều ý kiến tranh luận, sự hiện diện quân sự vẫn là cần thiết và có những lí do xác đáng để người Ấn buộc phải triển khai nó. Quan hệ đối tác, hợp tác Ấn Độ - ASEAN hướng tới những mục tiêu dài hạn có tính chiến lược đối với quốc gia Nam Á này: Đối phó với thách thức an ninh từ Trung Quốc, những dịch chuyển quốc phòng khác trên cả lục địa lẫn đại dương, xác lập ảnh hưởng, bảo vệ lợi ích quốc gia trong và ngoài Nam Á của Ấn Độ. Lý thuyết hiện thực trong quan hệ quốc tế cho thấy Trung Quốc và chính sách của họ đang là tác nhân chính cho hầu hết động thái quân sự của Ấn Độ ở ngoài địa bàn cố hữu chiến lược của họ là Ấn Độ Dương. Người Ấn cũng chỉ đang bắt đầu “dấn bước” vào một quỹ đạo can dự sâu rộng hơn, hiện tại họ có thể lúng túng và bước đi đầy cẩn trọng, nhưng tương lai, họ sẽ tiến những bước chắc chắn và đột phá hơn nhiều.

Việt Nam có lẽ đang trong thời điểm tốt nhất để tiếp nhận những lợi ích từ chính sách tăng cường hiện diện quân sự của Ấn Độ, mà ASEAN trong đó có Việt Nam là trọng tâm chính. Tuy nhiên, những biến đổi mới mẻ, dồn dập từ chính sách của Ấn Độ cũng đã và đang tạo ra những khó khăn không nhỏ đối với Việt Nam trong việc xử lí mối quan hệ với Trung Quốc, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, linh hoạt trong chính sách đối ngoại nhằm đảm bảo lợi ích dân tộc tối đa.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alka Acharya (2007), India’s Look East Policy: Regional Strategy of A Rising Power, tham luận tại Hội thảo quốc tế: “Sự nổi lên của Ấn Độ và triển vọng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ” tổ chức tại Hà Nội, 19/6/2007.

2. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2016), Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế: “Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, Tầm nhìn mới”, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.

3. Học viện Ngoại giao Việt Nam (2013), Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: “Biển Đông: địa chính trị, lợi ích, chính sách và hành động của các bên liên quan”, Học viện Ngoại giao ấn hành, Hà Nội.

4. Edward Luce (2013), Nghịch lí Ấn Độ: Bất chấp thần thánh, Ấn Độ trỗi dậy, Nxb Tri thức, Hà Nội.

5. Trần Thị Lý (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 đến 2000, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Phạm Thái Quốc (cb) (2013), Trung Quốc và Ấn Độ trỗi dậy: tác động và đối sách của các nước Đông Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Văn Ngọc Thành, (2013), India’s potential engagements in the East Sea/South China Sea , World Focus, ISSN 2230-8458, Asian Maritime Diplomacy, Indocentric Foreign Affairs Monthly Journal,, Number 397, (2013), 55-59.

8. Võ Xuân Vinh (2013), ASEAN trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

------------

Tóm tắt:

Từ năm 1991 đến nay, khi quá trình tự do hóa kinh tế của Ấn Độ có những đột phá quan trọng, Đông Nam Á thành công trong nỗ lực liên kết khu vực qua mô hình hoạt động của ASEAN và trước những chuyển dịch mạnh mẽ của cân bằng quyền lực tại châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ ngày càng xem ASEAN là một trọng tâm trong “Chính sách hướng Đông” (từ năm 2016 được đổi thành “Chính sách Hành động phía Đông”) của mình. Như một phản ứng nhằm khỏa lấp khoảng trống cho sự hiện diện trực tiếp trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời đối phó với thách thức an ninh mới đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ cùng ASEAN đã và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác an ninh – quốc phòng. Coi ASEAN là đối tác trọng yếu, là kênh hữu hiệu nhằm cụ thể hóa mục tiêu chiến lược về an ninh – quốc phòng tại châu Á – Thái Bình Dương trong kỉ nguyên hàng hải có lẽ là lựa chọn xác đáng của người Ấn. Việt Nam là thành viên tích cực trong ASEAN, nhận được nhiều lợi ích từ sự tiến triển của quan hệ an ninh – quốc phòng giữa Ấn Độ và ASEAN.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tập trung thảo luận 3 khía cạnh: (1) Tại sao Ấn Độ coi trọng ASEAN trong chính sách an ninh – quốc phòng của mình tại châu Á – Thái Bình Dương; (2) Những biểu hiện cụ thể cho thấy tầm quan trọng của ASEAN trong chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ; (3) Chính sách an ninh – quốc phòng của Ấn Độ triển khai tại Đông Nam Á có tác động như thế nào đến Việt Nam?

Từ khóa: an ninh, ASEAN, Ấn Độ, hàng hải, quan hệ đối tác

 

ASEAN IN INDIA’S SECURITY AND NATIONAL DEFENCE POLICY IN ASIAN PACIFIC FROM 1991 TO 2017

Since 1991 when economic freedom in India experienced major breakthroughs, Southeast Asia succeeded in its attempt to create regional connections through the operation scheme of ASEAN, and power balance in Asian Pacific had strong movements, the Government of India has put ASEAN at the center of its “Look East Policy” (known as “Act East Policy” since 2016). As an attempt to make up for its direct absence in Southeast Asia and deal with recent security challenges emerging from the rise of China, India along with ASEAN has been seeking opportunities of national security- defense operation. Choosing ASEAN as its prime partner and an effective channel to realize its strategic goals of security and national defense in Asian Pacific in the marine era is possibly India’s right choice. As an active member of ASEAN, Vietnam has greatly benefited from the improvement in the security and national defense relationship between India and ASEAN.

This study closely examines three issues: (1) The reasons for India’s prioritizing ASEAN in its security and national defense policy in Asian Pacific;(2) Manifestations of the importance of ASEAN in India’s security and national defense policy; (3) How India’s security and national defense policy that shows on Southeast Asia impacts on Vietnam.

Key words: security, ASEAN, India, marine, partnership

 

(*) Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, E-mail: thanhvn@hnue.edu.vn

(**) Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội 2; E-mail: duc.k61clc.93@gmail.com; Cellphone: 01699 225 231

[1] Dẫn theo: “Ấn Độ vượt Anh thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới”, Thời báo kinh tế Sài Gòn, 22/12/2016, www.thesaigontimes.vn, http://www.thesaigontimes.vn/155218/An-Do-vuot-Anh-thanh-nen-kinh-te-lon-thu-5-the-gioi.html,  truy cập 22h30, 1/9/2017.

[2] Võ Xuân Vinh (2013), ASEAN trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.163. 

[3] “The Chinese Navy’s Emerging Support network in the Indian Ocean”, The Jamestown Foundation, https://jamestown.org/program/the-chinese-navys-emerging-support-network-in-the-indian-ocean/, Access: 10h, 05/10/2016; “Chinese Submarines in Sri Lanka unnever India: Next Stop Pakistan?; https://jamestown.org/program/chinese-submarines-in-sri-lanka-unnerve-india-next-stop-pakistan/, Access: 10h30, 05/10/2016.

[4] Theo: “Trung Quốc dùng tiền mua Con đường tơ lụa”, báo Đất Việt, 13/12/2015, http://www.baodatviet.vn, 10h30, 05/10/2016.

5 Xem thêm: Văn Ngọc Thành, (2013), India’s potential engagements in the East Sea/South China Sea , World Focus, ISSN 2230-8458, Asian Maritime Diplomacy, Indocentric Foreign Affairs Monthly Journal,, Number 397, (2013), 55-59

(6) Danielle Rajendram, India’s new Asia-Pacific Strategy: Modi’s Act East, The Lowy Institute Analysis, 10/2014, p.1-3.

(7) Hanoi joint declaration on the first ADMM+ issued, 13/10/2010.

(8) Võ Xuân Vinh (2013), ASEAN trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.109-110.

(9) Statement by PM. Dr. Manmohan Singh on the event of his departure for Malaysia, 11/12/2005.

(10) Dipanjan Roy Chaudhury, “China objects to presence of Indian ships in South China Sea, The Economic Times, https://economictimes.indiatimes.com/news/defence/china-objects-to-presence-of-indian-ships-in-south-china-sea/articleshow/52369749.cms , Access: 11h30, 10/10/2016.

(11) Subhash Kapila (2001), India – Vietnam Strategic Partnership: The Convergence of interests, South Asia Analysis group papers, Paper No.177, 02/01/2001.

(12) Dẫn theo Sanghamitra Sarma, “India–Vietnam Relations after Modi’s visit”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2016/09/india-vietnam-relations-after-modis-visit/, Access: 12h00, 11/10/2016; Nirmala Ganapathy, “Modi visits Vietnam to boost defense ties”, Straits Times, http://www.straitstimes.com/asia/south-asia/modi-visits-vietnam-to-boost-defence-ties, Access: 12h30, 11/10/2016.

(13) Sadhavi Chauhan, “India – Vietnam Defense Cooperation: Slow but Steady Progress”, ORF issue brief, No.60, 2013, pp.1-8.

(14) Trần Nam Tiến (cb) (2016), Ấn Độ với Đông Nam Á trong bối cảnh quốc tế mới, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, tr.335-336.

15 “China objects to oil hunt, India say back off”, Hindustan Times, 15/9/2011, http://www.hindustantimes.com, 13h00, 11/10/2016.

16 “China may assert itself but India will protect its rights: Minister of State for Defense M.M. Pallam Raju, The Economic Times,  16/9/2011, http://www.economictimes.indiatimes.com, 12h30, 11/10/2016.

Views: 1008 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top