TRUNG QUỐC 1945 - 1949
A A+
TRUNG QUỐC 1945 - 1949

I. Trung Quốc

1. Cuộc nội chiến cách mạng lần thứ III và sự thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ.

a, Đấu tranh vì hoà bình dân chủ.

          Sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật kết thúc thắng lợi, tình hình Trung Quốc có những thay đổi quan trọng. Trong thời gian kháng chiến, quân Tưởng theo đuổi chính sách sách tiêu cực chống Nhật, tích cực chống cộng để ngồi chờ thời cơ. Sau khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng, lợi dụng danh nghĩa Đồng minh, quân Tưởng liền gấp rút vận chuyển quân lính từ vùng hậu phương Tây Nam đến bao vây các khu giải phóng, tìm cách ngăn cản quân giải phóng  tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, thậm chí chúng còn vô lý hạ lệnh quân giải phóng  “phải đóng nguyên tại chỗ chờ lệnh”. Đồng thời quân Tưởng còn cho phép quân Nhật, ngụy quân ngụy quyền được “duy trì  trật tự an ninh ở địa phương”... ở nhiều nơi,  những tên Hán gian và quân đội tay sai của phát xít Nhật trước kia nay trở lại thành quan, quân của Tưởng.

          Nền thống trị độc tài quân phiệt của tập đoàn tư bản quan liêu, đại diện cho quyền lợi của địa chủ phong kiến và tư sản mại bản, được thiết lập ở những vùng quân Tưởng chiếm đóng. Bọn tư bản quan liêu đứng đầu là “4 họ” lớn (Tưởng Giới Thạch, Tống Tử Văn, Khổng Tưởng Hi, Trần Lập Phu đại diện) đã ra sức vơ vét, bóc lột tài sản của nhân dân Trung Quốc. Chúng chiếm đoạt hầu hết các ngân hàng, xí nghiệp, của cải mà trước đây quân Nhật đã chiếm đoạt của nhân dân. Đến tháng 5 -1946 cả “4 họ” này đã chiếm trên 80% tổng số tư bản  sản nghiệp trong toàn quốc, nắm 2/3 số ngân hàng (2446/3489 ngân hàng) cả nước và số tài sản của “4 họ” trị giá 20 tỷ USD.

          Đi đôi với việc lũng đoạn kinh tế, Chính phủ Tưởng câu kết chặt chẽ với đế quốc Mĩ để tranh thủ “viện trợ”. Tưởng cho phép tư bản Mĩ đầu tư vào tất cả các xí nghiệp, hầm mỏ, nhà máy, giao thông vận tải; cho hàng hoá Mĩ độc chiếm thị trường Trung Quốc; cho phép Mĩ xây dựng các căn cứ quân sự ở Trung Quốc.... Về phía Mĩ, lo sợ trước ảnh hưởng của Liên Xô nên đã tìm cách giúp đỡ Tưởng về mọi mặt để phát động nội chiến chống Đảng Cộng sản Trung Quốc.

          Phía Đảng Cộng sản Trung Quốc: Sau cuộc kháng chiến chống Nhật, cục diện đã có những thay đổi quan trọng. Lực lượng quân đội chủ lực phát triển lên tới 120 vạn người, dân quân 200 vạn người, vùng giải phóng bao gồm 19 khu căn cứ (chiếm gần 1/4 đất đai và 1/3 dân số toàn quốc), trong đó có những thành phố, thị trấn quan trọng. Bên cạnh đó Liên Xô đã chuyển giao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý vùng Đông Bắc Trung Quốc - một vùng công nghiệp có vị trí rất quan trọng - cùng với toàn bộ vũ khí giải giáp đội quân Quan Đông của Nhật và một phần vũ khí của quân đội Xô viết trước khi  về nước. Đây là những yếu tố thuận lợi để Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành cuộc đấu tranh chống nội chiến, giành hoà bình dân chủ sau khi kháng chiến kết thúc.    

          Từ thực tế tình hình trong nước và nguyện vọng được sống trong hoà bình, độc lập dân tộc của toàn thể nhân dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương đấu tranh giành hoà bình dân chủ, chống nội chiến và sự can thiệp của Mĩ. Ngày 26-8- 1945, tại Trùng Khánh, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân Đảng đã tiến hành cuộc đàm phán để tránh nội chiến, thực hiện hoà bình, dân chủ. Với áp lực của nhân dân và sự nỗ lực của Đảng Cộng sản, hai bên đã đi đến ký Hiệp định Song Thập (10-10-1945), trong đó quy định những biện pháp bảo vệ hoà bình ở trong nước, xác định việc triệu tập Hội nghị hiệp thương chính trị. Hiệp định ghi rõ: “kiên quyết tránh nội chiến, lấy hoà bình, dân chủ, đoàn kết, thống nhất làm cơ sở, xây dựng nước Trung Hoa mới độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

          Ngày 10-1-1946 Hội nghị hiệp thương chính trị được tiến hành ở Trùng Khánh, bao gồm các đại biểu Đảng Cộng sản, Quốc Dân Đảng, Đảng Đồng minh dân chủ, Đảng Thanh niên và các nhân sỹ không đảng phái. Tiến trình Hội nghị diễn ra rất gay gắt giữa 3 lực lượng  và 3 đường lối chính trị khác nhau, tuy nhiên nhờ sự nỗ lực của Đảng Cộng sản và áp lực đấu tranh của nhân dân, Hội nghị đã thông qua 5 Nghị quyết về Tổ chức Chính phủ, Quốc hội, Cương lĩnh hoà bình xây dựng đất nước, Dự thảo hiến pháp và vấn đề quân sự. Nghị quyết về Tổ chức chính  phủ quy định: chấm dứt tình trạng một đảng; Nghị quyết về cương lĩnh hoà bình xây dựng đất nước quy định: phải dùng phương pháp chính trị để giải quyết các tranh chấp chính trị nhằm đảm bảo sự phát triển hoà bình của đất nước; Nghị quyết về vấn đề quân sự quy định phải dựa vào chế độ dân chủ, cải cách chế độ quân sự và tổ chức lại quân đội, thực hiện sự phân lập giữa quân đội và đảng phái, sự  phân trị giữa quân đội và nhân dân; Nghị quyết về vấn đề Quốc hội quy định: tăng thêm 700 đại biểu  Quốc hội khoá I để chế định hiến pháp; Nghị quyết về  dự thảo hiến pháp quy định: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất.   

          Trong điều kiện lúc bấy giờ những nghị quyết của Hội nghị hiệp thương chính trị là hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng hoà bình, dân chủ của nhân dân cả nước. Tuy nhiên, tập đoàn Tưởng Giới Thạch vẫn ráo riết chuẩn bị phát động một cuộc nội chiến mới, với sự giúp đỡ của Mĩ, nhằm tiêu diệt lực lượng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Mĩ đã trang bị, huấn luyện cho hơn 50 vạn quân Tưởng Giới Thạch, giúp đỡ vận chuyển quân Tưởng đến bao vây các khu giải phóng, đưa 10 vạn quân Mĩ đổ bộ vào Trung Quốc (Sơn Đông). Trong vòng chưa đầy 2 năm sau khi cuộc kháng chiến chống Nhật kết thúc, Mĩ đã “viện trợ” cho Tưởng Giới Thạch 4 tỉ 430 triệu USD, trong đó đại bộ phận là viện trợ quân sự.

b. Cuộc nội chiến cách mạng  lần thứ ba và sự sụp đổ của tập đoàn Tưởng Giới Thạch ở lục địa Trung Quốc.

          Với âm mưu tiến hành nội chiến, tháng 3-1946, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Quốc Dân Đảng đã  tuyên bố không công nhận kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị (1-1946). Ngày 20-7-1946, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc tấn công quân sự với quy mô lớn vào hầu hết các khu giải phóng do Đảng Cộng sản kiểm soát. Cuộc nội chiến lần thứ ba bùng nổ.

          Tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã huy động 80% binh lực của toàn bộ quân chính quy (113 lữ đoàn, khoảng 1 triệu 60 vạn quân) tấn công vào các căn cứ cách mạng. Về so sánh lực lượng, quân Tưởng chiếm ưu thế về quân sự và kinh tế. Quân Tưởng có 4 triệu 30 vạn quân, gấp 3,5 lần Hồng quân Trung Quốc, Chính phủ Quốc Dân Đảng nắm trong tay toàn bộ các thành phố lớn, hầu hết mạch máu giao thông và tài nguyên đất nước. Đặc biệt, quân Tưởng còn nhận được sự giúp đỡ về mọi mặt của Mĩ. Dựa vào ưu thế này quân Tưởng tuyên bố sẽ đánh bại Hồng quân trong vòng 3 - 6 tháng. Tuy nhiên thực tế đã không diễn ra như Tưởng Giới Thạch mong muốn. Cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm, trải qua hai giai đoạn chủ yếu sau:

          Giai đoạn thứ nhất: từ tháng 7-1946 đến tháng  6-1947:

          Dựa vào ưu thế về quân sự, từ tháng 7-1946 đến tháng 3-1947, quân Quốc Dân Đảng đã mở cuộc tấn công toàn diện vào căn cứ cách mạng, chiếm được nhiều thành phố lớn như Trương Gia Khẩu, An Đông, Hoài Nam ... Hồng quân Trung Quốc chủ trương thực hiện chiến lược phòng ngự tích cực, không giữ đất đai mà chủ yếu tiêu diệt sinh lực địch và xây dựng lực lượng. Trong thời gian này, Hồng quân đã tiêu diệt 710.000 quân chủ lực của Tưởng Giới Thạch.

          Từ tháng 3 - 1947, do bị tiêu diệt một  lực lượng khá lớn và mặt trận dàn trải, binh lực phân tán, quân Tưởng chuyển sang tấn công trọng điểm, chúng nhằm vào vùng Sơn Đông và Thiểm Bắc, tức là hai cánh phía đông và phía tây khu căn cứ, làm trọng điểm tấn công. Tuy nhiên kế hoạch của quân Tưởng tiếp tục bị thất bại. Tính đến tháng 6 - 1947, quân Tưởng bị tiêu diệt 1.120.000 tên,  buộc Tưởng Giới Thạch phải chuyển từ chiến lược tấn công sang chiến lược phòng ngự.

          Cũng trong thời gian này tập đoàn Tưởng Giới Thạch đã liên tiếp ký với Mĩ hàng loạt hiệp ước: Hiệp ước thông thương hàng hải thân thiện Trung - Mĩ, Hiệp ước hàng không Trung - Mĩ, Hiệp ước bí mật về căn cứ hải quân Thanh Đảo, Hiệp ước bí mật về việc quân Mĩ đóng ở Trung Quốc, Hiệp định nông nghiệp Trung - Mĩ... Với các hiệp ước này, các vùng do Tưởng Giới Thạch kiểm soát đã rơi vào địa vị “một thuộc địa kiểu mới” của Mĩ. Mặt khác, các hiệp ước đã làm cho nhân dân thấy rõ các chính sách phản động của tập đoàn Tưởng. Phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, sinh viên cũng như  của nông dân diễn ra ngày càng sôi nổi, lan rộng khắp các địa phương. Chính quyền Tưởng càng trở nên bị cô lập. Trong lúc đó Hồng quân Trung Quốc đã phát triển lực lượng chủ lực lên tới 2 triệu người.

          Giai đoạn thứ hai: từ tháng 6 - 1947 đến tháng 10 - 1949. Đây là giai đoạn quân cách mạng phản công giành những thắng lợi quyết định.

          Sau một năm thực hiện chiến lược phòng ngự tích cực, đến tháng 6 - 1947 Hồng quân Trung Quốc đã quyết định chuyển sang chiến lược phản công. Mở đầu cho cuộc phản công, ngày 30 - 6 - 1947 quân giải phóng nhân dân vượt sông Hoàng Hà, tiến vào vùng Đại Biệt Sơn, khôi phục và phát triển khu giải phóng Trung Nguyên. Tiếp theo đó, các lực lượng cách mạng ở Đông Bắc, Tây Bắc và Hoa Đông cũng lần lượt chuyển sang phản công, chiếm lại những vùng bị mất trước đây và tiến công vào khu vực quân Tưởng kiểm soát. Từ nửa cuối năm 1948 quân giải phóng đã liên tiếp mở các chiến dịch có tính chất quyết định đối vơí kết quả của cuộc nội chiến:

Chiến dịch Tế Nam (từ 16 - 9 đến  24 - 9- 1948) tiêu diệt 10 vạn quân Tưởng, mở đầu việc giải phóng nhiều thành phố lớn.

Chiến dịch Liên - Thẩm (từ 12 - 9 đến 15 -10- 1948), diễn ra ở vùng Liên Ninh, Thẩm Dương và Trường Xuân nhằm cắt đứt đường rút lui của Tưởng về miền Đông Bắc và Hoa Trung.

Chiến dịch Hoài - Hải (từ 7-1-1948 đến 10-1-1949). Chiến dịch này diễn ra ở khoảng giữa sông Hoài và biển (vùng Hải Châu, Thượng Khưu, Lâm Thành và Từ Châu). Kết quả là Từ Châu được giải phóng, 55 vạn quân  Tưởng bị tiêu diệt.

          Chiến dịch Bình Tân (từ 5-12-1948 đến 22-1-1949) diễn ra ở Bắc Bình, Thiên Tân dồn 25 vạn quân Tưởng do Tướng Phó Tác Nghĩa chỉ huy vào thế bị bao vây ở Bắc Kinh phải hạ khí giới ra hàng.

          Sau 4 tháng 19 ngày liên tục mở các chiến dịch giải phóng đã tiêu diệt 144 sư đoàn chính quy, 29 sư đoàn không chính quy, gồm hơn 1.540.000 quân tinh nhuệ của Tưởng Giới Thạch. Quân cách mạng đã kiểm soát cả vùng Đông Bắc, các khu vực phía Bắc, trung và hạ lưu sông Dương Tử, giải phóng 200 triệu dân, nắm giữ các cơ sở công nghiệp chiến tranh ở các tỉnh Đông Bắc Trung Quốc. Lực lượng quân giải phóng đã tăng lên 3 triệu người (gấp 3 lần quân Tưởng).... Mọi điều kiện để giành thắng lợi quyết định đã sẵn sàng.

          Ngày 21-4-1949, quân giải phóng mở cuộc tấn công vượt sông Trường Giang. Ngày 23-4, trung tâm thống trị của tập đoàn Tưởng Giới Thạch (Nam kinh) đã được  giải phóng. Nền thống trị của Quốc Dân Đảng bị sụp đổ. Đến cuối năm 1949 toàn bộ lục địa Trung Quốc được giải phóng (trừ Tây Tạng), quân Tưởng tháo chạy ra Đài Loan, núp dưới sự bảo trợ của Mĩ.

c. Sự ra đời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

          Trên cơ sở những thắng lợi quân sự, ngày 21-9-1949 Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân đã khai mạc ở Bắc Kinh, với sự tham dự của 636 đại biểu của các đảng phái, tổ chức: Uỷ ban cách mạng Quốc Dân Đảng , Đồng minh Dân chủ, Hội Dân chủ kiến quốc, Đảng Dân chủ công nông, Đảng Trí nông, Đảng Cộng sản... trong đó Đảng Cộng sản  giữ  vai trò lãnh đạo. Hội nghị đã thông qua Hiến pháp tạm thời của nước Cộng hoà  nhân dân Trung Hoa, trong đó quy định: “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là Nhà nước dân chủ mới, tức là dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo, lấy liên minh công - nông làm cơ sở...” (Điều I). Hội nghị cũng đã thông qua Nghị quyết lấy Bắc Kinh làm thủ đô, quy định Quốc ca, Quốc kỳ... Hội nghị đã nhất trí bầu Mao Trạch Đông - Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - làm chủ tịch Hội đồng Chính phủ nhân dân Trung ương Trung Quốc, Chu Ân Lai làm Thủ tướng Quốc vụ viện kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao.

          Ngày 1-10-1949, trong cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Bắc Kinh, Mao Trạch Đông trịnh trọng tuyên bố thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Trong lời Tuyên bố của  Chính phủ nêu rõ Chính phủ nhân dân  Trung ương Trung Quốc là “Chính phủ hợp pháp duy nhất thay mặt cho toàn thể nhân dân nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa...”. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Trung Quốc hoàn toàn thắng lợi.

          Thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc  năm 1949 là một trong những sự kiện to lớn, có ý nghĩa quan trọng của lịch sử thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới II. Đối với dân tộc Trung Quốc, thắng lợi này đã kết thúc hơn 100 năm Trung Quốc bị tư bản nước ngoài thống trị, chấm dứt 30 năm nội chiến của cuộc cách mạng dân chủ mới, đưa 1/4  dân số thế giới bước vào ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đối với thế giới, thắng lợi năm 1949 của cách mạng Trung Quốc đã giáng một đòn mạnh vào chủ nghĩa  đế quốc, đánh đổ một bộ phận quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chúng, góp phần cổ vũ cho phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới và tăng cường sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

          Với việc lấy nông thôn làm trọng tâm của công tác Đảng, làm căn cứ địa của cách mạng, thực tiễn của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc đã chỉ ra rằng phong trào cách mạng ở mỗi nước có những đặc điểm riêng của nó do hoàn cảnh lịch sử, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các bản thân nước đó quy định. Có thể nói, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi đầu trong việc áp dụng chủ nghĩa Mác - Lê Nin một cách sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước mình. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu đã đưa đến sự thắng lợi của Đảng. Tuy nhiên, yếu tố nông dân trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng để lại những hậu quả cho bước phát triển của cách mạng Trung Quốc sau này.

Views: 16447 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top