§ II. THỔ NHĨ KỲ - CUỘC CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC (1922) VÀ CÔNG CUỘC CANH TÂN ĐẤT NƯỚC
A A+
§ II. THỔ NHĨ KỲ - CUỘC CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC (1922) VÀ CÔNG CUỘC CANH TÂN ĐẤT NƯỚC

§ II. THỔ NHĨ KỲ - CUỘC CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC (1922) VÀ CÔNG CUỘC CANH TÂN ĐẤT NƯỚC.

          1. Thổ Nhĩ Kỳ trước cuộc cách mạng, Hoà ước Xevơrơ (1920)

          Đến đầu thế kỷ XX, các đế quốc phương Tây xâu xé khoảng nửa đế quốc Thổ. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phe Đức và khi chiến tranh kết thúc, Thổ trở thành nước bại trận, lâm vào nguy cơ bị chia cắt. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã cướp đi sinh mạng của 500.000 người và làm cho 800.000 người bị thương. Nạn đói và dịch bệnh hoành hành sau chiến tranh làm cho tình hình Thổ Nhĩ Kỳ trở nên hết sức nghiêm trọng. Đời sống nhân dân lao động vô cùng cực khổ. Trong lúc đó quân đội nước ngoài đang chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ ở Tây Anatoni, Idơmia, Kilikia và các hải cảng quan trọng. Anh và Pháp âm mưu chia cắt thống trị toàn bộ lãnh thổ đế quốc Ốttôman.

          Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, phong trào đấu tranh của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển. Mục tiêu của cuộc đấu tranh là chống lại chế độ Thổ hoàng và các lực lượng đế quốc âm mưu xâm chiếm Thổ. Giai cấp tư sản Thổ đã trở thành lực lượng lãnh đạo phong trào dân tộc. Năm 1919, giai cấp tư sản ở Anatôni đã lập ra tổ chức Hội bảo vệ pháp luật, đề ra yêu sách  đòi quân đội nước ngoài phải rút khỏi Thổ và khôi phục chủ quyền dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ. Hội bảo vệ luật pháp đã bầu Mutxtapha Kêman làm Chủ tịch. 

          Cuối năm 1919, chính phủ Xuntan Ixtambun quyết định tiến hành bầu cử  Quốc hội nhằm củng cố địa vị. Tuy nhiên, theo kết quả bầu cử, tuyệt đại đa số nghị sĩ thuộc về phái Kêman. Ngày 23 tháng giêng năm 1920, Quốc hội đã thông qua Công ước quốc dân, trong đó tuyên bố sự toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ và phản đối mọi hành động chống lại sự phát triển cả đất nước về chính trị, pháp luật, tài chính và các mặt khác.

          Tháng 3 năm 1920, quân đội Anh đang chiếm đóng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trắng trợn chiếm Ixtambun, giải tán Quốc hội và bắt bớ nhiều nghị sỹ. Thổ hoàng Mehmed VI và giáo chủ Hồi giáo liền tuyên bố Kêman và những người theo ông là những kẻ phiến loạn và không thừa nhận chính phủ đã được bầu ra. Do đó, tháng 4 năm 1920, phái Kêman triệu tập Quốc hội ở Ancara, đồng thời chính phủ mới cũng được thành lập do Kêman đứng đầu.

          Tháng 8 năm 1920, các nước trong phe Hiệp ước buộc chính phủ Xuntan ký kết hoà ước Xevơrơ (Servres), trong đó quy định: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt vùng đất phía Tây (miền Thrace và xung quanh Smyrne)  cho Hylạp, vùng Tây nam trên bờ địa Trung Hải (đối diện đảo Chypre) cho Italia, vùng  Armênie ở Tây Bắc được độc lập, trở thành nước cộng hoà Ácmênia, vùng Nam Ácmênia trở thành xứa tự trị của người Cuốc (Kurde), vùng Malatie (phía bắc Xiri) trao cho Pháp, vùng Irắc giáp Batư cho Anh quản lý. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn lại vùng đất nhỏ giữa Ancara và Hắc Hải, rộng khoảng 120.000km2. Ngay trong vùng đất còn lại này chủ quyền của Thổ cũng mất. Thổ phải giao nộp  hạm đôi, quân đội chỉ được có 50.000 người, thậm chí nền giáo dục cũng do các nước đế quốc kiểm soát.

          Với Hoà ước Xevơrơ, nền độc lập dân tộc của Thổ bị cướp đoạt, đồng thời sự phản động của Thổ hoàng Mehmed VI đã lộ rõ. Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng lên phản đối  bản hoà ước nhục nhã này dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng dân tộc Mustapha Kêman.

          2. Cách mạng giải phóng dân tộc ở Thổ Nhĩ Kỳ.        

          Với việc ký kết hiệp ước Xevơrơ, Thổ hoàng đã lộ rõ bộ mặt phản động của mình. Toàn thể nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng tình phản đối lại bản hiệp ước nhục nhã này dưới sự lãnh đạo của M.Kêman. Cuộc đấu tranh của Kêman vừa phải chống lại triều đình Thổ, vừa phải chống lại các đế quốc Anh, Pháp, Italia.

          Sau Chiến tranh thế giới, Anh, Pháp, Italia không muốn theo đuổi một cuộc chiến tranh với Thổ. Vì thế các nước này  đã sử dụng Hylạp - một thuộc địa cũ của Thổ - để chống lại Kêman. Ban đầu, lực lượng Hylạp gấp đôi lực lượng của Kêman,  lại được quân Anh trợ giúp mọi mặt. Phía quân cách mạng, cùng với khí thế của toàn dân tộc, họ còn được chính phủ nước Nga Xô viết ủng hộ. Nhờ vậy, sau một vài thất bại, ngày 7 tháng 1 năm 1921, quân cách mạng đã giành được thắng lợi quan trọng đầu tiên ở Inênu.

          Mùa hè năm 1921, với sự giúp đỡ tích cực của Anh, quân Hylạp đã tiến cách Ancara 100 km. Các trận đánh gay go, ác liệt đã diễn ra trên đường đến Ancara. Đến tháng 9 năm 1921, quân cách mạng của Kêman đã giành thắng lợi lớn ở Sakaria.

          Cũng từ năm 1921, quân cách mạng của Kêman đã giành được những thắng lợi to lớn về chính trị và ngoại giao. Ngày 16 tháng 3 năm 1921, hiệp ước hữu nghị và thân thiện được ký  kết giữa Nga và Thổ, theo đó Nga nhường cho chính phủ Kêman các vùng Kars và Ardahan ở Ácmênia, công nhận chủ quyền của Thổ ở eo biển Idơmia. Tiếp đó, tháng 6 năm 1921, Italia rút quân khỏi Adalia, chỉ giữ quyền khai thác than ở Hêradê. Ngày 20 tháng 10 năm 1921, Pháp từ bỏ quyền chiếm đóng Xirin, trừ vùng Sangiắc Alêchxanđrốt, theo hiệp định Phrancơlin - Builongki ký ở Ancara. Trên thực tế, Pháp công nhận chính phủ Kêman.

          Những thắng lợi trên đã tạo nên sức mạnh để quân đội Kêman tiến lên giành những thắng lợi quyết định. Trong năm 1922, quân đội Hylạp và Anh buộc phải ký kết hiệp định đình chiến với Thổ Nhĩ Kỳ ở Moudania. Tiếp đó, ngày 24 tháng 7 năm 1923, các nước đế quốc đã phải ký kết hoà ước Lôdan (Thuỵ Sỹ), công nhận biên giới của Thổ (biên giới ngày nay), xoá bỏ quyền lãnh sự tài phán và quyền kiểm soát tài chính như hiệp ước Xevơrơ quy định. Ngày 29 tháng 10 năm 1923, nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập. Mutxtapha Kêman trở thành Tổng thống đầu tiên của nước cộng hoà. Công cuộc giải phóng dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc thắng lợi.

          3. Những cải cách tiến bộ của M.Kêman.

          Mutxtapha Kêman (1881 - 1938) sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Salonique. Với tính tình kiên quyết, năng nổ, từ rất sớm ông đã đi theo con đường binh nghiệp. Tuy nhiên ông cũng rất quan tâm đến chính trị, thích tìm hiểu các tư tưởng cách mạng. Ông sử dụng thông thạo tiếng Pháp và Đức. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Kêman là sỹ quan quân đội Thổ và có nhiều họat động chung với quân Đức. Tài năng quân sự của ông được thể hiện rõ nhất ở mặt trận Dardanelles. Tại đây ông đã ba lần chặn đứng liên quân Anh, Pháp. Với tài năng và uy tín của mình, Kêman đã lãnh đạo nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng lên giải phóng dân tộc. Sau khi thắng lợi, Kêman tiếp tục tiến hành các biện pháp cải cách mang tính cách mạng trong liền 6 năm, đưa Thổ Nhĩ Kỳ phát triển nhanh chóng, ổn định. Vì thế nhân dân Thổ xem ông là "Người cha của Thổ Nhĩ Kỳ" (Kêman Ata Tuốc)).

          Sau khi giành được độc lập, ngày 1 tháng 11 năm 1922, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố truất ngôi của Mehmed VI, huỷ bỏ vương quyền và lập nên Nhà nước cộng hoà. Tiếp đó, giáo quyền cũng bị bãi bỏ. Các tổ chức như Bộ tôn giáo, Toà án tôn giáo và trường học của giáo hội bị giải tán. Lịch Hồi giáo (bắt đầu từ năm 622) bị bãi bỏ, thay vào đó là công lịch. Kêman còn bỏ cả chữ viết Ảrập, dùng chữ latinh thay thế, nhờ vậy chỉ trong một năm số người mù chữ đã giảm khoảng một nửa. Ông cũng cho dịch kinh Coran ra tiếng Thổ để tiện cho việc sử dụng trong dân chúng.

          Về vấn đề dân tộc, M.Kêman buộc khoảng 1.400.000  người Hylạp lập nghiệp trên đất Thổ và người Thổ ở Hylạp phải trở về nguyên quán. Còn đối với  những người thuộc các nước Ảrập cùng theo Hồi giáo thì quy định để phân biệt. Chính sách này của Kêman có gây bất bình trong dân chúng. Ngoài ra, Kêman còn bãi bỏ hệ thống đo lường cũ, áp dụng hệ thống đo lường như châu Âu, nhằm thống nhất thị trường dân tộc.      

          Chính phủ cộng hoà cũng đã ban hành một bộ luật mới được đánh giá là rất tiến bộ. Bộ luật này tham khảo dân luật của Thuỵ Sỹ, hình luật của Italia, thương luật của Đức. Theo bộ luật, địa vị người phụ nữ được nâng cao, những người phạm tội được giáo dục... Đây là điều mới mẻ, tiến bộ ở một quốc gia Hồi giáo như  Thổ Nhĩ Kỳ.

          Với tinh thần tự lực tự cường, như M.Kêman đã nói: "Muốn mất độc lập thì không gì bằng nhận tiền của kẻ khác”, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng phát triển nền kinh tế đất nước: Từ năm 1925 đến 1928, diện tích đất đai canh tác tăng lên 4 lần, các ngành công nghiệp được xây dựng và phát triển, đặc biệt là sản xuất xi măng, công nghiệp dệt phát triển nhanh.         

          Năm 1938,  M.Kêman qua đời, tướng Ismet Inoru lên thay. Trước các mối quan hệ quốc tế phức tạp, Thổ Nhĩ Kỳ giữ thái độ trung lập nhằm tránh bị lôi vào vòng cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Vì chính sách này,  các nước đế quốc đã phong toả nền kinh tế của Thổ, làm cho Thổ lâm vào tình trạng khó khăn.

          Như vậy, giai cấp tư sản Thổ Nhĩ Kỳ đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đồng thời đã thủ tiêu chế độ phong kiến quân chủ, tiến hành các biện pháp cách mạng để tạo ra khả năng rộng lớn để phát triển sản xuất trong nước. Đây là tiền đề để nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một quốc gia ổn định và phát triển nhanh chóng.

Views: 3312 - Like: 0
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top