§ I. MÔNG CỔ THẮNG LỢI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG NHÂN DÂN (1921 - 1924), TIẾN LÊN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.
A A+
§ I. MÔNG CỔ THẮNG LỢI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG NHÂN DÂN (1921 - 1924), TIẾN LÊN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

§ I.  MÔNG CỔ THẮNG LỢI CỦA CUỘC CÁCH MẠNG NHÂN DÂN (1921 - 1924), TIẾN LÊN XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.

          1. Tình hình Mông Cổ trước cách mạng:

          Đến đầu thế kỷ XX, Mông Cổ là một nước thuộc địa nửa phong kiến nằm dưới sự thống trị của triều Mãn Thanh (Trung Quốc). Đứng đầu nhà nước này là Bogdo Gheghen, gáo chủ đạo Lạt ma, nắm trong tay cả thần quyền lẫn vương quyền. Đất nước bị chia cắt thành các công quốc riêng rẽ, gọi là cơ, đứng đầu là vương công. Mỗi cơ là một đơn vị hành chính, đồng thời là một đơn vị quân sự, có nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước hàng năm một số quân nhất định về kỵ binh và bộ binh.

          Trước cách mạng, Mông Cổ là một nước rất lạc hậu, nền kinh tế hầu như chỉ dựa trên cơ sở chăn nuôi gia súc, cả nước không có một nhà máy, xí nghiệp công nghiệp nào, tuyệt đại đa số cư dân sống bằng nghề chăn nuôi du mục. Từ năm 1870 trở đi, tư bản Nga và tiếp đó là Nhật, Anh, bắt đầu xâm nhập vào Mông Cổ. Tuy nhiên tất cả đều họat động bằng nghề cho vay lãi nên không có tác dụng thúc đẩy nền kinh tế mà chỉ làm cho đời sống nhân dân càng thêm khốn khổ.

          Nông dân Mông Cổ được chia làm ba loại: một số bị cột chặt trên đất đai của bọn vương công; một số bị cột chặt trên đất đai của nhà chùa và các tăng lữ Lạt ma giáo; số đông là nông dân thường có nghĩa vụ nộp tô và đóng thuế cho nhà nước phong kiến và bọn thống trị ngoại tộc.

          Cũng như nền kinh tế, văn hoá giáo dục hầu như không có gì đáng kể. Cả nước không có một trường học, không có nhà in, nhà xuất bản nào, không có một tờ báo hay tạp chí phát hành. Lạt ma giáo và các tu viện được sử dụng  như những công cụ của bọn thống trị nhằm nô dịch tinh thần nhân dân lao động. Hậu quả của chính sách ngu dân đó là hầu hết nhân dân đều mù chữ, văn  hoá dân tộc bị mai một và gần 1/2 trai tráng xuất gia quy y Lạt ma giáo, dân số giảm sút, đe dọa sự tồn vong của dân tộc.

          Dưới ách thống trị nặng nề của triều đình Mãn Thanh, cuộc đấu tranh của nhân dân Mông Cổ đã không ngừng phát triển. Năm 1911, nhờ một cao trào đấu tranh của nông dân, Mông Cổ đã thành lập một chế độ quân chủ tự trị, do giáo chủ Bốc đô Gheghen trị vì. Ở một mức độ nhất định, chế độ quân chủ tự trị này vẫn là một bước tiến của lịch sử Mông Cổ. Tuy nhiên, đời sống nhân dân thì vẫn như xưa.

          Thắng lợi của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 làm cho triều đình phong kiến tự trị Mông Cổ hoảng sợ. Đồng thời các nước đế quốc muốn biến Mông Cổ thành căn cứ quân sự để mở rộng can thiệp vũ trang chống nước Nga Xô viết. Viên toàn quyền của Trung Quốc ở Uốcga (thủ đô Mông Cổ lúc bấy giờ) đã buộc Mông Cổ ký điều ước "64 khoản", theo đó quân đội Trung Quốc sẽ chiếm đóng Mông Cổ, mọi phí tổn phải do Mông Cổ đài thọ. Tháng 3 năm 1919, lực lượng quân phiệt Trung Quốc đã tiến vào Uốcga. Tháng 1 năm 1919, bọn quân phiệt Từ Trụ Thanh tới Uốcga, gây sức ép buộc tập đoàn phong kiến Mông Cổ phải từ bỏ quyền tự trị, làm lễ trao quyền cai trị Mông Cổ cho Từ Trụ Thanh.

          Nhật Bản cũng lo sợ không kém Trung Quốc. Sau chiêu bài thành lập "Nước Đại Mông", Nhật đã dùng lực lượng Bạch vệ Nga, do Unghéc cầm đầu, xâm nhập sâu hơn vào Mông Cổ. Tháng 10 năm 1920, với khẩu hiệu lừa bịp "giải phóng Mông Cổ", Unghéc đã dẫn 800 quân Bạch vệ vào Mông Cổ. Tháng 2 năm 1921, sau hai lần tấn công Uốcga, Unghéc đã thắng lợi. Bọn phong kiến quân phiệt Trung Quốc bị đánh đuổi, triều đình phong kiến Mông Cổ được khôi phụ về hình thức nhưng mọi quyền hành thực tế nằm trong tay bọn Bạch vệ Nga.

          Bọn Bạch vệ Unghéc ra sức vơ vét sức người sức của của nhân dân Mông Cổ để phục vụ cho cuộc tấn công nước Nga Xô viết, đời sống nhân dân Mông Cổ càng trở nên cơ cực hơn. Do đó, sự bất bình sâu sắc lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Yêu cầu của nhân dân Mông Cổ lúc bấy giờ là phải thủ tiêu quan hệ phong kiến kìm hãm sự phát triển của đất nước và nhất là yêu cầu giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của các thế lực bên ngoài. Trên cơ sở này các  nhóm du kích, cách mạng đã xuất hiện và họat động ở Mông Cổ.

          2. Tác động của Cách mạng tháng Mười Nga và thắng lợi của cuộc cách mạng nhân dân ở Mông Cổ.

          Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với cách mạng Mông Cổ, trước hết xuất phát từ chính đường lối của Đảng Bônsêvích Nga và Nhà nước Xô viết đối với cách mạng Mông Cổ. Từ năm 1916, V.I. Lênin đã viết rằng"... Chúng ta, những người công nhân nước Nga phải đòi hỏi chính phủ Nga hoàng cút đi khỏi xứ Mông Cổ, Tuyếcki và Iran. Chúng ta ra sức giúp đỡ các dân tộc lạc hậu bị áp bức tiến tới sử dụng máy móc, giảm nhẹ những công việc nặng nề, thực hiện dân chủ và chủ nghĩa xã hội".

          Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, tháng 8 năm 1919, Chính phủ Xô viết đã gửi cho nhân dân Mông Cổ và Chính phủ Ngoại Mông một bức công hàm với nội dung: "Chính phủ Xô viết một lần nữa trịnh trọng tuyên bố rằng: nhân dân Nga từ bỏ mọi hiệp ước mà Nga hoàng trước đây đã ký kết với chính phủ Nhật và Trung Hoa về Mông Cổ. Mông Cổ ngày nay là một nước độc lập. Đối với bọn cố vấn, bọn lãnh sự của Nga hoàng, bọn tài phiệt Nga, phải đuổi cổ chúng ra khỏi đất Mông Cổ. Mọi quyền bính ở Mông Cổ đều phải thuộc về tay nhân dân Mông Cổ. Không một nước ngoài nào được can thiệp vào nội trị của Mông Cổ. Hiệp ước Nga - Mông năm 1913 đã bị thủ tiêu. Mông Cổ, một quốc gia độc lập, có quyền ngoại giao trực tiếp với tất cả các nước khác, không cần có sự đỡ đầu hay trung gian nào của Bắc Kinh hay Pêtơrơgrát."

          Cùng với đường lối mới của Nhà nước Xô viết, những thắng lợi của nhân dân Nga, đặc biệt là quét sạch bọn Kônsắc giải phóng Xibêri, làm cho nhân dân Mông Cổ càng thêm tin tưởng vào cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Tìm hiểu về Cách mạng tháng Mười, người Mông Cổ đi đến kết luận: "Chỉ có Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười mới mở ra cho nhân dân Mông Cổ con đường giải phóng thực sự khỏi ách  của ngoại tộc và của phong kiến bản xứ. Cách mạng tháng Mười Nga không những chỉ giải phóng nhân dân Mông Cổ khỏi ách của Nga hoàng và của giai cấp tư sản đế quốc Nga, nó còn kích thích tinh thần dân tộc và hành động cách mạng của quần chúng lao động Mông Cổ".

          Những tư tưởng của Cách mạng tháng Mười, những tin tức về thắng lợi quân sự, chính trị và kinh tế của Nhà nước Xô viết trẻ tuổi  được phổ biến rộng rãi sang Mông Cổ qua những phần tử tiên tiến trong nhân dân Mông Cổ có liên hệ với những người Nga cách mạng hồi ấy sống ở vùng Uốcga. Năm 1919, Sukhê Bato sáng lập ra nhóm cách mạng đầu tiên nhằm mục đích đấu tranh giải phóng dân tộc, tại Uốcga. Cũng năm 1919, Sôibansan sáng lập ra một nhóm cách mạng khác với mục đích như vậy. Chỉ trong một thời gian ngắn các tổ chức cách mạng tiến hành hội nghị quyết định thành lập một cơ quan trung ương thống nhất làm nòng cốt cho một đảng cách mạng về sau. Hội nghị đã khởi thảo một bản tuyên ngôn được gọi là "Lời tuyên thệ của những người đảng viên". Hội nghị đã cử một đoàn đại biểu do Sukhê Bato và Sôibansan dẫn đầu sang Mátxcơva và kêu gọi sự viện trợ từ  Chính phủ Xô viết.

          Ngày 1 tháng 3 năm 1921, Đại hội lần thứ nhất Đảng nhân dân cách mạng Mông Cổ họp ở Kiasơta. Sau khi nhận định tình hình trong nước và quốc tế, Đại hội đề ra nhiệm vụ chủ yếu  là đấu tranh chống bọn đế quốc xâm lược, tuyên bố liên minh giữa nhân dân lao động Mông Cổ và giai cấp công nhân Nga là điều kiện căn bản bảo đảm thắng lợi cho cuộc cách mạng chống đế quốc và phong kiến. Đại hội cũng đặt quan hệ với Quốc tế Cộng sản, bầu ra Trung ương Đảng và cử Sukhê Bato làm Tổng tư lệnh, Sôibansan làm Chủ nhiệm Tổng cục chính trị của quân đội Mông Cổ. Tiếp đó ngày 13- 3 -1921 Đại biểu của Đảng nhân dân cách mạng Mông Cổ, của quân đội và của nông dân miền biên giới họp tại Trôisôcốt quyết định tiến hành khởi nghĩa vũ trang và thành lập chính phủ nhân dân lâm thời để chuẩn bị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa (Sukhê Bato được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh quân đội nhân dân, Sôibansan giữ chức phó Tổng tư lệnh), Hội nghị đã vạch rõ mục đích của cuộc khởi nghĩa là: 1. Giải phóng đất nước khỏi bọn quân phiệt Trung Hoa và bọn can thiệp  Bạch vệ Nga; 2. Thành lập chính quyền nhân dân cách mạng có khả năng bảo vệ nền độc lập dân tộc; 3. Kiến lập  quan hệ  hữu nghị với các nước láng giềng, trước hết là với nước Nga Xô viết; 4. Triệu tập Đại hội quốc dân (Khoural)  để khởi thảo và ban hành hiến pháp.

          Những nghị quyết của Đảng nhân dân cách mạng cũng như sự ra đời của Chính phủ nhân dân lâm thời đã thể hiện rõ ràng sự phát triển của phong trào cách mạng Mông Cổ cũng như ảnh hưởng to lớn của Cách mạng tháng Mười. Xu hướng xã hội chủ nghĩa trong phong trào đấu tranh đó phát triển mạnh mẽ và có tác động  tích cực với phong trào cách mạng.

          Với sự giúp đỡ tích cực của Hồng quân Xô viết, quân đội Mông Cổ nhanh chóng giành những thắng lợi to lớn. Chỉ 5 ngày sau khi thành lập chính phủ lâm thời, ngày 18 tháng 3 năm 1921, quân cách mạng đã giành thắng lợi đầu tiên ở thành phố Kiasơta. Từ thắng lợi này, quân đội nhân dân tiếp tục truy kích đuổi bọn tàn quân, quân phiệt Trung Hoa khỏi đất Mông Cổ. Chính phủ lâm thời kêu gọi Bócđô Gêghen đàm phán để tránh tình trạng huynh đệ tương tàn và chĩa mũi nhọn và bọn Bạch vệ Unghéc. Đáp lại đề nghị đó là sự từ chối và việc quân Unghéc tấn công vào Kiasơta, Trôisôcốt và các thành phố khác. Trước tình hình đó, Chính phủ lâm thời đã ra sức tăng cường lực lượng vũ trang, đồng thời kêu gọi Chính phủ Xô viết viện trợ quân sự. Từ đây cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Mông Cổ kết hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu của Hồng quân Xô viết chống lại bọn Bạch vệ Unghéc.

          Sự giúp đỡ của Hồng quân Xô viết đã làm thay đổi hẳn tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, thúc đẩy cách mạng Mông Cổ nhanh chóng đi đến thắng lợi. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 1921, liên quân cách mạng đã cơ bản đánh bại kẻ thù, giải phóng đại bộ phận đất nước Mông Cổ. Đầu tháng 7 năm 1921, Unghéc tấn công vào Trôisôcốt hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng nhưng đã bị Hồng quân Xô viết và quân cách mạng Mông Cổ đánh bại. Tiếp đó, Unghéc đưa tàn quân xâm nhập nước Nga Xô viết và bị Hồng quân Xô viết bắt sống.

          Ngày 10 tháng 7 năm 1921, Chính phủ lâm thời cách mạng Mông Cổ tự giải tán, Chính phủ nhân dân Mông Cổ chính thức thành lập. Việc giải phóng cơ bản đất nước và sự thành lập Chính phủ nhân dân là những thắng lợi to lớn có tác dụng mở đường cho cải cách dân chủ và cho sự thiết lập chế độ cộng hoà trong tương lai. Trong bối cảnh lịch sử cụ thể lúc bấy giờ (tín ngưỡng của nhân dân và sự giác ngộ của nhân dân còn hạn chế, Boócđô Geghen vẫn được mời làm vua Mông Cổ trên danh nghĩa (Nhà vua không được tham dự vào các công việc của nhà nước, chỉ có quyền về tôn giáo).

          3. Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Mông Cổ.

          Phát huy những thắng lợi đã đạt được và với sự giúp đỡ của Hồng quân Xô viết đang ở lại Mông Cổ, quân đội Mông Cổ tiếp tục tiêu diệt bọn Bạch vệ, thổ phỉ, tiến hành thống nhất toàn bộ lãnh thổ Mông Cổ vào cuối năm 1922. Đồng thời, ngày 5 tháng 11 năm 1921, Hiệp ước Xô - Mông được ký kết, theo đó Chính phủ Xô viết xoá bỏ mọi đặc quyền của Sa hoàng đối với Mông Cổ, tiến hành viện trợ tài chính cho Mông Cổ. Việc ký kết hiệp ước này đã có tác dụng lớn trong việc  củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.

          Trong những năm 1922 - 1924, Chính phủ nhân dân Mông Cổ thực hiện các biện pháp nhằm xoá bỏ những tàn tích của chế độ phong kiến như: thủ tiêu mọi nghĩa vụ phong kiến, giải phóng nông dân khỏi ách nông nô, quốc hữu hoá ruộng đất. Chính quyền phong kiến địa phương cũng được xoá bỏ với sự thành lập các cơ quan dân chủ địa phương, được gọi là Khoural nhân dân.

          Tháng 5 năm 1924 Quốc vương Bócđô Gêghen chết. Ngày 13 tháng 6 năm 1924, Chính phủ Mông Cổ ban bố sắc lệnh bãi bỏ chế độ quân chủ và thiết lập chế độ cộng hoà ở Mông Cổ. Tiếp đó, tháng 8 năm 1924, Đại hội lần thứ III của Đảng nhân dân cách mạng Mông Cổ tiến hành. Đại hội đã thông qua đường lối chung của Đảng về sự phát triển của đất nước Mông Cổ trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa với sự giúp đỡ của Nhà nước Xô viết xã hội chủ nghĩa. Tháng 11 năm 1924, Đại hội Khoural, tức Đại hội đại biểu nhân dân lần thứ nhất khai mạc với tư cách là một cơ quan nhà nước có quyền lực cao nhất, thông qua Hiến pháp của nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ, mở đường cho bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

          Dựa vào sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Xô viết, nhân dân Mông Cổ đã tích cực bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước thông qua các chương trình cải cách kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội.Về kinh tế, nhà nước đã tiến hành cải cách chế độ tiền tệ và cho phát hành giấy bạc quốc tệ "tongrich" trong những năm 1924 - 1925, chế độ đo lường được thống nhất toàn quốc, chế độ hàng rào quan thuế giữa các miền trong nước bị bãi bỏ. Năm 1929, chính phủ tiến hành thống kê đất đai, mục trường của địa chủ và ra lệnh tịch thu tài sản của chúng. Hệ thống hợp tác xã và mậu dịch quốc doanh được xây dựng. Trong quá trình hợp tác hoá đã xuất hiện những tư tưởng "tả" khuynh muốn  xây dựng các nông trường tập thể và artels bằng sự cưỡng ép, do vậy đã      xuất hiện  những cuộc phiến loạn vào năm 1932. Tuy nhiên, Hội nghị bất thường của Ban chấp hành trung ương Đảng nhân dân cách mạng Mông Cổ họp vào tháng 6 năm 1932 đã đề ra các biện pháp khắc phục những sai lầm "tả" khuynh.

          Thành tựu lớn nhất về kinh tế mà nhân dân Mông Cổ thu được trong những năm tháng này là đã xây dựng được nền công nghiệp dân tộc. Nhiều nhà máy công nghiệp lớn, nhiều công trình xây dựng quy mô do Liên Xô giúp đỡ đã xuất hiện như: nhà máy kéo sợi Khadkhal (1933), nhà máy liên hợp  Ulan Bato có quy mô lớn nhất (1934), các mỏ than ở Halanxút được xây dựng và trang bị kỹ thuật hiện đại, hệ thống đường sá, dây điện  được thiết lập, xây dựng.

          Về chính trị, Nhà nước cộng hoà đã tiến hành thủ tiêu hoàn toàn quyền chính trị thế tập của bọn vương công ở các cơ (Khoshun), tiến hành dân chủ hoá bộ máy chính quyền ở các địa phương. Năm 1925, Quốc hội (Khoural) thông qua chế độ tư pháp với nguyên tắc của chế độ dân chủ nhân dân. Về đối ngoại, mối quan hệ hữu nghị, thân thiết giữa Mông Cổ và Liên Xô được củng cố vững chắc thông qua Hiệp ước tương trợ giữa hai nước ký kết ngày 12 tháng 3 năm 1936. Chính tình đoàn kết Xô - Mông đã góp phần củng cố vững chắc chế độ chính trị ở Mông Cổ. Các thế lực phản động ở trong nước bị đập tan. Đặc biệt, tháng 5 năm 1939, cuộc tấn công xâm lược  của Nhật Bản ở vùng Khankhin Gôn bị đẩy lùi.

          Về văn hoá - xã hội cũng có những biến đổi lớn lao. Giai cấp địa chủ phong kiến bị xoá bỏ, các hình thức bóc lột bị thủ tiêu, giai cấp công nhân Mông Cổ ra đời và phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, chế độ giáo dục phổ thông được áp dụng.

          Những thay đổi lớn lao từ 1921 đến 1929 đã làm cho Hiến pháp năm 1924 không còn phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội ở Mông Cổ nữa. Nhận thức rõ điều này, trong khoá họp lần thứ VIII của Quốc hội Mông Cổ (tháng 6 năm 1940), dự thảo hiến pháp mới đã được thảo luận và được toàn thể Quốc hội nhất trí  thông qua. Hiến pháp năm 1940 quy định: "Nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ là nước độc lập của những người lao động mục dân, công nhân và phần tử trí thức tự nguyện tiến theo con đường phát triển phi tư bản chủ nghĩa để quá độ sang xã hội chủ nghĩa" (Điều I). "Để đảm bảo cho nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ phát triển theo con đường phi tư bản chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa xã hội, cần phải thực hành việc cải tạo và phát triển kinh tế, văn hoá và sinh họat xã hội của nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ theo kế họach của nhà nước" (Điều IV).

          Với hiến pháp năm 1940, Mông Cổ bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội không qua con đường phát triển tư bản chủ nghĩa.

          Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Mông Cổ đã thi hành chế độ nghĩa vụ tham gia lao động nhằm tăng cường sức sản xuất. Nhờ vậy đến cuối năm 1942 Mông Cổ đã chấm dứt việc nhập khẩu từ nước ngoài các thức ăn của súc vật và muối. Ngành công nghiệp thực phẩm nảy nở và nhanh chóng phát triển. Đồng thời, Chính phủ Mông Cổ đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, đặc biệt là chống phát xít Nhật ở Nội Mông và Mãn Châu.

          Những thắng lợi của nhân dân Mông Cổ trong công cuộc xây dựng đất nước và những cống hiến trong cuộc chiến tranh chống phát xít càng làm cho địa vị quốc tế của nước Cộng hoà nhân dân Mông Cổ  ngày càng được nâng cao, cổ vũ  cho các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập.

Views: 5005 - Like: 1
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Top