Trong hai ngày 28 và 29/10/2014, tại Đại học Kyoto, Nhật Bản đã diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Thách thức với các Bảo tàng đại học châu Á”. Hội thảo do Bảo tàng đại học Kyoto đăng cai tổ chức với sự tài trợ từ dự án SPIRITS của Đại học Kyoto. Hội thảo có sự tham gia của đại biểu đại diện cho các bảo tàng đại học lớn từ 10 nước ở châu Á. Về phía Việt Nam, tham dự hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Giám đốc Bảo tàng Sinh vật, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Juichi YAMAGIWA, Hiệu trưởng Đại học Kyoto đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bảo tàng đại học Kyoto trong việc đào tạo, nghiên cứu và gây ảnh hưởng tới xã hội góp phần nâng cao vị thế của nhà trường . Đại học Kyoto trong nhiều năm luôn được xếp hạng đứng thứ hai ở châu Á. Trường đã có nhiều cá nhân được nhận các giải thưởng danh tiếng của thế giới bao gồm: 10 Nobel Prize, 2 Fields Medal, 1 Gauss Prize. Giáo sư Yamagiwa cho rằng hội thảo là dịp để các nhà khoa học từ nhiều quốc gia mang các ý tưởng đến chia sẻ quan điểm về các hoạt động của bảo tàng đại học và thúc đẩy hợp tác phát triển.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư Terufimi OHNO, Giám đốc Bảo tàng Đại học Kyoto cho rằng từ thực tiễn hoạt động của bảo tàng, chúng tôi mong muốn được hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với bảo tàng các trường đại học lớn ở châu Á để làm sáng tỏ chiến lược phát triển các bộ sưu tập, quản lý, thu thập dựa trên nghiên cứu, giáo dục và vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Trình bày tham luận trong phiên toàn thể tại hội thảo, Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hùng Sơn đã giới thiệu sơ nét về bộ sưu tập động, thực vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Sinh vật trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mặc dù là một bảo tàng trẻ được thành lập từ năm 2001 trên cơ sở phát triển bộ sưu tập mẫu vật của bộ môn Động vật học, Khoa Sinh học nhưng cho đến nay bảo tàng đã sưu tập và lưu giữ được khá nhiều các mẫu đại diện cho sự đa dạng sinh học của Việt Nam. Việt Nam vốn là một điểm nóng về đa dạng sinh học. Trong những năm gần đây rất nhiều loài mới cho khoa học đã được phát hiện ở Việt Nam kể cả các loài chim và thú vốn đã được điều tra khá đầy đủ. Vì vậy, điểm nhấn của bảo tàng chính là việc sưu tập và lưu giữ các mẫu chuẩn chính (holotype) và mẫu chuẩn phụ (paratype). Các mẫu này không chỉ là cơ sở để công bố các bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín mà là cơ sở để tăng cường hoạt động hợp tác, trao đổi nghiên cứu với giới khoa học quốc tế. Bảo tàng Sinh vật trong trường đại học đảm nhận 4 chức năng chính bao gồm: đào tạo, nghiên cứu, giáo dục và văn hóa. Các mẫu vật lưu giữ tại bảo tàng là di sản thiên nhiên của đất nước. Vì vậy, chúng cần được quan tâm đầu tư bảo quản và sử dụng có hiệu quả phục vụ sự phát triển của khoa học nói riêng và xã hội nói chung. Lợi thế của các Bảo tàng đại học là có một đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn giỏi ở các khoa hỗ trợ cho việc sưu tập, định loại và khai thác có hiệu quả các mẫu vật này. Việc hợp tác giữa Bảo tàng đại học các nước trong châu Á sẽ góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập mẫu vật tại mỗi bảo tàng, đồng thời chia sẻ thông tin, kỹ thuật bảo quản, trưng bày, lưu giữ và giúp cộng đồng mỗi nước hiểu biết hơn về tính đa dạng của thiên nhiên, văn hóa các quốc gia châu Á.
Bên lề hội thảo, PGS. Nguyễn Lân Hùng Sơn cũng đã có buổi làm việc với PGS. MOTOKAWA Masaharu, điều phối viên chương trình mạng lưới Bảo tàng đại học châu Á về cơ hội hợp tác trong thời gian tới giữa Đại học Kyoto và trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Những kinh nghiệm qua trao đổi với đại biểu đại diện của 10 nước châu Á tham gia Hội thảo cùng với chuyến thăm quan bộ sưu tập mẫu vật của Bảo tàng đại học Kyoto và Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học quốc gia Tokyo lưu giữ tại thành phố Tsukuba và trưng bày tại Tokyo sẽ gợi mở những ý tưởng và hướng đi cho sự phát triển trong tương lai của Bảo tàng Sinh vật trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Một số hình ảnh giới thiệu các hoạt động của hội thảo quốc tế
Ảnh 1. Giáo sư Juichi YAMAGIWA, hiệu trưởng Đại học Kyoto, Nhật Bản phát biểu khai mạc hội thảo
Ảnh 2. Giáo sư Teruhumi OHNO, Giám đốc Bảo tàng đại học Kyoto phát biểu đề dẫn hội thảo
Ảnh 3. Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hùng Sơn, Giám đốc Bảo tàng Sinh vật trình bày báo cáo tại phiên toàn thể của hội thảo
Ảnh 4. Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Ảnh 5. Hội trường lớn Tháp Đồng hồ của Đại học Kyoto nơi diễn ra hội thảo
Ảnh 6. PGS. MOTOKAWA Masaharu, điều phối viên chương trình mạng lưới Bảo tàng đại học châu Á trao đổi cơ hội hợp tác với PGS. Nguyễn Lân Hùng Sơn tại phòng làm việc.
Ảnh 7. Thăm phòng xử lý và lưu giữ mẫu vật của Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học quốc gia Nhật Bản đặt tại thành phố Tsukuba
Ảnh 8. Thăm phòng trưng bày mẫu vật của Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học quốc gia Nhật Bản tại thủ đô Tokyo
Ảnh 9. Chùa vàng Kinkaku (The Golden Pavilion) một di sản văn hóa của thế giới được công nhận năm 1994 tại thành phố Kyoto, Nhật Bản
Nguồn tin và ảnh: Khoa Sinh học